Diễn biến xung quanh thảm họa động đất ở Nepal

Thứ Ba, 28/04/2015, 20:45
Tính cho đến (chiều ngày 28/4), số người thiệt mạng do thảm họa động đất 7,8 độ Richter với tâm chấn gần thủ đô Kathmandu của Nepal xảy ra ngày 25/4 đã lên đến 4.200 người, còn số người bị thương là trên 6.500 người, nhưng giới chức Nepal cho rằng số người chết có thể lên đến 10.000 trong thời gian sắp tới!

Cơn địa chấn kinh hoàng đã gây lở tuyết dữ dội ở dãy Everest khiến cho khoảng gần 20 người thiệt mạng và làm bị thương hơn 60 người trong số 1.000 người đang tham gia leo núi tại đây.

Cảnh hoang tàn sau động đất.

Trong số những người chết do động đất có Dan Fredinburg, Giám đốc điều hành bộ phận nghiên cứu bí mật Google X của cỗ máy tìm kiếm khổng lồ Google. Fredinburg thường chụp hình những đỉnh cao trên thế giới cho Google Maps.

Fredinburg cũng là người thành lập Google Adventure Team để lập bản đồ những vị trí hải ngoại cho công cụ Street View của Google. Thảm họa được đánh giá là tồi tệ nhất của Nepal trong 80 năm qua nhưng Everest chưa từng chứng kiến có quá nhiều người thiệt mạng chỉ trong 1 ngày như thế.

Công tác cứu hộ ở Nepal.

Thảm họa được báo trước

Một tuần trước khi cơn địa chấn kinh hoàng xảy ra ở Nepal, khoảng 50 chuyên gia về địa chấn và nhà khoa học xã hội trên khắp thế giới đã tìm đến thủ đô Kathmandu của Nepal để nghiên cứu khu vực nghèo khó, đông dân và xây dựng tràn lan với chất lượng kém này nhằm chuẩn bị đối phó với một cơn địa chấn lớn được dự đoán là sự lặp lại của thảm họa động đất năm 1934 san bằng thành phố. Họ đang chạy đua với thời gian trong khi không biết chắc trận động đất đáng sợ sẽ xảy ra vào thời khắc nào.

Nhà địa chấn học James Jackson, lãnh đạo Khoa Khoa học trái đất Đại học Cambridge (Anh), cho biết: “Sự chờ đợi thảm họa xảy ra đúng là cơn ác mộng thật sự. Những gì đã xảy ra về mặt tự nhiên và địa chất chính xác như suy tính của chúng tôi”. Tuy nhiên, James Jackson không nghĩ thảm họa xảy ra sớm như thế.

James Jackson cũng là nhà khoa học hàng đầu của Earthquakes Without Frontiers, tổ chức hỗ trợ châu Á phục hồi nhanh sau những thảm họa tự nhiên. Các nhà khoa học lo sợ trận động đất ở Kathmandu không chỉ vì đường đứt gãy tự nhiên mà còn do điều kiện sống nghèo nàn, chật chội ở đây càng làm cho tình hình tồi tệ thêm rất nhiều.

Công tác cứu hộ ở Nepal.

Theo tính toán từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), trận động đất cùng cường độ sẽ gây thương vong khủng khiếp cho Kathmandu hơn những nơi khác trên thế giới do thành phố quá đông dân và sống chen chúc nhau. Theo tính toán của nhà địa chấn học David Wald ở USGS, một cơn địa chấn 7,8 độ Richter có thể giết chết từ 10 đến 30 người trong 1 triệu cư dân ở California, nhưng nó sẽ làm thiệt mạng hơn 1.000 người ở Nepal và đến 10.000 người tại một số vùng ở Pakistan, Ấn Độ, Iran và Trung Quốc.

