Anh hùng LLVTND Cao Đăng Chiếm:

Anh hùng LLVTND Cao Đăng Chiếm - Vị tướng An ninh huyền thoại (kỳ 2)

Thứ Sáu, 13/08/2010, 15:45
Để viết về Thượng tướng Cao Đăng Chiếm, nếu chỉ dựa vào các tài liệu sách báo, thậm chí là cả những tài liệu mật cũng không thể nào có được những tư liệu thật hấp dẫn về cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú của ông. Vì vậy, tôi đã tìm đến một cán bộ công an Nam Bộ kỳ cựu là Thiếu tướng Ngô Quang Nghĩa.

Thiếu tướng Ngô Quang Nghĩa thường được gọi thân mật là Chín Nghĩa, nguyên là Chánh văn phòng Ban An ninh Trung ương cục miền Nam, nguyên Phó viện trưởng Viện Lịch sử Công an nhân dân và là nguyên Trưởng Ty Công an tỉnh Tây Ninh.

Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Ngô Quang Nghĩa là một cán bộ có năng lực về công tác nghiên cứu và tham mưu nên đến năm 1962, ông được rút về làm Chánh văn phòng Ban An ninh Trung ương cục miền Nam thay một cán bộ thường bị đau ốm. Ông Ngô Quang Nghĩa còn được phân công làm Bí thư đảng ủy Ban An ninh Trung ương cục.

Sau này, ông là chủ biên cuốn lịch sử An ninh miền Nam thời kỳ chống Mỹ 1954 - 1975 và là người am hiểu tình hình công tác an ninh miền Nam trong giai đoạn dài của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Từ năm 1962  đến năm 1976, Thiếu tướng Ngô Quang Nghĩa công tác gần gũi bên cạnh người thủ trưởng của mình và có nhiều kỷ niệm về Thượng tướng Cao Đăng Chiếm trong những năm tháng đầy cam go nhưng rất hào hùng của cuộc kháng chiến lịch sử.

Trong chiến lược toàn cầu nhằm ngăn chặn chủ nghĩa xã hội ở Đông Nam Á, Mỹ chủ trương hất cẳng Pháp, phá hoại Hiệp định Geneve, tiêu diệt cơ sở cách mạng ở miền Nam Việt Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Để thực hiện âm mưu này, Mỹ gây sức ép với Pháp loại bỏ tay chân là Bửu Lộc ra khỏi chức thủ tướng bù nhìn và đưa Ngô Đình Diệm lên cầm quyền ở miền Nam. Chế độ Mỹ - Diệm đã phá hoại Hiệp định Geneve, thi hành một chính sách phản động và tàn ác chưa từng thấy ở nước ta.

Theo sách "Lịch sử Công an nhân dân Việt Nam", sau khi Ban Bí thư ra chỉ thị về "tăng cường công tác tình báo" lực lượng tình báo chiến lược được đặt trong Phủ Thủ tướng, lực lượng phái khiển là Cơ quan tình báo của công an và lực lượng quân báo thuộc quân đội điều hành.

Thiếu tướng Ngô Quang Nghĩa cho biết, khi ông Cao Đăng Chiếm ra miền Bắc, Trung ương đã có ý định bố trí ông làm Cục phó Cục Tình báo chiến lược, cơ quan do ông Trần Hiệu làm Cục trưởng. Nhưng đồng chí Cao Đăng Chiếm đề nghị được trở lại miền Nam tiếp tục công tác vì ông cho rằng mình công tác trực tiếp ở miền Nam sẽ có lợi hơn cho cách mạng.

Và đồng chí Cao Đăng Chiếm được bố trí trở lại miền Nam theo con đường hợp pháp dưới danh nghĩa là một nhà báo. Ông bay sang Phnom Penh (Campuchia) và trở lại miền Nam. Như hổ trở lại rừng, ông tiếp tục lao vào thực hiện những nhiệm vụ mới của cách mạng.

Trong tình hình khó khăn của cách mạng, để đồng chí Cao Đăng Chiếm có điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động bí mật,  tổ chức cũng bố trí cho người vợ trẻ của ông là Nguyễn Thị Hồng Quế (thường gọi thân mật là Sáu Quế) ra tập kết ở miền Bắc. Sau đó Nguyễn Thị Hồng Quế được tổ chức cho đi học tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Đầu năm 1955, theo quyết định của Đảng, Ban Địch tình Xứ ủy Nam Bộ được thành lập. Ban lãnh đạo gồm có đồng chí Văn Viên, Trưởng ban; các đồng chí Mai Chí Thọ, Cao Đăng Chiếm và Hoàng Minh Đạo làm Phó trưởng ban. Nhiệm vụ của Ban Địch tình là xây dựng và chỉ đạo cơ sở điệp báo, trong các cơ quan tình báo, gián điệp, công an cảnh sát, các cơ quan cao cấp của chính quyền Sài Gòn, quân đội Sài Gòn, các đảng phái phản động để nắm tình hình âm mưu, tổ chức và hoạt động của địch để phục vụ cho sự lãnh đạo, chỉ đạo của Xứ ủy, xây dựng căn cứ bảo vệ cấp ủy, bảo vệ lực lượng cách mạng và các cuộc đấu tranh của nhân dân. Đồng chí Cao Đăng Chiếm phụ trách hệ tình báo phục vụ công tác phản gián chủ yếu đi vào các tổ chức an ninh, tình báo, cảnh sát của chế độ Sài Gòn với mật danh là MQ gồm 5 lưới.

