Xung quanh việc Iran phóng thử tên lửa Sajjil-2

Thứ Sáu, 29/05/2009, 15:40
Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tuyên bố (ngày 20/5), Iran vừa phóng thử thành công loại tên lửa tiên tiến mới Sajjil-2. Ngoại trưởng Italia Franco Frattini đã hủy chuyến thăm Iran ngay sau khi biết tin về vụ thử tên lửa kể trên.

Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates là quan chức cấp cao nhất của Mỹ phản ứng về việc này, đồng thời xác nhận, tên lửa đất đối đất Sajjil-2 sử dụng nhiên liệu rắn đã được phóng đi từ Semnan, cách Tehran khoảng 200 km về phía đông và bay xa từ 2.000 đến 2.500 km.

Sajjil-2 là phiên bản mới của tên lửa Sajjil, loại tên lửa mà Iran từng thử thành công hồi cuối năm ngoái, có thể bắn tới Israel, châu Âu và các căn cứ của Mỹ ở Trung Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Iran Mohammed Najjar cho biết, tên lửa Sajjil-2 đủ mạnh để bay qua tầng khí quyển, đi vào vũ trụ, rồi rơi xuống mục tiêu trên trái đất.

Giới chuyên môn nhận định, sự thành công của việc sử dụng nhiên liệu rắn có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển vũ khí bởi nó chính xác hơn loại tên lửa dùng nhiên liệu lỏng, chẳng hạn như tên lửa Shahab-3.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cảnh báo, nếu Iran chế tạo vũ khí hạt nhân, nó sẽ kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang tại Trung Đông. Tuy nhiên, Mỹ vẫn đang nỗ lực đối thoại với Iran bất chấp vụ thử tên lửa kể trên bởi đây là cách tiếp cận được Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ủng hộ trong cuộc hội đàm với Tổng thống Barack Obama.

Tuy nhiên, ông Benjamin Netanyahu cũng nhấn mạnh, công nghệ tên lửa và chương trình hạt nhân của Iran đang đe dọa Nhà nước Do Thái hơn bất kỳ những gì mà họ đang phải đối mặt kể từ năm 1948 đến nay.

Tổng thống Israel Shimon Peres từng cáo buộc chương trình hạt nhân của Iran như là mối đe dọa lớn đối với Mỹ, châu Âu, các nước Arập cũng như Israel

Vụ thử tên lửa Sajjil-2 của Iran diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Ấn Độ tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và 2 ngày sau tuyên bố của Tổng thống Barack Obama - sẵn sàng tìm kiếm thêm lệnh trừng phạt của quốc tế đối với Iran nếu nước này tiếp tục phớt lờ những nỗ lực của Mỹ nhằm mở các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Tehran.

Tên lửa Sajjil-2 rời bệ phóng.

Tổng thống Barack Obama cũng lần đầu tiên ấn định về thời hạn để đạt được tiến triển trong quan hệ với Iran. Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh, Mỹ có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh hơn với Iran nếu từ nay đến cuối năm các nỗ lực ngoại giao không mang lại tiến bộ.

Giới truyền thông cho rằng, vụ phóng tên lửa Sajjil-2 khiến Mỹ càng thêm lo ngại về tham vọng theo đuổi công nghệ hạt nhân và tên lửa của Tehran. Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Michele Flournoy cho rằng, nỗ lực thử tên lửa đạn đạo của Tehran là mối lo ngại lớn đối với Mỹ.

Theo tiết lộ của tờ Washington Times, Mỹ và Israel đang lặng lẽ thành lập một nhóm công tác cấp cao để trao đổi những vấn đề liên quan tới Iran, trong đó có thông tin tình báo về chương trình hạt nhân và tên lửa của Tehran. Việc này được thông qua nhân chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Được biết, Israel vừa nhận được cam kết tiếp tục tài trợ và hợp tác về hệ thống phòng thủ tên lửa 3 thế hệ mới của Mỹ.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề khu vực Cận Đông Jeffrey Feltman cho rằng, những lo ngại về Iran đã trở thành mối quan tâm chính trong khu vực. Ngoại trưởng Hillary Clinton cho biết, Mỹ đang cố gắng thực hiện cách tiếp cận mới với Iran dựa trên tất cả các công cụ của sức mạnh, nhưng Washington luôn ưu tiên các nỗ lực ngoại giao.

Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates khẳng định, Mỹ tiếp tục nghiên cứu biện pháp để thúc đẩy Iran chấm dứt chương trình hạt nhân.

Giới khoa học cho rằng, Iran có thể sản xuất vũ khí hạt nhân trong vòng từ 1 đến 3 năm tới, tùy vào sự cấp thiết của vấn đề.

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế từng cho biết, Iran có hơn 1.000 kg uranium nghèo và nếu được làm giàu sẽ sản xuất được 1 quả bom hạt nhân.

Theo báo cáo mới đây của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, trong 6 tháng tới Iran sẽ có đủ nhiên liệu để sản xuất bom hạt nhân - Iran đang triển khai 4.000 máy ly tâm ở cơ sở hạt nhân Natanz và nó sẽ cho ra đời một lượng uranium đủ chế tạo bom hạt nhân.

Nhiều người tuy không đánh giá cao tên lửa của Iran, nhưng lại coi trọng những hệ quả quân sự và chính trị trong trường hợp nước này chế tạo thành công vũ khí hạt nhân.

Giới chuyên gia cho rằng, với vụ thử tên lửa Sajjil-2, hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ đang muốn bố trí tại Trung Âu sẽ không thể tiêu diệt được tên lửa của Iran. Có người cho rằng, vụ thử tên lửa Sajjil-2 nhằm đáp lại khả năng Mỹ và Israel có thể tấn công cơ sở hạt nhân của Iran.

Theo tờ Jerusalem Post, Iran đã bố trí bệ phóng tên lửa di động tại các khu vực nhạy cảm nhằm đối phó trước khả năng bị Mỹ và Israel tấn công vào các cơ sở hạt nhân của mình.

Vụ thử tên lửa Sajjil-2 diễn ra đúng thời điểm Iran công bố chính thức danh sách 4 ứng cử viên chạy đua vào chiếc ghế tổng thống. Đó là đương kim Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, cựu Thủ tướng Mir Hossein Mousavi, cựu Chủ tịch Quốc hội Mehdi Karroubi và cựu Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Mohsen Rezaei. Dư luận cho rằng, cựu Thủ tướng Mir Hossein Mousavi là thách thức lớn nhất đối với Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad

Nguyễn Thị Lân (tổng hợp)
.
.