Anh hùng LLVTND Cao Đăng Chiếm - Vị tướng An ninh huyền thoại

Chủ Nhật, 08/08/2010, 22:45
Nhà nước vừa có quyết định truy tặng danh hiệu cao quý "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" cho cố Thượng tướng Cao Đăng Chiếm, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an. Ông là một trong những tướng lĩnh Công an nhân dân mà cuộc đời và sự nghiệp gắn liền với cách mạng Việt Nam và lịch sử hào hùng, oanh liệt của lực lượng Công an nhân dân.

Lúc Thượng tướng Cao Đăng Chiếm còn sống, đặc biệt là lúc đang làm việc, nhiều nhà văn, nhà báo muốn viết về ông, một trong những vị tướng an ninh Việt Nam đầu tiên nhưng thừa nhận là rất khó. Nguyên tắc giữ bí mật đã thấm sâu trong máu thịt của ông. Những năm tháng chiến đấu ở chiến trường miền Nam, nhất là khi cách mạng trải qua những biến cố, thăng trầm, làm cho người lãnh đạo lực lượng an ninh dày dạn kinh nghiệm.

Vì vậy, tư liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng anh dũng, đầy mưu lược của ông mà hầu hết là những hoạt động lãnh đạo, chỉ huy an ninh hầu như không được thể hiện nhiều trên sách báo mà thường nằm trong những tài liệu về công tác nghiệp vụ có độ mật cao hoặc là những tư liệu trong các cuốn "Lịch sử Công an nhân dân", "An ninh miền Nam thời kỳ chống Mỹ", "Lịch sử Công an thành phố Hồ Chí Minh"... có những tư liệu rải rác nói về hoạt động của đồng chí Cao Đăng Chiếm hoặc có liên quan đến ông. Và nếu có được những tư liệu ấy cũng khó mà viết về ông thật hấp dẫn theo kiểu truyện trinh thám được. Và có một điều, khi gặp ông, người ta chỉ thấy ông nói về công việc, về những vấn đề lớn của đất nước, của Đảng, của Lực lượng Công an, mà lại thường rất ít nói về mình.

Chúng tôi cũng được gặp nhiều cán bộ an ninh lão thành đã từng chiến đấu, công tác gần gũi với ông và biết đôi điều về vị tướng luôn luôn bám trụ ở chiến trường trong suốt hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, giải phóng dân tộc và trong thời kỳ bảo vệ an ninh Tổ quốc đầy sôi động trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội khá dài sau ngày đất nước thống nhất.

Thượng tướng Cao Đăng Chiếm dáng cao lớn, khuôn mặt chữ điền, hơi nghiêm nghị có đôi mắt sáng quắc. Cái thần tướng của ông thể hiện ở "cửa sổ tâm hồn". Ông là một nhà lãnh đạo an ninh ít có những câu chuyện theo kiểu bí ẩn nhưng suốt đời hoạt động cách mạng của ông luôn gắn liền với những vùng đất, mặt trận nóng bỏng về an ninh và thực sự là một trong những vị tướng an ninh Việt Nam kiệt xuất.

Thượng tướng Cao Đăng Chiếm sinh ngày 1/12/1921 trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở xã Mỹ Quý, huyện Cai Lậy, Mỹ Tho nay thuộc tỉnh Tiền Giang. Ông còn có bí danh và sau này trở thành tên gọi thân mật là Sáu Hoàng. Và trong thời kỳ chống Pháp, ông còn có bí danh khác là Bảy Chiếm, mà mỗi lần nghe đến là kẻ thù khiếp sợ.

Thân phụ của ông là một nhà nho kiêm thầy thuốc đông y, tham gia phong trào khởi nghĩa chống Pháp của vị anh hùng Nguyễn Trung Trực ở vùng đất kiên cường tinh thần cách mạng và giàu nghĩa khí ở Nam Bộ. Cuộc khởi nghĩa của vị anh hùng áo vải Nguyễn Trung Trực tuy bị thất bại và bị thực dân Pháp đàn áp dã man, nhưng tinh thần kháng Pháp và lòng yêu nước, sự dũng cảm vì nghĩa lớn của những nghĩa binh của Nguyễn Trung Trực vẫn tiếp tục hun đúc lòng yêu nước thương nòi của các thế hệ con cháu của họ và của người Việt Nam.

Lúc nhỏ, Cao Đăng Chiếm được gia đình cho đi học tiểu học và trung học ở Mỹ Tho. Sau đó, anh thanh niên dáng người nho nhã này lên Sài Gòn học nghề về giao thông công chính và đi làm.