Jackson giải thích: “Thảm họa động đất là tự nhiên song hậu quả do con người tạo ra. Bởi vì, ngoại trừ hiện tượng lở đất gây vấn đề nghiêm trọng, “chính những tòa nhà đổ sập mới giết người chứ không phải cơn địa chấn. Nếu anh sống trong vùng sa mạc bằng phẳng không có nước, thì một cơn địa chấn sẽ không gây hại đến anh. Vấn đề thực tế là ở châu Á con người sống tập trung quá đông tại những nơi nguy hiểm”.

Đây là trận động đất thứ 5 ở Nepal trong vòng 205 năm qua, bao gồm cơn địa chấn năm 1934 san bằng thành phố Kathmandu. Hari Ghi, điều phối viên khu vực Đông Nam Á cho Geohazards International (tổ chức chuyên trách về các nguy cơ động đất trên toàn thế giới), nhận định: “Chính quyền Nepal biết họ có vấn đề, song vấn đề quá lớn đến mức họ không biết phải bắt đầu ở đâu và bắt đầu như thế nào”.

Hari Ghi, Jackson và Wald đánh giá mặc dù Nepal có được tiến bộ trong đối phó làm giảm bớt yếu điểm trước những cơn địa chấn song vẫn chưa đủ nhanh hay chưa đủ lớn. Ngày 12-4, nhóm của Hari Ghi đã cập nhật báo cáo từ cuối thập niên 90 thế kỷ XX về nguy cơ động đất ở Thung lũng Kathmandu.

Công tác cứu hộ ở Nepal.

Báo cáo đề cập đến “vấn đề” mà thung lũng phải đối mặt: “Với tỷ lệ tăng trưởng dân số mỗi năm là 6,5% và là một trong những vùng có mật độ dân cư thành thị thuộc hàng cao nhất thế giới, khoảng 1,5 triệu người đang sống chen chúc trong Thung lũng Kathmandu rõ ràng luôn phải đối mặt với nguy cơ động đất nghiêm trọng. Và, cũng rõ ràng là cơn địa chấn mạnh xảy ra gần thung lũng sẽ gây thiệt hại đáng kể về nhân mạng, cơ sở hạ tầng và nền kinh tế hơn những trận động đất trong quá khứ mà nơi đây từng gánh chịu”.

Trong khi đó, nhiều năm qua chính quyền không hề chú trọng đến quy hoạch xây dựng để chống chọi với địa chấn cho nên những tòa nhà cũ nát không thể chịu đựng nổi khi thảm họa ập tới. Jackson cho biết thêm sự nghèo khổ và ô nhiễm cũng góp phần làm tồi tệ thêm tình hình.

Ứng dụng Google và Facebook trợ giúp tìm kiếm người thân

Google đã mở lại công cụ Person Finder nhằm trợ giúp tìm kiếm các nạn nhân trong thảm họa động đất kinh hoàng ở Nepal. Ứng dụng thu thập thông tin từ lực lượng cứu hộ và những người dùng cá nhân có thể nhập thông tin về người mất tích hay nạn nhân được tìm thấy. Kết quả, cho đến nay có khoảng hơn 4.000 người tải thông tin lên ứng dụng.

Theo Google, bất cứ người dùng nào cũng có thể cập nhật ứng dụng với thông tin tìm người trong khu vực động đất. Ứng dụng có thể được liên kết nếu một người được xác nhận là còn sống, được báo cáo còn sống, status không rõ ràng, mất tích hay đã chết và cho phép người dùng tải lên thông tin cá nhân để hỗ trợ công tác thẩm tra nhận dạng. “Person Finder” được giới thiệu với người dùng vào năm 2010 sau trận động đất ở Haiti và sau đó công cụ được triển khai vài lần.

Facebook cũng đồng hành với Google khi kích hoạt chức năng gọi là “Safety Check” (Kiểm tra An toàn) để phản ứng trước thảm họa ở thành phố Kathmandu. Chức năng sẽ hỏi những người trong các vùng thảm họa xem họ có an toàn hay không. Nếu câu trả lời là “có” thì chức năng sẽ gửi khai báo ngay đến bạn bè trên mạng xã hội với đánh dấu “an toàn”.

