Chiến lược chống IS: Đánh rắn không trúng đầu

Thứ Tư, 17/06/2015, 15:35

Một sơ đồ nhòe nhoẹt với một liên quân hỗn tạp

Tại Hội nghị G-7, các nhà lãnh đạo các cường quốc tiếp tục thảo luận chiến lược đánh bại IS, nhưng những gì thế giới có thể đón nhận được từ hội nghị này chỉ là những phát biểu “ỡm ờ” và một sự không chắc chắn trong chiến lược chống lại một lực lượng khủng bố được xem là nguy hiểm nhất hiện nay. Dư luận trong một năm qua vẫn luôn chỉ trích Mỹ và liên minh chống IS đã không thực hiện được điều cần thiết nhất là vạch ra một chiến lược hoàn chỉnh để đánh bại IS.

Thực tế có vẻ đã chứng minh đúng như vậy. Dư luận thế giới vẫn chưa quên tình huống tranh cãi giữa Iraq và Mỹ sau chiến dịch thu hồi thành phố Tikrit hồi cuối tháng 3 đầu tháng 4/2015, trong đó lực lượng chủ đạo là quân đội Iraq với sự hỗ trợ của các lực lượng Hồi giáo Shiite do Iran hậu thuẫn cùng sự phối hợp chỉ huy chiến đấu của một số cố vấn người Iran. Trong chiến dịch đó, Iraq đã giành thắng lợi mà không cần đến sự hỗ trợ nào của Không quân Mỹ. Và đó là trường hợp đầu tiên hé lộ sự hợp tác không trọn vẹn của Mỹ dành cho Iraq.

Phát biểu hôm 8-6, Tổng thống Obama bóng gió ám chỉ nguyên do cho đến hôm nay nước Mỹ vẫn chưa có một chiến lược hoàn chỉnh để đánh bại IS. Ngầm ý của ông Obama được giới báo chí diễn giải rằng nước Mỹ đang tạm dừng các cam kết đối với Iraq để gây sức ép đòi Chính phủ Iraq thực hiện những bước đi chính trị mà Nhà Trắng cho là cần thiết để xây dựng một chiến lược chống IS thành công.

Ông Obama giải thích thêm rằng, “chiến lược thành công” đòi hỏi phải có những cam kết từ phía Iraq. Trong cuộc nói chuyện riêng với Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi – được mời dự hội nghị - ông Obama cũng đặt yêu cầu Iraq phải từng bước xây dựng một chính phủ bao gồm nhiều thành phần sắc tộc và tôn giáo có thể phục vụ tốt cho cả người Hồi giáo Sunni, Shiite và người Kurd, làm cho mọi người đều cảm thấy các vấn đề của mình được quan tâm đúng mức, thì chắc chắn Iraq sẽ có một sức mạnh tổng hợp, sẽ rất dễ dàng để đánh bại IS.

Một “thất bại của cộng đồng quốc tế” và sự thiếu hỗ trợ. Đó là chỉ trích của Thủ tướng Iraq Haider Al-Abadi khi nói về tình hình trong nước và cuộc chiến chống IS. “Tôi cho rằng đây là một thất bại của cộng đồng quốc tế. Nói về sự hỗ trợ cho Iraq, có rất nhiều lời tuyên bố nhưng lại quá ít hành động” - Thủ tướng Iraq tuyên bố ít lâu trước khi khai mạc hội nghị của liên quân quốc tế chống IS tại Paris.

Thủ tướng Iraq cũng nhấn mạnh rằng đất nước ông không được trợ giúp đủ về vũ khí đạn dược: “Chúng tôi không nhận được nhiều, hầu như chẳng có gì cả. Chúng tôi chỉ có thể trông cậy vào chính mình. Vì những vấn đề về thuế vụ nên chúng tôi không thể ký kết các hợp đồng cung cấp vũ khí mới. Đa số những hợp đồng trước đó đều là ký với Chính phủ Nga. Nhưng giờ đây Nga đang bị chế tài của Mỹ nên rất khó trả tiền để có được vũ khí. Tiền đã có trong ngân hàng nhưng chúng tôi không thể có. Chúng tôi không xin vũ khí nhưng làm ơn để chúng tôi có thể mua vũ khí một cách dễ dàng hơn”.

