Afghanistan: Ngày càng viển vông giấc mơ hòa bình

Thứ Sáu, 21/08/2015, 15:00
Gần 1.600 - là con số dân thường thiệt mạng và 3.400 - là số người bị thương trong các cuộc xung đột diễn ra tại Afghanistan kể từ đầu năm 2015.

Con số thiệt hại kỷ lục về người kể từ khi quân đội NATO chấm dứt sứ mệnh tại quốc gia Nam Á này cuối năm 2014, đặc biệt sau thông tin thủ lĩnh Taliban đã chết cách đây 2 năm đươc tiết lộ, cho thấy tình trạng bất ổn, không những chẳng thuyên giảm mà còn  đang lan rộng trở lại trên toàn lãnh thổ Afghanistan, thậm chí ở cả các vùng bắc và đông Bắc vốn trước đây tương đối yên tĩnh.

Ngày 7/8 trở thành ngày "chết chóc" thảm khốc nhất trong lịch sử của thủ đô Kabul khi xảy ra liên tiếp 3 vụ tấn công đẫm máu. Loạt tấn công được mở màn bằng việc một xe tải chứa bom phát nổ trong khu đông dân cư ở Kabul ngay từ sớm ngày 7/8 làm 15 dân thường thiệt mạng và 240 người bị thương. Chỉ vài giờ sau đó, một kẻ đánh bom liều chết hóa trang thành cảnh sát đã kích nổ ngay tại lối vào Học viện Cảnh sát Kabul khiến 27 học viên cùng dân thường thiệt mạng.

Khủng khiếp hơn cả là vụ nổ xảy ra tại một căn cứ quân sự được Mỹ và đồng minh sử dụng để huấn luyện lực lượng Afghanistan  khiến một nhân viên an ninh Mỹ và 27 học viên tử vong tại chỗ,  26 người bị thương nặng.

Loạt tấn công xảy ra ngay sau khi Taliban tuyên bố thủ lĩnh sáng lập của tổ chức vừa mới qua đời, để lại ghế lãnh đạo cho Mohammad Mansour - một kẻ khủng bố khát máu và liều lĩnh hơn nhiều so với người tiền nhiệm. Sau khi lên nắm quyền, Mohammad Mansour tuyên bố chấm dứt mọi tiến trình hòa bình với Chính phủ Afghanistan, đồng thời đưa ra lời thề sẽ trả thù lực lượng của Mỹ cùng đồng minh tại đây.

Không chỉ có thế, những cuộc tấn công mới nhất tại Kabul còn thể hiện thông điệp cứng rắn với lực lượng quân sự cũng như Chính phủ Afghanistan. Giới phân tích cho rằng cuộc xung đột giữa chính quyền Afghanistan được phương Tây hậu thuẫn và Taliban trên thực tế trở nên ác liệt từ sau khi sứ mệnh chiến đấu của NATO kết thúc cuối năm ngoái.

Afghanistan đang lún sâu vào một chu trình bạo lực mới có nguy cơ gây tổn hại đến các cuộc thương lượng hòa bình vừa mới bắt đầu giữa lực lượng Taliban và chính quyền trung ương ở Kabul. Sau các cuộc thương lượng hòa bình với những hy vọng mong manh hé mở, đất nước Afghanistan lại tiếp tục bị nhấn chìm vào một làn sóng bạo lực đẫm máu.

Không chỉ tiến hành các vụ khủng bố ở thủ đô Kabul, lực lượng Taliban còn tiến hành đồng thời nhiều hoạt động khủng bố ở các địa phương trên cả nước, với các mục tiêu khác nhau, kể cả các căn cứ quân sự của Mỹ, và Học viện Cảnh sát quốc gia...

Nhóm Taliban vẫn không ngừng phát triển.

Làn sóng các vụ khủng bố mới này là một chiến thuật được thủ lĩnh mới của Taliban sử dụng để chứng tỏ rằng họ vẫn hoạt động bình thường. Đây cũng được xem như chiến lược "diễu võ giương oai" khi Taliban muốn chứng tỏ sức mạnh và khả năng có thể tấn công trở lại vào các lợi ích của Mỹ cũng như bộ máy an ninh ở trung tâm thủ đô Kabul.

Theo các nhà phân tích, thời gian gần đây, lực lượng Taliban đã từ bỏ chiến thuật chiến tranh du kích từng được sử dụng khi quân đội NATO còn đồn trú ở đây. Thay vào đó, lực lượng này đã mở các cuộc tấn công trực diện, kiểu "giáp lá cà" nhằm vào quân chính phủ và các lợi ích của chính quyền. Hơn nữa, quân Taliban cũng đã táo tợn, liều lĩnh hơn rất nhiều.

Câu hỏi đang được đặt ra ở Afghanistan là: Tại sao quân Taliban - đang rất hăng hái thương lượng hòa bình với chính quyền - lại bất ngờ thay đổi, tiến hành hàng loạt vụ khủng bố đẫm máu như vậy?

Các chuyên gia cho rằng thực trạng này chỉ có thể được giải thích bằng sự chia rẽ trong hàng ngũ chóp bu của Taliban. Trên thực tế, những bất đồng giữa quân Taliban đã được dự báo sau cái chết của Omar, cũng như việc bổ nhiệm Mansour - vốn bị coi là "người của Pakistan".

Một số chỉ huy Taliban còn buộc tội tân thủ lĩnh Mansour đã cố tình giấu giếm tình trạng sức khỏe của Omar trong 2 năm qua (họ cho là đã chết từ năm 2013), và họ muốn bổ nhiệm con trai cả của ông này là Yacoub, 26 tuổi, làm người kế vị chứ không phải là Mansour.

Ngoài ra, một bộ phận lớn Taliban đã phản đối các cuộc thương lượng hòa bình hiện nay với chính quyền trung ương, và thề sẽ tái sử dụng biện pháp quân sự - được coi là khả dĩ nhất để giành lại chính quyền.

Câu hỏi khác đặt ra là liệu lực lượng phương Tây, mà đứng đầu là Mỹ có thể tiếp tục hỗ trợ quốc gia này trong bao lâu, khi mà sức mạnh của Taliban vẫn không có dấu hiệu suy giảm. Các nhà phân tích cho rằng trái với hy vọng của một số người rằng cái chết của cựu Thủ lĩnh Mullah Omar sẽ đặt Taliban trong tình trạng chia rẽ và suy yếu, nhưng thực tế có rất ít tín hiệu lạc quan về điều này bởi phe bất đồng với sự lãnh đạo của tân thủ lĩnh Mansour cũng cố gắng tìm mọi cách phá rối các cuộc đàm phán hòa bình bằng cách tạo ra một làn sóng bạo lực mới.

Trong bối cảnh bạo lực tràn lan như hiện nay cũng như sự bất đồng, chống đối từ nội bộ Taliban đối với giải pháp hòa bình, thật khó hình dung lực lượng này sẽ sớm trở lại bàn thương lượng. Như vậy, giấc mơ hòa bình ở quốc gia này một lần nữa xem như lại "ngủ quên" và chưa biết đến bao giờ người ta mới "đánh thức" được nó?

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.