Công tác cứu hộ ở Nepal.

Một nhóm Facebook gọi là Nepal Earthquake 2015 cũng được cấp tốc thành lập nhằm giúp chia sẻ thông tin về việc triển khai cứu hộ và tìm kiếm những người còn mất tích. Ý tưởng về chức năng “Safety Check” thành hình sau thảm họa kép sóng thần và động đất tàn phá Nhật Bản năm 2011.

Facebook giải thích khi giới thiệu dịch vụ: “Trong suốt thời gian xảy ra thảm họa, chúng tôi nhìn thấy mọi người sử dụng công nghệ và truyền thông xã hội để giữ kết nối với những người mà họ đang lo lắng như thế nào”.

Tuy nhiên, trận động đất hôm 25/4 ở Kathmandu đã bộc lộ một số giới hạn hiệu quả cho chức năng Safety Check. Đó là, sự xâm nhập của smartphone vào Nepal – một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á – còn rất thấp và 6 trong số 7 người dân ở đây không đăng nhập mạng xã hội.

Nhà địa chấn James Jackson.

Thảm họa tác động tiêu cực đến ngành du lịch Nepal

Ngành du lịch Nepal vẫn còn đang choáng váng sau trận bão giết chết gần 20 người đi bộ đường dài vào cuối năm 2014 thì bây giờ phải tiếp tục hứng chịu cơn địa chấn khiến hàng ngàn người thiệt mạng. Cơn địa chấn 7,8 độ Richter được coi là tồi tệ nhất đối với Nepal trong vòng 80 năm qua đồng thời gây lở tuyết dữ dội trên dãy Himalaya giết chết gần 20 người leo núi Everest.

Du lịch là nguồn thu nhập chủ yếu cho đất nước nông nghiệp nghèo nàn như Nepal. Du khách từ khắp nơi trên thế giới, nhất là Ấn Độ và Trung Quốc, thường đổ dồn về những ngôi chùa Phật giáo cổ kính, những ngọn núi hùng vĩ và Everest – đối với cộng đồng dân leo núi chuyên nghiệp – để chinh phục mái nhà thế giới. Thế nhưng, hàng loạt những cái chết do thách thức đỉnh cao thiên nhiên của Nepal đang đe dọa sự tăng trưởng của ngành du lịch nước nhà.

Tháng 10/2014, một loạt trận bão tuyết và lở núi ở Nepal gây tai ương không lường trước được cho những người đi bộ đường dài. Khoảng 40 người bị giết chết – bao gồm người đi bộ quốc tế và hướng dẫn viên người Tây Tạng - tại ngay gần khối núi Annapaurna ở miền bắc Nepal trong dãy Himalaya. Các hướng dẫn viên phản đối chính quyền thiếu biện pháp bảo vệ họ bằng cách từ chối công việc hay hủy bỏ mùa leo núi.

Mỗi năm, có đến hàng trăm người leo núi mạo hiểm chinh phục đỉnh Everest. Năm 2103, du khách đến Nepal tăng nhẹ sau 4 năm tăng trưởng của ngành du lịch, theo giới chức chính quyền Nepal. Thảm họa động đất hôm 25-4 khiến cho nhiều du khách phải hủy kế hoạch đến Nepal gây thiệt hại không nhỏ cho đất nước nghèo khó này.

Dan Fredinburg, Giám đốc điều hành bộ phận nghiên cứu bí mật Google X của Google Inc.

Sharat Dhall, Chủ tịch Công ty Du lịch trực tuyến Yatra, cho biết: “Chúng tôi nhận được các cuộc gọi yêu cầu hủy 90% trong số gần 1.000 hợp đồng đặt chỗ trước đến Nepal”.

