Ukraine sau một năm đổi 'màu cờ'

Thứ Năm, 26/02/2015, 11:00
Ngày 20/2/2015, Ukraine kỷ niệm một năm sau vụ đảo chính lật đổ chính quyền Tổng thống Viktor Yanukovych theo đường lối thân Nga để dựng lên một chính phủ theo phương Tây. Một năm sau khi đổi“màu cờ”, Ukraine đã được những gì?

Hệ quả của tư tưởng phát xít, bài Nga của các thế lực cực đoan trong giới cầm quyền bộc lộ quá sớm

Hôm 20/2/2015, hàng nghìn người Ukraine đã tụ về Quảng trường Độc lập ở trung tâm thủ đô Kiev, được thế giới biết đến với tên gọi Maidan, để kỷ niệm một năm phong trào lật đổ Tổng thống Yanukovych, để dựng lên một chính phủ ngả theo phương Tây. Không khí ngày hôm đó không có gì vui. Một năm sau cuộc cách mạng Maidan, các thay đổi vẫn còn xa vời. Một năm qua, chưa ngày nào người dân Ukraine ở mọi miền đất nước được sống yên ổn.

Quang cảnh vùng Donbass, Ukraine hôm nay.

Ngày 22/2/2014, Quốc hội Ukraine do phe đối lập kiểm soát, ra quyết định phế truất Tổng thống Yanukovych vì ông này đã không ngả theo phương Tây. Đây là bước khởi đầu cho cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay và cũng là ngày cuối cùng của Cộng hòa Ukraine thống nhất với 44,8 triệu dân trên một vùng lãnh thổ rộng đến 603.700 km2. Ngày 6/3/2014, Quốc hội Cộng hòa tự trị Crimea thuộc Ukraine nhất trí sẽ gia nhập nước Nga. Đây là ngày đánh dấu cuộc đối đầu giữa Nga với Ukraine và phương Tây bắt đầu tăng nhiệt.

Vào ngày 2/11/2014, Donetsk và Lugansk bỏ phiếu độc lập. Như thế từ tháng 2/2014 đến nay, Ukraine đã chính thức “bị xén” mất khu vực Donetsk và Lugansk với 64.618 km2 và bán đảo Crimea với 26.100 km². Tổng cộng Ukraine mất gần 90.000 km2 và hơn 10 triệu dân.

Hãy khoan nói tới những nguyên nhân khách quan, trước hết trách nhiệm này thuộc về giới chính trị Kiev đòi bằng được phải theo phương Tây. Bất kỳ một chính quyền, nhà nước nào cũng có đường lối đối nội, đối ngoại, nhằm xây dựng đất nước mạnh về kinh tế, vững về an ninh quốc phòng thì chính quyền Ukraine cũng vậy. Thân phương Tây, gia nhập EU và khối quân sự NATO là quyền độc lập, tự chủ của Ukraine, nếu được cho là đúng đắn thì việc để mất và phải mất Crimea là cái giá phải trả với Nga.

Rõ ràng, thế lực cầm quyền ở Ukraine, bất luận có giải thích kiểu gì thì việc đất nước bị chia cắt, đứng bên bờ vực phá sản, kiệt quệ, huynh đệ tương tàn, nhân dân bị cảnh đầu rơi máu chảy… là phải chịu hoàn toàn trách nhiệm chính trước đất nước, nhân dân.

Sai lầm của tân chính quyền Ukraine khi đó là tư tưởng phát xít, bài Nga, của các thế lực cực đoan trong giới cầm quyền, đã bộc lộ quá sớm và hành động quá quyết liệt khiến cho miền Đông hoảng sợ, lo lắng, phải đòi liên bang hóa và cuối cùng đòi ly khai. Ly khai thì tình hình sẽ như thế nào, diễn biến logic của nó ra sao, hậu quả đã rõ. Tư tưởng và hành động này của thế lực cầm quyền Kiev, không những khiến Nga sẵn sàng đối phó quyết liệt, thẳng tay, mà ngay người đỡ đầu cho Kiev là EU cũng bất an về hậu quả không kém.

Ngoài ra, trách nhiệm của tình hình Ukraine hiện giờ cũng thuộc về ông Viktor Yanukovych. “Ông Viktor Yanukovych cũng có lỗi không ít hơn những kẻ đã truy lùng ông” - nhà báo Nga Mikhail Rostov nhận xét. Theo Rostov, một năm trước, Tổng thống Ukraine đã cho một "bài giảng thực tế" về những gì mà một nhà lãnh đạo đất nước không thể làm.

