AIIB – Tác nhân khiến nước Mỹ “thua hiệp một”

Thứ Tư, 22/04/2015, 15:10
Như Chuyên đề ANTG đã có bài phân tích việc Mỹ bị coi là thua Trung Quốc trong một cuộc đấu kinh tế, với tác nhân chính là sự kiện Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng cơ sở châu Á (AIIB) được thành lập. AIIB ra đời với mục tiêu giảm bớt phụ thuộc tài chính vào Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong các dự án đầu tư phát triển hạ tầng. Mỹ là nước đầu tiên phản đối việc này. Tại sao?

Quyền lực của người nắm giữ cổ phần chính

Ngày 24/10/2014, tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), 21 quốc gia châu Á, đã ký Bản ghi nhớ (MoU) về việc thành lập Ngân hàng AIIB theo đề xuất của Trung Quốc, với vốn pháp định là 100 tỉ USD, trong đó vốn đăng ký ban đầu là 50 tỉ USD và theo kế hoạch sẽ được thành lập vào cuối năm 2015. Mặc dù chi tiết về cách quản trị AIIB vẫn chưa được công bố nhưng Washington đã cảm thấy “bất an”.

Thoạt nhìn, sự phản đối của Mỹ đối với AIIB có vẻ như xuất phát từ một ham muốn ích kỷ để bảo vệ ADB. Tuy nhiên, những quan ngại của Mỹ không phải là không có cơ sở. Trong số vốn pháp định của AIIB, Trung Quốc đóng góp 40%, Ấn Độ 10%, các nước châu Á khác 25% và 25% còn lại sẽ do các nước châu Âu đóng góp. Việc Trung Quốc nắm giữ cổ phần lớn như vậy sẽ là bất thường đối với một định chế đa phương nếu biết rằng, phần vốn của Mỹ tại WB chỉ là 16,1% và tại ADB chỉ là 15,6%.

Theo mạng tin World Affairs, có hai lý do gây quan ngại đặc biệt cho Mỹ. Thứ nhất là việc Bắc Kinh muốn giành quyền kiểm soát các quỹ tập thể để thực hiện các khoản cho vay mà về bản chất không mang tính chất thương mại. Bên cạnh đó, cũng có nghi ngại rằng, AIIB sẽ hậu thuẫn cho các dự án do kỹ sư và công nhân Trung Quốc xây dựng, cùng các hệ thống hạ tầng mới sẽ được sử dụng để tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc mà nền kinh tế của nước này không thể hấp thụ.

Thứ hai là mối lo ngại AIIB có thể trở thành "một công cụ trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc nếu Bắc Kinh xoay xở để có quyền phủ quyết đối với các quyết định của AIIB".

Ngoài ra, theo tờ Wall Street Journal và tờ The Straits Times, nỗi lo của Mỹ không phải vô căn cứ bởi các chương trình cho vay song phương của Bắc Kinh ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh đều ít nhiều liên quan đến những dự án gây tranh cãi, trong đó doanh nghiệp Trung Quốc bị cáo buộc vơ vét tài nguyên hoặc ồ ạt đưa người lao động của mình đến bản xứ.

Hơn nữa, những khoản đầu tư và hỗ trợ của Trung Quốc thường gắn liền với điều khoản sử dụng các công ty xây dựng, công nghệ, nguyên vật liệu và công nhân của nước này. Chuyên gia về quan hệ quốc tế của Trường Đại học Boston (Mỹ), Tiến sĩ Kevin Gallagher còn chỉ ra việc một số ngân hàng Trung Quốc thường chỉ áp dụng tiêu chuẩn và quy định địa phương khi đánh giá tác động môi trường của các dự án mà họ sắp tài trợ tại những nước đang phát triển. Sâu xa hơn, theo giới phân tích, Mỹ lo AIIB tiếp sức cho Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tại châu Á, đe dọa chiến lược xoay trục.

Giới ngoại giao phương Tây cho rằng, Trung Quốc và Mỹ đã chơi trò "mèo vờn chuột" suốt mấy tháng qua. Trung Quốc cố gắng thuyết phục các nước châu Âu tham gia AIIB, trong khi Mỹ gia tăng sức ép, buộc họ phải quay lưng lại. Mỹ nói rằng họ không muốn ủng hộ bất cứ sáng kiến nào mà họ cho là không có lợi cho "tiêu chuẩn về nhân quyền, môi trường...". Và như vậy, AIIB sẽ là tác nhân cho những động thái mới trong cuộc chiến cạnh tranh ảnh hưởng cũng như lợi ích giữa Mỹ và Trung Quốc, không chỉ ở châu Á - Thái Bình Dương mà còn trên toàn cầu.

Lãnh đạo các nước tại lễ ra mắt AIIB ở Bắc Kinh ngày 24/10/2014. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Coi rẻ đồng minh vì lợi ích kinh tế?

Phớt lờ điệp khúc "hãy tránh xa AIIB" của Mỹ, ngày càng nhiều đồng minh châu Âu của Washington gia nhập định chế tài chính quốc tế (IFI) mới này. Anh là nền kinh tế phương Tây đầu tiên làm việc này. Tại sao London lại quay lưng với đồng minh truyền thống của mình trong thương vụ này?

