Những người vén màn bí mật “chuồng cọp” Côn Đảo

Bài 2: “Phá bẫy” chúa đảo

Thứ Tư, 06/09/2017, 11:25
Mặc dù chúa đảo Nguyễn Văn Vệ đã cố tình tìm mọi cách kéo dài thời gian nhằm ngăn việc điều tra “chuồng cọp” của đoàn nghị sĩ Mỹ nhưng do đã được Cao Nguyên Lợi cảnh báo trước, Tom Harkin và Don Luce đã lần lượt “phá bẫy” chúa đảo và tìm ra bí mật...

Cánh cổng bí mật...

Tại Côn Đảo, đúng như dự đoán của Cao Nguyên Lợi, trung tá Nguyễn Văn Vệ (chúa đảo - chúa ngục như cách gọi của tù nhân) đã đón tiếp đoàn nghị sĩ Quốc hội Mỹ tại dinh chúa đảo theo nghi thức và cố tình kéo dài thời gian như mời đoàn dùng cà phê pha bằng phin. Vệ cho rất nhiều cà phê, nén chặt nên cà phê chảy rất chậm, giọt một, giọt một. Ngồi tới 30 phút mà cà phê vẫn chảy tách tách từng giọt, Tom và Don Luce trong lòng nóng như lửa đốt.

Nguyễn Văn Vệ thấy rõ sự sốt ruột của các vị khách nên ông ta chuyển hướng, rủ mọi người đi chơi, xem và mua đồ kỷ niệm của Côn Đảo do tù nhân làm ra. Tuy nhiên, cái bẫy này cũng đã được Cao Nguyên Lợi cảnh báo trước nên Tom và Don kiên quyết từ chối. Như vậy, cái bẫy thứ nhất được ông Lợi cảnh báo trước đã được giải quyết xong.

Tiếp đó, Tom Harkin đưa ra danh sách tên của 6 người tù, yêu cầu cho gặp. Không từ chối, Nguyễn Văn Vệ nói rằng sẽ được gặp những tù nhân này với điều kiện phải có sự đồng ý của chính quyền Sài Gòn. Tuy nhiên, khi trao đổi với người đánh điện tín, Nguyễn Văn Vệ nói thêm là đừng trả lời lại.

Không ngờ Don Luce nghe được và hiểu là Nguyễn Văn Vệ cố tình không chuyển điện xin phép cho thăm gặp tù nhân về Sài Gòn. Như vậy, việc gặp những người tù này là không thể thực hiện được nên Tom Harkin và Don Luce rút ra ngoài.

Sau đó, Don và Tom xin đi thăm các nhà tù. Đoàn dân biểu được đưa đến trại VI và 2 trại tù khác không có “chuồng cọp”. Lúc này thời gian không còn nhiều, Tom yêu cầu được đến thăm trại IV. Nguyễn Văn Vệ miễn cưỡng đồng ý.

Đoàn Nghị sĩ Mỹ quan sát các “chuồng cọp”, phỏng vấn tù nhân, ghi âm và chụp hình làm chứng cứ. Trong ảnh: Tom Harkin (người ngồi, đeo máy ảnh), Nghị sĩ Augustus Hawkins (người đứng) và Nghị sĩ William Anderson (người ngồi bên phải).

Khi đến trại IV - trại cải huấn Côn Sơn, có trong tay tấm bản đồ của Cao Nguyên Lợi, Tom nhìn vào 1 ký hiệu cho thấy đây đúng là nơi cần đến. Trên tấm bản đồ có vẽ một cánh cửa nhỏ.

Tom nhớ lại lời Cao Nguyên Lợi dặn: “Ngay khi bước qua cánh cổng thứ nhất của trại giam, ông đừng bước tiếp qua cánh cổng thứ hai vì sau cánh cổng thứ hai chỉ là nhà tù bình thường. Ông hãy đi theo lối rẽ và tìm bức tường bên vườn rau xanh có một cánh cổng nhỏ. Đó là lối dẫn vào “chuồng cọp””.

Tom lần theo bức tường nhưng không thấy cánh cửa đâu cả. Tom và Don lại đi ra ngoài cổng quan sát. Họ đã nhìn thấy “một cái cánh cửa  sau cánh cửa”. Sau đó, Tom và Don tiến đến gần hành lang mà họ nhìn thấy cánh cửa nhỏ rồi quay lại gặp đoàn nghị sĩ, hướng dẫn họ hãy đi dọc theo hành lang phía sau cánh cổng.

