Israel: Bắt kẻ cực đoan khủng bố chỉ để xoa dịu dư luận?

Thứ Hai, 10/08/2015, 19:00
Lần đầu tiên nhà chức trách Israel đã áp dụng biện pháp giam giữ hành chính đối với một kẻ cực đoan Do Thái sau vụ phóng hỏa khiến một em bé Palestine bị thiêu sống tại Bờ Tây. Biện pháp này được xem như là quyết tâm của nhà chức trách Israel chống lại các nhóm cực đoan nhất.

Bộ trưởng Quốc phòng Moshé Yaalon đã ra lệnh giam giữ hành chính, tức không đưa ra cáo trạng hay xét xử trong thời hạn 6 tháng đối với Mordehai Mayer. Lần đầu tiên từ nhiều năm qua, biện pháp giam giữ hành chính vốn thường được áp dụng cho người Palestine đã được áp dụng đối với một người Israel cực đoan.

Tại Nazareth, một tòa án đã quyết định giam giữ Meir Ettinger, 23 tuổi, bị bắt hôm 3/8, mấy năm qua đã bị Cơ quan An ninh nội địa (Shin Beth) theo dõi trong số những kẻ cực đoan Do Thái. Đến tối cùng ngày, cơ quan này cho biết đã bắt thêm Eviatar Slonim do "nằm trong một tổ chức cực đoan".

Kẻ tình nghi nổi tiếng nhất là Ettinger - cháu của thầy cả (rabbin) Meir Kahane, người sáng lập phong trào bài Arập Kach và bị ám sát tại New York vào năm 1990.

Giới truyền thông Israel cho rằng, Ettinger có liên quan tới một vụ hỏa hoạn ngày 18/6 tại một nhà thờ ở miền Bắc Israel cùng một âm mưu tấn công người Palestine năm 2014. Từ nhiều năm nay, những người Do Thái cực đoan thường xuyên tấn công người Palestine và Arập, thậm chí cả binh lính Israel, nhân danh "cái giá phải trả", đồng thời hủy hoại các địa điểm thiêng liêng của người Hồi giáo và Thiên Chúa giáo. Nhưng tại Israel không phải tất cả mọi kẻ khủng bố đều có cùng động cơ.

Nhà nghiên cứu Frédéric Encel phân biệt 2 loại cực đoan, một chính trị và một tôn giáo. Trong khuynh hướng chính trị, có nhiều nhóm hoạt động tại vùng Bờ Tây bị chiếm đóng.

"Những tổ chức nổi tiếng nhất của khuynh hướng này là "Lehava" hay "Tag Mehir" có nghĩa là "cái giá phải trả" theo tiếng hébreu. Tại Bờ Tây, nhiều vụ tấn công các đền thờ bị gán cho tổ chức này.

Những kẻ hiện nay bị chính quyền cho là "khủng bố" là con cháu của thế hệ dân định cư đầu tiên mà lý tưởng đã được gọt giũa trong những trường học Do Thái cực đoan. Đối với họ, việc hủy hoại các đền thờ, phóng hỏa nhà của người Palestine hay phá hoại xe cộ tức là thực hiện một hành động ủng hộ" - một viên chức tình báo cảnh sát giải thích. Thật ra những thành viên của các nhóm đó làm tất cả để cản trở tiến trình dẫn đến việc thành lập Nhà nước Palestine.

Thủ tướng Netanyahu đang phải lèo lái đất nước với một bộ phận cực hữu chi phối nên ông ở trong thế bí chính trị. Đó cũng là điều mà cựu Đại sứ Israel Arie Avidor từng nói: "Điều thảm hại nhất là tính thụ động của một Thủ tướng sẵn sàng nuốt tất cả những con rắn với cái giá là chính sự sinh tồn chính trị của ông ta. Chính ông hiểu rằng liên minh chính phủ mà ông đã tập hợp là một con quái vật nhiều đầu".

Thế thì liệu chính phủ có thực hiện lời hứa sẽ không nhân nhượng với những kẻ cực đoan Do Thái?

Minh Luân (tổng hợp)
.
.