Nếu ông không hành động như thế thì người dân Ukraine, Nga và các cư dân Liên minh châu Âu hiện đã sống trong một thế giới khác. Một thế giới vẫn tồn tại nhiều vấn đề nhưng không có cuộc chiến huynh đệ tương tàn ở Donbass. Quả là lịch sử không có thì giả định và chúng ta chỉ có thể đặt những giả thiết. Chẳng hạn, ở lúc giao thời giữa năm 2013 và năm 2014, ông Yanukovych chính là nhân vật có khả năng ngăn chặn thảm họa đang đến với Ukraine. Ông có khả năng nhưng đã không hành động!

EU đang cạn kiệt nguồn ngân sách hỗ trợ Ukraine

Sau hai thỏa thuận Minsk 1 và 2, tình hình chiến sự tại miền Đông Ukraine vẫn diễn ra ác liệt. Chính phủ Kiev ngày càng bị mất quyền kiểm soát nhiều địa bàn chiến lược, mà mới đây nhất là Debaltsevo. Không biết thành phố cảng Marioupol có phải là mục tiêu kế tiếp của phe ly khai hay không?

Quảng trường Maidan ngày 20/2/2015.

Như vậy có thể thấy, tương lai toàn vẹn lãnh thổ Ukraine là vô cùng u ám. Thế lực cầm quyền vùng Donbass ngày càng tỏ ra quyết đoán. Chính quyền Kiev thì đang dồn quân về quyết chiếm lại vùng này. Do đó, cuộc nội chiến ở Ukraine sẽ còn kéo dài. Điều đáng nói là Liên minh châu Âu (EU), Mỹ - NATO không giúp được gì, trong khi 2 nước Cộng hòa Donetsk và Lugansk tự xưng thì càng đánh càng mạnh.

Sự trừng phạt của EU-Mỹ với Nga chưa đủ độ để buộc Moskva thay đổi ý định. Sử dụng biện pháp quân sự với Nga của lực lượng NATO thì hoang tưởng. Vậy thì nhà cầm quyền Kiev sẽ lựa chọn biện pháp nào? Hoặc là đưa phần còn lại vào EU hoặc là liên bang hóa Ukraine. Nếu chấp nhận mất miền Đông để đưa phần còn lại vào EU, thì sẽ là một cuộc tự sát chính trị, chính quyền Kiev sẽ tan rã. Tiến hành liên bang hóa theo đề nghị của Nga? Tình thế giờ đã khác, Donetsk và Lugansk chưa chắc chịu liên bang hóa mà họ đang có xu hướng muốn độc lập hơn, cũng chưa chắc họ sẽ sáp nhập vào Nga như Crimea.

Về kinh tế, một năm qua, Ukraine đã rơi từ khủng hoảng xuống vô giá trị. Việc thay đổi chính sách từ thân Nga sang ủng hộ phương Tây đã khiến cho Ukraine phải chịu những mất mát nặng nề về kinh tế. Tổng sản phẩm quốc nội GDP năm 2014 đã giảm gần 5% so với năm 2013 và dự kiến vẫn còn tiếp tục giảm sâu trong các năm tiếp theo.

Dự trữ ngoại tệ của Kiev đã cạn kiệt do phải bảo vệ đồng hryvnia trước nguy cơ mất giá trầm trọng hơn. Thêm vào đó, việc phải bảo vệ hệ thống ngân hàng trước nguy cơ sụp đổ càng khiến cho nợ công của Ukraine tăng cao. Theo các số liệu thống kê, đồng hryvnia của Ukraine đã mất giá tới 91,5% trong năm 2014. Chỉ tính riêng trong tháng 10/2014, dự trữ ngoại hối của Ukraine đã giảm 23,2% xuống còn 12,6 tỉ USD và là mức thấp nhất trong vòng 9 năm qua.

Kết thúc năm 2014, dự trữ ngoại tệ của Ukraine chỉ còn khoảng 7,8 tỉ USD. Các chuyên gia kinh tế nhận định, Ukraine có nhiều khả năng bị vỡ nợ trong vòng 5 năm tới. Các chuyên gia ước tính, các khoản nợ tín dụng của Ukraine đã lớn hơn 70% GDP. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi Ukraine có nghĩa vụ phải trả 1,6 tỉ USD tiền nợ cho Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga.

