Dư luận quốc tế xung quanh biện pháp đánh chìm tàu đánh cá của Indonesia

Thứ Sáu, 29/05/2015, 11:45
Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 18/5 tuyên bố: “Indonesia dự kiến phá hủy 30 tàu cá nước ngoài bị bắt quả tang đánh bắt cá trộm trong vùng biển của nước này”. Động thái mới nhất này cho thấy Chính phủ Indonesia quyết theo đuổi biện pháp mạnh tay đến mức cực đoan với tàu đánh cá bất hợp pháp, bất chấp bị dư luận quốc tế phản đối.

Biện pháp đánh chìm tàu đánh bắt cá bất hợp pháp được Indonesia đưa ra từ tháng 12/2014. Theo Điều 60 Luật số 45/2009 về ngư trường, lực lượng bảo vệ bờ biển có thể đánh đắm tàu cá nước ngoài hoạt động trái phép trong vùng biển của Indonesia dựa vào bằng chứng sơ bộ đầy đủ. Kể từ đó, Indonesia đã đánh đắm hơn chục tàu cá nước ngoài từ các nước láng giềng.

Trong một cuộc "hành quyết" tàu đánh cá nước ngoài điển hình, Chính phủ Indonesia mời phóng viên báo chí, truyền hình tới "mục kích" hải quân nước này kích hoạt thuốc nổ trên các tàu cá bất hợp pháp. Ngư dân nước ngoài bị giam giữ, còn hàng tấn cá đánh bắt trộm sẽ đem ra bán đấu giá để lấy tiền mua thức ăn cho số ngư dân này.

Một tàu cá nước ngoài bị Indonesia đánh chìm.

Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ dành cho bà Susi Pudjiastuti, Bộ trưởng Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia, đã tăng vọt hồi tháng 1/2015 khi bà nhận được tỷ lệ ủng hộ 61%, cao nhất trong nội các Indonesia. Bà Susi tuyên bố: chiến dịch đánh chìm tàu cá bất hợp pháp đã khiến số tàu cá hoạt động bất hợp pháp trên vùng biển nước này giảm tới 90%.

Mặc dù bị các nước phản đối mạnh mẽ, nhưng Bộ trưởng Susi vẫn khẳng định biện pháp mạnh tay này sẽ không dẫn tới xung đột giữa các nước trong khu vực. Bà nói: "Đây không phải là cuộc chiến giữa các nước. Đây là cuộc chiến với những người đánh trộm cá của chúng tôi", đồng thời cho rằng đây là biện pháp trừng phạt thích đáng và Chính phủ Indonesia có cơ sở pháp lý để làm điều này.

Tổng thống Widodo thì lý giải rằng, Indonesia phải dùng tới biện pháp cứng rắn như trên sau nhiều năm trời đàm phán với các chính phủ trong khu vực không có tác dụng. Trước khi thực hiện biện pháp cực đoan này, Indonesia ước tính 5.000 tàu cá khai thác trái phép khiến nước này thiệt hại 24 tỉ USD/năm.

Dù vậy, không phải ai cũng thuận theo lý lẽ của Indonesia và nước này bị báo chí trong khu vực chỉ trích mạnh mẽ. Một bài bình luận trên tờ Bangkok Post của Thái Lan khẳng định: hành động của Indonesia là không thân thiện, thiếu nhân đạo, tước đi phương tiện kiếm sống của nhiều ngư dân nước ngoài. Bản thân Tiến sĩ Rizal Sukma, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) của Indonesia cũng thừa nhận chính sách đánh chìm tàu cá còn nhiều hạn chế và không thể kéo dài.

Biện pháp cứng rắn của Indonesia còn khiến các nhà môi trường lo lắng. Bà Arifsyah Nasution thuộc tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) phát biểu: "Sử dụng thuốc nổ để đánh chìm tàu cá là đe dọa các loài cá gần khu vực vụ nổ và gây hậu quả không khác gì dùng thuốc nổ để đánh bắt cá". Hơn nữa, mảnh vỡ từ các tàu bị nổ sẽ biến thành rác trôi nổi trên biển. Hải quân Indonesia cũng không có hành động nào cho thấy họ thu gom toàn bộ và đúng cách các nhiên liệu trên tàu trước khi đánh chìm.

Ông Anton Wijonarno thuộc Quỹ Bảo vệ thiên nhiên hoang dã ở Indonesia nói: "Tàu càng to, càng có nhiều dầu bị bỏ sót trong thùng chứa. Và lượng dầu này sẽ làm ô nhiễm biển". Ngoài ra, việc Indonesia công khai đánh chìm tàu cá nước ngoài khiến dư luận có ấn tượng Indonesia là nạn nhân duy nhất của việc đánh bắt cá trộm, trong khi thực tế không phải vậy. Đánh bắt cá trộm là vấn đề của cả ASEAN chứ không riêng gì Indonesia và các chuyên gia đặt câu hỏi chuyện gì sẽ xảy ra nếu các nước đều hành xử như Indonesia?

Các nhà phê bình cho rằng vấn đề ở đây không phải là tính pháp lý mà là cách xử sự của Indonesia với các nước Đông Nam Á với tư cách là một quốc gia dẫn đầu trong khu vực, trong bối cảnh nhiều nước dùng biện pháp đối xử nhân đạo với ngư dân vi phạm và tài sản của họ.

Chuyên gia Farish Noor viết trên tờ New Straits Times rằng, chính sách khắc nghiệt của Indonesia đi ngược lại với tinh thần hòa giải và đối thoại của ASEAN. Đánh bắt cá trộm là hành động sai, tuy nhiên, cách xử lý của Indonesia không hẳn đã là đúng, ít nhất là về mặt tình.

Dương Thùy (tổng hợp)
.
.