Ai đã sát hại cựu Phó Thủ tướng Nga?

Thứ Năm, 12/03/2015, 17:40
Cuộc điều tra truy lùng hung thủ vụ ám sát cựu Phó Thủ tướng Nga Boris Nemtsov đã có những bước tiến quan trọng. Đã có tổng cộng 5 nghi can bị bắt trong vụ ám sát ông Nemtsov. Nghi can thứ 6 đã tự sát và một trong số các nghi can đã thú tội. Bọn chúng là các phần tử khủng bố Chechnya. Câu hỏi đặt ra là lực lượng này nhận lệnh của ai và động cơ nào để thực hiện vụ ám sát ông Nemtsov?

Như Truyền hình Nga liên tục đưa tin trong mấy ngày qua: Nghi phạm có tên Beslan Shavanov, 30 tuổi, trong vụ ám sát cựu Phó thủ tướng Nemtsov, đã cố thủ trong một tòa nhà tại Grozny, thủ phủ Cộng hòa Chechnya, khi cảnh sát ập đến bao vây tòa nhà này. Shavanov đã cố trốn thoát và ném lựu đạn vào cảnh sát trước khi kích nổ bom tự sát.

Vào ngày 9/3, một thẩm phán Nga nói rằng, một cựu chỉ huy cảnh sát Chechnya đã thú nhận có dính líu trong vụ giết hại lãnh đạo đối lập Boris Nemtsov, trong khi giới hữu trách tiếp tục điều tra thêm 4 nghi can khác. Hãng tin Interfax dẫn một nguồn tin giấu tên tiết lộ: Cảnh sát Nga lần ra 2 nghi can chính trong vụ ám sát ông Boris Nemtsov thông qua các cuộc gọi điện thoại di động xung quanh khu vực xảy ra vụ ám sát và từ ADN thu thập được trên chiếc xe nghi là phương tiện mà hung thủ đã dùng.

Cả 5 nghi can đều bị đưa ra trước một tòa án ở Moscow hôm 8/3 và bị giam giữ để giới hữu trách thẩm tra về vụ sát hại ông Nemtsov ngày 27/2.

Thẩm phán Nataliya Mushnikova cho biết, một trong những nghi can bị truy tố trong vụ án này - cựu Phó cảnh sát Chechnya, Zaur Dadayev - đã ký vào giấy tự thú, mặc dù không có chi tiết nào được hé lộ về vai trò của nghi can này. Thẩm phán Mushnikova cũng cho hay, nghi can thứ hai bị truy tố tên là Anzor Gubashev phủ nhận mọi dính líu trong vụ ám sát.

Ngoài 2 nghi can Dadayev và Gubashev, giới hữu trách Nga còn xác định 3 nghi can khác, gồm Shagid - là em trai của Gubashev, Ramsat Bakhayev và Tamerlan Eskerkhanov.

Các nghi can: Tamerlan Eskerkhanov, Shagid Gubashev và Ramzan Bakhayev trong vụ sát hại cựu Phó Thủ tướng Nemtsov.

Theo lời khai của Zaur Dadayev, y thú nhận tham gia vụ ám sát cựu Phó thủ tướng Nga Boris Nemtsov để trả thù cho "những bình luận không hay về người Hồi giáo và đạo Hồi" của ông Nemtsov. Vào tháng 1/2015, nghi phạm được cho là đã biết chuyện ông Nemtsov hơn một lần bình luận không hay về người Hồi giáo sống tại Nga, cũng như về nhà tiên tri Mohammed và đạo Hồi. Sau vụ tấn công vào tòa báo Pháp Charlie Hebdo ở Paris, chính trị gia đối lập Nga đã viết trên blog rằng thế giới đang chứng kiến một "tòa án dị giáo đạo Hồi thời Trung cổ". Ông Nemtsov cũng viết rằng, lãnh đạo Chechnya, Ramzan Kadyrov, "khiến mọi người phát ốm với những lời đe dọa của ông ấy" và "nên bị tống giam".

Hàng trăm nghìn người tại Grozny, Chechnya khi đó đã tham gia một cuộc tuần hành nhằm phản đối với việc đăng tải tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed của tạp chí châm biếm Charlie Hebdo sau các vụ tấn công khủng bố tại Paris.

Cả 5 nghi can trong vụ án này đều từ vùng Bắc Kavkaz bất ổn, nơi Nga đã từng có 2 cuộc chiến tranh khốc liệt trong vòng 20 năm qua với các phần tử đòi ly khai ở Chechnya có liên kết với những phần tử Hồi giáo cực đoan. Các lực lượng an ninh hiện vẫn tiếp tục giao tranh với các phần tử nổi dậy.

Theo Interfax, cơ quan chức năng Nga cho biết, Dadayev đã phục vụ gần 10 năm trong Tiểu đoàn Phương Bắc thuộc Bộ Nội vụ Chechnya, còn Anzor Gubashev làm bảo vệ tại một siêu thị ở  Moscow. Tư lệnh Tiểu đoàn Phương Bắc là đại tá Alimbek Delimkhanov, em trai của đại biểu Duma quốc gia Nga Adam Delimkhanov.

