Bi kịch của người Mỹ gốc Nhật trong Thế chiến II

Thứ Ba, 01/10/2019, 14:09
Ngày 2-9-1945 là thời điểm đánh dấu sự kết thúc của Đại chiến thế giới lần thứ hai. Nhật Bản chính thức ký hiệp ước đầu hàng sau khi quân đội của họ bị đánh bại, cùng với hai thành phố bị bom nguyên tử xóa sổ.

Nhưng không có nhiều người biết được rằng, có hàng ngàn người Mỹ gốc Nhật đã chiến đấu dưới lá cờ Mỹ trong cuộc chiến này, trong khi nhiều họ hàng của họ bị coi là những kẻ tiếp tay cho kẻ thù và bị tống vào các trại tập trung. Đâu là nguyên nhân khiến Washington ban hành chính sách truy lùng và áp giải hàng chục ngàn công dân gốc Nhật vào các trại tập trung trong Đại chiến thế giới thứ hai?

"Chẳng bao lâu sau ngày sinh nhật thứ 5 của tôi, chúng tôi bị cha mẹ đánh thức mặc quần áo rất sớm. Khi đó xuất hiện những người lính cầm súng có lưỡi lê đập cửa và lùa chúng tôi ra khỏi nhà - diễn viên nổi tiếng người Mỹ gốc Nhật George Takei nhớ và kể lại trước đám đông thính giả - Bố trao cho hai anh em tôi những chiếc vali chứa đồ nhỏ, kêu chúng tôi ra ngoài đợi mẹ. Mẹ tôi bế cô em gái nhỏ bước ra khi trên má vẫn còn đầm đìa nước mắt. Tôi sẽ không bao giờ quên cái ngày đó, khi ấn tượng về nó vẫn đọng lại vĩnh viễn trong trí nhớ của tôi". Trong thời kỳ Đại chiến thế giới thứ hai, Takei - người sinh ra và lớn lên tại California - đã phải sống 3 năm liền trong trại tập trung.

Gia đình Takei cùng với nhiều người Nhật khác đã bị dồn lên những toa tàu bị canh giữ nghiêm ngặt, trải qua một hành trình vất vả tới 4 ngày trước khi tới được bang Arkansas. Tại đó ở khu vực hạt Rover nằm xa tất cả các điểm dân cư, đã được xây dựng một khu trại gọi là "Trung tâm di dân quân sự", là nơi gần 9.000 người sẽ phải trải qua những năm tháng khó khăn tại đây. 

Nơi đây được dựng lên hàng dãy những lều gỗ được bao bọc xung quanh bằng dây thép gai với hệ thống bốt gác và lính tuần tiễu suốt ngày đêm. 

Gia đình Takei - cha mẹ và 3 đứa con - được bố trí trong một căn phòng chật chội không có bàn ghế, ăn uống tại nhà ăn, sử dụng chung phòng tắm và nhà vệ sinh cùng với các tù nhân khác. Họ luôn phải sống trong tình trạng bị giám sát chặt chẽ và không có quyền ra khỏi trại - bộ phận bảo vệ sẵn sàng bắn bất cứ kẻ chạy trốn nào. Cuộc sống của Takei khi đó cũng tương tự như hàng chục ngàn người Mỹ gốc Nhật khác trong Đại chiến thế giới thứ hai.

Mối đe dọa da vàng

Những công dân Mỹ gốc Nhật thật ra đã gặp nhiều rắc rối từ trước cả chiến tranh. Người dân bản địa tại California, nơi có tỉ lệ không nhỏ người gốc Nhật sinh sống, vẫn lo sợ những người châu Á chăm chỉ sẽ lấy mất công ăn việc làm của họ. Các nhà làm luật dựa theo tâm lý của các cử tri cũng đưa ra những đạo luật chống lại người từ nước khác tới. 

Chẳng hạn như ngay từ năm 1913, bang này đưa ra một đạo luật, theo đó những người nhập cư sẽ không được sở hữu đất đai hay bất cứ hình thức bất động sản nào. 

