Bác Hồ trong trái tim người lính Điện Biên năm xưa

Chủ Nhật, 19/05/2019, 11:29
Chúng tôi tìm gặp ông - người anh hùng Điện Biên giữa một ngày tháng 5 lịch sử. Trời cho, ở tuổi 90 ông vẫn rất mẫn tiệp. Đã từng đi qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đã từng lập nên kỳ tích trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954… những nhân chứng lịch sử như ông giờ ngày càng hiếm bởi thời gian. Và dù nhiều tháng năm trôi qua, trong ông vẫn vẹn nguyên ký ức.

Qua những câu chuyện kể, trong tâm trí của ông, Bác Hồ và những lời dạy của Người chính là nguồn động viên vô cùng to lớn, khích lệ tinh thần người lính khi xung trận, vượt mọi gian khó, quyết chiến đấu giành độc lập dân tộc.

Lời Bác thôi thúc cho trận quyết chiến

Nói đến những người lính Điện Biên Phủ may mắn còn đến ngày hôm nay, người ta không thể không nhắc đến Anh hùng Đại tá Phùng Văn Khầu - người vinh dự được Bác Hồ phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân năm 1955, sau chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954).

Ông Khầu là người dân tộc Nùng, sinh ra ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng có một tuổi thơ khó nhọc, mồ côi mẹ khi mới hơn 1 tuổi. 8 tuổi nai lưng đi ở cho địa chủ để kiếm sống. Năm 1946, theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ, ông cùng những người bạn lặn lội đi bộ vượt hơn 60 km để xin được vào bộ đội.

Anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu (hàng sau bên trái) cùng các anh hùng, thanh niên tiêu biểu được biểu dương năm 1955.

Chàng trai 17 tuổi gia nhập bộ đội pháo binh. Khi đó, ông cũng chẳng ngờ rằng, 8 năm sau chính ông đã lập nên một kỳ tích trong chiến dịch Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Người ta vẫn gọi ông là người chiến binh một mình bắn sơn pháo. Bởi có lẽ, trong lịch sử pháo binh Việt Nam, chưa có một người nào có thể tự vận hành một khẩu sơn pháo 75 ly bắn hạ pháo 105 ly. Và, cuộc trò chuyện của chúng tôi trọn vẹn cả buổi sáng, ông đã lý giải cho câu chuyện kỳ tích của đời mình.

Ông Khầu hồi tưởng: "Ngày 18-3-1954, chúng tôi nhận lệnh hành quân lên Điện Biên tham gia đợt hai chiến dịch. Trước đó, tháng 12-1953, trong thư gửi cán bộ chiến sỹ mặt trận Điện Biên Phủ, Bác Hồ căn dặn: "Thu đông năm nay các chú lại có nhiệm vụ tiến quân vào Điện Biên Phủ để tiêu diệt thêm sinh lực địch, mở rộng thêm căn cứ kháng chiến, giải phóng thêm đồng bào còn bị giặc đè nén… Các chú phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh". Lời Bác như tiếng kèn xung trận giục giã chúng tôi…

Để kịp vào chiến dịch đợt hai, chúng tôi hành quân liên tục ngày đêm. Ngồi trên xe tưởng sướng lại hoá ra mệt chẳng kém đi bộ. Đường vừa xấu vừa trơn, xe rung lắc liên tục. Đêm 25-3-1954, cách Him Lam 2 km chúng tôi phải xuống khiêng vác pháo đi bộ để giữ bí mật. Đường trơn trượt, đá sỏi nhọn sắc cứa toạc cả chân.

Trận địa chỉ cách địch chưa đầy trăm mét, chúng tôi phải vừa bò vừa kéo… đói mệt rã rời, chân tay tê cứng. Những lúc như thế, mệnh lệnh của Bác lại như thúc giục: "Các chú phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh…" (trích thư Bác Hồ gửi cán bộ và chiến sỹ mặt trận Điện Biên Phủ tháng 12-1953). Mọi người gồng mình lên, quên cả mệt nhọc, lao vào chiếm lĩnh trận địa đúng thời gian dự định.

Chiều 30-3, Đại đội tôi cùng bộ binh đánh công kiên Đồi E. Pháo của ta đặt cách địch có chỗ chỉ năm sáu chục mét. Chúng tôi phá huỷ được 4 lô cốt cùng một số vũ khí, sinh lực địch, mở đường cho bộ binh xông lên diệt gọn đồi E trong vòng 1 giờ. Đại đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tôi sung sướng và xúc động vì đã thực hiện tốt lời kêu gọi của Người" - ông Khầu chia sẻ.

Ông kể, trong những lúc khó khăn, nguy hiểm nhất, hình ảnh của Bác, lời căn dặn, động viên của Bác như tiếp thêm sức mạnh, thúc giục các chiến sỹ trên mặt trận tiến lên phía trước: "Lúc đó Đại đội 755 chúng tôi đang làm nhiệm vụ chiến đấu giữ vững đồi E, dùng hỏa lực chi viện cho bộ binh chiến đấu.

