9 năm góc khuất Fukushima

Chủ Nhật, 19/07/2020, 08:15
Nếu vấn đề không bị cho là bất hợp pháp thì Ayumi Iida sẽ rất vui với việc xét nghiệm tử thi. Ayumi Iida, 35 tuổi, cấm con mình xuống biển hay vào rừng. Và bản thân người mẹ trẻ cũng bâng khuâng không biết ăn gì cho tốt. Song dù có làm mọi cách đi nữa, Ayumi vẫn không thể bảo vệ con mình khỏi bức xạ khi nó đang ẩn náu đâu đó trong nước tiểu của chúng.

Ayumi không thể nào hiểu nổi khi nước tiểu của thằng con trai 9 tuổi lại có nồng độ Xezi (Caesium) cao gấp 2,5 lần so với mẹ, dù cô đã mua thực phẩm hết sức cẩn thận.

Xét nghiệm thực phẩm

Ayumi Iida là viên chức quan hệ công chúng tại Tarachine - một phòng thí nghiệm công dân ở Phúc Đảo (Fukushima, Nhật Bản) mà các xét nghiệm về ô nhiễm bức xạ đã được công bố ngay sau sự cố năm 2011 tại nhà máy điện hạt nhân Phúc Đảo Daiichi (gọi tắt là sự cố Phúc Đảo).

Sản xuất nông nghiệp trong vùng bị ảnh hưởng trở thành đề tài cho các xét nghiệm của chính phủ và siêu thị, nhưng Tarachine muốn trao cho người dân một lựa chọn để xét nghiệm mọi thứ, từ nấm mốc cho đến bụi trong nhà. Ayumi Iida xét nghiệm hầm bà lằng những thứ không tên trước khi cho 4 đứa con ăn.

Tarachine là một trong số phòng thí nghiệm công dân được thành lập ngay sau vụ động đất kèm sóng thần Tôhoku xảy ra vào ngày 11 tháng 3 năm 2011, đã xóa sổ một vùng rộng lớn của duyên hải Tây Bắc Nhật Bản, làm chết hơn 18.000 người.

Những con sóng dữ dội đã đánh gục các hệ thống làm mát tại sự cố Phúc Đảo, kích hoạt làm tan chảy 3 trong số 4 lõi lò phản ứng và các vụ nổ hydrogen đã xịt bụi phóng xạ lan khắp tỉnh Phúc Đảo. 

Hơn 160.000 người buộc phải sơ tán. Chương trình khử độc chính phủ đã cho phép các lệnh sơ tán được dỡ bỏ tại nhiều thành phố, và ở Phúc Đảo vẫn còn giới hạn, việc thăm viếng chỉ trong một quãng ngắn. Với mong muốn tìm hiểu có bao nhiêu bức xạ trong môi trường và đâu đó, một nhóm tình nguyện viên đã khởi động Tarachine ở Iwaki - thành phố duyên hải từng thoát khỏi đợt phun bức xạ tồi tệ nhất và không phải đi sơ tán - thông qua một chiến dịch gây quỹ vào tháng 11 năm 2011.

Cô Ayumi Iida trong phòng thí nghiệm xét nghiệm bức xạ Tarachine. Ảnh nguồn: Yasayuki Takagi.

Giờ đây Tarachine là một tổ chức phi lợi nhuận và hoạt động các khoản quyên góp. Những ngày đầu hoạt động, Tarachine tính một khoản phí nhỏ để tạo điều kiện cho nhiều người tiếp cận nhất có thể; đến năm ngoái 2019, họ làm miễn phí. Để xét nghiệm Caesium-137 (chất gây ô nhiễm dài hạn đã giải phóng khỏi nhà máy Phúc Đảo).

Nhằm xét nghiệm caesium-137 (chất gây ô nhiễm chính dài hạn giải phóng từ nhà máy điện Phúc Đảo), nhân viên đã băm nhỏ các mẫu và đặt chúng trong một máy đếm gamma (một dạng như máy ly tâm có màu xám, hình trụ). Máy móc của Tarachine thường chính xác hơn so với các công cụ đo lường thông thường.