Về lâu dài, ngành du lịch Nepal sẽ còn tùy thuộc mạnh vào yếu tố thảm họa lan rộng đến mức nào cũng như tốc độ phục hồi và tái thiết của đất nước này. Henry Harteveldt, nhà phân tích du lịch và đồng thành lập Công ty Nghiên cứu Atmosphere Research, nhận định: “Về ngắn hạn, chắc chắn ngành du lịch Nepal sẽ phải hứng chịu đợt suy thoái mạnh”.

Thảm họa gây quá tải cho hệ thống y tế vốn yếu kém của Nepal

Thảm họa động đất ở Nepal đã phơi bày tình trạng hết sức tệ hại của hệ thống y tế nước này khi các bệnh viện cố hết sức chữa trị cho quá nhiều người bị thương cùng một lúc trong khi đội ngũ nhân viên hạn chế. Đất nước 28 triệu dân chỉ có 2,1 bác sĩ và 50 giường bệnh phục vụ cho 10.000 người – theo số liệu báo cáo năm 2011 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi cơn địa chấn dẫn đến khủng hoảng nhân đạo tại Nepal. Con số thiệt hại cứ tăng không ngừng khi còn quá nhiều người bị mắc kẹt dưới những đống đổ nát ở khắp đất nước, từ thủ đô Kathmandu cho đến những ngôi làng hẻo lánh và những đỉnh núi. Có quá nhiều người bị thương nặng ở Kathmandu dồn dập được chuyển đến Trung tâm Chấn thương Bệnh viện Bir được mở cửa hoạt động hồi tháng 2/2015 với chỉ 200 giường bệnh! Các bác sĩ cho biết họ cần có thêm hơn 1.000 giường bệnh nữa để cứa chữa cho bệnh nhân đang được chở đến liên tục bằng xe cứu thương và taxi.

Chức năng “Safety Check” được kích hoạt của Facebook.

Sarvendra Moongla, bác sĩ Trưởng khoa Phẫu thuật Bệnh viện Bir, cho biết: “Cơn địa chấn kinh hoàng phơi bày sự sụp đổ của cơ sở hạ tầng bệnh viện được coi là tốt nhất của Nepal ngay vào lúc cần phải phục vụ cấp cứu cho nhiều bệnh nhân nhất”. Trẻ em bị đa chấn thương phải nằm trên sàn đá hoa bụi bặm của bệnh viện, trong khi hàng trăm người khác bị gãy tay chân nằm dưới đất dưới những mái lều dã chiến dựng bên ngoài bệnh viện và cố sức chống chọi với tình trạng thiếu trầm trọng nước uống và thực phẩm. Ngay đến việc thiếu các nhà xác cũng buộc phải để cả chục thi thể nằm ngoài đường.

Anita Dhungana, 32 tuổi, cho biết chị được đưa đến Trung tâm Chấn thương và đang chờ đợi được phẫu thuật trong mỏi mòn: “Tôi vẫn còn chảy máu và không bước đi được nhưng vẫn không có ai chăm sóc cho tôi”.

Cha của Dhungana dựng vội một mái lều bên cạnh hố nước thải, nơi những người sống sót buộc phải sử dụng để rửa mặt và nấu ăn! Bên ngoài Đại học Y khoa Kathmandu, nằm cách Bệnh viện Bir khoảng nửa giờ đường ôtô, bệnh nhân nam 20 tuổi Khile Sherpa ngồi ngay trên đường chờ được cứu chữa. Mắt phải của anh bị xé rách và một nửa gương mặt bị quấn băng kín mít.

Sherpa nói anh may mắn được cứu thoát khỏi trại trên núi Everest lúc tuyết lở dữ dội. Trong khi đó, những vùng hẻo lánh chỉ có các trung tâm y tế với trang thiết bị cực kỳ nghèo nàn buộc phải giải quyết quá nhiều người bị thương nặng.

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.