Vụ máy bay Nga rơi ở bán đảo Sinai:

Động cơ chính trị đằng sau nghi vấn “máy bay bị đánh bom”

Thứ Hai, 09/11/2015, 12:45
Liên tiếp hai phát biểu của hai nhà lãnh đạo, Thủ tướng David Cameron của Anh và Tổng thống Barack Obama của Mỹ hôm 5/11, trong đó cả hai đều đặt ra nghi vấn về khả năng chuyến bay 7K9268 của Nga rơi ở bán đảo Sinai của Ai Cập là do “bị khủng bố đánh bom”.

Nếu nghi ngờ của hai ông Cameron và Obama là có thật, thì vụ tai nạn máy bay này sẽ là cái giá đầu tiên và lớn nhất của nước Nga trong cuộc chiến chống IS tại Syria.

Trong bài trả lời phỏng vấn Đài Phát thanh KIRO ở Seattle, Mỹ, vào chiều ngày 5/11, Tổng thống Obama nói: "Tôi nghĩ tới khả năng đã có một quả bom trên máy bay", nhưng cho rằng "cho đến nay chúng ta cũng chưa biết chắc". Ông Obama khẳng định: "Chúng tôi đang xem xét vấn đề đó rất nghiêm túc".

Trước đó, sáng ngày 5/11, Thủ tướng Anh Cameron còn cụ thể hơn, khi phát biểu trước báo giới ở London rằng "nhiều khả năng một quả bom khủng bố" đã gây ra vụ rơi máy bay. Ông Obama thận trọng hơn, cho rằng "sẽ cần nhiều thời gian để bảo đảm các nhà điều tra và cộng đồng tình báo xác định chính xác điều gì đã xảy ra".

Hai ông Obama và Cameron là những nhà lãnh đạo quốc gia đầu tiên trên thế giới trực tiếp đưa ra những lời phát biểu liên quan đến vụ máy bay Nga bị tai nạn rơi ở bán đảo Sinai. Những ý kiến phát biểu đó đánh dấu mức độ quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Anh và Mỹ đối với vụ việc. Sức nặng chính trị của hai lời phát biểu đó có thể còn hơn cả vụ tai nạn máy bay.

Cuộc điều tra về nguyên nhân vụ tai nạn máy bay Nga rơi ở Sinai đến nay vẫn chưa có kết quả.

Ông Cameron đưa ra lời phát biểu trên nhằm giải thích cho việc chính phủ của ông đã ra lệnh các hãng hàng không tạm dừng mọi chuyến bay đi và đến Sharm el-Sheikh, khi ông đang tiếp đón Tổng thống Ai Cập Abdel Fatth el-Sisi đang ở thăm Anh.

Cho đến nay, Chính phủ Ai Cập và Nga vẫn phủ nhận khả năng nguyên nhân vụ rơi máy bay ở Sinai là kết quả của hành động khủng bố. Các chuyên gia kỹ thuật Nga và Ai Cập vẫn đang tích cực phân tích dữ liệu hộp đen, đồng thời điều tra, phân tích các mẫu vật thu tại hiện trường nhằm tìm ra nguyên nhân thật sự làm rơi máy bay.

Trong khi các nhà điều tra Nga và Ai Cập vẫn chưa thể công bố bất cứ kết quả điều tra sơ bộ nào, thì truyền thông quốc tế, nhất là Anh và Mỹ, đã liên tục đưa tin về những nguồn thông tin tình báo khẳng định nghi vấn IS đánh bom máy bay Nga có khả năng là thật. Các hãng tin CNN, AP, Reuters và tờ The Guardian đã đăng loạt tin bài về nguồn tin tình báo cho biết có những dấu hiệu cho thấy có thể bọn khủng bố trên bán đảo Sinai có liên hệ với IS đã cài bom trên máy bay 7K9268.

