Bí ẩn, Hỏa Lò…

Thứ Ba, 13/05/2014, 19:30

Cả quốc gia, có lẽ chỉ có duy nhất một con phố đặc biệt như Hỏa Lò.
Con phố không quá ngắn nhưng chỉ có một số nhà - nhà số 1 - và là nhà duy nhất. Con phố mà trong cả một khoảng thời gian dài đằng đẵng - quãng gần 100 năm - luôn là nỗi ám ảnh sợ hãi đối với phần đông những người vô tình đi ngang đó. Cánh cổng sắt đen sì, nhìn đã thấy ớn lạnh, lúc nào cũng im ỉm đóng.

Bởi, nhà số 1 phố Hòa Lò - ngôi nhà chiếm trọn con phố - suốt từ năm 1896 đến năm 1994 - là nhà tù: từ nhà tù trung tâm Maison Centrale thời Pháp thuộc đến Trại tạm giam Hà Nội từ sau khi hòa bình lập lại năm 1954. Cái địa danh với tên gọi "nhà tù Hỏa Lò" nổi tiếng đến mức mãi sau này, 97 năm sau khi tấm biển Maison Centrale được Pháp dựng nên tại ngôi nhà số 1, một trại tạm giam khác, được Công an TP Hà Nội đặt ở cách đó 15 km tại xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, vẫn được nhân dân quen gọi là "Trại Hỏa Lò" và con đường làng dẫn vào đó vẫn được người ta tự đặt tên là đường "Hỏa Lò mới".

Giờ thì Nhà tù Hỏa Lò đã trở thành khu di tích. Cánh cửa sắt nặng nề trông ra con phố nhỏ với những hàng bằng lăng cổ thụ lúc nào cũng im lìm - đã mở cửa suốt tuần để đón khách vào tham quan.

Nhưng những gì thuộc về ngôi nhà duy nhất chiếm trọn con phố Hỏa Lò suốt gần 100 năm qua cũng không phải vì thế mà giờ không còn gì bí ẩn...

BÀI I: TỪ LÀNG PHỤ KHÁNH, TỔNG VĨNH XƯƠNG ĐẾN MAISON CENTRALE

Hỏa Lò: Tại sao?

Các tài liệu còn lưu trữ tại Cục Lưu trữ Quốc gia, sau này được dẫn lại trong cuốn sách "Đấu tranh của các chiến sĩ yêu nước và cách mạng tại nhà tù Hỏa Lò 1899-1954" (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 1994) đã lý giải nguồn gốc của địa danh này một cách khá đầy đủ, thuyết phục.

Sau khi cơ bản kết thúc giai đoạn vũ trang xâm lược đất nước ta vào cuối thế kỷ XIX, quá trình thiết lập chính quyền thực dân cũng là quá trình diễn ra các cuộc đàn áp khốc liệt phong trào yêu nước của nhân dân ta.

Do đó, tòa án, nhà tù, cảnh sát - công cụ phục vụ chính quyền thực dân được xây dựng nhanh chóng. Từ đầu năm 1895, việc đàn áp, bắt bớ những người yêu nước liên tiếp xảy ra, đồng nghĩa với việc số tù nhân tăng lên không ngừng và Hà Nội đã không còn đủ nơi giam giữ. Thiếu nhà tù đến mức, Tirant - viên Công sứ đốc lý Hà Nội - định biến cả chùa Trấn Quốc thành nơi giam giữ.

Trong công văn Tiran gửi Thống sứ Bắc Kỳ, có đoạn: "Tôi định cho giam chúng vào chùa Trấn Quốc, một nơi giam những người bị bệnh truyền nhiễm trên một đảo của Hồ Tây... Tôi cũng sẽ cử về chùa ấy một nhân viên cảnh sát với những chỉ thị cần thiết cấm mọi tiếp xúc của tù nhân với bên ngoài"  (theo hồ sơ số 3118 Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I).

Toàn cảnh Hỏa Lò trước năm 1993.