Những khó khăn trầm trọng của Ukraine là nguyên nhân chính khiến Tổ chức xếp hạng tín dụng Standard&Poors mới đây hạ bậc tín nhiệm của Ukraine xuống mức CCC (vô giá trị) - với triển vọng tiêu cực, đồng thời cảnh báo dự trữ ngoại tệ thấp đến mức nguy hiểm của Ukraine có thể khiến nước này vỡ nợ chỉ trong vòng vài tháng tới.

Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk cho hay, cần tổ chức khẩn cấp một hội nghị các nhà tài trợ để huy động thêm khoảng 15 tỉ USD bổ sung vào số tiền hàng tỉ USD mà phương Tây đã cam kết viện trợ và cho vay nhằm giúp Ukraine vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Tính đến nay, Ukraine mới nhận được khoảng 7 tỉ USD viện trợ thông qua các khoản vay của IMF. Song, số tiền này chỉ đủ ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nợ tức thời nhưng không đủ sức giúp Ukraine tái xây dựng một nền kinh tế vốn đã kiệt quệ. Trong khi GDP sụt giảm mạnh, người tiêu dùng lại phải đối mặt với những hóa đơn năng lượng cao ngất ngưởng và đồng nội tệ mất giá trầm trọng.

Khoản viện trợ bổ sung mà Ukraine cần trong năm 2015 để thoát khỏi khủng hoảng kinh tế chắc chắn sẽ lớn hơn con số 19 tỉ USD mà IMF ước tính. IMF đang tạm dừng giải ngân gói tín dụng 17 tỉ USD đã cam kết cho Ukraine vay theo từng đợt trước đó với lý do Ukraine phải đáp ứng các điều kiện mà định chế tài chính này đưa ra, tức là áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng” để giảm chi tiêu công từ 48% xuống còn 45% vào năm 2017.

Tình thế càng trở nên tuyệt vọng hơn đối với Ukraine khi tại Hội nghị thượng đỉnh thường kỳ của Liên minh châu Âu EU diễn ra ngày 18/12/2014 tại Brussels (Bỉ), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncke tuyên bố rằng, EU đang cạn kiệt nguồn ngân sách để hỗ trợ Ukraine. Khi EU tuyên bố cạn kiệt khả năng tài chính, láng giềng Nga tuyên bố chỉ hợp tác bình đẳng và không trợ giúp như trước nữa, Ukraine chỉ còn cách trông chờ vào sự giúp đỡ của Mỹ để khôi phục đất nước đang bị tàn phá từng ngày bởi chiến sự căng thẳng ở miền Đông và nền kinh tế ngấp nghé bờ vực phá sản.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định rằng, sự giúp đỡ của Mỹ (nếu có) cũng chỉ mang tính tượng trưng vì Washington có quá nhiều thứ phải quan tâm trong các vấn đề toàn cầu. Khó khăn của nền kinh tế Ukraine vẫn còn đang ở phía trước.

Xét về mọi mặt, một năm sau chính biến, chính quyền Kiev thân phương Tây đang lái con thuyền Ukraine lao xuống vực mà không biết tương lai sẽ ra sao. Bài diễn văn hôm 20-2 vừa qua của Tổng thống Ukraine Poroshenko nhắc lại các mục tiêu của cách mạng: hiện đại hóa đất nước và mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Ukraine, xem ra chỉ là sự an ủi người dân trong cơn tuyệt vọng.

Tìm sự giải thích tâm linh cho tình hình Ukraine hiện nay, nghị sĩ Ukraine Evgeni Rybchinsky mới đây nói rằng, nguyên nhân mọi vấn đề nội bộ Ukraine có thể ẩn chứa trong cách bố trí "sai" vị trí màu xanh và màu vàng trên lá quốc kỳ.

Theo Rybchinsky, những sự kiện hiện nay ở Ukraine chứng tỏ dự báo chính xác của nữ họa sĩ Trung Quốc Mao Mao, hồi đầu những năm 90 đã tư vấn cho Tổng thống Leonid Kravchuk nên thay đổi vị trí các dải màu trên quốc kỳ và đặt màu vàng lên trên màu xanh, chứ không nên ở dưới. Bây giờ trên lá cờ Ukraine "màu xanh thô bạo mạnh hơn màu vàng tâm linh".

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.