Báo Kommersant của Nga số ra ngày 8/3 dẫn nguồn tin riêng nói rằng những kẻ đặt hàng vụ sát hại chính khách Nemtsov có thể đang ở nước ngoài. Nguồn tin trên nhấn mạnh: “Dấu vết tội phạm có thể dẫn dắt ra bên ngoài biên giới Nga. Giả thuyết này đang được tích cực xem xét”.

Zaur Dadayev, nghi phạm bị truy tố tội ám sát cựu Phó Thủ tướng Nga Boris Nemtsov ngày 8/3.

Nhà báo - chuyên gia luật pháp quốc tế Mike Whitney cho rằng, quyết tâm mạnh mẽ trong việc theo đuổi chính sách ngoại giao độc lập của Nga được xem như là một “tội ác không thể tha thứ” đối với nước Mỹ và đặt ra nhiều thử thách đối với siêu cường Mỹ. Theo Whitney, cái chết của đại diện phe đối lập Boris Nemtsov là một phần của âm mưu thay đổi chế độ cầm quyền, nhằm gây bất ổn trong xã hội và làm chính phủ mất ổn định, điều này “giống như kịch bản của Mỹ”. Whitney dẫn chứng rằng, Washington cũng đã từng có hành động tương tự để gây sức ép lên Venezuela, Cuba, Iran, Syria và nhiều nước khác.

Các nhà điều tra Nga đang tập trung theo hướng thủ phạm muốn gây bất ổn chính trị ở Nga. Để phát hiện kẻ phạm tội cần phải xác định ông Nemtsov bị sát hại theo đơn đặt hàng của ai? Và để biết ai đứng đằng sau hợp đồng ám sát nên chú ý đến bối cảnh chính trị.

Cụ thể, vào ngày 28/2, lực lượng dân quân của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk đã chuyển hết các vũ khí hạng nặng ra khỏi vùng chiến tuyến. Tức là, bây giờ đến lượt quân đội Ukraine cũng phải rút hết vũ khí hạng nặng khỏi khu vực này. Tuy nhiên, Kiev coi việc rút hết vũ khí hạng nặng như là sự thừa nhận thất bại trong cuộc chiến chống lực lượng Donbass. Nếu Kiev công khai thừa nhận sự thất bại thì sẽ mất quyền lực.

Câu hỏi được đặt ra là: chính quyền Kiev sẽ làm gì khi phải đối mặt với sự lựa chọn - chấp nhận sự thất bại hoặc tổ chức một hành động khiêu khích mới? Nhiều khả năng, Kiev sẽ chọn lựa phương án thứ hai và sẽ làm bất cứ điều gì để có "cơ sở" phá hoại quá trình thực hiện các thỏa thuận Minsk. Sau khi bị thất bại trong khu vực Debaltsevo, Kiev áp dụng chiến thuật hoàn toàn mới để duy trì quyền lực.

Một ngày sau khi ký vào các thỏa thuận Minsk, Hội đồng An ninh Ukraine đã thông qua quyết định áp dụng "các biện pháp khẩn cấp để đối phó với mối nguy cơ xuất phát từ Nga", quy định áp dụng các biện pháp cứng rắn nhất chống lại các nhà báo và những người đối kháng trên toàn bộ lãnh thổ Ukraine.

Ông Nemtsov bị bắn 4 phát vào lưng từ một chiếc xe màu trắng chạy ngang qua khi ông đang đi bộ trên một cây cầu bên cạnh Điện Kremlin.

Một tuần sau đó, vụ "tấn công khủng bố" đã được sắp xếp ở Kharkov, ngay lập tức Kiev đã bắt giữ những nghi phạm, mà nhiều người dân địa phương cho rằng, thủ phạm đã được chọn lựa từ trước. Điều này thật đáng suy nghĩ khi trong thời gian hơn một năm, chính quyền Kiev vẫn không phát hiện được một kẻ tổ chức giết người trên quảng trường Maidan.

Thứ nữa, các lực lượng đặc biệt của chính quyền Kiev bắt đầu chuyển hoạt động “tiễu trừ khủng bố” sang lãnh thổ đối phương. Cụ thể trong thời gian qua, Kiev cũng đã phái nhiều toán thám báo tung vào hậu phương Lugansk và Donetsk để tiến hành các vụ tấn công. Xét rộng ra, theo quan điểm của Ban lãnh đạo Ukraine, Nga là kẻ thù chính.

Như vậy, cần phải kích động quần chúng giận dữ, để nhiều người xuống đường tham gia biểu tình phản đối, để có những đụng độ với nhân viên cơ quan công lực và để phải có những người chết.

Mới đây, Tổng thống Nga Putin gọi vụ ám sát là một "hành động gây hấn" và thề rằng Chính phủ Nga sẽ làm mọi thứ để chắc chắn rằng kẻ gây ra vụ này sẽ bị "trừng phạt thích đáng".

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.