Tarachine cố gắng có được bộ đọc chính xác nhất theo hướng có thể; các máy móc của phòng thí nghiệm này sẽ cho độ chính xác đến chữ số thập phân, cũng như cố gắng chặn bức xạ nền dư thừa bằng cách đặt các chai nước quanh máy.

Đối với công tác đo Strontium (một bức xạ beta ít xâm nhập) thì còn rắc rối hơn: đầu tiên phải rang thực phẩm thành tro trước khi trộn chúng với acid và rây để lấy bột mịn. Toàn bộ quy trình mất từ 2 đến 3 ngày. Các tình nguyện viên của Tarachine phải xét nghiệm nhiều loại danh mục thực phẩm hàng ngày mà giới khoa học chưa từng làm.

Các tiêu chuẩn về bức xạ của chính phủ Nhật Bản thuộc loại nghiêm ngặt nhất thế giới: giới hạn trên của bức xạ caesium trong các loại thực phẩm như thịt và rau là 100 becquerel / kg so với mức 1250 Becquerel ở Liên minh Châu Âu (EU) và 1200 Becquerel ở Mỹ (đơn vị đo lường bức xạ  becquerel là bức xạ i-on hóa được giải phóng thông qua sự mục ruỗng bức xạ). Nhiều siêu thị ở Nhật tự hào quảng cáo rằng sản phẩm của họ có chứa không đầy 40 Becquerel, vài nơi chỉ là 10 Becquerel. Tarachine nhắm mục tiêu chỉ 1 Becquerel.

Ayumi Iida nhấn mạnh: "Tôi thường nghĩ có bao nhiêu bức xạ trong lúa địa phương trước khi xảy ra sự cố? Nó vào khoảng 0,01 Becquerel. Đó cũng là tiêu chuẩn mà tôi muốn trở thành hiện thực". 9 năm sau sự cố mà người Nhật ví von là "Ngày 11/9 của Nhật Bản", những người sống sót đang đương đầu với hậu quả của thảm họa hạt nhân.

Căng thẳng bệnh tật 

Một số chuyên gia bức xạ cho rằng những phụ nữ như Ayumi Iida đang lo lắng bức xạ quá mức, thậm chí còn là hoang tưởng. Những cơ quan toàn cầu chịu trách nhiệm ra các hướng dẫn và tư vấn về bức xạ như Ủy ban quốc tế về bảo vệ bức xạ (ICRP), Ủy ban khoa học Liên Hợp Quốc về các tác động của bức xạ nguyên tử (UNSCEAR), Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phát biểu rằng mức độ bức xạ ở Phúc Đảo thấp hơn nhiều so với ở Chernobyl cũng như dự đoán sẽ không có sự gia tăng về tỷ lệ ung thư và bệnh tim di truyền trong tương lai vốn là hậu quả của sự cố.

Sở dĩ các cơ quan tuyên bố như thế là nhằm tư vấn người dân Phúc Đảo nên thường xuyên xét nghiệm thực phẩm và hạn chế ăn thực, động vật có nguồn gốc hoang dã. Các tác động của thảm họa còn nguy hiểm hơn bản thân bức xạ: dù không có ai chết từ vụ nổ ban đầu, nhưng việc sơ tán vội vàng các bệnh viện và nhà dưỡng lão đã khiến 50 người chết do hạ thân nhiệt, mất nước và suy thận. 

Vô số người đã bị mắc kẹt trong đống đổ nát sau vụ động đất và sóng thần và có lẽ đã chết do nỗ lực cứu hộ bất thành bởi khói bức xạ lan rộng. Những năm sau đó có ít nhất 2286 người chết do liên quan đến vấn nạn tự tử, tim mạch và các căn bệnh khác - hơn cả số người chết thực sự bởi sóng thần của tỉnh Phúc Đảo. Tiểu đường và các căn bệnh liên quan đến lối sống đã tăng vọt một cách báo động.