Bởi vậy mà ngay sau khi Paul Doumer chọn Hà Nội làm thủ phủ của Chính phủ Đông Dương, chính quyền thực dân đã tiến hành mọi công việc để chuẩn bị cho việc xây dựng một nhà tù kiên cố vào bậc nhất Đông Dương ngay trong lòng Hà Nội. Nếu như tất cả các nhà tù lớn khác ở Việt Nam thời bấy giờ đều nằm ở thế biệt lập, như nhà tù Côn Đảo nằm giữa một hòn đảo trơ trọi cách đất liền cả trăm hải lý, xung quanh chỉ có nước và nước, mênh mông tít tắp hoặc các nhà tù Sơn La, Buôn Mê Thuột ở giữa hoang sơ rừng thiêng nước độc, thì nhà tù Hỏa Lò phải ở ngay trong lòng thành phố, xung quanh là Tòa Đại hình, Sở Mật thám tạo thành bộ ba chân kiềng đàn áp phong trào yêu nước của nhân dân ta.

Qua quá trình khảo sát, cuối cùng, chính quyền thực dân đã chọn mảnh đất hình thang thuộc thôn Phụ Khánh, tổng Vĩnh Xương huyện Thọ Xương cũ, phía tây nam giáp phố Rue des Teinturiers (nay là phố Thợ Nhuộm), phía tây giáp phố Rue Richaut (nay là phố Quán Sứ) và phía bắc giáp đường Rollande Prolonge (nay là phố Hai Bà Trưng)... để xây dựng nhà tù.

Và rồi, những mái nhà xinh xắn của 48 hộ dân thôn Phụ Khánh nằm xen giữa 3 ngôi chùa cổ kính là chùa Lưu Ly, chùa Bích Thư và chùa Bích Hoa đã bị chính quyền thực dân san phẳng để làm mặt bằng xây Đề lao Trung ương, gọi theo tiếng Pháp là Maison Centrale. Tuy nhiên, thôn Phụ Khánh vốn là nơi quần tụ cư dân làm nghề thủ công chuyên sản xuất đồ gốm dân dụng nên các lò nung gốm ở đây đỏ lửa suốt ngày đêm. Vì vậy, địa danh này còn có tên là Hỏa Lò.

Maison Centrale được xây dựng trên nền đất ấy nên còn có tên gọi là Nhà tù Hỏa Lò. Hiện nay, tại khu di tích Hỏa Lò, vẫn có một phòng riêng để trưng bày những sản phẩm gốm nung của những người thợ thủ công làng Phụ Khánh sản xuất từ những ngày mà mảnh đất có cảnh quan xinh đẹp này chưa bị thực dân Pháp biến thành Đề lao Trung ương.

Trở lại câu chuyện xây dựng nhà tù Hỏa Lò của thực dân Pháp. Ngay sau khi chọn địa điểm là thôn Phụ Khánh, các khâu công việc chuẩn bị cho quá trình xây dựng nhà tù lớn nhất Đông Dương này được khẩn trương tiến hành. Ngày 11/5/1896, bản vẽ mặt bằng do kiến trúc sư trưởng ngành nhà cửa dân sự Vildie hoàn thiện và chỉ 9 ngày sau đã được kỹ sư trưởng ngành cầu cống thông qua với tổng diện tích mặt bằng để xây dựng nhà tù trung ương và những đường lân cận dẫn đến nhà tù là 12.908 m2. Hai người Pháp là Fournier Tre lluyer và Levache đã trúng thầu xây dựng với ước tính chi phí toàn bộ cho công trình là 121.243,4 đồng (tiền Đông Dương).

Yêu cầu xây dựng và nguyên vật liệu cho công trình nhà tù Hỏa Lò rất cao. Tất cả các kim loại được dùng đều phải nhập từ Pháp, có chất lượng hàng đầu. Các ổ khóa, bản lề, ke cửa, đinh móc và các góc cửa phải là những loại có chất lượng hàng đầu và phải được kiến trúc sư chấp nhận. Ngay cả kính tấm được sử dụng trong nhà tù Hỏa Lò cũng phải là loại kính được chuyển từ Pháp sang và phải đạt cả hai yêu cầu là "rất rõ và không có bọt".

