Xung quanh vụ sữa "nghèo" đạm: Cơ quan quản lý còn lúng túng

Thứ Tư, 18/02/2009, 06:55
Sữa có hàm lượng đạm "siêu" thấp so với tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) hoặc tiêu chuẩn tự công bố của doanh nghiệp - trách nhiệm thuộc về ai? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Công Khẩn - Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Thưa ông, việc thanh tra, kiểm tra sữa lần này đặc biệt với hàm lượng đạm có trong sữa có phải xuất phát từ thông tin của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Văn phòng phía Nam) về việc phát hiện sữa kém chất lượng lưu hành trên thị trường?

Ông Nguyễn Công Khẩn (Ông NCK): Không phải như vậy. Mà đợt kiểm tra sữa này là hoạt động định kỳ mang tính "hậu kiểm" và nó vẫn nằm trong đợt kiểm tra từ thời gian xảy ra "bão" melamine trong sữa. Và đợt kiểm tra này đã kéo dài khoảng 4 tháng nay rồi.

PV: Thưa ông, có ý kiến cho rằng: cơ quan hữu trách có ý định "ém" thông tin?

Ông NCK: Về vấn đề này, Bộ Y tế, tại Công văn khẩn trình Chính phủ số 79/BC-BYT đã khẳng định là không có chuyện giấu thông tin về sữa kém chất lượng bán lẻ trên thị trường. Cụ thể, ngày 5/10/2008, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam có công văn gửi Bộ Y tế về kết quả khảo sát chất lượng sữa bột tại TP HCM, nơi tiêu thụ khoảng 80% lượng sữa có mặt trên thị trường vào tháng 9/2008. Từ thông tin có tính chất cảnh báo này - xin nhấn mạnh đây chỉ là thông tin có tính chất cảnh báo để từ đó giúp cho cơ quan quản lý Nhà nước định hướng trong công tác chỉ đạo đối với việc thanh tra, kiểm tra, giám sát - Sở Y tế TP HCM trong đợt "hậu kiểm" định kỳ đã kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm xác minh lại. Sau khi có kết quả kiểm định, Sở Y tế TP HCM đã xử lý công khai các doanh nghiệp có sản phẩm sữa không đạt chất lượng theo đúng điều 30 của Luật Chất lượng hàng hóa: xử phạt hành chính, buộc thu hồi, tiêu hủy hoặc tái xuất toàn bộ sữa...

Còn Viện Y tế Công cộng sau khi có những thông tin về kết quả kiểm nghiệm các loại sữa có hàm lượng đạm thấp cũng đã thông báo đến Sở Y tế các địa phương như là một định hướng theo đúng quy định.

PV: Với những "công khai" như trên, thưa ông vẫn mang tính "nội bộ". Mà công khai "nội bộ" khó cảnh báo được cho người tiêu dùng trong việc sử dụng sữa kém chất lượng. Quan điểm của ông trước vấn đề này như thế nào?

Ông NCK: Chúng tôi có quy định sau khoảng thời gian một tuần, tính từ ngày thanh, kiểm tra đầu tiên, chúng tôi kiểm tra lại lần nữa để xác định loại sản phẩm không đủ tiêu chuẩn lưu hành trên thị trường đã được doanh nghiệp khắc phục chưa, chẳng hạn như thu hồi, tiêu hủy hoặc tái xuất... Nếu trong lần kiểm tra này, sản phẩm sữa kém chất lượng vẫn còn có mặt trên thị trường, khi ấy đồng thời với việc xử lý tiếp tục, chúng tôi mới cho công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong đợt "hậu kiểm" vừa rồi, với những doanh nghiệp có sản phẩm sữa không đủ hàm lượng đạm so với TCVN hoặc thấp hơn so với công bố nói chung họ đã xử lý kịp thời và đúng theo nguyên tắc của cơ quan quản lý Nhà nước.

PV: Ông có thể cho biết, trước khi được lưu hành ra thị trường, sữa được kiểm định như thế nào?

