Xung quanh câu chuyện biển báo trên Cầu Đuống

Thứ Năm, 11/06/2009, 20:20
Cầu Đuống nối Hà Nội với Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn trên tuyến Quốc lộ 1 và Thái Nguyên trên Quốc lộ 3 được xây dựng lại từ năm 1981 với thiết kế ban đầu dành cho xe có tải trọng tối đa 30 tấn. Nhiều năm qua, bên cạnh việc lưu lượng xe tăng mạnh, sự quá tải đối với cây cầu còn gây ra bởi những chiếc xe tải cỡ lớn, xe container ùn ùn qua cầu.

Liên tiếp các sự cố xảy ra trên cầu Đuống khiến người tham gia giao thông, qua lại giữa hai đầu cầu không khỏi lo lắng. Cần thiết lắm một sự phối hợp nhịp nhàng của các lực lượng chức năng để bảo vệ cây cầu.

Về một quy hoạch cho tương lai

Nhìn về tương lai, Hà Nội sẽ có một hệ thống gần 20 cây cầu bắc qua sông Hồng và sông Đuống, người dân tha hồ lựa chọn hành trình của mình. Ngoài những cây cầu đã, đang xây dựng như Chương Dương, Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Thăng Long, Long Biên bắc qua sông Hồng và Phù Đổng, Đông Trù... vượt sông Đuống, cách đây ít lâu, bản "Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Hà Nội" do Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) đã định hướng sẽ có thêm tổng cộng 8 cầu đường bộ mới bắc qua 2 dòng sông này, nâng tổng số cầu bắc qua 2 sông lên thành 18 vào năm 2020.

Hiện tại, nối đôi bờ sông Hồng đoạn qua Hà Nội có 5 cầu đường bộ, kể cả các cầu đã, đang xây dựng như: Thăng Long, Chương Dương, Thanh Trì, Vĩnh Tuy và cầu Long Biên (tương lai sẽ phải cải tạo nâng cấp thành cầu đô thị). Còn trong tương lai gần, bắc qua sông Hồng sẽ còn có thêm 4 cầu mới, đó là cầu Nhật Tân thuộc đường Vành đai II, cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở thuộc vành đai giao thông đối ngoại, và cầu Tứ Liên là cầu đô thị phục vụ du lịch. Tổng chiều dài các cầu đường bộ được xây dựng mới bắc ngang sông Hồng sẽ là khoảng 18km với quy mô mặt cắt ngang 6 - 8 làn xe, trừ cầu Tứ Liên hiện chưa được xác định.

Cùng với đó, trên các trục giao thông khu vực Hà Nội, quy hoạch xác định sẽ có tổng cộng 8 cầu bắc qua sông Đuống. Hiện nay, 3 cầu đang được sử dụng là cầu Đuống, hiện tại dùng cho đường sắt, ôtô đi chung; cầu Phù Đổng trên tuyến Vành đai III trên trục Quốc lộ 1B và cầu Hồ nằm trên Quốc lộ 38. Ngoài ra, còn một cầu đang xây dựng là Đông Trù thuộc dự án đường 5 kéo dài.

4 cầu đường bộ mới được xây dựng ngang qua sông Đuống là: cầu Thạch Cầu, cầu Đuống (mới), cầu Phù Đổng II, và cầu trên vành đai giao thông đối ngoại gần cầu Hồ hiện tại. Các cầu đường bộ vượt sông Đuống được xây dựng mới sẽ có chiều dài xấp xỉ 3,9km, trong đó, chiều dài các cầu đường bộ có quy mô 6 - 8 làn xe là 3km, các cầu đường bộ quy mô 4 làn xe có chiều dài là 0,9km. Theo Bộ Xây dựng, dự kiến sau năm 2020, tức là còn vượt ngoài định hướng của quy hoạch này, tại khu vực Chương Dương có thể sẽ mở thêm điểm vượt sông Hồng bằng đường hầm, đồng thời xây dựng 1 cầu lớn trên vành đai liên kết các đô thị vệ tinh là cầu Vĩnh Thịnh.