Tất cả những yêu cầu nói trên đã phần nào thể hiện ý đồ của thực dân Pháp khi xây một Hỏa Lò vô cùng kiên cố mà tù nhân, dù cố gắng đến bao nhiêu, cũng không thể trốn thoát bằng bất cứ phương cách nào. Sau này, dường như vẫn còn lo sợ nên các giám ngục còn yêu cầu bọc tôn 2 lần đối với tất cả các cánh cửa trại giam và lắp xà bảo hiểm, đồng thời khóa cùm tại các xà lim cũng phải đưa ra bên ngoài bởi nếu để bên trong như thiết kế ban đầu thì người tù có thể cạy mở được.

Ngày 1/1/1899, mặc dù việc xây dựng nhà tù Hỏa Lò còn chưa hoàn thiện nhưng do số lượng tù nhân không ngừng tăng mà không đủ nơi giam giữ nên chính quyền thực dân Pháp đã quyết định chuyển những tù nhân dân sự ở phố Cờ Đen (nay là phố Mã Mây) về Hỏa Lò.

Đây là cột mốc đánh dấu thời gian Đề lao Trung ương bắt đầu đưa vào sử dụng. Với tính chất là nhà tù trung ương (Maison Centrale), Hỏa Lò đã thực sự trở thành trung tâm giam cầm, trừng phạt những người yêu nước và cách mạng Việt Nam dưới thời Pháp thuộc.

"Không giam được trí óc"

Tại Hỏa Lò, chính quyền thực dân áp dụng chế độ giam cầm rất hà khắc nhằm tiêu diệt ý chí chiến đấu của những người cộng sản. Một trại giam kiên cố đã được các kiến trúc sư người Pháp tuân thủ ngay từ khi khâu thiết kế Maison Centrale.

Theo bản vẽ từ ban đầu thì ở Hỏa Lò chỉ có trại giam tù nhân nữ và trại giam tù nhân người Âu là ở khu ngoài, còn khu trong là 9 trại giam biệt lập với nhau. 

Xà lim án chém - nơi giam cầm những chiến sĩ cách mạng bị Pháp tuyên án tử hình - và cachot (hầm tối) dùng để trừng trị những người cầm đầu các cuộc tuyệt thực, tổ chức tù nhân nổi dậy chống đối nhà tù cũng được đặt ở đây.

Trại giam K - nơi thực dân pháp đã từng giam giữ các chiến sĩ yêu nước và cách mạng Việt Nam (1899-1954).

Maison Centrale được đặt dưới quyền giám thị đặc biệt của một chủ sự hay phó chủ sự của Tòa Thống sứ. Bộ máy cai quản gồm nhân viên người Âu và người Á, và tất cả đều phải có nguồn gốc từ quân đội. Nhân viên người Âu gồm một chánh giám ngục và 3 giám ngục hạng 1, hạng 2, hạng 3. Nhân viên người Á gồm 1 giám thị hạng nhất và 3 giám thị hạng 2, hạng 3 và hạng 4.

Giám ngục của Maison Centrale là người Pháp, thời kỳ đầu là do Toàn quyền Đông Dương chỉ định, từ sau năm 1947 thì do Chính phủ Pháp bổ nhiệm. Hai tên có thâm niên cai quản ở nhà tù Côn Đảo là Marconnin và Toustou cũng được Pháp điều về làm trong bộ máy cai quản nhà tù Hỏa Lò. Canh gác nhà tù là một đơn vị lính Âu Phi.

Để đàn áp phong trào yêu nước của nhân dân ta, một trong những biện pháp quan trọng được chính quyền thực dân thực hiện, đó là áp dụng chế độ giam cầm thật hà khắc đối với những người yêu nước bị bắt giam.

Theo công suất thiết kế ban đầu, Hỏa Lò chỉ có thể giam được tối đa 500 người nhưng vào những năm từ 1950 đến 1953, số lượng tù nhân trong Hỏa Lò thường xuyên lên tới 2.000 người. Các cựu tù Hỏa Lò thời kỳ này kể lại, có trại do quá đông mà ban đêm tù nhân phải đập cửa yêu cầu khiêng những người sức yếu ra ngoài để họ khỏi bị chết vì ngạt.

