Bão táp trong đế chế “vua dầu lửa” Mukesh Ambani

Thứ Hai, 16/01/2012, 20:30

Kế thừa ngôi vị chủ tịch một tập đoàn công nghiệp lớn tầm cỡ quốc tế là một nền tảng vững chắc để Mukesh Ambani tiến những bước dài trong sự nghiệp kinh doanh. Tuy nhiên, khi đế chế của "vua dầu lửa" đang thời kỳ hoàng kim nhất thì cũng là thời điểm Mukesh bị cuốn vào những rắc rối thời cuộc.

Năm 2005 là năm khởi nguồn cuộc nội chiến vốn âm ỉ từ lâu giữa Mukesh và em trai Anil Ambani, khiến RI huy hoàng một thời bị xé lẻ và để lại mối hận không thể nguôi ngoai. Chưa hết, Mukesh phải hứng chịu búa rìu dư luận về hàng loạt  thương vụ mua bán mờ ám cùng chỉ trích về thú chi tiêu hoang phí. “Vua dầu lửa” Ấn Độ còn suýt phải chịu án tù giam khi dư luận lên án ông đã coi thường quyền lợi của người tiêu dùng chỉ vì… 500 USD.

Nội chiến giữa hai anh em tỉ phú

Mối bất hòa giữa hai anh em Ambani nhen nhóm từ năm 2002, sau khi người cha tỉ phú Dhirubhai qua đời. Vì không để lại di chúc nên nghiễm nhiên quyền thừa kế tập đoàn đều thuộc về tay Mukesh và Anil. Tuy nhiên chẳng bao lâu sau, họ không tìm được tiếng nói chung và Mukesh tìm cách hất cẳng Anil ra khỏi ban quản trị. Mukesh quyết định nắm hoàn toàn quyền kiểm soát RI, trong khi đó Anil chỉ nhận được vị trí thứ hai sau anh mình. Năm 2005, khi mâu thuẫn giữa hai anh em lên tới đỉnh điểm, bà mẹ Kokilaben Ambani đã phải đi đến quyết định đau lòng là xé lẻ tâm huyết cả đời gây dựng của chồng chia cho hai con quản lý.

Một người bạn của gia đình Ambani đã ví mâu thuẫn của hai anh em chẳng khác nào kịch Shakespeare, vốn bắt nguồn từ người vợ của Mukesh là Nita. Anh này tiết lộ sau cái chết của người cha, Mukesh và Anil đã cãi nhau về việc vợ của ai là người thừa kế kế tiếp của RI. Tuy vẫn sống chung một nhà và chạm mặt nhau thường xuyên trong các dịp tụ tập gia đình, tuy nhiên hai anh em nhà Ambani thường không chuyện trò. Chỉ khi bị mọi người thúc ép, hai anh em có thể bắt tay nhưng tuyệt nhiên tránh nhìn vào mắt nhau.

Trận chiến gia đình lại tiếp tục nổ ra sau khi Anil và Mukesh không nhất trí được với nhau về giá của khí đốt khai thác từ mỏ khí có trữ lượng lớn nhất Ấn Độ, mỏ Krishna Godavari, thuộc khu vực bờ biển phía đông. Theo đó, Tập đoàn RI của Mukesh sẽ bán lại cho công ty của Anil là Reliance Natural Resources (RNR) ít nhất 1/3 sản lượng dự kiến của mỏ khí Krishna. Mức giá trong thỏa thuận khi đó thấp hơn nhiều so với giá khí đốt hiện nay trên thị trường. Ngay sau đó, Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Murli Deora lại bất ngờ tuyên bố không công ty nào được quyền mua bán gas dưới mức giá do chính phủ quy định. Anil nổi giận và buộc tội Bộ Dầu mỏ đã hợp sức cùng Mukesh lừa ông vào tròng.