Khi đến khu vực có trồng rau, Tom là người đi đầu tiên. Nguyễn Văn Vệ, nhà báo Don Luce và một số người đi sau. Để kéo dài thời gian, Tom hỏi Nguyễn Văn Vệ: “Giống rau này là giống rau gì?”. Vệ trả lời qua loa: “Là rau muống, thưa ngài”.

Là một kỹ sư nông nghiệp, Don Luce nhận ra đây là khoai lang chứ không phải rau muống. Don Luce nói: “Tôi là kỹ sư nông nghiệp nên tôi biết đây là khoai lang, thứ rau này có củ ăn rất ngon”. Don Luce nói rồi cúi xuống nhổ một nhánh rau lang, phát hiện rễ rau chưa bén đất, chứng tỏ mới được trồng để ngụy trang. Hai người vẫn cãi nhau xem đó là rau lang hay rau muống.

Trong lúc đó, Tom đã phát hiện ra cánh cửa sắt nhỏ khuất sau vạt rau. Tom hỏi Nguyễn Văn Vệ: “Cánh cửa này dẫn đi đâu?”. Nguyễn Văn Vệ nói: “Bên đó cũng là một trại giam thôi, nhưng ông không thể đi qua cánh cửa này được. Ông phải đi vòng đường khác vì cánh cửa này đã bị đóng vĩnh viễn”.

Sau này, Tom và Don mới biết nếu làm như Vệ nói, họ sẽ không bao giờ tìm thấy “chuồng cọp” bởi nó nằm ở ngay bên kia bức tường. Tom nói với Nguyễn Văn Vệ: “Tại sao chúng tôi không thể đi qua cánh cửa này được?”.

Nguyễn Văn Vệ trả lời: “Không thể đi qua cánh cửa đó được bởi nó bị khóa vĩnh viễn luôn rồi”. Vừa nói, ông ta vừa cầm cây ba toong đập vào cánh cửa. Không may cho Vệ, bên kia cánh cửa có tên cai ngục, nghe tiếng ba toong đập cửa và tiếng của Vệ thì nghĩ rằng chúa đảo yêu cầu mở cánh cổng nên đã đi ra mở. Thế là Tom và Don cùng mọi người chạy xông vào bên trong cánh cổng trước ánh mắt sững sờ của Nguyễn Văn Vệ.

Sau này khi trở lại Côn Đảo vào năm 2010, nhà báo Don Luce cho biết, suốt đời ông không thể nào quên những gì ông đã nhìn thấy ở phía sau cánh cổng sắt. Chỉ là một cánh cửa và vài bước chân nhưng khoảng cách là hàng trăm năm văn minh của nhân loại.

Don đã nghe nói nhiều về “chuồng cọp”, song những gì hiện ra trước mắt ông vẫn vô cùng kinh hoàng. Gần 500  con người chen chúc trong những cái chuồng nhỏ, bị cùm xiềng, đi vệ sinh trong một chiếc thùng ngay trong chuồng. Cai ngục đi dọc hành lang, kiểm soát những người tù bị nhốt trong cũi không khác gì chuồng nuôi thú. Những cây sào bịt đồng và những thùng vôi bột đặt sẵn trên nóc “chuồng cọp”, sẵn sàng trấn áp tù nhân. Những người tù bị tê liệt vì cùm quá lâu, bị bỏ đói, bỏ khát, nhưng họ vẫn kiên cường đòi công lý.

Don đã viết trong bài tường thuật trên tờ Life: “Khuôn mặt của những tù nhân trong “chuồng cọp” phía dưới đã để lại những dấu ấn không phai trong ký ức tôi. Tôi nhớ rất rõ mùi hôi thối kinh khủng do tiêu chảy và những vết thương lở loét do bị cùm xích cứa vào mắt cá nhân của tù nhân. Hãy cho tôi nước - họ nói...”.

Khi thấy phái đoàn nghị sĩ Mỹ đến, những người tù chính trị đã lên tiếng tố cáo: “Chúng tôi bị bỏ đói, chúng tôi bị bỏ khát, chúng tôi bị đánh đập, chúng tôi bị tù chỉ vì đấu tranh cho hòa bình...”. Tom Harkin ghi âm, chụp hình, Don Luce thông dịch, nghị sĩ Augustus Hawkins và nghị sĩ William Anderson quan sát, lắng nghe.

