Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện: Một lần thoát hiểm

Thứ Tư, 20/02/2013, 06:30

Bác sĩ (BS) Nguyễn Khắc Viện sang Pháp du học năm 1937, dự tính học xong sẽ về nước với một nghề lương thiện: chữa bệnh, cứu người; nhưng con người ta mấy ai lường trước được vận mạng của mình. Năm 1941, bảo vệ xong luận án, do Chiến tranh thế giới thứ hai, Đức chặn hết tàu thủy của Pháp, thế là kẹt đường về. Điều bất hạnh hơn nữa là đầu năm 1942, khi đang làm việc ở Bệnh viện Trousseau (bệnh viện trẻ em lớn ở Paris), BS Nguyễn Khắc Viện bị nhiễm bệnh lao, một trong "tứ chứng nan y" thời đó.

Dân gian có câu "trong cái rủi lại có cái may"; với BS Nguyễn Khắc Viện thì không biết hai "sự cố" kể trên là "rủi" hay "may", vì giả như không bị kẹt lại ở Pháp, ông về Hà Nội mở "phòng mạch" thì với cái "mác" bác sĩ loại giỏi ở Paris, ắt sẽ được vinh thân phì gia; nói theo ngôn ngữ "hiện đại" thì sẽ thành đại gia! Thế nhưng không ngờ ông lại dấn thân vào con đường hoạt động chính trị - xã hội, sau 26 năm làm việc ở Pháp trở về với tài sản là cái máy đánh chữ và tấm ni-lông hoa cho các em làm quai nón! Bù lại, ông trở thành người nổi tiếng từ Pháp; sau khi về nước càng nổi tiếng hơn.

"Di sản của ông đồ sộ như một thư viện… Người đời quý trọng Nguyễn Khắc Viện về một trí tuệ, một tài năng, một con người và một tâm hồn lớn" - Ông Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng đã viết về BS Nguyễn Khắc Viện như vậy.

Những chuyện tương tự, có thể nhiều người đã biết, nhưng ít ai ngờ một người mang trọng bệnh với 8 lần lên bàn mổ, cắt 6 xương sườn và hơn 1 lá phổi, sau lưng có một cái "hang" to gần bằng bát ăn cơm luôn chảy mủ như BS Nguyễn Khắc Viện lại nhiều lần phải đối đầu với cảnh sát, mật thám Pháp.

Nguyên do là từ năm 1942, khi phải vào Viện Điều dưỡng lao "Sana Saint Hilaire du Touvet", BS Nguyễn Khắc Viện  đã có điều kiện đọc nhiều báo chí và sách kinh điển Đông-Tây, lại được tiếp xúc với nhiều trí thức tiến bộ Pháp, với những Việt kiều yêu nước - trong đó có lớp "lính thợ" Việt Nam bị Pháp bắt sang phục vụ Chiến tranh thế giới thứ hai; từ đó, ông giác ngộ cách mạng, vào Đảng Cộng sản Pháp, vừa điều trị bệnh, vừa tham gia hoạt động Việt kiều yêu nước.

Năm 1952, nhờ kiên trì tập thở, kết hợp yoga với khí công, tự thấy đủ sức làm việc, ông trở về Paris hoạt động, khi Chính phủ Pháp đã cấm tổ chức Việt kiều yêu nước. Trong hồi ký của mình, BS Nguyễn Khắc Viện đã kể lại lần thứ nhất thoát khỏi lưới cảnh sát Pháp như sau:

"…Một buổi sáng tháng 12/1952, vào lúc 5 giờ, cảnh sát Pháp ập đến, bắt mấy chục anh chị em, hỏi cung rồi thả, nhưng giữ lại 12 người trong đó có anh Phạm Huy Thông, trục xuất khỏi nước Pháp, tống về giam ở Sài Gòn đến ký Hiệp định Genève mới thả.

