ASEAN và Mỹ liên thủ trước Trung Quốc

Thứ Sáu, 19/02/2016, 15:35
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN diễn ra tại bang California, Mỹ, trong hai ngày, 15 và 16-2. Hai trọng tâm được bàn thảo là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và vấn đề an ninh Biển Đông. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Obama đón tiếp các nhà lãnh đạo ASEAN ngay tại đất Mỹ.

Tất cả các cuộc gặp thượng đỉnh giữa Mỹ và ASEAN trước đây đều diễn ra ở Đông Nam Á. Lần gần đây nhất được tổ chức ở Kuala Lumpur vào ngày 21-11-2015. Địa điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh lần này- Trung tâm Sunnylands thuộc bang California - là nơi thường được Tổng thống Mỹ Barack Obama dùng để tổ chức các cuộc gặp gỡ cấp cao ngoài thủ đô Washington D.C. Tại đây, hồi năm 2013 nhà lãnh đạo Mỹ từng đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Theo các nhà quan sát, việc chọn đúng địa điểm Trung tâm Sunnylands cho thấy Mỹ muốn tăng cường quan hệ với các nước ASEAN để làm đối trọng với Bắc Kinh.

Quang cảnh cuộc họp khai mạc Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Mỹ tại Sunnylands, bang California.

Trước khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN khai mạc, ông Ben Rhodes, phụ tá cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ nói với báo chí rằng, cuộc gặp nhằm chứng tỏ quyết tâm thắt chặt quan hệ của Mỹ ở vùng châu Á-Thái Bình Dương, xác định tầm quan trọng của khu vực trong chính sách đối ngoại của Mỹ, đồng thời Washington mong muốn cùng với các nước ASEAN hoạch định chính sách tương lai chung cho những thập niên tới.

Theo một số viên chức Nhà Trắng, ngày đầu tiên sẽ được dành cho những cuộc thảo luận đẩy mạnh quan hệ kinh tế thương mại, bao gồm cả thảo luận về TPP, và ngày thứ nhì sẽ được dành để thảo luận về chính trị và an ninh, bao gồm tình hình Biển Đông, tăng cường hợp tác chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo  tự xưng (IS) và những biện pháp cần làm đối với Triều Tiên.

Về bản Hiệp định TPP, hiện đã có 4 nước ASEAN tham gia hiệp định, gồm: Việt Nam, Singapore, Brunei và Malaysia, đồng thời ít nhất 3 quốc gia khác cũng tỏ ý muốn tham gia là Indonesia, Thái Lan và Philippines. Về điểm này, giới ngoại giao Đông Nam Á cho hay trở ngại không phải đến từ ASEAN mà đến ngay từ phía Mỹ. Lý do là vì đến giờ, Quốc hội Liên bang Mỹ vẫn chưa tỏ ý định sẽ thông qua hiệp định trong năm nay, tức phải đợi tới năm 2017 khi Mỹ có tổng thống mới.

Một trở ngại khác cũng được đưa ra là ngay chính các ứng cử viên Dân chủ và Cộng hòa tranh cử tổng thống đều lên tiếng nói không ủng hộ hiệp định, điển hình là cuối năm 2015, chính đồng minh chính trị của Tổng thống Obama là bà cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rằng, dựa theo những gì được ghi trong hiệp định, bà không thể ủng hộ TPP.

Kể từ khi chính quyền Mỹ bắt đầu chuyển hướng sang châu Á vào năm 2011, Mỹ đã trực tiếp cạnh tranh với Trung Quốc cho quyền lực kinh tế ở Đông Nam Á, theo đó là  ảnh hưởng chính trị cũng như các dàn xếp an ninh. TPP là hiệp định thương mại không có Trung Quốc và được coi là vũ khí của Mỹ nhằm kiềm chế Bắc Kinh về mặt kinh tế.