Các nhân viên y tế và xã hội đang thống khổ vì bị kiệt sức, mất ngủ và những chứng rối loạn trầm cảm khác. Việc chính phủ Nhật Bản đưa người dân đi sơ tán ở những nơi khác về lại quê nhà của họ đã vấp phải làn sóng phẫn nộ của công luận. Một báo cáo viên đặc biệt từ Cao quỷ nhân quyền (HCHR) của Liên Hợp Quốc đã thúc giục chính phủ Nhật Bản ngừng chính sách tái định cư nhằm bảo vệ quyền trẻ em và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.

Bà Michiko Sakai, người có chồng từng làm việc cho nhà máy điện hạt nhân Phúc Đảo. Ảnh nguồn: Yasayuki Takagi.

Chính phủ Nhật Bản cũng tăng mức giới hạn cho các công nhân hạt nhân từ 20 millisievert / năm lên thành 250 millisievert / năm (mức cho phép bởi IAEA trong các tình huống khẩn cấp).

Một số công nhân đã được đền bù sau khi Bộ Lao động và Y tế Nhật Bản thừa nhận bệnh bạch cầu hoặc ung thư là "các vấn đề sức khỏe liên quan đến công việc". Mối quan hệ giữa các liều lượng bức xạ i-on hóa và tác động của chúng là một vấn đề gây tranh cãi nảy lửa.

Sau sự cố, Đại học Y khoa Phúc Đảo (FMU) đã thành lập Cơ quan khảo sát quản lý y tế (HMS) gồm 4 phần nhằm theo dõi vấn đề sức khỏe tinh thần và thể chất của 2 triệu người dân ở Phúc Đảo tại thời điểm thảm họa. Ngay từ ban đầu Tiến sĩ Shunichi Yamashita (cố vấn quản lý rủi ro bức xạ do chính phủ Nhật bổ nhiệm) đã nhấn mạnh rằng cuộc khảo sát được tiến hành nhằm xoa dịu âu lo về bức xạ.

Cho đến nay, 186 trường hợp trẻ em phát bệnh ung thư tuyến giáp đã được tìm thấy. Các bác sĩ tại FMU giải thích rằng qua sàng lọc 300.000 trẻ em đã cho thấy các trường hợp ung thư tuyến giáp đã tăng 4 năm sau thảm họa Chernobyl; còn ở Phúc Đảo, họ đã tìm thấy bệnh trong lần sàng lọc đầu tiên. Độ tuổi mô hình của trẻ em phát khối u ở Phúc Đảo cũng khác so với ở Chernobyl.

Thực trạng “li dị hạt nhân”

Nhằm đáp lại mối bận tâm của các bậc phụ huynh, Tarachine đã mở phòng khám vào năm 2013, nơi bất kỳ ai cả người trưởng thành cũng có thể đi khám giáp trạng hoặc để nhận được lời khuyên hữu ích. Nhưng, việc sàng lọc của chính phủ Nhật chỉ bao quát cho các trẻ em sinh ra trước sự cố. Sợi dây quan hệ ở một vài cộng đồng dân cư đã bị giảm sút do những lấn cấn xoay quanh tiền bồi thường thiệt hại.

Lối ra đường cao tốc tại địa điểm nhà máy điện hạt nhân Phúc Đảo. Ảnh nguồn: Yasayuki Takagi

Ayumi Iida giải thích: "Nỗi đau thể xác chỉ là một phần, còn có nỗi đau tâm khảm thì không gì có thể đong đếm được, cũng như chẳng thể nhìn thấy được". Sự cố Phúc Đảo đã buộc hàng ngàn người phải bỏ nhà cửa, xé banh các cộng đồng, gia đình tan vỡ, việc làm bị mất. Người di tản sống trong tình trạng lấp lửng suốt nhiều năm: không biết ngày nào nhận được sự cho phép để về nhà cũ, ngay cả bây giờ dù sống ở nơi mới thì cũng đủ thứ bất tiện đang đợi họ.

Ông Masaharu Tsubokura, chuyên gia bức xạ tại Bệnh viện Trung ương Soma ở Phúc Đảo, giải thích: "Các hậu quả của sự cố bức xạ không chỉ đơn thuần liên quan đến phơi nhiễm bức xạ, mà còn là cả vấn đề tâm lý. Nó thay đổi sạch trơn lối sống, vấn đề gia đình, đổi thay trong xã hội, đóng cửa bệnh viện, kỳ thị, bắt nạt, tiền bạc. Người ta không muốn trở lại".