Thượng tướng Cao Đăng Chiếm tặng hoa cho các Trưởng đoàn Thanh niên Công an các tỉnh phía nam về dự Giao lưu họp mặt tại Khu Di tích Trung ương Cục Miền Năm - năm 1997.

Để tăng cường cho công tác tình báo chiến lược ở miền Nam, Trung ương cử đồng chí Trần Quốc Hương (Mười Hương) vào tham gia lãnh đạo Ban Địch tình Xứ ủy, trực tiếp chỉ đạo hệ tình báo chiến lược, trong đó một số đầu mối tình báo cao cấp và sau này trở thành những nhà tình báo nổi tiếng như Phạm Ngọc Thảo, Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn... Đồng chí Trần Quốc Hương có mối quan hệ công tác gắn bó với đồng chí Cao Đăng Chiếm và sau này còn có quan hệ gia đình bởi người em gái của đồng chí Nguyễn Thị Hồng Quế là vợ của đồng chí Mười Hương.

 Có lần, đồng chí Cao Đăng Chiếm nói với chúng tôi rằng, gần suốt cả cuộc đời làm công tác an ninh của ông, mảng công tác phản gián là chính. Trong thời kỳ kháng chiến, ông phụ trách công tác điệp báo nhưng cũng nhằm phục vụ cho công tác phản gián, bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng, bảo vệ nhân dân. Đồng chí Cao Đăng Chiếm có thời kỳ trực tiếp tổ chức công tác bảo vệ cho đồng chí Lê Duẩn, lúc đó là Bí thư Xứ ủy Nam Bộ. Năm 1956, đồng chí Lê Duẩn được Bác Hồ và Trung ương điều động ra miền Bắc, sau đó đến Đại hội Đảng lần thứ 3 năm 1960, ông được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đồng chí Cao Đăng Chiếm đã sống, chiến đấu trong những năm tháng cam go ác liệt thời Mỹ - Diệm đàn áp cách mạng một cách dã man, khốc liệt và thấm đau những mất mát to lớn của cách mạng trong thời kỳ ấy. Sau này, trong một lần chúng tôi xin gặp ông đề nghị nói về giai đoạn này trong phim "Điệp báo miền Nam, cuộc chiến thầm lặng" (của Hãng phim Người Bảo vệ thuộc Báo Công an TP Hồ Chí Minh), Thượng tướng Cao Đăng Chiếm cho biết: Sau khi đất nước tạm thời bị chia cắt, miền Nam còn khoảng 60.000 cán bộ đảng viên ở lại. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, chế độ Mỹ - Diệm đã sát hại, bắt bớ, giam cầm hàng chục ngàn người, chỉ còn khoảng 5.000 cán bộ đảng viên có thể hoạt động được!--PageBreak--

Trước tình hình đó, tháng 1/1959, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 đã đề ra đường lối cách mạng miền Nam là "Giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của  đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh". Đây là nghị quyết hết sức quan trọng, mở ra một thời kỳ kháng chiến mạnh mẽ của nhân dân ở miền Nam và cả nước với phong trào Đồng Khởi vang dội ở Bến Tre.

Năm 1960, Ban Bảo vệ an ninh Xứ ủy Nam Bộ được thành lập do đồng chí Phạm Thái Bường làm Trưởng ban. Đồng chí Cao Đăng Chiếm được cử làm Phó ban, sau đó ban lãnh đạo còn được bổ sung thêm đồng chí Huỳnh Việt Thắng. Từ tháng 1/1960 đến tháng 10/1961, đồng chí được giao nhiệm vụ xây dựng căn cứ địa cách mạng nhằm chuẩn bị cho chiến đấu vũ trang ở tỉnh Tây Ninh và phát động nổi dậy ở khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

Nhận thấy lực lượng an ninh đô thị cần được đào tạo để hoạt động có hiệu quả trong tình hình mới, đồng chí Cao Đăng Chiếm đã cùng lãnh đạo Ban An ninh Xứ ủy Nam Bộ mở lớp huấn luyện, bồi dưỡng chính trị và nghiệp vụ cho khoảng 40 cán bộ cấp huyện, thị của Tây Ninh - "thủ đô kháng chiến" ở miền Nam - và thành phố Sài Gòn - Gia Định. Chính đồng chí Cao Đăng Chiếm và các đồng chí Huỳnh Việt Thắng, Ngô Quang Nghĩa soạn thảo tài liệu, trực tiếp giảng dạy. Không lâu sau đó, một lớp khác dành cho cán bộ an ninh các tỉnh miền Đông Nam Bộ và đặc khu Sài Gòn - Gia Định với hơn 60 học viên được Ban An ninh Xứ ủy Nam Bộ tổ chức.