Dọc sông Hồng, 30 trục chính giao thông đô thị (12 trục phía bắc và 18 trục chính đô thị phía nam sông Hồng) sẽ được xây dựng, hoàn thiện từ nay đến 2020. Đây là các trục quan trọng tạo thành những luồng hành khách chủ yếu trong đô thị Hà Nội, trong đó tại phía nam sông Hồng sẽ có các trục như: Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - La Thành - Cầu Giấy (trục Đông - Tây); Văn Điển - Giải Phóng - Lê Duẩn (trục Bắc - Nam); Kiến Hưng (vị trí giao đường 70) - Kim Giang - Tôn Thất Tùng - Trung Tự; Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng... Còn phía bắc sông Hồng là các trục chính đô thị như: Cầu Chui - Đông Trù - Vĩnh Ngọc - KCN Bắc Thăng Long; cầu Nhật Tân - Vĩnh Ngọc - Quốc lộ 3 - Nguyên Khê; cầu Tứ Liên - Đông Hội - Dục Tú - Vành đai III; Yên Viên - Ngô Gia Tự - Nguyễn Văn Cừ...

Xử lý sau biển: Thiệt hại thì đã thiệt hại rồi...

Như thế để nói rằng, người Hà Nội và cư dân vùng lân cận cũng như những ai thường xuyên có nhu cầu giao thông qua lại khu vực phía bắc thủ đô hoàn toàn có thể trông đợi vào một viễn cảnh khả quan về sự thông thoáng nơi cửa ngõ phía bắc của thành phố. Nhưng đó mới chỉ là tương lai trong vòng mươi mười lăm năm nữa. Còn hiện tại, Hà Nội vẫn đang phải đương đầu với sự quá tải trầm trọng của hạ tầng giao thông đô thị đang chờ lời giải, mà câu chuyện cầu Đuống những ngày qua là một ví dụ.

Gần 16h, chốt phân luồng đầu phía Bắc Cầu Đuống bỏ không, xe vi phạm tự do qua cầu.

Cùng với lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT), ở đây là các cán bộ, chiến sĩ CSGT Đội 5, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội thường xuyên phải có mặt để đảm bảo giao thông tại nút giao thông huyết mạch này, nếu ai có thời gian, hãy thử đứng ở chân cầu Đuống một buổi để hiểu xem những gì đang diễn ra ở đây.

Ngày 1/6, cầu Đuống đầy nắng. Đây là thời điểm trước giờ lưu lượng xe qua cầu đông nhất một tiếng, và cũng sau giờ vắng xe qua cầu nhất chừng ấy thời gian. Lượng xe cộ qua lại từ phía bờ bắc về hướng Hà Nội có vẻ nhỉnh hơn so với xe đi từ bờ nam sang. Ngay giữa ngã ba đường lên cầu phía bờ bắc là một chiếc ô dựng rất to, dưới ô là một cái ghế nhựa và một khúc rào gắn tấm biển cấm có nội dung hạn chế trọng lượng xe. Biển cấm ghi "10t" và lời dẫn giải bên dưới. Không thấy bóng dáng cán bộ chức năng. Bằng mắt thường có thể thấy không ít các xe quá tải trọng ghi trên biển cấm rùng rùng lên cầu, gần như không gặp chút trở ngại nào. --PageBreak--

Sau vài ba lần chúng tôi lượn đi lượn lại, chụp ảnh chán chê mới thấy một cán bộ mặc đồng phục áo xanh, đầu đội mũ, mặt bịt khẩu trang, vắt vẻo cây gậy chỉ huy giao thông trên tay trái bước ra. Loay hoay với cái ghế một lúc, có vẻ như thấy việc ghi hình của chúng tôi cũng vô hại, người cán bộ ấy lại lững thững bước vào, bỏ mặc chiếc ghế với tấm biển cấm và đoàn xe quá tải lại cứ thế ùn ùn qua cầu Đuống...