Những ai quan tâm đến bức xạ đã lẩn càng xa càng tốt; một số người định cư mãi tận đảo Xung Thằng (Okinawa). 3 vạn người đi sơ tán vẫn đang sống bên ngoài tỉnh Phúc Đảo. Trong vòng 9 năm qua, dù chính phủ muốn đưa người di tản quay về chốn cũ nhưng ít người muốn về bởi sợ hãi. Các thành phố bị đóng băng thời gian dài, thiếu siêu thị, trường học, bệnh viện và phòng khám, và thiếu cả cư dân.

Chỉ có từ 10 đến 15% các cựu dân thành phố từng sống gần nhà máy Phúc Đảo như ở Okuma, muốn hồi hương. Lão hóa và thu hẹp dân số là thực trạng hầu như ở mọi vùng nông thôn trên khắp đất Nhật, nhưng tại các thành phố bị ảnh hưởng bởi bức xạ, tác động còn cay đắng hơn.

Dưới tác động chính sách của chính phủ, chỉ có người già mới hồi hương. Những người trên 60 tuổi muốn được sống nốt phần đời còn lại gần nơi có mồ mả ông bà mình. Những căng thẳng như thế làm đổ vỡ nhiều cuộc hôn nhân và hình thành một thuật ngữ mới genpatsu-rikon (ly hôn hạt nhân).

Thậm chí những người di chuyển đến các nơi khác ngay trong tỉnh Phúc Đảo cũng gặp phải sự xa lánh của dân địa phương ở các nơi đó, dẫn đến làm tan rã của kết cấu xã hội. Tiền bồi thường và thất nghiệp khiến người ta hút thuốc nhiều hơn, bài bạc cũng lắm và say lướt khướt sáng đêm.

Ông Masaharu Tsubokura, chuyên gia bức xạ tại Bệnh viện trung ương Soma ở Phúc Đảo. Ảnh nguồn: Yasayuki Takagi.

Việc thay đổi lối sống và chế độ ăn uống, trầm cảm và thiếu hoạt động đã làm gia tăng tỷ lệ người trung niên và người già phát bệnh tiểu đường. 1 vạn người rơi vào sự trầm cảm. Sau một thời gian ngóng đợi, những người trở về thường sinh ra tâm lý chán nản với thực tại ở quê hương mình: nhiều vụ tự tử tại các thành phố sau khi lệnh di tản được dỡ bỏ.

Khoảng 30% người dân Phúc Đảo tin rằng tác động của phơi nhiễm bức xạ là do di truyền, nhưng theo Nghiên cứu kéo dài tuổi thọ (LSS) khi theo dõi 86.000 người sống sót sau 2 vụ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki đã không hề tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về việc đó.

Ông Masaharu Maeda, giáo sư tại Khoa tâm thần thảm họa ở FMU, nghi ngại nói: "Nhiều người tin rằng những phụ nữ bị nhiễm bức xạ tốt nhất là không nên lấy chồng hoặc sinh con". GS Masaharu Maeda và các bác sĩ khác đang lo lắng về một nhóm nhỏ khoảng 15% tin rằng họ hoặc đồng nghiệp của họ có khả năng bị nhiễm do di truyền bất chấp các trấn an chính thức. Ngoài ra giáo sư Maeda và các đồng nghiệp cũng quan tâm tới ý kiến cho rằng việc cha mẹ hoặc ông bà bị phơi nhiễm có thể truyền sang con hoặc cháu.

GS Maeda khẳng định: "Một thảm họa nhân tạo khó xảy ra hơn so với thảm họa thiên nhiên. Đơn cử như trận động đất ở Kobe thì thường phải mất tới 5 năm để người dân phục hồi. Ở Kobe, phần lớn những người bị ảnh hưởng không xem họ là nạn nhân. Nhưng ở Phúc Đảo, thảm họa vẫn đang tiếp diễn".

Văn Chương (tổng hợp)
.
.