Bảo tàng cách mạng giữa lòng dân

Thứ Năm, 15/01/2009, 14:45
Hai căn phòng nhỏ vốn trước đây là trụ sở UBND xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình bây giờ làm nơi cất giữ những hiện vật của hai cuộc chiến tranh vệ quốc. Những người dân với lòng căm thù giặc, những người lính một thời sống, chiến đấu trên mảnh đất đầy máu lửa này chăm chút nhặt nhạnh từng kỷ vật một, để tạo thành một bảo tàng nho nhỏ - Bảo tàng cách mạng giữa lòng dân.

Khuôn viên trụ sở UBND xã Hiền Ninh cũ rợp bóng mát với những gốc cây cổ thụ có từ lâu đời. Trong khuôn viên khá yên tĩnh này mấy chục năm nay đang chứa đựng cả một kho tàng lịch sử vô cùng giá trị. Hội trường của UBND cũ chính là nơi sinh hoạt, họp hành của Bộ Tư lệnh 559, Bộ đội Trường Sơn những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong hai gian phòng đầy bụi, ẩm mốc là cả một bảo tàng của hai cuộc chiến tranh nhân dân mà  nhiều hiện vật tuổi đời đã quá 60 năm. Gạt hết lớp bụi thời gian, những hiện vật như có hồn hút tâm trí người xem vào những câu chuyện kể.

Hiền Ninh là một vùng đất trù phú nằm bên dòng Đại Giang, dòng sông trở thành lối thông thương, giao lưu, buôn bán của cư dân suốt vùng nam Quảng Ninh. Con đường 15A cũ chạy qua thôn Long Đại của Hiền Ninh cắt Đại Giang tại bến phà Long Đại xưa kia và cầu Long Đại bây giờ. Chính vì lẽ đó, Hiền Ninh có vị trí vô cùng quan trọng trong các cuộc chiến tranh từng diễn ra trong lịch sử. Ở bảo tàng, trong hai dãy tủ kính cũ kỹ, có gần 200 hiện vật, tranh ảnh được nhân dân sưu tầm, góp nhặt suốt cả một quá trình dài hơn nửa thế kỷ. Trong số hiện vật đó có cây kiếm tự tạo của ông Nguyễn Văn Phúc người làng Cổ Hiền, tham gia du kích từ  những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám, cây kiếm theo ông suốt một vùng chiến khu Rào Trù, Rào Đá, trở thành vật bất ly thân. Một lưỡi lê của ông Nguyễn Viết Hạ, du kích làng Cổ Hiền. Cây đại đao của bác Trương Đình Trung, tung hoành cùng bác và đồng đội suốt thời gian đầu chống Pháp... Dù chỉ là ngọn mác, gậy tầm vông, nhưng những người con Hiền Ninh vẫn kiên trung, bất khuất, đứng lên chống lại quân địch mạnh hơn gấp trăm lần.

Sau Hiệp định Giơnevơ, đất nước tạm chia làm hai miền Nam - Bắc, miền Bắc tiến hành công cuộc xây dựng CNXH, miền Nam tiếp tục đấu tranh thống nhất đất nước. Phà Long Đại là một trong những túi bom trọng điểm trên đường Hồ Chí Minh, đế quốc Mỹ dùng cả hải quân, không quân đánh phá bất kể đêm ngày hòng cắt đứt con đường chi viện của miền Bắc đối với miền Nam. Từ năm 1971 đến 1973, Bộ Tư lệnh 559 - Bộ đội Trường Sơn  về đóng quân tại Hiền Ninh, trong mưa bom bão đạn tình quân dân càng trở nên gắn bó keo sơn hơn.

Đế quốc Mỹ “đánh hơi” được đơn vị chủ lực của ta, vì thế cường độ đánh phá nhân lên gấp bội. Bảo tàng hiện đang lưu giữ một khẩu súng máy Bộ Tư lệnh 559 giao cho bác Nguyễn Đức Thể sử dụng. Rất nhiều hiện vật là mảnh bom, mảnh đạn, mảnh xác máy bay Mỹ. Các dụng cụ mà bộ đội, dân quân, thanh niên xung phong, nhân dân ta sử dụng trong thời chiến, gắn bó với kỷ niệm ác liệt nơi tọa độ lửa Long Đại như: ăng gô, bi đông, túi cứu thương, ruột tượng, cuốc xẻng, phích nước của bộ đội tặng cho nhân dân... Bảo tàng cũng trân trọng lưu giữ tấm bằng khen của Ủy ban Hành chính tỉnh Quảng Bình trao cho cụ Nguyễn Văn Nho, nguyên Chủ tịch UBND xã Hiền Ninh là chiến sĩ “Hai giỏi” trong suốt 10 năm liền từ năm 1965 đến 1975.

Trải qua bao thời gian, những hiện vật đã chứa trong nó cả một sức nặng giá trị lịch sử... và mãi mãi sẽ không bao giờ bị lãng quên.