Theo Anil, với thỏa thuận mua bán gas được ký từ trước, việc ngăn cấm của Bộ Dầu mỏ sẽ đưa lợi nhuận của Mukesh lên 9,7 tỉ USD. Chính vì ganh đua vị thế và tài sản, hai anh em nhà Ambani đã đưa nhau ra tòa nhờ phân xử. Ban đầu, vụ tranh chấp này diễn ra trong im lặng, nhưng sau đó, chính áp lực thua kiện đã buộc Anil phải lên tiếng. Trong cơn giận dữ không thể kiềm chế, Anil đã mua trang quảng cáo trên 33 tờ nhật báo quốc gia, hàng ngày đăng những lời buộc tội anh mình và kêu gọi các cổ đông vào bình luận.

Chưa hết, Anil liên tiếp chỉ trích chính phủ cho phép Mukesh kiếm những khoản lợi nhuận phi thường. Trong một số báo, ông viết: "Thông thường chính phủ sẽ can thiệp nhằm giảm giá nhiên liệu hoặc tăng lợi nhuận cho chính họ. Trong trường hợp này, hành động của Bộ Dầu mỏ không nhằm vào cả hai mục đích trên. Nơi duy nhất có lợi là RI (do Mukesh điều hành)". Anil cho rằng Mukesh đã áp dụng mọi xảo thuật có trong và ngoài sách vở để đi vượt ra khỏi những nghĩa vụ pháp lý và điều khoản hợp đồng. Dư luận không thấy quá nhiều động thái từ phía Mukesh, nhưng họ tin rằng đây là cú hích lớn nhất vào lòng tự trọng của “Vua dầu lửa”. Và chắc chắn nó đã tạo nên một nỗi hận chính người em ruột không bao giờ được xóa bỏ trong sự nghiệp kinh doanh của Mukesh.

Có vẻ như Mukesh và Anil rất thích cáo buộc nhau lừa dối cổ đông và gây cản trở cho quá trình phân chia hoạt động kinh doanh giữa hai bên. Mâu thuẫn mới nhất giữa hai anh em tỉ phú này liên quan đến thương vụ sáp nhập trị giá 70 tỉ USD giữa công ty con Reliance Communications với công ty điện thoại di động MTN của Nam Phi. Đã xuất hiện đề nghị Anil bán cổ phần của mình trong Reliance Communications cho MTN, nhưng Mukesh lại cho rằng mình là người có quyền đầu tiên mua lại cổ phần của em trai. Ông cho biết, điều khoản này đã được nêu trong một thỏa thuận gia đình. Tuy nhiên, Anil khẳng định rằng thỏa thuận đó chưa bao giờ được thông qua.

Giới quan sát phân tích rằng mấu chốt của mâu thuẫn vẫn chỉ là vấn đề tài sản và ganh đua vị thế. Tổng giá trị tài sản của Anil là 42 tỉ USD, kém Mukesh khoảng 1 tỉ USD. Nếu bán thành công cổ phần cho MTN, Anil sẽ "hạ bệ" Mukesh khỏi ngôi vương người giàu nhất thế giới. Đó sẽ là đòn trả thù "ngọt ngào" mà Anil muốn giành cho Mukesh sau những rắc rối có liên quan đến RI và khối tài sản kếch xù của gia đình.

"Taj Mahal của thế kỷ XXI" Antilla là sản phẩm của một thương vụ mờ ám giúp Mukesh phô trương sự giàu có.

"Taj Mahal của thế kỷ XIX" và cáo buộc thương vụ mờ ám

Mặc dù đã có cả một khu biệt thự rộng lớn và hoành tráng không kém gì cung điện, nhưng trong năm 2007, Mukesh vẫn rất chịu chơi khi chi ra 1 tỉ USD xây "căn nhà riêng" Antilla chọc trời ở Bombay. Có người đã miêu tả Antilla là "Taj Mahal của thế kỷ XIX vì độ hoành tráng và sang trọng của nó. Còn dư luận thì chỉ biết đó là một tòa lâu đài 27 tầng cao tới 200m được trang bị đầy đủ tiện nghi hiện đại. Tại đây, Mukesh sống với vợ con và 600 nhân viên phục vụ. Ông đã không tiếc tiền xây dựng thêm 3 sân bay trực thăng, khu giải trí siêu rộng cùng bãi đỗ xe 6 tầng dành cho 160 ôtô. Điều khiến người ta kinh ngạc là để thanh toán toàn bộ chi phí, Mukesh chỉ phải làm việc cật lực trong vòng chưa đầy nửa tháng.

