Vụ tòa soạn báo Charlie Hebdo bị khủng bố: Đổ dầu vào lửa

Thứ Hai, 12/01/2015, 16:12
Ngày 7/1, hai kẻ khủng bố bịt mặt xông vào tòa soạn tuần báo trào phúng Charlie Hebdo tại Paris và xả súng giết 12 người. Vụ việc liên quan đến các phần tử Hồi giáo và Charlie Hebdo từng nhiều lần bị dọa do đăng tranh biếm Nhà tiên tri Muhammad. Điều gì sẽ diễn ra với cộng đồng người Hồi giáo tại Pháp và các thể loại báo châm biếm tương tự liệu có giật mình?

Một cuộc khủng bố được lên kế hoạch

Vào khoảng 11h20 ngày 7/1, hai người đàn ông mặc đồ đen, nón trùm đầu, mỗi người trang bị một khẩu Kalachnikov xuất hiện trước ngôi nhà số 6 đường Nicolas-Appert, quận 11, Paris. Họ gào lên: “Có phải Charlie Hebdo là ở đây không?”.Thấy đã nhầm địa chỉ, hai kẻ này quay sang nhà số 10 cùng đường-trụ sở của tuần báo Charlie Hebdo.

Khi vào được trong tòa nhà, các hung thủ xả súng vào bộ phận thường trực và xông lên tầng hai, nơi Ban biên tập đang họp. Một nguồn tin cảnh sát cho hay: “Cả hai tên đã lạnh lùng nổ súng, giết hại những người đang ngồi họp bàn về nội dung trong phòng, và cả viên cảnh sát có nhiệm vụ bảo vệ họa sĩ Charb, vì bất ngờ nên không kịp bắn trả”. Chỉ có một người thoát chết nhờ trốn dưới gầm bàn. Người này nghe hai hung thủ hét to: “Chúng ta đã báo thù cho đấng tiên tri” và hô “Allah Akbar!”.

Ngay sau đó, số điện thoại khẩn cấp của cảnh sát nhận được cuộc gọi báo tin vụ xả súng ở tòa soạn Charlie Hebdo. Hai cảnh sát được điều đến hiện trường ngay lập tức. Cả hai kẻ tấn công vừa chạy trốn vừa hô “Allah Akbar!”.

Chúng chạm trán với một toán tuần tiễu của đội cảnh sát hình sự địa phương. Một cuộc đọ súng diễn ra. Hai tên khủng bố chạy thoát được bằng chiếc xe hơi Citren C3 màu đen và phóng thẳng đến trước mặt một xe cảnh sát. Bọn chúng bắn khoảng 12 phát vào kính trước của xe, nhưng các cảnh sát viên ngồi bên trong không ai bị thương.

Cảnh sát nổ súng vào các hung thủ, và chúng bắn trả. Trên đại lộ Richard-Lenoir, một cảnh sát mặc sắc phục bị trúng đạn, nằm gục trên mặt đất-theo một video đăng trên Internet. Hai kẻ khủng bố còn ra khỏi xe, chạy lại gần xem viên cảnh sát chết thật không. Người cảnh sát giơ tay, hỏi: “Các ông muốn giết tôi sao?”. Một tên trả lời: “Đúng thế” và vừa chạy vừa bắn một viên đạn vào đầu người cảnh sát này.
Người dân Pháp tuần hành lên án vụ tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo.

Hai hung thủ chạy về phía chiếc xe hơi của chúng, hô to: “Chúng ta đã báo thù cho tiên tri Mohammed! Chúng ta đã giết Charlie Hebdo!” và lái xe đi. Bọn chúng sau đó tông vào một xe khác khiến người lái bị thương nhẹ, cả hai bỏ lại chiếc xe hơi ở Porte de Pantin, phía đông bắc Paris. Tại đây, chúng cướp một chiếc xe khác, chạy trốn về hướng bắc. Lực lượng an ninh bị mất dấu các hung thủ từ đó.

Tổng cộng có 12 người thiệt mạng trong đó có 5 thành viên Ban biên tập Charlie Hebdo, và 8 người bị thương. Bộ trưởng Nội vụ Pháp, Bernard Cazeneuve cho biết có “ba tên tội phạm” tham gia vụ tấn công này đang bị truy lùng gắt gao, nhưng không nói rõ vai trò của tên thứ ba. Ông tuyên bố, tất cả đều được huy động để “vô hiệu hóa càng nhanh càng tốt ba kẻ tội phạm”.

