Israel – Palestine: Mồi lửa cho phong trào Intifada thứ 3?

Thứ Hai, 12/10/2015, 14:35
Xung đột đường phố diễn ra từ ngày 1/10 vừa qua tại nhiều thị trấn ở Bờ Tây và Đông Jerusalem có thể khiến người ta liên tưởng đến thời kỳ nổi lên phong trào Intifada 2 lần vào năm 1987 và 2000 khiến các vùng đất bị chiếm đóng sôi sục không khí chống người Israel. Những cảnh tượng chiến tranh đường phố làm rung chuyển các vùng đất bị chiếm đóng liệu có phải báo trước một phong trào Intifada thứ 3 không?

Hôm 1/10, một cặp vợ chồng Israel khi đang ngồi trong xe di chuyển gần thành phố Naplouse ở Bờ Tây đã bị một nhóm thanh niên Palestine nã đạn ngay trước mắt con cái của họ. Đêm 3/10, đến lượt 2 người Israel khác - 1 binh sĩ và 1 thầy cả - bị 1 thanh niên 19 tuổi bắn hạ. Anh ta còn làm bị thương 1 phụ nữ và 1 em bé trong thành phố cổ Jerusalem. Sau đó, lại một người đi đường tại Đông Jerusalem bị thương do 1 thanh niên Palestine 19 tuổi tấn công bằng dao. Trong số những kẻ tấn công có 2 người bị cảnh sát bắn hạ.

Thủ phạm hôm 3/10 được tổ chức Jihad Hồi giáo chống Israel giới thiệu là thành viên. Còn Tsahal (quân đội Israel) và Cơ quan An ninh nội địa Shin Bet của Israel cho biết, đã bắt giữ 5 kẻ tình nghi, và những người này thuộc phong trào Hamas.

Những mối liên hệ với các tổ chức Hồi giáo bí mật tại Bờ Tây khiến nhà nghiên cứu Xavier Guignard tỏ vẻ ngờ vực: "Các tình tiết của những vụ tấn công, phương cách hành xử bằng dao hay bằng súng và địa điểm đều hướng đến giả thuyết về một tác động tự thân của những thanh niên Palestine đó, nhưng dường như không phải là chiến binh của các tổ chức đó đang tuân theo một mệnh lệnh chính trị. Tuy nhiên những tổ chức này thường kêu gọi tấn công vũ trang chống Israel nên có thể lợi dụng một hệ quả là dư âm của những biến cố này".

Cảnh sát Israel xung đột với người Palestine ở Đông Jerusalem, ngày 4/10/2015.

Sau những vụ đâm chết người liên tiếp, chính quyền Israel ra quy định chưa từng có là hạn chế người Palestine dưới 50 tuổi bước vào thành phố cổ Jerusalem (còn được gọi là Old City) trừ phi họ chứng minh là đang sinh sống hay làm việc bên trong thành phố này. Do đó, chỉ có công dân Israel, du khách và cư dân thành phố cổ Jerusalem mới được phép vào khu vực.

Thủ tướng Netanyahu tuyên bố "một cuộc chiến cho đến chết với nạn khủng bố Palestine", ông đã ra lệnh tăng tốc việc phá hủy các căn nhà của bọn khủng bố, đồng thời áp dụng rộng rãi hơn việc giam giữ hành chính cho phép giam không cần xét xử đối với những kẻ bị tình nghi.

Tình hình căng thẳng cũng diễn ra tại khu phức hợp thánh đường Al-Aqsa, thánh địa thứ 3 của Hồi giáo vì được tin là nơi nhà tiên tri Muhammad giáng trần. Trong khi đó, người Do Thái cũng coi khu vực này là thánh địa của Do Thái giáo. Thánh đường Al-Aqsa được người Do Thái gọi là Temple Mount (Núi Đền), còn người Hồi giáo gọi là Haram as-Shrif (hay Điện Thiêng).

Gốc rễ mối căng thẳng trong thành phố chính là cuộc tranh chấp kéo dài từ mấy chục năm nay về số phận của vùng đất thánh. Nhiều người Palestine lo sợ chính quyền Israel có ý định thay đổi nguyên trạng xung quanh Al-Aqsa và cả nhà thờ Hồi giáo Dome of Rock.

Người Hồi giáo cũng lo ngại chính quyền Israel tháo dỡ Al-Aqsa, nơi cầu nguyện của mọi tín đồ đến từ khắp nơi trên thế giới. Những vụ tấn công bằng dao cũng xuất phát từ nguyên nhân tranh giành thánh địa này. Đó cũng là lý do binh sĩ Israel luôn có mặt để bảo vệ người Do Thái trước mọi sự tấn công có thể xảy ra từ người Palestine.

