Hội nghị Syria tại Vienna:

Đi tìm tương lai cho Syria và cả Trung Đông

Thứ Ba, 03/11/2015, 11:37
Sau nhiều tuần vận động ngoại giao, Hội nghị quốc tế đối thoại về Syria do Nga và Mỹ đồng bảo trợ đã chính thức khai mạc tại Vienna, Áo, vào hôm 30/10. Mục đích của hội nghị là tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria, bảo đảm một tương lai hòa bình, ổn định lâu dài cho đất nước này.

Đây là hội nghị đầu tiên về Syria có thành phần tham dự mở rộng, với ít nhất 12 quốc gia đến từ cả hai phía ủng hộ và chống Tổng thống Syria Bashar al-Assad, kể cả Iran – một đồng minh thân cận của Syria trong khu vực Trung Đông. Như vậy, sau hơn 2 tuần Nga mở chiến dịch ném bom cấp tập tại Syria, sau đó Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi tìm kiếm giải pháp chính trị cho Syria, một hội nghị đã được Nga và Mỹ thống nhất tổ chức tại Vienna cho mục đích này.

Trước khi đi đến Hội nghị Vienna, đã diễn ra một cuộc họp “trù bị” gồm Bộ trưởng Ngoại giao 4 nước Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Arập Xêút vào ngày 23/10 cũng tại Vienna. Tại cuộc họp đó, các bên đã thảo luận kế hoạch tổ chức một loạt những cuộc họp, hội nghị trong thời gian tới nhằm đi đến giải pháp cuối cùng cho Syria. Cuộc họp đã thống nhất việc tổ chức Hội nghị Vienna, thành phần tham dự hội nghị, trong đó tạm thời các bên liên quan tại Syria, bao gồm chính phủ và phe đối lập, không tham dự hội nghị.

Các vấn đề sẽ thảo luận tại Hội nghị Vienna cho đến nay vẫn chưa được xác định, nhưng thông tin từ kết quả cuộc họp ngày 23/10 cho thấy trước mắt vấn đề “Assad đi hay ở” tạm thời gác lại, không bàn đến, mà chỉ tập trung vào bàn bạc những vấn đề thuộc về cạnh tranh lợi ích của các bên có liên quan. Các quốc gia tham gia hội nghị đều có cùng nhận định rằng tình hình Syria đang rất tồi tệ, và cần thiết phải tìm một giải pháp chính trị để sớm chấm dứt tình hình này.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javadzarif. Sự tham gia của Iran là bước ngoặt tại Hội nghị Vienna ngày 30/10.

Bên cạnh đề tài chính là tìm giải pháp chính trị cho Syria, Hội nghị Vienna còn là cơ hội “đối thoại” của những quốc gia đang có quan hệ căng thẳng như Nga-Mỹ, Iran-Arập Xêút. Đối với Mỹ và Nga, Hội nghị Vienna là bước đi quan trọng xác định vị thế đối đầu của đôi bên. Trước khi tiến tới hội nghị, Nga đang nắm thế thượng phong trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ tại Syria và có cơ hội áp đảo Mỹ trong toàn khu vực Trung Đông, bởi tính hiệu quả của giải pháp tổng hợp mà Nga áp dụng tại Syria, bao gồm chiến dịch quân sự đầy hiệu quả khiến tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) phải co cụm, tháo chạy, và hoạt động ngoại giao.

Trong các phát biểu trên báo chí, Mỹ luôn công kích chiến dịch can thiệp quân sự của Nga, vì Nga không chỉ ném bom các mục tiêu IS mà còn tấn công cả các mục tiêu của các nhóm chống Chính phủ Syria. Nhưng thực tế chứng minh tính hiệu quả của chiến dịch quân sự của Nga: Đẩy lùi IS ra khỏi nhiều vị trí quan trọng ở các tỉnh miền Bắc và Trung Syria, khiến cho các nhóm phiến quân có quan hệ với Al-Qaeda phải co vòi, lẩn trốn, tạo bước ngoặt quan trọng cho cuộc nội chiến, từ đó giúp quân đội Chính phủ Syria lật ngược thế cờ, thu hồi lại nhiều khu vực lãnh thổ đã mất, tạo ra khả năng giành chiến thắng cho Tổng thống Assad.

Ngoại trưởng 4 nước (từ trái sang): Nga, Mỹ, Arập Xêút và Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc họp ngày 23/10 tại Vienna.

Chiến dịch quân sự của Nga đã tạo động lực cho Mỹ và các đồng minh ở châu Âu và trong khu vực Trung Đông tham gia cuộc đối thoại tìm giải pháp chính trị cho Syria. Nga đã khiến cho Mỹ thấy cần thiết phải gấp rút có một giải pháp dứt điểm cho Syria, mặc dù truyền thông Mỹ ra rả một chiều rằng chính IS là nguyên nhân khiến ông John Kerry vận động tổ chức Hội nghị Vienna, trong khi thực tế gần 2 năm nay Mỹ có vì IS mà tiến hành đối thoại tìm giải pháp cho Syria đâu?

