Yemen - Vòng xoáy bạo lực giáo phái mới

Thứ Tư, 25/03/2015, 16:25
Vụ đánh bom kép ngày 20/3 là điểm nhấn nổi bật của những bất ổn an ninh tại Yemen trong vài tháng qua. Nhà Trắng nghi ngờ vụ đánh bom tại 2 thánh đường Hồi giáo ở trung tâm thủ đô Sanaa không phải do chi nhánh của IS tại Yemen thực hiện, mà cho rằng có thể đây chỉ là “màn kịch” của phiến quân Hồi giáo người Houthi nhằm tạo dựng hình ảnh “chính nghĩa” chống khủng bố.

Nhưng lập luận này xem ra khó thuyết phục dư luận trong khi thực tế, tình trạng hỗn loạn tại Yemen cho thấy không chỉ có phiến quân Houthi đang chiến đấu với Chính phủ Yemen, mà còn có cả sự tham gia của phiến quân Hồi giáo cực đoan.

Mặt trận mới cho cuộc chiến “giật dây” giữa Arập Xêút và Iran?

Ngày 20/3, hơn 137 người chết và hơn 350 người khác bị thương khi 4 kẻ đánh bom liều chết vào 2 thánh đường Hồi giáo Al-Badr và Al-Hashoosh – nằm dưới sự kiểm soát của phiến quân Hồi giáo người Houthi dòng Shiite - ngay giữa thủ đô Sana của Yemen.

Mỗi thánh đường bị tấn công bởi 2 kẻ đánh bom liều chết. Do có quá nhiều người thương vong trong cuộc tấn công kinh hoàng được miêu tả là “máu chảy thành sông” nên các bệnh viện ở Sana phải hoạt động hết công suất để cấp cứu đồng thời phát đi lời kêu gọi người dân thành phố khẩn thiết hiến máu cứu người.

Vụ đánh bom được thế giới đánh giá là “cuộc tàn sát vô nhân đạo nhất” từ trước đến nay do bọn cực đoan gây ra ở Yemen.

Theo thông tin từ Đài Truyền hình Al Jazeera, giáo sĩ lãnh đạo tinh thần của người Houthi – al-Murtada bin Zayd al-Mahatwari cùng 2 thủ lĩnh Houthi là Taha al-Mutawakkil và Khalid Madani cũng bị giết chết trong vụ khủng bố kép này.

Một kẻ đánh bom liều chết xông vào thánh đường Badr nhưng bị phiến quân Houthi chặn lại nên đã cho nổ bom tại chỗ.

Giữa cảnh náo loạn, kẻ đánh bom thứ hai lao vào thánh đường kích nổ quả bom giấu trong người giữa đám đông tín đồ ủng hộ phiến quân Houthi dòng Shiite đang cầu nguyện.

Lực lượng phiến quân Houthi ở Yemen.

Cùng lúc đó, 2 kẻ đánh bom khác tấn công thánh đường al Hashoosh. Nhân chứng tên là Mohammed al-Ansi mô tả hiện trường khủng khiếp của thánh đường Al-Hashoosh: “Những mảnh thi thể văng tung tóe khắp sàn thánh đường. Máu chảy thành sông”.

Còn Ahmed al-Gabri, người may mắn sống sót trong vụ đánh bom thánh đường Al-Badr, kể: “Khi tỉnh dậy tôi nhìn thấy mình đang nằm trên biển máu”.

Người Houthi dòng Shiite là kẻ thù không đội trời chung của AQAP – nhánh Al-Qaeda ở Bán đảo Arập. Tuy nhiên, một thủ lĩnh Al-Qaeda phủ nhận tổ chức này có liên quan đến vụ đánh bom khủng bố kép.

Trong khi đó, nhánh IS ít được biết đến ở Yemen thành lập từ tháng 11/2014 tuyên bố vụ đánh bom kép là “chiến dịch thần thánh” vào “sào huyệt của dòng Shiite”. Nếu đó là sự thật thì đây được coi là vụ tấn công đầu tiên của chi nhánh IS ở Yemen.

Cảnh tượng kinh hoàng bên trong thánh đường Al-Badr sau vụ tấn công.

Trong khi đó ở Washington, người phát ngôn của Nhà Trắng Josh Earnest nhận định: Cho đến nay vẫn không có bằng chứng nào cho thấy vụ đánh bom kép này liên quan đến IS đồng thời nhấn mạnh: tổ chức vũ trang này thường lợi dụng những vụ việc như thế để tuyên truyền nâng cao “giá trị” của bọn chúng.

Phiến quân Houthi bắt đầu kiểm soát thủ đô Sana của Yemen từ tháng 9/2014 và chiến đấu chống lại Al-Qaeda tại nhiều phần lãnh thổ khác nhau của nước này.