Căng thẳng bạo lực thường gia tăng ở Jerusalem vào dịp lễ Rosh Hashanah hay Năm mới của người Do Thái diễn ra vào khoảng giữa tháng 9 hàng năm - đó là khi người Do Thái đổ dồn về khu thánh đường Temple Mount. Trang nhất tờ báo Israel Yedoth Ahronoth mô tả làn sóng bạo lực gần đây ở Jerusalam là "Intifada thứ 3" (so với 2 cuộc khởi nghĩa hay làn sóng bạo lực của người Palestine chống lại sự chiếm đóng của Israel ở Bờ Tây và Dải Gaza hồi năm 1987 và năm 2000).

Một người Palestine bị cảnh sát Israel bắt giữ trong cuộc xung đột.

Về phía người Palestine, một thành viên cao cấp trong đảng Fatah của Tổng thống Mahmoud Abbas cũng nói đến "những dấu hiệu của intifada thứ 3". Tổng thống Abbas tuyên bố không muốn xảy ra thảm họa Intifada song chỉ trích những hành động của Israel đã châm ngòi cho cuộc leo thang bạo lực mới khó tránh khỏi. Tuy nhiên, mức độ bạo lực hiện nay còn chưa dữ dội như Intifada thứ 2 - từ năm 2000 đến 2005 - giết chết hơn 1.000 người Israel và 3.000 người Palestine.

Israel đánh chiếm thành phố cổ Jerusalem và Đông Jerusalem từ tay người Jordan và sau đó sáp nhập vào lãnh thổ của họ. Hiện nay, có khoảng 300.000 người Palestine sinh sống ở Đông Jerusalem, chiếm 1/3 dân cư thành phố. Nơi đây cũng có số đông người Arập.

Theo quy ước, người Do Thái có quyền đến viếng Al-Aqsa qua 1 trong 11 cổng nhưng không được cầu nguyện, trong khi đó người Israel cũng cho phép 3 - 4 triệu người Hồi giáo được đến đây mỗi năm. Song vào dịp lễ Năm Mới của người Do Thái, một số thanh niên Palestine đã dựng rào chắn chiếm đóng thánh đường Al-Aqsa và xung đột bùng nổ khi lực lượng an ninh Israel xuất hiện.

Trong bối cảnh sôi sục đó, lễ đầu năm mới của người Do Thái cách đây 3 tuần đã thấy lượng khách tham quan tại Quảng trường gia tăng và là mồi lửa cho thùng thuốc súng. Từ đó những vụ đụng độ xảy ra hầu như mỗi ngày giữa cảnh sát Israel - mà một số đã xâm nhập vào bên trong đền Al-Aqsa - với các thanh niên Palestine biểu tình.

Từ cuối cuộc chiến Gaza vào tháng 8/2014, những sự lăng mạ của binh lính Israel và các vụ tấn công của người định cư nhắm vào người dân Palestine đã gia tăng đồng thời với những vụ bạo lực nhắm vào dân thường và binh sĩ Israel. Từ tháng 1/2015, những vụ việc bạo lực đó đã làm chết ít nhất 8 người Israel và 31 người Palestine, trong đó có 1 gia đình 3 người với 1 đứa bé 18 tháng tuổi bị thiêu sống trong nhà bởi những người định cư vào tháng 7 vừa qua tại Bờ Tây. Một tháng sau, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Ya'alon tuyên bố đã bắt giữ một số thủ phạm của vụ đốt nhà, nhưng chúng vẫn chưa bị kết tội.

Trong thực tế, những người Israel cực đoan đó hiếm khi bị tòa án xét xử. Theo tổ chức phi chính phủ Yesh Din của Israel, đến 85% số đơn khiếu nại của Palestine về những hành vi bạo lực của người định cư bị xếp xó.

Hiện nay, lực lượng an ninh đang đối mặt với một thế hệ mới những kẻ ném đá, thường là thiếu niên và dường như hành động tự phát, mở đường cho một phong trào Intifada mới. Tuy Tổng thống Mahmoud Abbas của chính quyền Palestine đã đạt được vinh quang khi lá cờ Palestine được giương lên tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York nhưng ông vẫn bị đa số người dân mất tín nhiệm.

Vì thế theo một cuộc điều tra mới đây của Trung tâm Nghiên cứu chính trị và Chiến lược Palestine, sau 22 năm thương thuyết vô vọng với Israel, giờ đây đa số người dân Palestine muốn nổi dậy vũ trang chống lại Israel.

Di An – Minh Luân (tổng hợp)
.
.