Theo AFP, nghi phạm 18 tuổi tên Hamyd Mourad đã ra đầu hàng cảnh sát lúc 23h ngày 7/1 (giờ địa phương). Mourad đã quyết định ra đầu thú sau khi "nhìn thấy tên mình tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng".

Qua lời khai của người này, cảnh sát xác định được hai kẻ tội phạm còn lại là cặp anh em Said Kouachi (34 tuổi) và Cherif Kouachi (32 tuổi), đều trú tại Paris. Báo chí Pháp nói rõ hai tên này bị nghi ngờ là người gốc Paris và một trong hai tên đã từng có tiền án trong một vụ khủng bố.
Stephan Charbonnier, Tổng Biên tập của Charlie Hebdo.

Theo báo Le Monde, Cherif Kaouchi từng bị kết án năm 2008 vì có hành vi khủng bố, khi hỗ trợ đưa các chiến binh tới đầu quân cho lực lượng nổi dậy tại Iraq, và phải nhận 18 tháng tù giam. Tờ Le Figaro nhận định, 2 tay súng trên đi theo một kế hoạch hành động và rút đi được dàn dựng cẩn thận.

Là một tờ báo trào phúng, đề cập đến mọi chuyện thời sự bằng cái nhìn hài hước phê phán hiện thực xã hội, Charlie Hebdo luôn phải đối mặt với những kiện cáo, đe dọa tấn công mà đỉnh điểm của những đe dọa đó đã chuyển thành tội ác dã man trong vụ thảm sát hôm 7/1 tại tòa soạn ở Paris.

Ngày 8/2/2006, báo Charlie Hebdo đã mở màn một cuộc tranh luận rộng rãi về tự do ngôn luận với việc đăng tải ở các trang trong của tờ báo 12 hình biếm họa nhà tiên tri Hồi giáo Mohammed. Đó là những tranh biếm họa đã xuất hiện lần đầu trên nhật báo Đan Mạch Jyllands-Posten và gây phản ứng dữ dội trong thế giới Hồi giáo.

Năm 2011, tuần báo Charlie Hebdo lại làm dấy lên một cuộc tranh luận khác khi phát hành số đặc biệt lấy tên Charia Hebdo. Lần này thì tòa báo đưa hình biếm họa nhà tiên tri Mohammed lên trang bìa. Ngay trong đêm 1 rạng sáng ngày 2/11/2011, trước khi báo ra, trụ sở của Charlie Hebdo đã bị phóng hỏa thiêu trụi. Từ đó đến nay, Charlie Hebdo thường xuyên là đối tượng của các hành động đe dọa vì những trang báo hài hước bị cho là có nội dung phỉ báng đạo Hồi.

Ngày 22/9/2012, một trang mạng thánh chiến Hồi giáo đã đăng tải lời kêu gọi chặt đầu lãnh đạo Ban biên tập tờ báo. Trong gần 20 năm hoạt động, Charlie Hebdo đã bị nhiều tổ chức cực hữu, Công giáo kiện. Thế nhưng trong 13 lần ra tòa, Charlie Hebdo mới chỉ duy nhất đối mặt với đơn kiện của các tổ chức Hồi giáo ở Pháp một lần. Đó là vụ đăng ảnh Mohammed năm 2006. Vụ kiện này kéo dài đến năm 2009, tòa xử cho Charlie Hebdo trắng án.

Vụ thảm sát hôm 7/1 xảy ra ngay trong ngày tuần báo Charlie Hebdo in trang bìa nhà văn Michel Houellebecq và ngay trong ngày mà Houellebecq phát hành quyển tiểu thuyết thứ sáu trong đó kể câu chuyện về một nước Pháp, vào năm 2022, chứng kiến ứng cử viên Hồi giáo chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống, khiến cả xã hội Pháp bị Hồi giáo hóa. Houellebecq là nhà văn nổi tiếng đả kích Hồi giáo.

Trên trang bìa số ra ngày 7/1 vừa qua, Charlie Hebdo vẽ Houellebecq với chiếc mũ phù thủy cùng hàng chú thích “Những dự báo của nhà thông thái Houellebecq”, rằng: “Năm 2015, tôi sẽ rụng hết răng; năm 2022, tôi sẽ xem lễ Ramadan”.
Hai anh em kẻ khủng bố, Cherif (phải) và Said (trái), gây ra vụ xả súng tại tòa soạn Charlie Hebdo.