Mới đây, sau khi giành được  quyền kiểm soát Sana, phiến quân Houthi đã đẩy Tổng thống Abdu Rabbu Mansour Hadi chạy đến thành phố Aden miền Nam Yemen và lập nên cơ sở ở đây với sự ủng hộ từ các quốc gia Vùng Vịnh do người Hồi giáo dòng Sunni lãnh đạo.

Adam Baron, quan chức Hội đồng Đối ngoại Liên minh châu Âu (ECFR), phát biểu với tờ Independent của Anh rằng, vụ đánh bom kép đã đẩy Yemen vào vòng xoáy bạo lực giáo phái mới vô cùng kinh khủng.

Vụ đánh bom 2 thánh đường Hồi giáo ở Sana xảy ra chỉ một ngày sau khi một chiếc máy bay chiến đấu không rõ lai lịch tấn công dinh Tổng thống ở thành phố Aden.

Và mới đây nhất là vụ súng phòng không khai hỏa vào những chiếc máy bay xuất hiện phía trên dinh Tổng thống.

Những người bị thương được chở đi cấp cứu.

Những dấu hiệu về một nhà nước hỗn loạn và phân rã càng hiện rõ thêm khi vừa qua, chiến binh Al-Qaeda nắm quyền kiểm soát thành phố Al-Houta miền Nam Yemen với những lá cờ của tổ chức khủng bố bay phần phật trên nóc tòa nhà văn phòng thống đốc và cả trụ sở cơ quan tình báo nước này.

Người Houthi là sắc tộc thiểu số dòng Shiite thuộc nhóm phiến quân Ansar Allah (dân quân của Thượng đế), trung thành với nhánh Hồi giáo Shiite - Zaidism.

Sau khi chiếm được thủ đô Sana của Yemen hồi tháng 2/2015, lực lượng Houthi tuyên bố thành lập “Hội đồng tổng thống” thay cho vị trí Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi và bị các quốc gia Vùng Vịnh lên án.

Ngày 22/3, sau khi phiến quân Houthi tiến chiếm thành phố Taiz, thành phố lớn thứ ba ở Yemen, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) đã họp khẩn để thảo luận tình hình khủng hoảng tại nước này, kêu gọi các bên xung đột tại Yemen kiềm chế. Yemen đang trở thành mặt trận của không chỉ một cuộc chiến trong nội bộ nước này.

Phát biểu tại phiên họp HĐBA, Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Yemen Jamal Benomar cảnh báo: Những sự kiện vừa xảy ra đang có chiều hướng đưa đất nước Yemen đi dần đến “bờ vực nội chiến”.

Ông Benomar cũng cảnh báo, cả phiến quân Houthi lẫn Tổng thống Yemen Hadi đều không có khả năng thật sự kiểm soát toàn bộ đất nước.

Benomar cho rằng, với việc 2 cường quốc khu vực là Arập Xêút (dòng Sunni) và Iran (dòng Shiite) đang chia nhau ủng hộ các bên xung đột tại Yemen, cuộc chiến đang ngày càng mang màu sắc của cuộc chiến tranh giáo phái, từ đó dấy lên mối quan ngại Yemen đang bị biến thành mặt trận mới cho cuộc chiến “giật dây” giữa Arập Xêút và Iran.

Tình hình Yemen tiếp tục diễn biến căng thẳng bất chấp lời kêu gọi kiềm chế của HĐBA LHQ. Sau khi kiểm soát thành phố Taiz, phiến quân Houthi tiếp tục lên kế hoạch tiến về thành phố Aden cách đó 120 km, nơi Tổng thống Hadi đang ẩn náu.

Có thông tin cáo buộc cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh đã câu kết với phiến quân Houthi chống lại đương kim Tổng thống Hadi.

Thực tế, phiến quân Houthi hiện đang kiểm soát một số cơ quan quan trọng của chính phủ, trong đó có Bộ Nội vụ, và đang sử dụng bộ này để điều động lực lượng chiến đấu chống khủng bố Al-Qaeda.

Phát biểu trên truyền hình quốc gia, lãnh đạo Houthi Abdulmalik al-Houthi cho rằng, việc động viên lực lượng an ninh là để chống Al-Qaeda và IS, không phải chống lại người dân miền Nam Yemen. Al-Houthi cũng cáo buộc Tổng thống Hadi tham nhũng và làm “bù nhìn” cho khủng bố.

Điều này hoàn toàn khớp với phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Iran Houssein Amir Abdollahian hôm 22/3 rằng, Tổng thống Hadi nên từ chức để đóng vai trò xây dựng trong việc “ngăn chặn Yemen tan vỡ và thành phố Aden biến thành thiên đường khủng bố”.