Ngày 23-4-1954, hai tiểu đoàn địch với 5 xe tăng và sự yểm trợ hỏa lực, 4 khẩu pháo 105 ly phản kích đánh ra cao điểm 206 nhằm giải vây cho sân bay Mường Thanh. Đại đội 755 trên đồi E được lệnh tiêu diệt trật địa pháo 105 của địch trên điểm cao 507 và 508. Khẩu đội 2 và khẩu đội 3 được lệnh nổ súng. Xe tăng địch phát hiện đã bắn trúng lỗ châu mai của cả hai khẩu đội. 11 đồng chí hy sinh, 7 đồng chí bị thương, 2 khẩu pháo bị hỏng.

Trên đồi E chỉ còn lại khẩu đội 1 của tôi. Căm thù trào lên nghẹn cổ, thương đồng chí đồng đội hy sinh, lại lo lắng khi chỉ còn một khẩu đội, làm sao để đơn vị hoàn thành nhiệm vụ? Anh em tôi bật khóc.

Thấy vậy, đồng chí chính trị viên đại đội nhắc lại lời dặn của Bác: "Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang… Bác tin rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới… Chúc các chú thắng to!" (trích thư của Bác tháng 3-1954 gửi cán bộ chiến sỹ mặt trận Điện Biên Phủ). Nghe động viên, tôi bừng tỉnh, trấn tĩnh lại ngay, lệnh anh em vào vị trí chiến đấu".

Cuộc chiến đấu diễn ra khốc liệt, sau khi bị tiêu diệt hai khẩu pháo 105 ly vừa kéo ra, địch điên cuồng phản pháo, bắn trúng mép lỗ châu mai. Đồng đội bị thương, hi sinh, còn ông cũng bị sức ép ngã xuống ngất đi giây lát. Tỉnh lại, chỉ còn một mình với một khẩu pháo 75 ly, ông quyết không rời trận địa, vùng dậy tự ngắm, lắp đạn, giật cò… một mình làm nhiệm vụ của 7 pháo thủ. Ông nổ súng tiêu diệt toàn bộ trận địa pháo 105 ly, 1 kho đạn, 2 khẩu súng máy và nhiều sinh lực địch...

Ông Khầu tâm sự, sau trận đánh đó, ông cứ thắc mắc trong đầu rằng sao lúc đó có sức mạnh và ý chí quyết tâm như thế. Và chính ông tự trả lời câu hỏi, rằng lời kêu gọi của Bác là động lực to lớn để giúp ông vượt qua mọi thử thách hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình, sức mạnh được nhân lên gấp bội để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Xúc động những lần gặp Bác Hồ

Ngay sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông được về chiến khu Việt Bắc gặp Bác Hồ để báo công và được Bác trực tiếp gắn Huy hiệu của Người lên ngực. Ngày 31-8-1955, lần thứ hai ông được gặp Bác Hồ trong Lễ tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho các chiến sỹ thi đua xuất sắc của quân đội. Bác Hồ trực tiếp gắn Huân chương Quân công hạng Ba và trao danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho ông.

Vợ chồng ông Phùng Văn Khầu (bên phải) và anh hùng La Văn Cầu (thứ 2 từ trái sang) đến thăm gia đình anh hùng Bế Văn Đàn (em trai anh hùng Bế Văn Đàn ngoài cùng bên trái).

"Bác dặn không được tự kiêu, tự mãn, luôn khiêm tốn, thật thà, không giấu dốt, không giấu khuyết điểm…" - ông Khầu nhớ lại.

Cũng trong năm 1955, ông được lựa chọn đi dự Liên hoan thanh niên, sinh viên thế giới ở Ba Lan. Chuyến đi như trong mơ đã giúp ông kết nối với một cô gái trẻ ở quê hương 5 tấn Thái Bình. Cô gái Hà Thị Cay khi đó mới 17 tuổi được dự Liên hoan với thành tích là Chiến sỹ thi đua nông nghiệp.

Với nụ cười hạnh phúc, nét mặt đôn hậu, người bạn đời của ông vui vẻ “tiết lộ”: "Tên tôi là Hà Thị Cay, cay đắng ấy! Tôi cũng trải qua một tuổi thơ cay đắng như ông ấy. Ông nhà tôi ngày xưa đẹp lắm, các cô văn công theo ông nhiều, nhưng ông lại chọn tôi. 60 năm qua điều tôi hạnh phúc nhất là chưa bao giờ bị ông nói nặng lời". Tình yêu của ông bà song hành với cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc.

Bà còn nhớ như in lần gặp Bác Hồ tại Liên hoan thanh niên, sinh viên thế giới năm 1955: "Bác gặp đoàn thanh niên, sinh viên và cất tiếng hỏi: "Cháu nào ít tuổi nhất ở đây?. Tôi trả lời Bác mà hơi run run: "Cháu ạ!". Bác ân cần hỏi chuyện, động viên chúng tôi… Xúc động lắm!".