Các quốc gia trong liên quân cũng bày tỏ “sự ủng hộ kiên quyết cho kế hoạch khẩn cấp” của Baghdad để lấy lại tỉnh Al-Anbar do IS kiểm soát. Kế hoạch do Thủ tướng Iraq đề ra dự trù “đẩy nhanh sự hỗ trợ cho các chiến binh bộ tộc trong tỉnh Al-Anbar để chiến đấu chống lại IS bên cạnh lực lượng Iraq, củng cố lực lượng cảnh sát, lập ra một quỹ hỗ trợ Iraq và đảm bảo rằng mọi lực lượng tham gia giải phóng tỉnh Al-Anbar phải hoạt động dưới sự chỉ huy và kiểm soát của Thủ tướng và hệ cấp chỉ huy Iraq”.

Số lượng 4.000 cuộc oanh kích của liên quân từ 10 tháng qua chưa thể dứt điểm được phe IS. Ngược lại chúng còn tăng tiến thêm. Ngày 17-5, chiếm thành phố Ramadi, hoàn tất uy thế tại tỉnh Al-Anbar lớn nhất nước. Ở phía bên kia biên giới đã mờ nhạt, phe IS giờ đây đang kiểm soát gần một nửa lãnh thổ Syria sau khi đẩy lui quân chính phủ tại miền Trung và tiến lên đối mặt với phe nổi dậy ở miền Bắc.

Hội nghị liên quân chống IS tại Paris.

“Hiện nay chúng ta đang đứng trước một sơ đồ nhòe nhoẹt với một liên quân hỗn tạp không có mục tiêu rõ rệt và xa vời với thực tại” - chuyên gia về Iraq Myriam Benraad nhận định. Một nguồn tin ngoại giao của Pháp cho biết: “Sẽ không có việc xét lại sự can thiệp của liên quân. Chúng tôi vẫn theo lôgic oanh kích kèm với sự hỗ trợ về hậu cần và khí tài cho quân đội Iraq”.

Thất thế trên thực địa

Tại một hội nghị quốc tế diễn ra trước đây tại Paris, người ta thích kết hợp việc giải quyết cuộc khủng hoảng Iraq với cuộc nội chiến tại Syria. “Sẽ không có ổn định tại Iraq nếu không có sự chuyển tiếp ở Syria xét theo sự cơ động của các chiến binh IS giữa 2 nước. Mà sẽ không có tiến triển về chính trị tại Syria vì trên mọi mặt trận người ta đều chứng kiến một sự suy yếu rõ rệt của chính quyền: phe cực đoan đang lấn lướt Bashar Al-Assad” - một nguồn tin ngoại giao Pháp cho biết.

Quả thật từ mùa xuân vừa qua quân đội Syria luôn thất thế trước “Đạo quân giải phóng”, một liên minh Hồi giáo cực đoan mà thành phần nòng cốt là Mặt trận Al-Nosra, nhánh Syria của Al-Qaeda. Đạo quân này chống lại IS nhưng hiện thời tập trung vào cuộc chiến chống quân đội Syria của Al-Assad. Phía sau sự đột phá của “Đạo quân giải phóng” là Ảrập Xêút, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ, liên hợp nỗ lực để hạ bệ Tổng thống Syria, trong khi 3 quốc gia này lại nằm trong liên quân quốc tế chống IS.

Thật trớ trêu là Ảrập Xêút, từ lâu bị nghi ngờ đã làm ngơ trước lượng tiền đổ vào cho các nhóm cực đoan, lại chủ trì nhóm làm việc về cuộc chiến chống sự tài trợ cho IS. Còn Thổ Nhĩ Kỳ bị nghi là đã cho nhiều chiến binh thánh chiến trung chuyển đến Syria, sẽ điều hành hội nghị bàn tròn về phương tiện đấu tranh chống lượng chiến binh nước ngoài trong tổ chức IS.

Các chiến binh IS tại Libya.