Vì không muốn chịu lép vế hoàn toàn trước Nga nên máy bay Mỹ tăng cường hoạt động không kích và tập trung vào các mục tiêu chính xác hơn, hiệu quả hơn so với trước khi Nga can thiệp, máy bay Mỹ và các đồng minh hoạt động không hiệu quả, thương vong thường dân cao do sai lầm trong chiến lược, do thiếu động lực cần thiết cho hoạt động ném bom.

Bên cạnh chiến dịch ném bom, Nga còn làm rất tốt công tác ngoại giao, vận động các quốc gia trong khu vực tham gia ủng hộ chiến dịch, chia sẻ thông tin tình báo, phối hợp chặt chẽ chống IS một cách hiệu quả. Việc Iraq quay sang chia sẻ tình báo với Nga thay vì Mỹ, đồng thời cân nhắc cho phép Nga ném bom trên lãnh thổ Iraq để tiệt trừ tận gốc IS trên cả 2 địa bàn trọng yếu được ví như cái tát vào chính sách Trung Đông của Nhà Trắng.

Nguy cơ lặp lại sai lầm trong quá khứ đã khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama phải cấp tốc xem xét lại chiến lược của mình, thay đổi một số quan điểm, chính sách nhằm đẩy mạnh hoạt động phối hợp tác chiến với các đồng minh trong khu vực. Một thay đổi chiến lược quan trọng đã được thể hiện vào ngày 28/10, khi Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter tuyên bố Mỹ đang cân nhắc đưa biệt kích tham gia các đợt bố ráp bên trong lãnh thổ Syria nhằm tiêu diệt các thủ lĩnh IS.

Quân đội Mỹ ở Trung Đông. Mỹ sẽ điều bộ binh tham gia đánh IS ở Syria?

Sự hiện diện của Iran cùng với Arập Xêút tại hội nghị được xem là một tín hiệu quan trọng trong hoạt động ngoại giao khu vực Trung Đông nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria. Iran và Arập Xêút là hai đại kình địch cạnh tranh vị trí cường quốc số 1 khu vực. Mặc dù trong vài năm gần đây, Tehran đã nỗ lực cởi mở ngoại giao, chìa cành ôliu ra với Riyadh, nhưng trên thực tế giữa hai quốc gia vẫn còn nhiều hiềm khích, chưa thể “hòa đồng” trong một hai cơ hội. Việc Iran ký kết Hiệp ước Hạt nhân toàn diện với các cường quốc thế giới đã khiến Arập Xêút càng thêm tức tối và quyết tâm “chạy đua vũ trang” nhằm không để bị thua thiệt trước Iran.

Cho đến vài tuần trước hội nghị, không ai nghĩ rằng Iran sẽ dự hội nghị, bởi sẽ khó có chuyện Iran và Arập Xêút chịu ngồi lại với nhau trong cùng bàn hội nghị. Trong cuộc họp “4 bên” ngày 23/10 cũng tại Vienna, Nga đã đặt điều kiện phải có sự tham gia của Iran thì mới tiếp tục xúc tiến tổ chức hội nghị. Vì thế, Iran đã được mời và đã chính thức nhận lời mời tham dự vào ngày 28/10.

Sự tham gia của Iran đã đánh dấu sự trở lại của Tehran trên bàn hội nghị quốc tế bên cạnh các cường quốc thế giới để giải quyết các vấn đề hệ trọng trong khu vực Trung Đông, là dấu hiệu mới trong quan hệ giữa Tehran với Washington sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử cách đây 3 tháng. Tuy nhiên, việc Iran ngồi cùng bàn hội nghị với Arập Xêút cũng đang đặt ra một vấn đề cho cơ hội thành công của Hội nghị Vienna.

Ngay hôm 29/10, khi các quan chức cấp cao Mỹ, Nga và một số quốc gia đặt chân đến Vienna để chuẩn bị cho hội nghị khai mạc, giữa Tehran và Riyadh lại xảy ra đấu khẩu. Các quan chức Iran cáo buộc Arập Xêút lợi dụng tình hình hỗn loạn xung quanh vụ giẫm đạp ở Mecca hồi tháng trước để bắt cóc Ghazanfar Roknabadi, cựu Đại sứ Iran tại Liban. Một ngày trước đó, Ngoại trưởng Arập Xêút Adel al-Jubeir là người phát pháo bằng phát biểu nghi ngờ liệu sự tham gia của Iran có giúp hội nghị đạt kết quả nào không.

Người ta hy vọng, với áp lực ngoại giao từ cả Mỹ lẫn Nga, hai cường quốc khu vực Arập Xêút và Iran sẽ tạm thời gác lại mâu thuẫn để hội nghị đạt kết quả như mong muốn.

An Châu (tổng hợp)
.
.