Có 2 người thoát được là anh Trần Thanh Xuân và tôi. Hồi đó, tôi ở nhà một bà có người con làm công nhân, nằm cạnh giường tôi hồi còn ở bệnh viện. Bà hay vào thăm con, quen biết tôi và nói sau này anh ra viện nếu cần thì về nhà bà mà ở. Bà này làm công nhân từ năm 13 tuổi, đến 50 tuổi sức yếu, xin được chân bảo vệ ở trường như vậy là thuộc hạng bét trong nhân viên nhà nước. Hôm cảnh sát đến nhà bà để tìm bắt tôi, không có tôi ở đó, vì tôi đã đề phòng lúc ngủ chỗ này, lúc ngủ chỗ khác nên không ở nhà bà từ mấy tháng trước rồi. Khám xét xong, chúng hỏi bà rằng tôi ở đâu. Bà nói: "Tôi không biết" - "Tại sao bà dám chứa chấp một anh Việt Minh chống Chính phủ Pháp?" - "Đấy là quyền của tôi. Nếu tôi chứa chấp một thằng ăn trộm ăn cướp thì tôi phạm tội, còn mời một người ở nhà tôi, ý kiến chính trị của người ấy như thế nào, chuyện này không có tội gì cả".

Nhắc lại việc này để thấy tinh thần dân chủ của nhân dân Pháp, họ có truyền thống đấu tranh bảo vệ quyền dân chủ từ Cách mạng Pháp cách đây hơn 200 năm rồi. Sau này bà kể chuyện lại: "Ôi giời ôi! Bọn cảnh sát này tôi lạ gì! Đình công mấy chục năm đánh nhau với nó hoài. Chúng tôi đi biểu tình, giả vờ mang túi đi trong đó có cục sắt, nếu cần là đánh nhau luôn, không có sợ cảnh sát đâu".

Như vậy, BS Nguyễn Khắc Viện thoát khỏi vụ vây ráp đó chẳng phải có tài cán gì hơn người. Ông cũng cho biết, tuy phải hoạt động bất hợp pháp, luôn bị cảnh sát tìm bắt, nhưng ông thoát được là nhờ sau mười mấy năm ở Pháp, giao lưu rộng, ông có nhiều bạn thân, anh em sẵn sàng cho tá túc; một thuận lợi nữa là ở Pháp người ở trọ không phải khai báo, láng giềng cũng ít dòm ngó nhau. Hơn nữa, thời sinh viên, ông toàn đi xe đạp, thuộc mọi ngõ ngách, hễ có "động" là nhảy tàu điện từ phố này sang phố khác, chuyển ôtô buýt, rồi lẫn giữa dòng người theo các ngõ phố lắt léo là thoát.

Cũng phải nói là nhờ… trời, BS Nguyễn Khắc Viện có thân hình cao ráo, chụp chiếc mũ phớt, khoác áo măng tô vào thì chẳng khác dân Tây là mấy. Tất nhiên, còn có sự che chở, đùm bọc của Việt kiều và các bạn Pháp nữa. Như bà Lephay, người đã cự lại cảnh sát Pháp khi chúng đến bắt hụt BS Nguyễn Khắc Viện, đã bị chúng dẫn đi khắp các đường phố Paris suốt 3 ngày liền, hòng truy tìm "con mồi" lọt lưới; sau đó, chúng còn cử mật thám lẽo đẽo theo chân bà suốt cả tháng, nhưng chỉ hoài công vô ích. Do được mật báo, suốt 2 năm trời, dù rất muốn ghé thăm, BS Nguyễn Khắc Viện đã không thể gặp lại gia đình bà.