Tiếp nối truyền thống yêu nước của ông cha, Cao Đăng Chiếm sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1943, Cao Đăng Chiếm tham gia phong trào chống thực dân Pháp xâm lược trong Tổ chức Công hội đỏ do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo ở thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn. Đồng chí Cao Đăng Chiếm vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1946 do đồng chí  Nguyễn Văn Linh (sau này là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam) tổ chức kết nạp. Đến năm 2006 ông đã được tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

Mùa thu năm 1945, thời cơ ngàn năm giành độc lập cho dân tộc Việt Nam đã đến. Lợi dụng uy thế của phát xít, Nhật hất cẳng Pháp xâm lược Việt Nam. Nhưng Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc với thắng lợi của quân đồng minh, phát xít Ý bị đánh bại, phát xít Đức đầu hàng và phát xít Nhật không thoát khỏi số phận thất bại, phải đầu hàng Đồng minh không điều kiện.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, cuộc khởi nghĩa được chính thức bắt đầu từ ngày 14/8/1945. Ngày 19/8/1945, cuộc khởi nghĩa thắng lợi ở thủ đô Hà Nội. Đêm 22 rạng ngày 23/8, cờ đỏ sao vàng tràn ngập cố đô Huế. Trước sức mạnh của cách mạng, Vua Bảo Đại phải thoái vị và nộp ấn kiếm cho chính quyền cách mạng.

Đồng chí Cao Đăng Chiếm tích cực tham gia cuộc khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 tại Sài Gòn - Chợ Lớn. Ông là một trong những cán bộ chỉ huy lực lượng cách mạng chiếm dinh Thống đốc Nam Kỳ (thường gọi là dinh Gia Long, nay là Bảo tàng Cách mạng thành phố Hồ Chí Minh). Tham gia lực lượng này còn có các đồng chí Lê Thanh Vân (Sáu Ngọc, sau này là Cục trưởng Cục Tình báo của Bộ Công an, Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh), người đã leo lên nóc dinh Gia Long giật lá cờ của địch, treo cờ đỏ sao vàng của cách mạng. Sau này, hai ông trở thành đồng chí và là bạn chiến đấu thân thiết của nhau trong Lực lượng Công an nhân dân.

Ngày 25/8/1945, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Chính quyền cách mạng chiếm lĩnh quản lý toàn bộ thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn.

Trong những ngày sục sôi của Cách mạng Tháng Tám, Đảng đã quyết định thành lập các tổ chức an ninh, tiền thân của Lực lượng Công an nhân dân để bảo vệ phong trào cách mạng và trực tiếp đấu tranh diệt ác trừ gian. Ở Bắc Bộ có Sở Liêm phóng, ở Trung Bộ có Sở Trinh sát và ở Nam Bộ có Quốc gia tự vệ cuộc. Tuy tên gọi khác nhau, nhưng các tổ chức ấy đều làm nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng và chính quyền non trẻ ở các cấp trong cả nước. Đồng chí Cao Đăng Chiếm tham gia lực lượng Quốc gia tự vệ cuộc Nam Bộ ngay tại thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn.

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập,  khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cùng trong thời gian này, tại Sài Gòn, Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ tổ chức cuộc míttinh với hàng vạn người tham gia, tập trung tại quảng trường nhà thờ Đức Bà để nghe Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập qua máy phóng thanh. Lực lượng Quốc gia tự vệ cuộc đã kịp thời vây bắt bọn phản động khiêu khích, phá hoại, bảo vệ an toàn cuộc míttinh lớn này.--PageBreak--

Trong một bài viết về cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, ông kể lại: Đúng vào trưa ngày 2/9/1945, sau khi nghe Đài Phát thanh phát Tuyên ngôn Độc lập, tôi được anh Dương Bạch Mai, Ủy viên trưởng Quốc gia tự vệ cuộc của Ủy ban Hành chính Nam Bộ làm giấy bổ nhiệm là Phó giám đốc Quốc gia tự vệ cuộc Nam Bộ chuyên trách về chính trị. Lúc đó, ông Nguyễn Văn Trấn là Giám đốc Quốc gia tự vệ cuộc Nam Bộ.

Không lâu sau, đêm 22 rạng ngày 23/9/1945, được sự hỗ trợ của quân Anh, quân Pháp đã nổ súng đánh chiếm các công sở của chính quyền cách mạng non trẻ tại Sài Gòn - Chợ Lớn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai của Pháp. Hưởng ứng "Lời kêu gọi đồng bào Nam Bộ kháng chiến" của Ủy ban Nhân dân Nam Bộ, sáng 23/9/1945, Quốc gia tự vệ cuộc đã cùng quân dân Nam Bộ đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp. Đồng chí Cao Đăng Chiếm lao vào cuộc kháng chiến trong Quốc gia tự vệ cuộc Sài Gòn - Chợ Lớn với tinh thần yêu nước cao độ.

Cũng trong ngày 23/9/1945, chuyến tàu đầu tiên chở các chiến sĩ cách mạng bị địch giam ở Côn Đảo trở về đất liền. Các đồng chí được Trung ương và Xứ ủy Nam Bộ bố trí công tác, bổ sung vào đội ngũ cán bộ của Đảng cho Nam Bộ để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ngay từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng còn non trẻ. Trong số đó có các đồng chí Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng... sau này đều trở thành những nhà lãnh đạo cách mạng tài ba và nổi tiếng của Đảng và Nhà nước ta.