Khi đoàn Nghị sĩ Mỹ sắp rời Côn Đảo, chúa đảo Nguyễn Văn Vệ (người đưa tay ra trước mặt Tom Harkin) yêu cầu đoàn giao nộp lại máy ảnh và băng ghi âm nhưng Tom Harkin cương quyết nói: “Không”.

Phái đoàn đã dừng lại ở nhiều “chuồng cọp” phỏng vấn tù nhân, ghi âm, chụp hình làm chứng cứ. Thấy Tom Harkin chụp ảnh, những tên trật tự dọa rằng chúa đảo Nguyễn Văn Vệ sẽ phá cái máy ảnh nhưng không ngăn được. Chúng liền đi ra báo cáo với chúa ngục Nguyễn Văn Vệ.

Vệ nói với 2 nghị sĩ yêu cầu Tom và Don Luce phải ra ngoài nhưng 2 nghị sĩ không đồng ý. Tom Harkin và Don Luce đã đi hết 2 dãy nhà giam trong khu “chuồng cọp”. Họ đếm được có tất cả 480 tù nhân, trong đó 300 phụ nữ và 180 đàn ông.

Điều khiến Don Luce xúc động nhất là tình người trong tù. Những người tù không lo cho bản thân mà giục Don Luce cùng những người trong đoàn nên đi gặp những người tù như bà Sáu “mù”, nhà sư Thích Hành Tuệ... “Mọi người bị giam trong khu “chuồng cọp” đều  rất yêu thương nhau và lo lắng cho nhau. Họ lo cho người khác chứ không lo về mình. Có người nói nhờ tôi xin ly nước uống cho bà Sáu...” - nhà báo Don Luce kể lại.

Khi đoàn sắp rời Côn Đảo, chúa đảo Nguyễn Văn Vệ yêu cầu Tom giao nộp lại máy ảnh và băng ghi âm, nhưng Tom Harkin kiên quyết nói không. Nghị sĩ Augustus Hawkins và nghị sĩ William Anderson cũng ủng hộ Tom, nói: Đây là chứng cứ điều tra của Quốc hội Mỹ.

Bất lực trước vị thế của các nghị sĩ Mỹ, chúa đảo Nguyễn Văn Vệ giở bài hạ sách: Yêu cầu Tom và Don lên chiếc xe Jeep ra sân bay với sự hộ tống của những tên trật tự của Vệ. Một lần nữa, nghị sĩ William Anderson lại nói: “Không. Các ông ấy đi cùng chúng tôi”.

Trên đường ra sân bay, qua những đoạn đường chênh vênh một bên là núi, một bên là biển sâu với những mũi đá lởm chởm, Tom Harkin và Don Luce không khỏi rùng mình. Nếu chúa đảo Nguyễn Văn Vệ ép 2 người ra sân bay trên chiếc xe Jeep với sự hộ tống của những tên trật tự cô hồn thì không biết điều gì sẽ xảy ra.

Phanh phui “chuồng cọp” ra thế giới

Trở về Mỹ, Tom Harkin biết mình phải đưa những tấm hình này ra thế giới. Ông đã được hỗ trợ đến một nơi an toàn để rửa hình. Sau đó, ông được giới thiệu đến tạp chí Life. Tom Harkin lập tức bay đến New York. Những người có trách nhiệm tại tạp chí này đã xem những tấm hình, họ muốn biết câu chuyện và Tom Harkin đã kể lại câu chuyện.

Lập tức Tom và những tấm ảnh được đưa đến nhà máy in. Kết quả là sự việc “chuồng cọp” nhà tù Côn Đảo được phanh phui trên tạp chí Life đã làm chấn động cả thế giới và những tấm hình được lan ra khắp nơi.

Ngoài Tom Harkin, Don Luce và tác giả chính trong vụ phát hiện “chuồng cọp” Côn Đảo, phải kể đến công lao của 2 nghị sĩ Augustus Hawkins, William Anderson đã đồng ý ra Côn Đảo điều tra và bảo vệ Tom Harkin được giữ những hình ảnh, tài liệu thu thập được tại “chuồng cọp”.