Chính nhờ lực lượng này mà sau khi Hội nghị Genève khai mạc, BS Nguyễn Khắc Viện đã dám "qua mặt" cảnh sát Pháp, bí mật vượt biên giới Pháp-Thụy Sĩ, để sang Genève báo cáo với Thủ tướng Phạm Văn Đồng và phái đoàn Chính phủ VNDCCH nội tình nước Pháp, để chúng ta có đối sách thích hợp. BS Nguyễn Khắc Viện đã kể lại như sau:

"…Hồi đó biên giới Thụy Sĩ và Pháp canh phòng rất nghiêm ngặt. Nhờ đường dây của Đảng Cộng sản Pháp, tôi được giới thiệu đến gặp một đồng chí Pháp ở một thị trấn tại biên giới Pháp - Thụy Sĩ, cách Genève chỉ mười mấy kilômét. Đồng chí ấy nuôi khoảng 2.000 con gà, hàng ngày 2 lần, buổi sáng và buổi chiều chở trứng sang bán ở Genève. Lính gác biên phòng anh ta quen hết, đi ngang qua đấy, cứ đãi một cốc rượu là xong. Tối hôm đó, sau 8 giờ, chúng tôi ra đi. Tôi ngồi sau ôtô, đội mũ úp mặt xuống.

Qua đồn biên phòng, người gác bảo: "Paul đi đâu hở mày? Vào uống rượu với tụi tao đã" - "Hôm nay tao bận sang Genève xem kịch, thôi hôm sau". Anh ta đưa thẳng tôi đến khách sạn. Tôi có dịp gặp và báo cáo tình hình với các anh Phạm Văn Đồng, Tạ Quang Bửu và được các anh cho nghe tình hình trong nước. Trong đoàn, có nhiều anh em quen cũ, như Phan Anh, Trần Thanh, lâu ngày gặp nhau rất vui mừng… Ở đây một tuần, tôi lại được anh Paul đưa xe qua đón, rồi trở về Paris tiếp tục hoạt động…".

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện tại cuộc hội đàm giữa Đoàn Đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam và Đoàn Đại biểu đảng Cộng Sản Pháp (người thứ tư, hàng bên trái).

Tuy vậy, không phải người Pháp nào cũng cộng tác hiệu quả với BS Nguyễn Khắc Viện như anh lái xe Paul và bà Lephay. Tháng 11/1954, 3 tên cảnh sát Pháp, mặc sắc phục đặc biệt, mò được đến chỗ BS Nguyễn Khắc Viện tạm trú, lúc ông đang đi vắng. Người chủ nhà "ngây thơ" đến mức mời chúng vào nhà ngồi uống nước, chờ BS Nguyễn Khắc Viện về. Có lẽ ông ta nghĩ rằng, Hiệp định Genève đã ký, cảnh sát Pháp chẳng còn tìm bắt BS Nguyễn Khắc Viện nữa. Thế là lần này, BS Nguyễn Khắc Viện bị mắc bẫy. Ông kể:

"….Khoảng 6 giờ chiều, tôi vừa về đến nhà, lên cầu thang thấy có 3 tên to khỏe, mặc sắc phục đặc biệt, đứng đón ở cửa: "Ông Viện đấy à? Chúng tôi có việc đây. Cảnh sát chính trị đây". Họ vào phòng nhỏ của tôi, nói đùa: "Bây giờ con chim hết bay nhảy nhé, mời ông đi với chúng tôi". Ba tên này đẩy tôi lên xe, đưa đến cơ quan cảnh sát đặc biệt của Bộ Nội vụ, nơi trước đây khi Đức chiếm đóng, bao nhiêu người đã bị tra tấn đến chết.

Khi cánh cửa rộng lớn phòng giam đóng sập sau lưng, tôi vẫn thản nhiên. Tôi dựa vào 3 điểm để tranh cãi với chúng: Về pháp lý, Hiệp định Genève không cho phép Chính phủ Pháp bắt tôi; Về chính trị, trước đây chúng tôi chống Pháp, nay Chính phủ tôi ký kết với Pháp rồi, bây giờ chúng tôi chống Mỹ và chủ trương quan hệ hữu nghị với nước Pháp; tôi có bệnh, các ông bắt tôi mà xảy ra chuyện gì, các ông chịu trách nhiệm…