Tuy nhiên, đầu tháng 8/2011, giới chức trách cho biết, Mukesh đang đối diện với khả năng bị điều tra vì những khuất tất trong việc xây dựng Antilla. Nếu những sai phạm được xác nhận là đúng, căn nhà có kiến trúc kỳ quặc này sẽ có khả năng bị đập bỏ. Một quan chức bang Maharashtra cho hay mảnh đất rộng 4.500 m2 của Mukesh ở Altamont, phía nam Mumbai, lẽ ra được dùng để xây dựng một ngôi trường cho trẻ em Hồi giáo. Nó được gọi là Wakf và theo quy định thì chỉ dành riêng cho các hoạt động liên quan tới tôn giáo hoặc từ thiện. Việc mua bán những mảnh đất Wakf là không được phép. Tuy nhiên hồi năm 2002, mảnh đất đã được quỹ tín thác cô nhi viện bán cho Mukesh với giá 4,77 triệu USD. Thỏa thuận mua bán được cơ quan có thẩm quyền ở Mumbai thông qua, nhưng vẫn thiếu các giấy tờ từ ủy ban quản lý các công trình Wakf của bang Maharashtra.

Tranh chấp liên quan thương vụ mua bán này đã lên cao khi ủy ban trên chất vấn Mukesh rằng tại sao không dùng mảnh đất cho hoạt động từ thiện. Một số chính khách ở Hội đồng lập pháp bang còn cho rằng đã có những mập mờ trong thương vụ mua bán vì mảnh đất này có giá thực tới 5 tỉ rupee (112 triệu USD). Dư luận đặt ra nghi vấn xung quanh Mukesh và bên môi giới đất, cô nhi viện Currimbhoy Ebrahim, cùng với thỏa thuận chưa kiểm chứng được Hội đồng từ thiện Mumbai chấp thuận.

Tuy nhiên, phát ngôn viên của “Vua dầu lửa” khẳng định những tranh chấp báo chí đưa tin chỉ diễn ra giữa ủy ban quản lý các công trình Wakf và Currimbhoy Ebrahim, không có liên quan gì tới ông. Song quan điểm này đã không nhận được sự đồng tình của một số chính khách. Nghị sĩ Nawab Malik của đảng Quốc đại dân tộc đã lên tiếng yêu cầu Cục Điều tra CBI vào cuộc. "Đây là thời điểm cần tới sự can thiệp của CBI. Nếu bất kỳ sai phạm nào được tìm thấy, chính phủ nên xử lý căn nhà này giống như mọi công trình trái phép khác của thành phố và phải phá bỏ nó", Malik nói.

Bên cạnh đó, người dân Ấn Độ cũng đưa ra những lời chỉ trích nặng nề bởi họ cho rằng Antilla là một cách khoe khoang sự giàu có không cần thiết ở một đất nước mà người dân chỉ thu nhập dưới 2 USD một ngày. Dư luận tin rằng trong hoàn cảnh hàng triệu người đang đói ăn, không có nước sạch và nơi ở tử tế, tin tức về ngôi nhà này loan ra "thật khó mà nuốt nổi". Ngày 21/5/2011, trong dịp trả lời phỏng vấn tờ London Times, Chủ tịch Tập đoàn Tata, Ratan Tata nói: "Tôi không hiểu tại sao Mukesh lại làm như vậy. Antilla làm tôi kinh ngạc vô cùng. Lẽ ra, ông ta phải quan tâm hơn tới cuộc sống xung quanh và tự hỏi mình rằng liệu có thể tạo nên sự khác biệt. Nếu Mukesh không thể làm được gì thì điều đó thật buồn bởi đất nước này cần những người có thể sử dụng tài sản khổng lồ để giảm đi gánh nặng khó khăn trên lưng người dân". Hamish McDonald, tác giả cuốn sách viết về dòng họ Ambani, nhận định đây đơn thuần là màn phô trương thanh thế, đồng thời đưa ra một giả thuyết rằng Mukesh đang trải qua cơn khủng hoảng của lứa tuổi trung niên.