Nghị sĩ Anderson là Anh hùng quân đội Mỹ, từng lái tàu ngầm Nautilus đến Cực Bắc trong Thế chiến II. Tiếng nói của ông có trọng lượng trong Quốc hội Mỹ. Ông đã có những quyết định chính xác trong việc điều tra vụ “chuồng cọp”, bảo vệ những chứng cứ thu thập và quyết định bảo vệ phụ tá của mình là Tom Harkin và Don Luce.

Mô hình tái hiện cảnh giam giữ nữ tù nhân chính trị tại khu “chuồng cọp” Côn Đảo.

Trở về Mỹ, ông đã lên tiếng mạnh mẽ trong Quốc hội Mỹ và dư luận Mỹ, phản đối các khoản viện trợ của Mỹ bảo trợ cho một chính quyền vô nhân tính tại Sài Gòn. Ông viết thư gửi Tổng thống Mỹ Richard Nixon, yêu cầu áp dụng những biện pháp cấp bách để ngăn chặn các hành vi trả thù những người tù chính trị đã cung cấp tư liệu cho phái đoàn.

Trong tường thuật trước báo giới, 2 nghị sĩ Mỹ là Augustus Hawkins, William Anderson khẳng định rằng các ông đã tận mắt thấy: “Khoảng 500 người bị giam vào các “chuồng cọp”. Có những tu sĩ Phật giáo... Có nhiều phụ nữ từ 15 đến 70 tuổi, có những bà già mù mắt... Họ bị giam giữ chỉ vì đấu tranh cho hòa bình... Họ bị bỏ đói, bỏ khát, bị nhốt như những con vật trong các “chuồng cọp”...

Họ bị ngạt thở vì người ta tung vôi bột vào trừng phạt họ... Trong 7 tháng, họ chỉ được ăn rau có 3 lần. Nhiều người trong số đó bị còng lâu ngày đến mức không thể đứng lên bằng đôi chân của mình được... Đó là sự đối xử kinh khủng nhất đối với con người mà chúng tôi chưa bao giờ được thấy”.

Thời điểm mà dư luận thế giới chấn động vì những tấm hình của Tom Harkin đăng trên báo chí cùng những bài báo của Don Luce khiến cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa phải ra lệnh dỡ bỏ “chuồng cọp” Côn Đảo thì cũng là lúc Tom phải ra điều trần trước Quốc hội, bị buộc tội “phản bội”, bị đuổi việc khỏi Văn phòng Quốc hội cùng với lời đe dọa “sẽ không bao giờ tìm được công việc ở đây”.

Ông đã kiên trì đấu tranh và trở lại Quốc hội năm 1974, với tư cách là thượng nghị sĩ. Bài học trong vụ phát hiện “chuồng cọp” Côn Đảo cho ông thêm lòng can đảm và nghị lực mạnh mẽ để dấn thân. Ông góp phần cùng Quốc hội quyết định ngăn chặn Chính phủ Mỹ cứu vớt chính quyền Sài Gòn vào thời điểm sắp tàn của chế độ.

Mạnh mẽ và kiên quyết,  thượng nghị sĩ Tom Harkin tiếp tục đóng góp cho tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Ngay sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 1995), thượng nghị sĩ Tom Harkin đã có mặt tại Hà Nội. Năm 2010, ông đến Việt Nam đánh giá mức độ ô nhiễm chất độc dioxin và tìm giải pháp hỗ trợ cho nạn nhân chất độc da cam.

Tình cảnh của Don Luce sau vụ “chuồng cọp” Côn Đảo cũng không mấy dễ chịu. Don Luce bị trục xuất khỏi Việt Nam năm 1971. Ông tiếp tục tham gia phong trào chống chiến tranh xâm lược, đòi hòa bình cho Việt Nam và không ít lần bị các thế lực cực đoan tấn công, dọa giết.

Ông đã đến thăm Hà Nội 3 lần, từng chứng kiến máy bay Mỹ ném bom bắn phá, từng đi thăm đường Trường Sơn huyền thoại... Mỗi lần trở lại Việt Nam, Don Luce đều cùng Cao Nguyên Lợi đi thăm những người bạn Việt Nam, chia sẻ với họ tình cảm thủy chung từ trái tim nhân hậu.

*Ghi theo lời kể của ông Cao Nguyên Lợi và tư liệu sách “Tù chính trị câu lưu Côn Đảo 1957-1975 từ thực tiễn nhìn lại”, phim tư liệu “Từ trái tim đến trái tim”.

(Còn nữa)

Hương Vũ
.
.