Người chép sử bằng ký ức

Anh Nguyễn Văn Du, cán bộ văn hóa - thông tin xã Hiền Ninh chỉ cho tôi đến tìm một đồng chí lão thành cách mạng mà bà con thường gọi bằng cái tên trìu mến: “Người chép sử bằng ký ức”. Đó là cụ Nguyễn Hoan, năm nay đã gần 90 tuổi ở thôn Cổ Hiền.

Cụ Nguyễn Hoan-Người chép sử bằng ký ức.

Trong hệ thống bảo tàng đang tồn tại và tiếp tục tồn tại giữa lòng dân Hiền Ninh, những câu chuyện của cụ Nguyễn Hoan có một vị trí không nhỏ  tạo nên giá trị con người, vùng đất ven sông Đại Giang từ khi trở thành nơi “phên dậu” của Đại Việt, trải qua hơn 500 năm, đến hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cho đến tận bây giờ. Tôi hỏi cụ về một kỷ niệm sâu sắc nhất trong quá trình tham gia hoạt động cách mạng. Cụ Hoan trả lời: “Đó là trận bức đồn Đuôi Diện, một trận thắng rất đẹp, ta không tốn một viên đạn nào mà lấy được đồn, thu rất nhiều vũ khí, đạn dược”.

Cuối tháng 8/1949, quân và dân ta dần nắm được thế chủ động trên các chiến trường. Tại huyện Quảng Ninh, hệ thống đồn bốt của địch một phần bị tiêu diệt, một phần khác phải co cụm lại. Quân địch đóng tại đồn Xuân Dục rút về đóng tại Đuôi Diện, án ngữ vị trí ngã ba sông trên đất Cổ Hiền. Làng Cổ Hiền được giao nhiệm vụ, bằng mọi giá phải tiêu diệt đồn Đuôi Diện. Cụ Nguyễn Hoan lúc đó giữ chức thôn đội trưởng, vừa đi học lớp địch vận về. Trên cơ sở nghiên cứu tình hình của địch, cụ Hoan quyết định đánh đồn theo hình thức địch vận. Nhân dân có con em đi lính trong đồn được du kích vận động tuyên truyền, giải thích để họ đưa con em mình về.

Mặt khác, lợi dụng lũy Trường Dục, ta bố phòng các trạm gác, quan sát động tĩnh hàng ngày của địch phía trong đồn, dùng hệ thống loa  tuyên truyền giải thích chủ trương, đường lối, chính sách khoan hồng của kháng chiến. Đến tháng 10/1949, Cai Tâm, người làng Hoành Phổ (xã An Ninh bây giờ), đã bỏ hàng ngũ địch về với ta, mang theo một khẩu súng máy. Cai Tâm đã viết thư gửi vào trong đồn vận động binh lính tiếp tục bỏ ngũ.

Tiếp theo, ngày 23/11/1949, có thêm 2 lính trong đồn là các anh Nguyễn Khi và Nguyễn Lê, người làng Lộc Long (xã Xuân Ninh) mang súng ra hàng. Tình hình địch ở đồn Đuôi Diện ngày càng lâm vào thế bị động, hoang mang. Đêm 25/12/1949, nhân dân Cổ Hiền tổ chức một đêm Noel, biết quân số trong đồn có 32 người, chúng ta đã chuẩn bị 32 suất quà gửi vào đồn. Và đây là một đòn cân não cuối cùng để đến đêm 31/12/1949, binh lính nổi dậy làm binh biến, giết chết tên Pháp đồn trưởng rồi kéo nhau  về với cách mạng.

Trong trận này du kích thu được 1 súng cối 81 ly; 1 đại liên; 2 trung liên, toàn bộ số súng đạn chở được đến 12 thuyền. Anh em binh sĩ của đồn Đuôi Diện sau này hầu hết đều tham gia vào Trung đoàn 18, trở thành những người lính Cụ Hồ anh dũng, kiên cường, nhiều người đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Đi tìm “o du kích nhỏ” năm xưa

Trong hàng trăm kỷ vật của Bảo tàng xã Hiền Ninh, chúng tôi thấy có một tờ báo Nhân Dân đã ố vàng, phát hành vào thứ sáu ngày 21/2/1969, cách đây gần 40 năm. Lật giở từng trang, bỗng bắt gặp bài báo “Cô xã đội trưởng gan dạ” của tác giả Việt Anh viết về o du kích gan dạ một thời của  đất lửa Hiền Ninh - Phan Thị Thuật.

Bài báo “Cô xã đội trưởng gan dạ” được Việt Anh, phóng viên chiến trường của Báo Nhân Dân hoàn thành vào tháng 1/1969 trong một lần vào công tác tại tuyến lửa Quảng Bình, sau đó đã đăng tại số báo 5427 phát hành ngày thứ sáu, 21/2/1969. Tác giả Việt Anh viết về o du kích xã Hiền Ninh rằng: “Vừa đi họp ở xã về đến thôn mình thì một loạt pháo sáng Mỹ lóe lên giữa trời. Rồi bom lân tinh nối nhau nổ chói óc. Lửa bùng lên khắp thôn Đ. Giữa tiếng bom Thuật nghe văng vẳng tiếng kêu rên của người bị thương. Thuật ra khỏi hầm chạy về hướng ấy. Cô tìm được một cửa hầm chữ A còn khét lẹt mùi bom. Trong hầm có 2 thanh niên bị thương nặng.