Stuart Dean, cựu Giám đốc Tập đoàn General Electric, từng có 24 năm làm việc ở Đông Nam Á, giải thích với tờ New York Times: “Có thể có một danh từ khác để diễn tả hơn hay hơn và chính xác hơn mấy chữ “Chiến tranh lạnh” nhưng quả thật là có rất nhiều cạnh tranh kinh tế”.

Bước sang ngày thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo Mỹ và ASEAN thảo luận với nhau về tình hình Biển Đông, về những hành động mang tính bất chấp luật pháp quốc tế mà Trung Quốc đang làm ở khu vực đang có tranh chấp chủ quyền với một số quốc gia ASEAN.

Theo lời ông Ben Rhodes, qua Hội nghị thượng đỉnh với ASEAN, Tổng thống Mỹ sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Trung Quốc, nhấn mạnh ở nhiều điểm, từ tự do hàng hải và hàng không, cho đến lập trường của Mỹ là cuộc tranh chấp phải được giải quyết theo đúng quy định của luật pháp quốc tế, và không chấp nhận thái độ cậy thế là nước lớn để ăn hiếp những nước nhỏ. Cũng ở Hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Obama kêu gọi các nước ASEAN đoàn kết để cùng với Mỹ có tiếng nói chung, làm sao để Bắc Kinh phải tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết vấn đề theo đường hướng thương thuyết, hòa bình, ngưng ngay những hành động gây bất ổn cho an ninh khu vực.

Tổng thống Obama chủ trì cuộc họp thượng đỉnh với 10 nước Đông Nam Á.

Tổng thống Obama cũng nhắc lại rằng Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện những chuyến bay và đưa tàu đi qua những khu vực Trung Quốc tự nhận có chủ quyền, áp dụng đúng quy định quốc tế về tự do hàng hải và hàng không.

Theo các nhà quan sát quốc tế, tất cả các nước ASEAN đều hoan nghênh sự hiện diện của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, nhưng một ASEAN đoàn kết, có cùng tiếng nói như Washington mong muốn là điều khó có thể thực hiện được. Lý do là vì có một số nước xem chuyện tranh chấp chủ quyền Biển Đông là chuyện giữa Bắc Kinh với những quốc gia liên quan, không can dự gì tới ASEAN.

Trích dẫn nhận xét của các nhà phân tích, bản tin mới nhất của Hãng thông tấn Reuters viết rằng, có thể thử thách lớn nhất của Hội nghị thượng đỉnh là được sự đồng thuận của tất cả các nước ASEAN về quan điểm đối với Trung Quốc.

Vẫn theo Reuters, các nhà phân tích nói rằng Bắc Kinh đang gây áp lực để Lào và Campuchia không tán thành quan điểm của Mỹ, cho dù quan điểm này sẽ được một số quốc gia ASEAN ủng hộ, đặc biệt là những nước đang tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc. Chính phủ Phnôm Pênh có nói rằng, chuyện Biển Đông không phải chuyện ASEAN phải giải quyết, nhắc lại chủ trương các nước liên quan nên đàm phán với Bắc Kinh.

Ý kiến giải quyết bằng đàm phán song phương cũng chính là điều Trung Quốc thường xuyên đưa ra để phản đối sự can dự của ASEAN và của cộng đồng quốc tế. Trong khi đó Mỹ và những quốc gia đang tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc luôn muốn vấn đề được giải quyết theo đúng luật pháp quốc tế.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN diễn ra vào đúng năm cuối cùng Tổng thống Obama ngồi ở Nhà Trắng, vì thế một viên chức ngoại giao Đông Nam Á nói rằng, hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ mang ý nghĩa biểu tượng, và không có gì ngạc nhiên nếu các nhà lãnh đạo ASEAN tỏ thái độ rất chừng mực, vì họ đang chờ đợi xem ai sẽ được cử tri Mỹ chọn làm tân tổng thống, cũng như chờ đợi xem đồng nhiệm với họ ở ASEAN là những ai.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.