Đến năm 1961, Đảng thành lập Trung ương Cục miền Nam để lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp cách mạng miền Nam. Sau đó, Ban An ninh Trung ương Cục được thành lập. Ông Phan Văn Đáng, Phó bí thư Trung ương cục làm Trưởng ban; ông Cao Đăng Chiếm làm Phó trưởng ban. Năm 1962, gần 300 cán bộ công an chi viện từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam đã làm tăng thêm sức mạnh về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và nghiệp vụ cho lực lượng an ninh miền Nam.

Vào khoảng năm 1964, ông Cao Đăng Chiếm được Trung ương tổ chức ra Hà Nội. Thiếu tướng Ngô Quang Nghĩa kể lại, lúc đó Trung ương có kế hoạch bổ nhiệm ông Cao Đăng Chiếm làm Thứ trưởng Bộ Công an và ở lại miền Bắc để tham gia chỉ đạo công tác công an. Đồng chí Nguyễn Tài sẽ vào miền Nam làm Phó ban An ninh Trung ương Cục thay vị trí đồng chí Cao Đăng Chiếm. Một số cán bộ Nam Bộ tập kết ở miền Bắc biết tin đã đến chúc mừng ông Cao Đăng Chiếm. Nhưng điều đó ông Cao Đăng Chiếm lại chưa biết. Vì vậy ông đã đi gặp các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng đề nghị cho trở lại miền Nam công tác, chiến đấu.

Thượng tướng Cao Đăng Chiếm đang thắp hương các mộ phần liệt sĩ - năm 1995.

Đồng chí nói rằng: "Tôi ra miền Bắc là để học tập, nhận chỉ thị mới, quán triệt sự chỉ đạo của Trung ương và Bộ Công an. Nếu tôi ra đây mà không trở vào thì anh em ở trỏng nghĩ sao? Họ lại cho lãnh đạo như tôi là tham sống sợ chết hay vì cá nhân. Mặt khác, tôi hiểu tình hình và quen với công tác ở chiến trường". Đồng chí Cao Đăng Chiếm tha thiết đề nghị Trung ương cho trở lại miền Nam.

Thể theo nguyện vọng của đồng chí Cao Đăng Chiếm, Trung ương đã đồng ý để đồng chí trở về Nam. Đồng thời, tổ chức cũng bố trí cho người vợ trẻ của ông là bà Nguyễn Thị Hồng Quế đi vào công tác, chiến đấu cùng người chồng yêu quý của mình ở miền Nam. Cuối năm 1964, hai vợ chồng đồng chí Cao Đăng Chiếm trở lại chiến trường. Sau khi vào miền Nam, bà công tác ở chiến khu R.

Do yêu cầu của cách mạng trong giai đoạn mới, nhất là yêu cầu công tác an ninh ở đặc khu Sài Gòn - Gia Định, Trung ương Cục và Ban An ninh Trung ương Cục quyết định cử đồng chí Cao Đăng Chiếm kiêm nhiệm chức vụ Trưởng ban An ninh Đặc khu Sài Gòn - Gia Định (T4), tham gia Đặc khu ủy cho đến năm 1966. Trong thời gian này, ông đã lãnh đạo Ban An ninh T4 triển khai nhiều mặt công tác và tổ chức xây dựng lực lượng, cơ sở trong lòng địch. An ninh T4 đã tổ chức hệ thống an ninh của ta ngay tại thành phố Sài Gòn - Gia Định với các hình thức sáng tạo. Lực lượng an ninh vũ trang cũng được thành lập...

Đến tháng 5/1966, đồng chí Cao Đăng Chiếm được giao giữ chức vụ là Phó ban An ninh Trung ương Cục miền Nam và được Trung ương Cục chỉ định làm Tư lệnh Mặt trận tiền phương kiêm Chỉ huy trưởng bảo vệ căn cứ Trung ương Cục.

Tháng 12/1974, đồng chí được Trung ương Cục miền Nam chỉ định làm Chỉ huy Phó ban Chỉ huy tiền phương và là Thường vụ Đảng ủy Đặc khu Sài Gòn - Gia Định, chuẩn bị chiến dịch đánh vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Đồng chí Cao Đăng Chiếm chỉ huy các lực lượng an ninh phối hợp với quân chủ lực trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tấn công và nổi dậy để giải phóng Sài Gòn - Gia Định và miền Nam

(Còn nữa)

Nguyễn Khắc Đức
.
.