Thuật chạy vội đi tìm các đội viên du kích của mình... Người bị thương nặng nhất là Khuông. Khuông vốn là một thanh niên chậm tiến. Trong lửa đạn của cái thôn đầu sóng ngọn gió này, anh chỉ lo bảo vệ lấy thân mình. Từ năm 1965, khi còn là Trung đội phó dân quân, đã bao lần Thuật thuyết phục Khuông tham gia công tác nhưng không được. Bây giờ Thuật rất thương con người ấy  vì “dù sao anh ta cũng là một thanh niên hiền lành”... Đường sang  bệnh xá bờ nam chỉ non một cây số, nhưng giờ đây dòng sông đang mịt mù lửa đạn...”. O du kích Phan Thị Thuật cùng đồng đội đã không quản bom đạn đưa họ đến trạm xá, kịp cứu sống cả hai người.

Quê hương của chị Thuật gần bến phà Đ (viết tắt của bến phà Long Đại - PV), trên nghìn ngày đương đầu với bom đạn Mỹ, chúng đánh phá suốt đêm ngày với hơn 4.000 trận. Bến phà Long Đại được mệnh danh là “túi bom” khốc liệt nhất trên suốt tuyến đường Hồ Chí Minh. Sau bom đạn của đế quốc Mỹ dội xuống dọc dòng Đại Giang, từ Quán Hàu đến Trúc Ly, Long Đại, những miền quê trở lại với cuộc sống bình thường, những ngôi nhà mới mọc lên, những đoàn xe nườm nượp ra tiền tuyến. O du kích tuổi đôi mươi trong kháng chiến chống Mỹ bây giờ đã lên chức bà. Sau ngày hòa bình, chị Thuật trở về thôn Long Đại sống một cuộc sống dân dã, bình thường như bao người nông dân khác. Thi thoảng nhớ một thời trên bom, dưới đạn mà “một tấc không đi, một ly không rời”, chị Thuật lại lần giở từng kỷ vật cũ ra xem.

Những kỷ vật được lưu giữ ở bảo tàng Hiền Ninh.

O Thuật tham gia dân quân năm 1964 lúc vừa tròn 19 tuổi, chồng chị - ông Nguyễn Văn Đá, nguyên chiến sĩ dân quân, sau đó vào bộ đội chủ lực thuộc Bộ Tư lệnh B5. Chuyện hai người thành vợ thành chồng cũng thật dung dị. Ông Đá kể: “Năm 1969, chú đi công tác, tranh thủ ghé qua thăm nhà được 4 ngày. Bà ấy lúc đó là xã đội trưởng, hai bên mến nhau, gật đầu ưng thuận, tổ chức đứng ra làm đám cưới cho. Cưới nhau xong, chú trở lại chiến trường, bà ấy ra trận địa, bám bến, bám phà”.

Trong bài báo của tác giả Việt Anh có viết về việc trung đội dân quân của chị Thuật tham gia cứu phà vào ngày 30/4/1965. Tại lần hội ngộ này, tôi được nghe chính người  phụ trách năm ấy kể lại một cách rõ ràng hơn: “Năm 1965, lúc chị còn là trung đội phó dân quân, trong một lần bến phà bị bom, bộ đội yêu cầu dân quân giúp sức. Chị tập trung toàn trung đội tiến về phía phà. Có một điều bây giờ mới nói là ngày đó những người đi cứu phà đều được tổ chức làm lễ truy điệu sống cả. Trung đội của chị cùng với bộ đội lao ra giữa sông để cứu chiếc phà đang bị trôi. Trên trời máy bay gầm rú, cắt bom, từng cột nước, khói lửa bốc cao. Cuối cùng, chiếc phà cũng được đưa vào bờ, đường thông, từng đoàn xe qua bến an toàn. Nhưng rồi chiếc phà bị trúng bom, có nguy cơ bị  chìm, chị đề xuất cấp trên, cùng với 4 chị em khác trong trung đội ở lại phà tát nước.

Trời về sáng, phà có nguy cơ bị lộ, vậy là chị cùng đồng đội tìm cách giấu phà. Mọi người cứ nghĩ các chị đã hy sinh, và tất cả thở phào, trút đi gánh nặng khi chúng tôi trở về. Sau đợt cứu phà thành công này, chị được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba”.

Một bảo tàng cách mạng, một người chép sử bằng ký ức và một “O du kích nhỏ” đến Di tích bến phà Long Đại sẽ trở thành những giá trị lịch sử, trường tồn mãi mãi trong lòng dân

Minh văn
.
.