Khủng bố và biểu tình, bạo loạn bài Hồi giáo - Vòng luẩn quẩn

Phương Tây vốn quen với tự do thông tin, tự do ngôn luận nhưng sau các vụ việc trên vấn đề gây tranh cãi là ranh giới của tự do thông tin và giới hạn của sự tự do thể hiện các vấn đề liên quan tôn giáo. Đặc biệt trong thể loại biếm, gần như không đối tượng nào bị loại trừ.

Mâu thuẫn giữa thế giới Hồi giáo và phương Tây dường như chưa bao giờ được khép lại mà khởi nguồn của nó một phần là sự va chạm của các nền văn minh-ở đây là Hồi giáo và văn minh phương Tây hiện đại.

Chỉ vài giờ sau vụ khủng bố đẫm máu tại tòa soạn tuần báo Charlie Hebdo đã có ít nhất ba vụ tấn công nhỏ vào nơi thờ phụng của người Hồi giáo tại Pháp. Các sự cố này đã làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ bạo động bùng lên, không chỉ tại Pháp, mà cả tại nhiều nước châu Âu khác, với cộng đồng người Hồi giáo là nạn nhân.

Theo các nhà quan sát, các sự cố kể trên rất có thể là hành vi trả đũa vụ thảm sát tòa báo Charlie Hebdo. Với vòng xoáy bạo động giữa các thành phần quá khích từ cả hai phía như đã được khởi động, giới phân tích đang rất lo ngại về nguy cơ cộng đồng người Hồi giáo tại Pháp nói riêng, và tại châu Âu nói chung, trở thành nạn nhân của những vụ bạo hành và kỳ thị, trong bối cảnh các hành vi tàn ác dã man của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Trung Đông đang gây phẫn uất trong dư luận phương Tây.

Theo Marc Pierini, cựu Đại sứ Pháp, đồng thời là một nhà ngoại giao của EU: “Điều đáng lo ngại là vụ thảm sát như vậy diễn ra ngay tại trung tâm Paris, sẽ kích động thêm tâm lý bài ngoại và bài Hồi giáo”.

Trên trang Facebook của mình, ông Luciano Rispoli, một nhà ngoại giao Pháp công tác tại Baghdad cũng lưu ý: “Ở đâu cũng có những kẻ điên. Do đó không nên lầm kẻ thù, và lẫn lộn giữa đức tin và sự cuồng tín, giữa lòng ngoan đạo và thái độ sùng đạo cực đoan”.

Nỗi lo ngại đặc biệt mạnh mẽ tại Pháp, nơi có cộng đồng Hồi giáo lớn nhất nhì châu Âu, trong lúc Nhà nước Pháp lại rất tích cực trong cuộc chiến chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan ở châu Phi, cũng như lực lượng thánh chiến của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria.

Trong một vài năm gần đây, tâm lý bài Hồi giáo đã có dấu hiệu được tăng cường tại Pháp, thể hiện qua hai thực tế: Đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia ngày càng có thêm nhiều kết quả tốt trong các cuộc bầu cử, và một số nhân vật nổi tiếng không ngần ngại công khai thể hiện quan điểm bài Hồi giáo, như nhà bình luận Eric Zemmour, tác giả một quyển sách ăn khách tố cáo nạn nhập cư là một trong những nguyên do gây bất hạnh cho nước Pháp. Căng thẳng cũng sẽ trầm trọng thêm tại Đức, nơi cũng có một cộng đồng Hồi giáo đông đảo-chủ yếu là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ.

Tình trạng căng thẳng đã bắt đầu gia tăng rõ nét với sự vươn lên của phong trào chống “Hồi giáo hóa” Pegida, phát sinh từ thành phố Đông Đức Dresden. Vụ thảm sát tại Paris được cho là sẽ thêm củi lửa cho phong trào bài Hồi giáo này.

Cựu Đại sứ Pháp Marc Pierini, dự đoán bi quan: “Chúng ta đang ở trong một cái vòng luẩn quẩn…” vì vụ khủng bố ở Paris và các cuộc biểu tình bài Hồi giáo ở Đức “sẽ nuôi dưỡng lẫn nhau”.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.