Có tiền mua tiên cũng được

Mukesh Ambani không chỉ biết kiếm tiền mà luôn thể hiện đẳng cấp của bản thân và không cần thiết phải che giấu sự giàu có. Ông sở hữu một chiếc Boeing Business Jet 2, là sự kết hợp rất độc đáo giữa khách sạn và phòng họp trong máy bay. Ngoài ra, chiếc Jet 2 còn có một phòng làm việc sang trọng và phòng ngủ riêng cho chủ nhân. Tất cả tiện nghi của chiếc máy bay này đã nâng giá trị của nó lên tới 73 triệu USD. Được biết, ông Ambani cũng đang sở hữu một máy bay phản lực Falcon 900EX được trang bị với một văn phòng, một cabin với máy chơi game (cho trẻ em), hệ thống âm nhạc, truyền hình vệ tinh và thông tin liên lạc không dây. Hơn thế, ông đã chi ra trên 60 triệu USD mua cả một chiếc máy bay chở khách phản lực Airbus 319 tặng vợ nhân sinh nhật lần thứ 44.

Cuối tháng 12/2011, Mukesh nhận được giấy triệu tập của tòa án người tiêu dùng Thrissur và "suýt" phải chịu lệnh bắt tạm giam sau khi lờ đi khoản tiền trên 25.000 rupee (500 USD) bồi thường cho khách hàng. Thời điểm bấy giờ, một trong những hãng bán lẻ của Tập đoàn RI được cho rằng có dấu hiệu làm ăn phi pháp khi phân phối nhiều loại điện thoại kém chất lượng. Hãng này từng tuyên bố hứa hẹn nhiều dịch vụ hấp dẫn cho người sử dụng di động tại Ấn Độ với cam kết bảo đảm chất lượng của chính ông trùm tư bản công nghiệp. Tuy nhiên, ngay sau đó, Joseph Makkolil, người đầu tiên dám lên tiếng tố cáo sự tắc trách của nhà cung cấp, cho hay anh này bị "trấn lột" bởi dịch vụ 400 phút gọi nội mạng miễn phí hàng tháng.

Makkolil cho biết, RI đã chối bỏ trách nhiệm khi quảng cáo không trung thực. Toàn bộ các dịch vụ khuyến mãi đều bị ngừng chỉ sau vài tuần kích hoạt, và bản thân Makkolil phải thanh toán những hóa đơn khổng lồ cho các dịch vụ chưa từng sử dụng. Theo đó, phía sản xuất đã vi phạm liên tiếp các điều khoản sử dụng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo nên một chấn động trong giới viễn thông Ấn Độ. Vụ việc còn kéo theo nhiều nạn nhân khác, chính họ đã thành lập một diễn đàn tẩy chay hàng của RI, và gián tiếp khiến Mukesh chịu lệnh bắt giam. Tuy nhiên, nhờ chi trả một khoản tiền nên Mukesh được tại ngoại, còn dư luận tiếp tục dậy sóng trước phán quyết thiếu triệt để và có phần ưu ái đối với tỉ phú này.

Có một thực tế là khách hàng liên tục đòi mở lại vụ án và yêu cầu phải tăng khoản tiền bồi thường. Nhưng luật sư của Mukesh đã tuyên bố sẽ chỉ bồi thường đúng 25.000 rupee, chối bỏ mức lãi 12% trong 5 năm đền bù, đồng thời gửi đơn xem xét lên tòa án nhằm xoa dịu mọi động thái quá khích của dư luận. Ông này cũng cho hay Mukesh hoàn toàn không có trách nhiệm bởi lẽ nhà tỉ phú đã chuyển giao quyền điều hành cho em trai Anil sau khi sáp nhập hai tập đoàn truyền thông khác cùng với RI

Lâm Anh - Kim Lương (tổng hợp)
.
.