Phía bên kia cầu, ngay tại khúc cua đầu đường Ngô Gia Tự là hai cán bộ CSGT, mặt mũi đen thui (cái này quá quen thuộc rồi, vì đối với CSGT không được phép đeo khẩu trang bảo hộ hay kính đen bảo vệ mắt trong khi đang làm nhiệm vụ như một số lực lượng khác "cùng cảnh ngộ" nên chỉ đứng chốt vài ngày là anh nào anh nấy da sạm đen cả) đứng nép vào tán một cây dâu da xoan ven đường. Nói cho đúng ra, lúc ấy chỉ có một người là Đại úy Đinh Trọng Đại, còn Đại úy Hà Hoàng Châu một lúc sau mới thấy ngược lên vì anh vừa phải đuổi theo một chiếc xe vi phạm quá tải qua cầu.

Không có trạm cân, gần như mọi vi phạm về tải trọng xe qua cầu đều được đánh giá bằng mắt thường. Đại úy Hà Hoàng Châu bảo, không ít lần "cân mắt" của các anh bị sai, và đương nhiên là phải xin lỗi tài xế rồi cho qua. Còn Đại úy Đinh Trọng Đại thì chặc lưỡi mà rằng, nhiệm vụ của CSGT đâu phải chỉ có xử lý xe quá tải qua cầu, còn bao nhiêu lỗi khác như lỗi xe môtô hai bánh chở 3, chở 4 người; lỗi không đội mũ bảo hiểm và tất cả các vi phạm có thể gây ra tai nạn giao thông khác được quy định trong luật nữa.

Cầu Đuống lại là địa bàn giáp ranh giữa quận Long Biên và huyện Gia Lâm. Xe từ phía bắc về, qua cầu thì quyền xử phạt thuộc về Đội 5. Xe từ bên này sang, qua cầu sang bên kia bờ bắc lại do CSGT huyện Gia Lâm xử lý. Hơn nữa, đối với xe vi phạm, CSGT chỉ được phép xử lý sau biển, tức là kiểu gì thì xe cũng đã qua cầu rồi. Với cái kiểu phân luồng không triệt để như thế, nếu như vì chiếc xe đó mà cầu Đuống có hỏng thêm một tí, thì sự hỏng ấy cũng đã xảy ra rồi, lái xe mới bị xử lý.

Đi lên cầu không bị cản trở mấy, qua cầu chưa hẳn đã gặp CSGT (ví như đang truy đuổi một phương tiện vi phạm trước đó chẳng hạn), lại thêm quãng đường rút ngắn được hơn chục cây số và không phải qua trạm soát vé là những "hấp dẫn" khó cưỡng đối với những tài xế coi thường pháp luật. Có thể thấy ngay rằng, với cách quản lý như hiện nay, tác dụng răn đe thì có, nhưng hiệu quả bảo vệ cầu Đuống thì chưa đạt. Rõ ràng việc phân luồng phải được làm tốt từ đầu cầu bên kia thì mới thực sự có tác dụng.

Xe container vẫn qua cầu ngang nhiên.

Được một lúc, tài xế chiếc xe biển kiểm soát 16H-2576 vừa bị tuýt còi thất thểu quay lên nhận biên bản phạt... Chúng tôi quay ra phía đường và quan sát. Lưu lượng xe qua cầu gần như liên tục.

Thử làm một phép tính: Cứ 1 phút trung bình có khoảng 40 phương tiện qua cầu. Nếu cứ trong 100 chiếc có 1 xe vi phạm chỉ 1 trong tất cả các lỗi trên, thì một ca trực của CSGT trong 4 tiếng đồng hồ (từ 14h đến 18h) phải xử lý vào khoảng 144 trường hợp vi phạm. Nếu tính đơn giản mỗi trường hợp vi phạm lập biên bản, giải quyết trong vòng 5 phút, thì thời gian cho ngần ấy trường hợp đã rơi vào khoảng... 12 tiếng đồng hồ! Gấp ba thời gian một ca trực. Đấy là chưa kể những trường hợp chống đối hoặc bỏ chạy, CSGT phải tiến hành truy bắt thì còn phức tạp hơn nữa. Thế nên nói CSGT có nhiệm vụ chốt chặn chỉ để tuýt còi xe quá tải qua cầu Đuống xem ra quả là có phần thiếu thực tế!