CNN dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Anh Philip Hammond khẳng định, "rất nhiều khả năng" một thiết bị nổ đã gây ra vụ rơi máy bay. CNN cũng dẫn lời nhiều quan chức Mỹ cho biết nguồn tin tình báo Mỹ gợi ý rằng vụ tai nạn "hầu như là" do một quả bom cài trên máy bay, thực hiện bởi IS hoặc một nhóm có liên hệ với IS nhằm trả thù cho việc Nga không kích IS ở Syria. Nguồn tình báo Mỹ cũng gợi ý rằng "ai đó ở sân bay Sharm el-Sheikh đã giúp đưa quả bom lên máy bay".

Những thông tin "trích nguồn tình báo" này, kết hợp với những đoạn video, thông điệp mà phiến quân IS tung lên mạng để khẳng định vụ tai nạn máy bay do mình gây ra càng tạo thêm sức ép lên các nhà điều tra Nga và Ai Cập trong việc xác định chính xác nguyên nhân máy bay rơi. Đồng thời, một số nhà phân tích cũng cho rằng có chủ ý chính trị nhất định trong việc truyền thông Anh, Mỹ tung ta những thông tin tình báo theo hướng "máy bay bị đánh bom", nhằm kết hợp với những thông điệp "nhận trách nhiệm" và đe dọa trả thù của IS để củng cố cho quan điểm chống lại chiến dịch không kích chống IS của Nga tại Syria.

Thủ tướng Anh Cameron và Tổng thống Ai Cập el-Sisi tại cuộc họp báo chung hôm 5/11.

Truyền thông Nga dẫn lời một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga nói rằng nước Anh không hề chia sẻ thông tin tình báo mới nào. "Nếu họ có thông tin mà không chia sẻ, thì đó quả là tin sốc" - người phát ngôn nói.

Mặt khác, việc nước Anh ra tuyên bố về vấn đề an ninh tại sân bay Sharm el-Sheikh cũng đang gặp phải phản ứng gay gắt từ phía Ai Cập, nhất là tuyên bố đó được đưa ra khi Tổng thống Ai Cập El-Sisi đang làm khách ở London - có vẻ như phép lịch sự tối thiểu trong bang giao quốc tế đã không được áp dụng ở đây. Truyền thông Anh dẫn lời các quan chức chính phủ khẳng định, cách đây một năm, sân bay Sharm el-Sheikh đã từng một lần gặp vấn đề về an ninh.

Người phát ngôn của Thủ tướng Cameron cho biết, khi đó Chính phủ Anh đã cử một toán chuyên gia an ninh đến Ai Cập để kiểm tra cả sân bay lẫn khu nghỉ mát Sharm el-Sheikh. Phía Ai Cập đã phối hợp tích cực. Theo Bộ trưởng Du lịch Ai Cập Hisham Zaazou, đợt kiểm tra đó đã cho kết quả "không phát hiện vấn đề gì về an ninh". Tuy nhiên, Bộ trưởng Zaazou cũng bày tỏ sự không hài lòng và cho rằng việc Chính phủ Anh đưa ra khuyến cáo "cấm bay" đi và đến Sharm el-Sheikh mà không tham khảo trước với Ai Cập là hành động "vội vàng và phi lôgích".

Việc nước Anh, cùng với Ailen, phản ứng thái quá đối với vấn đề an ninh tại sạn bay Sharm el-Sheikh sẽ gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch Ai Cập, vốn đã gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua do vấn đề an ninh và khủng hoảng chính trị.

Trong một bài phân tích đăng ngày 5/11, tờ The Guardian của Anh đã phân tích sự khác nhau cơ bản về chiến thuật giữa IS và Al-Qaeda, trong đó IS chủ yếu quan tâm đến việc chiếm lãnh thổ nhằm thực hiện mục tiêu từng bước mở rộng vùng chiếm đóng để hình thành Đế chế Hồi giáo (Caliphate), còn nhắm đến mục tiêu đánh bom hoặc cướp máy bay là bài bản của Al-Qaeda. Vì vậy, nghi vấn về khả năng máy bay Nga "bị đánh bom" là không có cơ sở.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.