Thêm một thất bại của Mỹ trong chính sách chống khủng bố

Ngay sau khi xảy ra vụ đánh bom kép, Chính phủ Mỹ đã quyết định rút 125 cố vấn các chiến dịch đặc biệt ra khỏi Yemen.

Việc rút các cố vấn quân sự ra khỏi Yemen không là gì khác hơn một bước thụt lùi đáng kể trong chính sách chống khủng bố của chính quyền Tổng thống Barack Obama.

Sau những thất bại ở Syria, Libya và vài nơi khác trong khu vực, sự rút lui khỏi Yemen đã khiến cho nước Mỹ mất đi một căn cứ tiền tiêu quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố tại khu vực vốn luôn nhạy cảm và dễ bất ổn này.

Hậu quả của việc này được đánh giá là sẽ tạo ra mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với các lợi ích toàn cầu của nước Mỹ và ngay chính an ninh nước Mỹ.

Chi nhánh Al-Qaeda tại Yemen (AQAP) hiện vẫn là mối đe dọa trực tiếp với người Mỹ tại nước Mỹ, ở nước Mỹ và trên các chuyến bay thương mại. Tính từ năm 2009, nước Mỹ đã ngăn chặn ít nhất 3 âm mưu bắn hạ máy bay thương mại do AQAP tiến hành.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn về tình hình Yemen hôm 22/3 vừa qua.

Tình hình bất ổn tại Yemen đang tạo cơ hội cho các nhóm khủng bố cực đoan có liên quan đến Al-Qaeda và IS gia tăng các hoạt động tấn công khủng bố.

Một nhóm Hồi giáo cực đoan tự nhận có liên hệ với IS đã đứng ra nhận trách nhiệm thực hiện 2 vụ đánh bom, từ đó đã khiến cho tình hình càng trở nên phức tạp vì có sự tham gia của một bên không ai muốn: IS.

Và mối lo ngại lớn nhất chính là Al-Qaeda và IS sẽ biến Yemen thành “bàn đạp” thực hiện các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào phương Tây.

Trong vòng một năm qua, IS đã gây ra những tổn thất lớn nhất cho cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu của Mỹ.

Sức hấp dẫn ngày càng rộng của IS ngày nay không chỉ bao gồm những người đi theo tư tưởng “Thánh chiến” từ Nigeria cho đến Afghanistan, mà còn có những nhóm trung thành sẵn sàng thực hiện các vụ tấn công gây chết người hàng loạt, như vụ khủng bố tại Bảo tàng Bardo ở Tunisia hôm 18/3 và vụ đánh bom kép tại 2 thánh đường Hồi giáo ở Sanaa vừa qua.

Kể từ khi IS tuyên bố kế hoạch thành lập Nhà nước tôn giáo (Caliphate) vào tháng 6/2014, nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan và các thánh chiến quân đơn lẻ khắp nơi đã cam kết tham gia cùng IS.

Theo các chuyên gia chống khủng bố, IS sử dụng mô hình phân nhánh địa phương theo kiểu Al-Qaeda đều vươn xa về mặt địa lý, nhưng về sức mạnh thì không bằng Al-Qaeda.

Chẳng hạn, tại Libya có ít nhất 3 nhóm cực đoan khác nhau – Barqa ở miền Đông, Fezzan ở miền Nam, và Tripolitania ở thủ đô Tripoli – cam kết mối quan hệ với IS.

Còn ở Syria, ngoài lực lượng chính của IS còn có một nhóm khủng bố khác nhỏ hơn là Khorasan, tập hợp nhiều thành viên kỳ cựu của Al-Qaeda, hoạt động ờ vùng Tây Bắc Syria, được sự bảo vệ của nhóm Al-Nusra, một chi nhánh của Al-Qaeda.

Tại Yemen, cuộc chiến đang diễn ra gay gắt giữa các nhóm tự nhận là chi nhánh của IS và Al-Qaeda theo dòng Sunni với phiến quân Houthi theo dòng Shiite khiến cho tình hình trở nên hỗn loạn.

Hiện tại, dù rút các cố vấn ra khỏi Yemen, nhưng chính quyền Mỹ vẫn duy trì một số điệp viên CIA hoạt động bí mật bên trong Yemen.

Máy bay không người lái xuất phát từ các căn cứ ở Arập Xêút hay Djibouti vẫn sẽ tiếp tục thực hiện các chiến dịch bay truy quét khủng bố. Các vệ tinh tình báo vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, các chiến dịch chống khủng bố trên mặt đất trong tương lai sẽ trở nên khó khăn hơn.

Văn Trương - Diên San (tổng hợp)
.
.