Việc thiếu một chiến lược hoàn chỉnh có thể là nguyên nhân chính khiến cho các nỗ lực tấn công bằng không quân, thậm chí có cả đặc nhiệm đánh bộ tham gia, dù có thể gây khó khăn, tiêu diệt được một số chỉ huy cao cấp của IS, làm cho tổ chức này phải rút vòi ở một số nơi, nhưng về tổng thể vẫn chưa thể khiến tổ chức này yếu đi. Sau gần một năm triển khai quân đội tấn công nhằm ngăn chặn hiểm họa khủng bố IS, tổ chức này vẫn tiếp tục đà tiến quân, mở rộng địa bàn chiếm đóng và thành lập Caliphate (nhà nước kế tục).

Đặc biệt là từ đầu năm đến nay, IS đã tiến những bước lớn trong việc bành trướng lãnh thổ, không chỉ mở rộng địa bàn tại Syria mà còn mở rộng vùng chiếm đóng sang Bắc Phi, với Libya được giới chuyên gia an ninh đánh giá là địa bàn lý tưởng mới cho IS trụ chân phát động việc mở rộng lãnh thổ chiếm đóng, sau khi lực lượng này đánh chiếm một số thành phố, thị trấn ở Libya, trong đó có thành phố cảng dầu mỏ Surf. Có lúc người ta tưởng rằng IS bị thu hẹp địa bàn do các cuộc không kích của Mỹ và liên quân, nhưng ngay sau đó là một đợt tấn công mới, đánh chiếm một thành phố mới.

Đầu tháng 4/2015, IS tiến vào chiếm giữ thành phố cổ Hatra, di sản văn hóa được xếp hạng UNESCO của Syria và phá hủy hàng loạt hiện vật văn hóa vô giá. Ngày 17/5, IS đánh chiếm thành phố cổ Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar của Iraq, rồi ngay sau đó, ngày 20/5, tiếp tục đánh chiếm thành phố cổ Palmyra của Syria, nơi có những di tích vô giá của đế quốc La Mã xưa. Chiếm xong Palmyra, IS đã chính thức kiểm soát hơn 50% lãnh thổ Syria và còn ra tuyên bố “xanh rờn” rằng sẽ san bằng cả Damascus lẫn Baghdad trong nay mai.

Tuy nhiên, sau tuyên bố hùng hồn trên, IS có vẻ lại đang vào giai đoạn “yếu” và đã chịu một số thất bại liên tiếp ở Iraq lẫn Syria. Ngày 5/6, quân đội Iraq đã đẩy lùi một đợt tấn công của IS vào thị trấn Husseiba, gần thành phố Ramadi, tỉnh Anbar.

Ngày 7/6, sau 2 ngày giao tranh quyết liệt, quân đội Iraq đã đánh bại IS, thu hồi thành phố dầu mỏ quan trọng Beiji, phía bắc Baghdad, nằm trên trục đường chiến lược dẫn đến thành phố Mosul đang bị IS chiếm đóng. Trong khi đó, ở Syria, IS cũng gặp tổn thất khá lớn.

Sau một tuần giao tranh ác liệt, ngày 7/6, quân đội Chính phủ Syria đã đánh chiếm được thành phố Hasakeh, đông bắc Syria, tiêu diệt 48 tay súng IS, phía quân đội Syria cũng tổn thất 71 binh sĩ. Chưa hết, đợt tập kích bất ngờ của Không quân Mỹ vào đêm 7/6 tại khu vực phía bắc thành phố Aleppo cũng gây nên những tổn thất đáng kể về nhân sự cho IS.

Đây có vẻ là tổn thất lớn nhất của IS kể từ sau khi 4 chỉ huy cấp cao của tổ chức này tại Syria bị đặc nhiệm Mỹ đột kích tiêu diệt hồi tháng trước. Mặc dù vậy, IS vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại và đang tiếp tục tìm cách mở rộng địa bàn chiếm đóng với việc chiếm giữ 2 thị trấn chiến lược Marea và Azaz ở thành phố Aleppo nhằm chặn đường tiếp viện trọng yếu của phiến quân Hồi giáo chống chính phủ gồm Al-Nusra và Ahrar al-Sham, do 2 tổ chức Hồi giáo này bị cáo buộc đã hợp tác với Mỹ và đồng minh. 

Văn Trương - Minh Luân (tổng hợp)
.
.