Sau hơn 1 tiếng đồng hồ hỏi cung, tôi bảo: "Các ông biết đấy, tôi đang ốm, chỗ mổ khoét sau lưng chưa liền, đến giờ thay băng rồi, các ông phải để tôi mời bác sĩ vào". Tôi đấu một hồi, nó đành phải chịu. Tôi gọi dây nói mời bác sĩ, chính là để báo tin tôi đã bị bắt cho anh em biết, và để có bác sĩ chứng nhận, sau này khi cần sẽ tố cáo trước dư luận. Anh Quyền vào đến nơi, chúng nó ngồi bên cạnh, không cho chúng tôi nói chuyện. Khi mở băng ra, chúng nó thấy cả một cái lỗ sau lưng đang còn chảy mủ nước, vậy là thằng này ốm thật. Chúng nó sợ nhỡ có xảy ra việc gì, nên bắt đầu đấu dịu. Đến nửa đêm, nó thả tôi về.

Đối chiếu việc hỏi cung, tôi biết thực chất việc cảnh sát bắt chúng tôi hỏi cung không phải vì vấn đề Việt kiều mà là vấn đề nội trị của nước Pháp. Họ muốn dò xem tôi có quan hệ gì với Mendès France (là Thủ tướng Pháp đã ký Hiệp định Genève) trước khi Điện Biên Phủ thất bại hay không, nếu có thì họ sẽ tung ra trước dư luận rằng vì Chính phủ Pháp giao bí mật quân sự cho Việt Minh nên quân Pháp thua ở Điện Biên Phủ. Lẽ đương nhiên, chúng tôi không có khai báo gì về chuyện này…".

Vậy là tuy bị bắt, nhưng rút cục BS Nguyễn Khắc Viện vẫn thoát khỏi lưới cảnh sát Pháp ngay trong ngày. Cũng chẳng phải BS Nguyễn Khắc Viện giỏi giang gì, chính là nhờ có Hiệp định Genève - nói cách khác là nhờ có chiến thắng Điện Biên Phủ; cũng nhờ ông là một bệnh nhân, đang mang vết thương nặng trên cơ thể. Trường hợp này thì cái "rủi" mang chứng "nan y" lại hóa "may"! Sự đời quả là vô thường!

Một chuyện "vô thường" khác xảy trong năm 1956, kể lại cũng vui. Lúc đó, Chính phủ Pháp bắt đầu nối lại quan hệ với Việt Nam. Lần đầu tiên có hai phái đoàn của Chính phủ miền Bắc sang Paris. Trong buổi chiêu đãi hai phái đoàn này, có chuyện buồn cười là lúc BS Nguyễn Khắc Viện đang đứng trước cửa đón khách, bỗng có một người Pháp tự giới thiệu: "Chúng tôi là bên thanh tra của cảnh sát đến bảo vệ cho buổi chiêu đãi này, chúng tôi là Le Curieux". Viên thanh tra này trước đây ở Hà Nội, nói tiếng Việt rất giỏi, có nhiệm vụ theo dõi các tổ chức Việt kiều. "Le Curieux", tiếng Pháp có nghĩa là hay tò mò.

Quả là anh ta có cái tên tiền định, sinh ra để mà làm cái nghề này. Anh ta nói: "Bây giờ tôi đến là để bảo vệ các ông, chứ không phải để bắt các ông đâu. Thế nào, dạo này bác sĩ có khỏe không?". "Cám ơn ông, nhờ ông tôi vẫn khỏe". BS Nguyễn Khắc Viện vui vẻ đáp vậy. Và quả là "nhờ" cảnh sát Pháp không có dịp hành hạ BS Nguyễn Khắc Viện, chỉ ra lệnh trục xuất ông, nên đến năm 1963, ông được trở về Việt Nam và "vẫn khỏe" thêm 34 năm nữa, để viết nhiều tác phẩm, trong đó có bản dịch "Truyện Kiều" ra tiếng Pháp cùng nhiều cuốn sách giới thiệu Việt Nam bằng tiếng Pháp, được Viện Hàn lâm Pháp tặng Giải thưởng lớn về Pháp ngữ vào đúng năm ông 80 tuổi...

Nguyễn Hoàng
.
.