Ông NCK: Theo quy định, một sản phẩm sữa trước khi được phép lưu hành ra thị trường Việt Nam phải qua nhiều bước. Trước tiên, nhà nhập khẩu làm thủ tục công bố tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn này không được thấp TCVN. Sau đó, các cơ quan quản lý kiểm định và xác nhận các tiêu chuẩn đó theo hình thức: lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm nghiệm. Nếu đúng như những gì doanh nghiệp đã công bố và tất nhiên những công bố đó đủ TCVN, cơ quan quản lý sẽ cấp phép. Trong trường hợp không đủ tiêu chuẩn thì không được cấp phép. Số này cũng nhiều, chiếm khoảng 20% số sản phẩm đăng ký lưu hành mỗi năm. Tôi muốn nói thêm, để được cấp phép lưu hành sữa, bên cạnh việc kiểm tra chất lượng và cấp chứng nhận, còn có chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận kinh doanh phù hợp với ngành nghề đăng ký... Đây là quy trình theo tôi không lỏng lẻo.

PV: Thưa ông, vậy tại sao vẫn có sữa "biến hóa" hàm lượng đạm hoặc là thấp hơn so với công bố của doanh nghiệp hoặc thấp hơn TCVN?

Ông NCK: Theo tôi từ các nguyên nhân: sữa có thể quá hạn khiến các chất dinh dưỡng bị phân hủy; nơi bảo quản không đạt hiệu quả. Nơi bảo quản này là các cửa hàng kinh doanh. Tiếp đến quá trình sản xuất,  có thể sơ suất ở một khâu nào đó mà hàm lượng đạm giảm...

PV: Thưa ông, trách nhiệm ấy thuộc về ai?

Ông NCK: Theo tôi trước hết do doanh nghiệp. Vì đúng nguyên tắc, bên cạnh công tác "hậu kiểm" của cơ quan hữu trách, doanh nghiệp cũng phải tự thực hiện công tác này sau đó báo cáo với cơ quan quản lý Nhà nước về kết quả kiểm tra ấy. Nhưng hiện nay, ít doanh nghiệp thực hiện được như vậy. Chính vì vậy mới dẫn đến những sản phẩm có kết quả xét nghiệm đạm "tiền hậu bất nhất" như hiện nay.

Sau trách nhiệm của doanh nghiệp đến trách nhiệm của cơ quan quản lý. Phải nói thật, sau vụ việc "sữa melamine" và tiếp đến sữa thấp đạm này cho thấy công tác quản lý chưa đạt hiệu quả, còn nhiều bất cập khó khăn như: sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý chưa nhịp nhàng, chặt chẽ, công tác tiền kiểm, hậu kiểm có thể chưa đạt mức tối đa... Minh chứng rõ nhất cho việc này, trong đợt thanh tra, kiểm tra sữa vừa rồi 70% là không có nguồn gốc. Có nhiều loại sữa đề địa chỉ "ma" hoặc nhãn hiệu giả...

PV: Thưa ông, sự việc sữa "nghèo" đạm có thể coi là hành động gian lận thương mại không?

Ông NCK: Hiện nay, chúng tôi vẫn đang xem xét, kiểm tra, nguyên nhân hàm lượng đạm thấp hơn TCVN và công bố do đâu. Nếu do cố ý của doanh nghiệp để kiếm lợi nhuận thì có thể coi đó là hành động gian lận thương mại. Còn vì vô tình mà dẫn đến hàm lượng đạm siêu thấp ở sữa thì không thể xem là hành động gian lận thương mại.

PV: Để "cải tổ" tất cả những khó khăn, bất cập... như ông vừa nói, thưa ông, chúng ta phải làm gì?

Ông NCK: Theo tôi, phải xây dựng một chiến lược tổng thể, trong đó công tác quản lý các hộ kinh doanh phải được đề cao. Vì đây chính là những nơi tiêu thụ hàng kém chất lượng dễ nhất. Đồng thời phải có những giải pháp thật mạnh mẽ kiểm soát hàng giả, hàng nhái. Thực hiện khắt khe công tác tiền kiểm và hậu kiểm. Ngoài ra, phải tuyên truyền giáo dục cho người tiêu dùng trong việc tiêu thụ hàng hóa. Và nâng cao vai trò của các hiệp hội nghề nghiệp bằng cách trao cho họ một quyền lực nhất định và quyền lực này phải được thể chế bằng luật pháp. Bởi Hiệp hội nghề nghiệp là cơ quan có thể kiểm tra, giám sát... hữu hiệu nhất từ khâu sản xuất, chế biến... đến khi lưu hành ra thị trường...

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này

Tú Anh (thực hiện)
.
.