Đồng chí Cao Đăng Chiếm đã gặp và làm việc với các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng trong những ngày sôi sục cách mạng ấy ở Nam Bộ.

Tháng 2/1946, sau khi thống nhất các tổ chức công an trong cả nước, Quốc gia tự vệ cuộc được đổi tên là Sở Công an Nam Bộ. Lãnh đạo Xứ ủy Nam Bộ nhận thấy ở người cán bộ trẻ này có những phẩm chất, năng lực phù hợp với công tác công an, đã tin tưởng giao nhiệm vụ Phó giám đốc Sở Công an Nam Bộ. Cùng với đồng chí Phạm Hùng, Cao Đăng Chiếm hăng hái đi hầu khắp các tỉnh Nam Bộ, củng cố lực lượng cách mạng ở các cấp, đặc biệt là công tác Đảng và công tác Công an.

Thượng tướng Cao Đăng Chiếm (thứ 3 từ phải sang) trao đổi với các đồng chí an ninh địa phương trong chiến khu.

Vào tháng 6/1946, tại căn cứ Đồng Tháp Mười đã diễn ra cuộc họp quyết định thành lập Xứ ủy lâm thời Nam Bộ và cử đồng chí Phạm Hùng làm Bí thư. Sau hội nghị Xứ ủy, đồng chí Phạm Hùng gặp đồng chí Cao Đăng Chiếm trao đổi về tình hình Sài Gòn và cho biết sẽ quyết định điều động ông về địa bàn quan trọng này với nhiệm vụ Phó giám đốc Sở Công an Nam Bộ kiêm Trưởng ty Công an Sài Gòn - Chợ Lớn. Với cặp mắt tinh tường và sự tin cậy cao, đồng chí Phạm Hùng đã quyết định giao trọng trách cho người thanh niên mới 25 tuổi nhiệm vụ rất quan trọng.

Sài Gòn là nơi giặc Pháp đặt các cơ quan đầu não về chính trị, quân sự, cảnh sát, tình báo, gián điệp của chúng, là sào huyệt của các đảng phái phản động, bọn tay sai đắc lực của giặc. Với nội dung đó, Sài Gòn trở thành một trọng điểm có tính chiến lược. Vì vậy ta phải tập trung cán bộ công an giỏi, xây dựng lực lượng công an mạnh ở Sài Gòn. Đặc biệt là phải coi trọng công tác điệp báo, cần chọn những người có khả năng, điều kiện thích hợp bố trí chui sâu vào các tổ chức quan trọng của địch để kịp thời nắm tình hình...

Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng và của Giám đốc Sở Công an Nam Bộ, đồng chí Cao Đăng Chiếm tích cực, chủ động xây dựng bộ máy, lựa chọn, bố trí lực lượng công an Sài Gòn khá mạnh, nhất là các lực lượng mũi nhọn phục vụ Thành ủy lãnh đạo đấu tranh tại chỗ. Ông cũng thường xuyên quan tâm đẩy mạnh hoạt động trong nội thành, tăng cường công tác điệp báo của Sở Công an Nam Bộ. Đối với những đầu mối quan trọng thì ông trực tiếp nắm và chỉ đạo. Chính vì vậy, hoạt động của công an tại Sài Gòn phục vụ đắc lực cho cách mạng trong giai đoạn cam go này.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ngày càng mở rộng và phát triển trên cả nước, trong đó có Nam Bộ. Tổ chức Lực lượng Công an cần được củng cố và tăng cường để đáp ứng với tình hình mới. Tháng 11/1951, Trung ương Cục miền Nam quyết định thành lập Sở Công an Phân khu miền Đông để chỉ đạo và tổ chức kháng chiến ở các tỉnh: Bà - Chợ (Bà Rịa - Chợ Lớn), Thủ - Biên (Thủ Dầu Một - Biên Hòa) Gia Định Ninh (Gia Định - Tây Ninh), Mỹ Tho, Long Châu Sa (Long Châu Tiền - Sa Đéc). Đồng chí Cao Đăng Chiếm được cử làm Giám đốc Sở Công an Phân liên khu miền Đông.

Cũng vào năm 1951, đồng chí Cao Đăng Chiếm được cử ra Việt Bắc báo cáo tình hình với Trung ương và nhận sự chỉ đạo mới về cuộc kháng chiến. Cắt rừng và vượt nhiều chặng đường vất vả, đồng chí ra đến Việt Bắc. Một vinh dự lớn đối với đồng chí Cao Đăng Chiếm là ông đã được gặp Bác Hồ, vị lãnh tụ lỗi lạc của cách mạng Việt Nam, người mà ông rất ngưỡng mộ.

Năm 1954, Hiệp định Geneve về Việt Nam được ký kết. Từ tháng 8/1954 đến tháng 10/1954, đồng chí Cao Đăng Chiếm làm Trưởng đoàn Liên hiệp đình chiến khu Xuyên Mộc

(Còn nữa)

Nguyễn Khắc Đức
.
.