Xung quanh vụ nổ súng ở Chattanooga

Thứ Năm, 23/07/2015, 20:10
Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đang phân tích mẩu tin nhắn của hung thủ gửi đến cho một người bạn trước khi ra tay giết người để tìm hiểu động cơ gây án cũng như nhận định xem đối tượng có liên quan đến âm mưu khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay không.

Tin nhắn với nội dung: “Bất cứ ai bộc lộ sự thù hằn với bạn của tôi, tôi sẽ tuyên chiến với hắn” - của hung thủ có đường liên kết đến một văn bản bạo lực của IS. Đồng thời, FBI cũng biệt phái đặc vụ đến Jordan, nơi Mohammod Abdulazeez từng đến vào năm 2014, để tìm hiểu mối quan hệ của đối tượng song cũng không phát hiện bất cứ điều gì khác thường.

Bạn bè của Abdulazeez cho biết, hắn thích đi đến các bãi tập bắn súng, song không có dấu hiệu nào cho thấy hắn đang chuẩn bị một cuộc tấn công bằng súng. Hiện thời, FBI không tìm thấy bằng chứng cho thấy Abdulazeez nằm trong một mạng lưới khủng bố nào đó và có vẻ như hắn chỉ hành động một mình theo kiểu “sói cô đơn”.

Mohammod Abdulazeez.

Tuổi thơ của Mohammod Abdulazeez trôi đi ở vùng ngoại ô Chattanooga, nơi hắn sống bình thường như mọi công dân Mỹ cùng với cha mẹ và 2 đứa em gái. Với bạn bè và láng giềng, Abdulazeez là người lịch sự, sống có phép tắc. Có nguồn tin cho rằng, Abdulazeez sinh ra ở Kuwait nhưng thuộc dòng dõi người Jordan. Cha của Abdulazeez bị điều tra “cách đây vài năm” vì hành vi cung cấp tiền cho một nhóm nghi có liên quan đến khủng bố.

Theo tờ Time, cha của Abdulazeez nằm trong danh sách phần tử khủng bố và từng bị thẩm vấn về hành trình ra nước ngoài cuối cùng ông được gỡ bỏ tên khỏi danh sách. Là công dân Mỹ được nhập tịch, Abdulazeez học tại đại học Tennessee và tốt nghiệp kỹ sư điện tử năm 2012.

Terry Jones, là một trong những người bạn thân thiết nhất của đối tượng, khai với các nhà điều tra: “Ở trường trung học, Abdulazeez là người sống hòa đồng, dễ gần, thông minh, có khiếu hài hước. Abdulazeez là người Hồi giáo rất ngoan đạo, quan sát những người cầu kinh một ngày 5 lần và nhịn ăn trong tháng chay Ramadan của người Hồi giáo. Abdulazeez không uống rượu, hút thuốc hay sử dụng ma túy”.

Không có thông tin gì nhiều về cuộc sống của Abdulazeez sau khi tốt nghiệp đại học cũng như ý nghĩ của hắn dẫn đến vụ nổ súng. Theo một bản lý lịch tóm tắt trên Internet, Abdulazeez vừa mới vào làm việc cho công ty dịch vụ chuyển phát nhanh Global Trade Express của Anh. Tháng 4/2015, Abdulazeez chỉ bị cảnh sát bắt giữ vì tội lái xe quá tốc độ.

Theo điều tra của tổ chức nghiên cứu hoạt động trực tuyến của các nhóm khủng bố SITE Intelligence Group, Abdulazeez có viết một blog vào hồi đầu tháng 7 với nội dung “Cuộc sống này là sự thử thách niềm tin”.

FBI đã thu giữ 4 khẩu súng của Abdulazeez, bao gồm 1 khẩu súng ngắn và 2 khẩu súng trường khi bị cảnh sát bắn chết. Khẩu súng thứ 4 được tìm thấy khi cảnh sát lục soát căn nhà của Abdulazeez. Ít nhất 1 khẩu súng của Abdulazeez được mua qua Internet và 2 khẩu súng khác được mua từ cửa hiệu bán súng được cấp phép.

5 nạn nhân của vụ nổ súng.

Thẩm phán liên bang Bill Killian cho biết vụ nổ súng đang được điều tra theo hướng “hành vi khủng bố nội địa” nhưng ông lưu ý rằng vụ việc chưa được phân loại khủng bố.

Theo đặc vụ FBI Ed Reinhold, Abdulazeez không dính líu đến IS hay bất cứ nhóm khủng bố quốc tế nào và cũng không có tên trong bất cứ cơ sở dữ liệu nào về nghi can khủng bố của chính quyền Mỹ.

Phản ứng sau vụ nổ súng, các thống đốc bang đã tiến hành một số biện pháp tăng cường an ninh tại các cơ sở quân sự và tuyển quân. Thống đốc bang Texas Greg Abbott đã ra lệnh vũ trang cho vệ binh quốc gia tại các cơ sở quân sự xuyên suốt bang. Abbott tuyên bố trong một bài diễn văn: “Vũ trang cho vệ binh tại các căn cứ quân sự không chỉ để răn đe bất cứ ai muốn gây thương tổn cho binh sĩ chúng ta mà còn giúp họ tự vệ”.

Thống đốc bang Oklahoma, bà Mary Fallin cũng cho phép vũ trang số nhân viên quân sự làm việc toàn thời gian tại các căn cứ quân sự trong khắp bang. Thống đốc bang Indiana Mike Pence công bố lệnh tăng cường mọi biện pháp an ninh tại các căn cứ vệ binh quốc gia trên toàn bang.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.