Ngay cả ở khu giam nữ cũng quá tải. Trong hồi ký "Những năm tháng không bao giờ quên" của nữ tù chính trị nhà tù Hỏa Lò giai đoạn 1939-1945 kể lại cuộc sống sinh hoạt bị đày ải đến cùng cực ngày ấy mà mãi bao nhiêu năm sau, người đọc vẫn còn rơi nước mắt: "Người đông, phòng hẹp nên bị thiếu không khí. Mùa đông cũng như mùa hè, phòng giam không đủ chỗ nằm... Gần 200 tù nhân nữ mà chỉ có một vòi nước nhỏ... Ai tắm ngày một lần được 1 gáo nước (gáo dừa to), tắm 2 ngày một lần thì được 2 gáo. Chỉ có một phòng tắm tập thể với số nước ít ỏi, dù xấu hổ đến đâu chị em vẫn phải tắm trần như cháu bé".

Nhưng không chỉ đày ải bằng sinh hoạt cực khổ, bộ máy cai quản nhà tù  Hỏa Lò của chính quyền thực dân còn bằng cách này hay cách khác tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh tật hoành hành để người tù chết dần chết mòn. Trong hồi ký "Trường học cuộc đời" đồng chí Đặng Việt Châu cựu tù chính trị Hỏa Lò đã viết những dòng đầy xót xa, đau đớn: "... Nhìn lại một năm trời bị tra tấn, khổ cực, bệnh tật đã cướp đi 25 anh em trong cả 3 trại prevention... Phần lớn những người chết do bệnh uremie (đái ra máu) gây ra tức thở (dyspnee). Ai được kịp thời ra nhà thương cấp cứu (bằng cách rất đơn giản là chỉ cho ăn rau muống sống trộn với chanh tươi) là sống lại, và độ 15 hôm sau họ đã bị dồn về nhà giam...". Số tù nhân bị chết do phù tim vì bị ăn loại gạo để quá lâu sinh mọt cũng khá nhiều, theo lời kể của các cựu nữ tù chính trị giai đoạn 1939-1945, có tháng lên đến 40 người.

Nhưng bấy nhiêu sự đày ải của nhà tù đế quốc cũng không thể làm nhụt ý chí chiến đấu ngoan cường của các chiến sĩ cách mạng.

Ngay trong điều kiện giam cầm khắc nghiệt và tra tấn dã man của kẻ thù, các chi bộ Đảng trong nhà tù vẫn được thành lập và hoạt động mạnh mẽ. Những người cộng sản đã bảo vệ được khí tiết của mình, thể hiện tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất để minh chứng cho một chân lý cao cả  đến tuyệt vời, rằng không thể dùng chế độ lao tù hà khắc, vô nhân đạo để giết dần, giết mòn những chiến sĩ cộng sản, những người Việt Nam yêu nước, như lời thơ trong bài thơ "Không giam được trí óc" của đồng chí Xuân Thủy viết khi đang bị giam cầm ở Hỏa Lò năm 1938:

"Đế quốc tù ta, ta chẳng tù
Ta còn bộ óc, ta không lo
Giam người, khóa cả chân tay lại
Chẳng thể ngăn ta nghĩ tự do"

Để đối phó với phong trào đấu tranh yêu nước ngày càng dâng cao trong nhà tù Hỏa Lò, Thống sứ Bắc Kỳ đã nhiều lần gửi thông tư về nhà tù Hỏa Lò chỉ thị cho bộ máy cai quản tù nhân ở đây: "Đề phòng những hoạt động chống đối có thể tiến hành đơn độc hay từng nhóm, hoặc để giải thoát phạm nhân chính trị hay thường phạm" (thông tư số 135-S/CB ngày 23/10/1944 và số 141-S/CB ngày 25/10/1944) và: "Mọi tẩu thoát và âm mưu tẩu thoát phải được đàn áp tức thì, không thương tiếc, nếu cần, bằng vũ khí" (thông tư số 16-S/MC ngày 21/1/1945).

Nhưng, chi bộ Đảng trong nhà tù vẫn tổ chức thành công nhiều cuộc vượt ngục. Bởi,  đây không chỉ là nguyện vọng của người tù mong muốn được trở về sống tự do mà còn là chủ trương của Đảng nhằm bảo toàn lực lượng chiến đấu. Trong lịch sử hơn nửa thế kỷ nhà tù Hỏa Lò giam cầm những người cộng sản, đã có nhiều cuộc vượt ngục xảy ra bằng 2 cách hoặc là "thăng thiên" (lên trời) hoặc "độn thổ" (xuống đất)

Đ.H.
.
.