Những cái đầu lạnh ở London sau khi cân nhắc các lợi ích tài chính lâu dài đã quyết định đi bước đi thực dụng, lựa chọn tân siêu cường kinh tế Trung Quốc tại cựu Lục địa. Nói cách khác, Anh tạm thời bỏ qua Mỹ trong những toan tính tài chính để hướng tới các đối tác mới tiềm năng, trở thành nền kinh tế phương Tây lớn đầu tiên đề nghị trở thành nước thành viên tương lai của AIIB.

Thật vậy, London biện minh rằng quyết định trên là "một cơ hội không gì bằng để nước Anh và châu Á cùng nhau đầu tư và khai thông tăng trưởng". Điều này cũng "đem lại cho các tập đoàn của Anh cơ hội tốt nhất để làm việc và đầu tư trên những thị trường năng động nhất trên thế giới".

Sẽ là một nhiệm vụ lắt léo nếu muốn làm vừa lòng cả Trung Quốc và Mỹ. Washington rõ ràng là không vui, còn Bắc Kinh thì rất hoan hỉ với lá đơn của Anh. Sự lắt léo sẽ đồng hành với những lợi ích kinh tế trong khi uy tín chính trị không bị ảnh hưởng nhiều. Tiếp sau Anh, Đức, Pháp và Italia cũng đã tuyên bố "vượt rào".

Rõ ràng, sức hút của AIIB đến từ thị trường lẫn núi tiền khổng lồ của Trung Quốc. Từ chối AIIB, các nước châu Âu có nguy cơ bỏ qua một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng địa - chính trị mạnh nhất thế giới. Hơn nữa, châu Âu thấy không có gì phải hy sinh lợi ích kinh tế để hỗ trợ những mục tiêu chiến lược của Mỹ trong khi Washington không có khả năng hoặc không muốn "đền đáp".

Việc các đồng minh chí cốt lâu đời của Mỹ tại châu Âu gia nhập AIIB là một đòn đau cho Mỹ trên bàn ngoại giao. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew thừa nhận: "Uy tín và tầm ảnh hưởng của chúng tôi trên trường quốc tế đang bị đe dọa. Không phải bỗng dưng các nền kinh tế mới nổi đi tìm cơ hội đầu tư ở nơi khác. Họ đang thất vọng vì sự trì trệ của Mỹ trong việc cải cách IMF". Ngoài ra, việc Anh, Pháp, Đức, Italia rời bỏ Mỹ để bắt tay với Bắc Kinh và Moskva cũng chỉ vì nền chính trị vụ lợi kinh tế đang vô cùng phổ biến trên toàn cầu hôm nay.

Sự lựa chọn nào cho Mỹ?

Tờ New York Times dẫn lời ông Paul Haenle, Giám đốc Trung tâm Carnegie-Tsinghua nhận định: "Giữ thế đối lập là một sai lầm lớn". Theo ông, thay vì tẩy chay, Mỹ nên "khôn ngoan hơn" bằng cách giữ vai trò nào đó trong AIIB để tác động vào quá trình hình thành cũng như hoạt động của nó. Bên cạnh đó, Mỹ cũng có thể tiếp tục gây áp lực cho các đồng minh của mình không gia nhập AIIB cho đến khi cơ cấu tổ chức của ngân hàng này rõ ràng và đảm bảo hoặc từ bỏ hẳn vấn đề này.

Rõ ràng, tham gia AIIB là một ý tưởng không hề tồi. Khi đó, Mỹ sẽ có một vị trí trong tổ chức này, nơi mà sự góp mặt của nước này có thể đem đến những động thái tích cực cho cơ chế vận hành. Ngoài ra, việc Mỹ trở thành thành viên AIIB sẽ tạo điều kiện cho các công ty Mỹ được tiếp cận một cách công bằng các cơ hội đấu thầu phát sinh từ phần đầu tư tài chính của ngân hàng này.

Dường như Washington đã nhận thấy được điều này, nên theo Tờ The Wall Street Journal, chính quyền Tổng thống Obama đang đề xuất AIIB cộng tác với các tổ chức tài chính phương Tây, như WB. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phụ trách các vấn đề quốc tế Nathan Sheets, việc hợp tác với WB hoặc ADB sẽ hướng AIIB vào vai trò bổ sung thay vì cạnh tranh với tổ chức này.

Trong khi đó, lãnh đạo IMF và ADB khẳng định sẵn sàng cùng AIIB và các bên đang thảo luận về vấn đề này. Như vậy Mỹ đã chuyển sang tìm cách tác động để AIIB chỉ tập trung phục vụ mục tiêu kinh tế của các nền kinh tế hàng đầu thế giới và tránh trở thành "công cụ ngoại giao" của Trung Quốc.

Theo giới phân tích, sự can dự gián tiếp này sẽ giúp Washington giải quyết một mục tiêu dài hạn khác: Bảo đảm các tiêu chuẩn của AIIB được thiết kế để ngăn chặn nợ xấu gia tăng, giảm thiểu rủi ro môi trường. Một lợi ích khác là công ty Mỹ có thể tham gia đấu thầu các dự án được AIIB tài trợ.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.