Cần lắm một sự phối hợp...?

Câu chuyện Cầu Đuống thực ra đã diễn ra từ lâu. Trung tá Nguyễn Hữu Tâm, Đội trưởng Đội 5 CSGT CATP Hà Nội cho biết, lãnh đạo Đội đã có ít nhất 3 lần kiến nghị về sự xuống cấp của cây cầu Đuống trong vòng 2 năm qua, nhưng chẳng có hồi âm. Như một kết cục tất yếu, một loạt các vụ tai nạn, lún sụt liên quan đến cây cầu Đuống liên tiếp xảy ra. Thiệt hại về nhân mạng cũng đã có. Ùn tắc, ách ứ giao thông cũng thường xuyên hơn. Những chiếc biển báo được cắm lên một cách vội vã, rồi lại bị dỡ đi cũng vội vã không kém. Những chiếc biển khác được cắm lên, lại vẫn có cái mâu thuẫn...

Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng từng khẳng định cầu Đuống vẫn đảm bảo an toàn nếu phương tiện lưu thông đúng tải trọng. Bộ trưởng cũng xác định việc quản lý duy tu, bảo dưỡng cầu Đuống là trách nhiệm của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Việc quản lý giao thông do CSGT và Thanh tra Giao thông đảm nhiệm. Còn về tải trọng, phân luồng lại do Cục Đường bộ (Bộ GTVT) quy định.

Trách nhiệm thì rõ ràng là thế, nhưng lại vẫn phải kêu gọi ý thức chấp hành pháp luật của người dân bởi chẳng cơ quan chức năng nào có thể túc trực 24/24 giờ được. Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng nhất về việc ai sẽ chịu trách nhiệm nếu sự cố xấu nhất xảy ra: cầu sập! thì vẫn chưa có câu trả lời.

Nếu chưa biết ai là người phải chịu trách nhiệm khi cầu sập, thì cũng chẳng ai biết mình sẽ phải làm những gì để ngăn cho nó... không sập! Hơn nữa, bao nhiêu năm qua chúng ta đã nói đến vấn đề ý thức của người tham gia giao thông, nói nhiều đến mức điều đó gần như trở thành... mơ hồ mất rồi. Còn việc xử phạt răn đe, sẽ chỉ có tác dụng khi nó là cá biệt. Trong hoàn cảnh mà sự vi phạm có điều kiện trở thành phổ biến thì chính sự răn đe ấy có khi lại trở thành... cá biệt và tác dụng thì chẳng còn là bao.

Ngay đến như lãnh đạo Công ty Quản lý Đường sắt Hà Hải, đơn vị hiện được giao quản lý tuyến đường, trả lời báo chí cũng khẳng định chỉ biết báo cáo về tình trạng cầu và tiến hành một số sửa chữa, duy tu ở mức độ nhất định còn kế hoạch cụ thể thế nào, phải chờ ở cấp quản lý bên trên, thì người qua cầu vào thời điểm này, tốt nhất là "yếu tim đừng qua cầu Đuống"!

Nói cho hết nhẽ thì như thế, nhưng cũng cần tin tưởng rằng, các lực lượng, các ngành chức năng vẫn đang cố gắng hết sức phát huy năng lực của mình để giữ bình yên cho sự tồn tại của cây cầu Đuống. Về phần mình, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Phòng CSGT CATP Hà Nội mong muốn cơ quan quản lý cấp cao nhất của cây cầu có một cuộc khảo sát thật cụ thể chất lượng hiện tại của cầu Đuống cũng như hệ thống hạ tầng hỗ trợ xung quanh cây cầu để tìm ra một phương án tối ưu giảm tải cho cầu. Bắt tay, chung sức cùng nhau giải quyết mới thật là cách đúng nhất để giải quyết câu chuyện Cầu Đuống bây giờ

Việt Anh
.
.