Trong chuyến đi, cô gái Hà Thị Cay đã để lại ấn tượng và tình cảm đặc biệt trong lòng người chiến sỹ Điện Biên. Về nước, mỗi người nhận nhiệm vụ ở một nơi, bà trở về Thái Bình, ông đóng quân ở Hưng Yên, không thư từ, bởi cả hai đều… không biết chữ.

Nhưng rồi như duyên phận, họ đã bất ngờ gặp nhau trong cuộc triển lãm nông nghiệp toàn quốc, ông về nhờ người viết thư tỏ tình, bà nhờ người đọc, viết thư chấp nhận. Vậy là họ nên vợ nên chồng. 

Thế nhưng, đất nước còn chiến tranh, cặp vợ chồng trẻ đã sống xa nhau như bao đôi lứa sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng vì độc lập chung của dân tộc - "Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau" (Cuộc chia ly màu đỏ - thơ Nguyễn Mỹ). 4 người con của họ được sinh ra ở 4 tỉnh khác nhau: Thái Bình, Thái Nguyên, Nam Định và Sơn Tây (tỉnh Hà Tây cũ).

Bà Hà Thị Cay, người bạn đời của ông Phùng Văn Khầu vinh dự hai lần được gặp Bác Hồ.

Năm 1960, ông Khầu về Quân khu Việt Bắc, đóng quân ở Thái Nguyên. Năm 1961 ông đưa vợ con từ Thái Bình lên Thái Nguyên, sau đó ông về Hà Nội học chính trị rồi vào chiến trường Khe Sanh, đường 9 Nam Lào, tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trong thời gian ở Thái Nguyên, mẹ con bà Cay được bố trí ở một căn phòng nhỏ. Năm 1967, khi lên thăm Khu tự trị Việt Bắc, Bác Hồ đã trực tiếp đến thăm mẹ con bà Cay. "Lúc đó vào 12 giờ trưa, tôi đang cho con bú. Chẳng ai báo trước cả.

Có người gọi: "Cay mở cửa có khách". Tôi chạy ra và sững sờ khi nhìn thấy Bác. Bác tặng kẹo cho con tôi và ân cần hỏi: "Chú ấy đâu?”. Tôi thưa với Bác: "Nhà cháu đang chiến đấu trong miền Nam". Bác dặn dò: "Mấy mẹ con động viên chú chiến đấu thắng lợi nhé!"" - Bà Cay kể lại.

Giữa thời điểm chiến tranh khốc liệt, ngày 15-8-1969, khi đó ông Phùng Văn Khầu là Thiếu tá, Phó chính ủy Trung đoàn 675B (nay là lữ đoàn 368 anh hùng) đang chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên - Huế.

Ông bất ngờ được sắp xếp cho ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới. Suốt dọc đường đi ông vui mừng vì được hít thở bầu không khí dễ chịu hơn môi trường luôn căng thẳng, khốc liệt từng giây phút. Nhưng ông cũng thầm băn khoăn, không biết nhiệm vụ mới là nhiệm vụ gì.

Sáng 27-8-1969, Cục cán bộ đưa ông đến quân y viện 108 kiểm tra sức khỏe và nhận thông báo được tham gia Chủ tịch đoàn lễ mít tinh kỷ niệm ngày Quốc khánh 2-9 tại hội trường Ba Đình. Vinh dự quá sức tưởng tượng - ông thầm nghĩ.

Xúc động và niềm vui chưa dứt thì ông lại nhận thông báo: "Chiều 30-8 Khầu vinh dự được cùng Đoàn chủ tịch vào thăm Bác. Bác đang ốm nặng, phải bình tĩnh, xác định cho tốt".

"Nghe thông báo vậy cổ họng tôi nghẹn lại, ngực tôi như bị thắt lại, tôi bối rối lo lắng. Đúng 14 giờ ngày 30-8, xe ô tô của Tổng cục Chính trị đến nhà khách 34 Lý Nam Đế đón tôi đến phòng tiếp đón tại Phủ chủ tịch. Cả đoàn đi trong im lặng, hồi hộp, lo lắng. Vừa vào đến cửa phòng, tôi đã bàng hoàng, choáng váng. Bác nằm thiếp trên giường bệnh. Tim tôi thắt lại, không trấn tĩnh được, tôi ào khóc to và kêu lên "Bác ơi!". Đồng chí Vũ Quang vội đỡ và đưa tôi ra phòng cấp cứu, tiêm thuốc trợ tim… Đó là lần cuối cùng tôi được gặp Bác" - ông Khầu xúc động kể lại.

Sau chiến tranh, ông Phùng Văn Khầu trở về công tác tại Trường sỹ quan pháo binh ở Sơn Tây, Hà Nội, chọn đây làm quê hương thứ 2 của mình. Nghỉ hưu, ông tích cực tham gia công tác ở địa phương. Dù trong chiến đấu hay giữa cuộc sống đời thường, người lính Điện Biên ấy vẫn luôn sáng ngời phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ.

Việt Hà - Hà Thao
.
.