Đến năm 1922, người Nhật không được phép nhập quốc tịch Mỹ. Hai năm sau, trước "mối đe dọa da vàng", người Nhật bị cấm hoàn toàn nhập cư, theo như cách Mỹ từng hành xử với người Trung Quốc từ vài thập niên trước. Còn những người Nhật đã nhập cư trước đây bị tước mất quyền bỏ phiếu và một số quyền lợi liên quan đến tài sản, phải phụ thuộc vào những đứa con của họ được sinh ra trên đất Mỹ, cũng như nhờ chúng mới có được quốc tịch.

Từ giữa những năm 1930, tình báo hải quân Mỹ, do lo ngại sự phát triển nhanh chóng sức mạnh quân sự của đế chế Nhật, đã lập một danh sách những người gốc Nhật được cho là không tin cậy, trong trường hợp xảy ra xung đột cần phải cách ly. Các điệp viên tìm mọi cách gây khó dễ, không cho những "gián điệp tiềm năng" này sống gần sát với những sân bay chủ chốt, các đơn vị quân đội hay giàn khoan dầu. 

Nhưng một nghiên cứu phối hợp giữa tình báo và Cục Điều tra liên bang (FBI) lại cho thấy cộng đồng sắc tộc này chủ yếu cực kỳ trung thành với nước Mỹ. Bất chấp những mối lo ngại về quân sự và khả năng về cuộc chiến sắp nổ ra, phần lớn người dân Mỹ vẫn coi những người gốc Nhật là "những công dân tốt và trung thành" với tổ quốc. Tuy nhiên, sự kiện Trân Châu Cảng sau đó đã thay đổi tất cả.

Những tù nhân gốc Nhật đứng xếp hàng tại một trung tâm di tản tạm thời ở Arizona.

Ngày 7-12 -1941, Nhật bất ngờ mở đợt tấn công hủy diệt vào căn cứ hải quân Mỹ tại Trân Châu Cảng, tiêu diệt 2.500 quân Mỹ và hàng trăm phương tiện tàu thuyền khác nhau. Sự kiện này đã khiến Washington chính thức bước vào tham chiến. Các quan chức Mỹ ban đầu vẫn tin báo cáo của các chuyên gia, theo đó những người gốc Nhật tại địa phương vẫn trung thành với nước Mỹ, cho dù xung đột giữa hai bên đã chính thức nổ ra. 

Tuy nhiên, phía công luận Mỹ lại bao trùm một tâm lý kinh hoàng - nguyên nhân bắt nguồn từ sự bành trướng rất nhanh chóng của đế quốc Nhật tại châu Á (lúc này Nhật đã kiểm soát một phần khá lớn lãnh thổ Trung Quốc, chiếm đóng Singapore khiến quân Anh phải lùi bước). Nhiều người Mỹ lúc đó cảm tưởng rằng, quân Nhật sẽ dễ dàng đánh chiếm bờ biển phía tây của nước Mỹ. Tham gia hỗ trợ cho họ là cả một lực lượng hàng chục ngàn người gốc Nhật đang sinh sống tại khu vực này.

Thêm vào đó là rất nhiều tin đồn thất thiệt khác, kèm theo cả một sự việc có thật gọi là "vụ việc tại Niihau", một hòn đảo nhỏ ở Hawaii thuộc Mỹ. Khi đó, một phi công Nhật sau khi ném bom Trân Châu Cảng gặp trục trặc đã hạ cánh xuống hòn đảo này vì nghĩ đó là nơi không có người sinh sống. 

Trong khi cư dân địa phương đã bắt giữ và tịch thu hết giấy tờ của ông ta, một gia đình Nhật sinh sống tại đây đã tìm cách giải cứu. Những người Nhật tại đây đã cùng phối hợp bắt giữ cư dân còn lại trên đảo làm con tin. Câu chuyện này đã nhanh chóng được truyền bá khắp nước Mỹ.

Nỗi lo sợ người gốc Nhật đã lan truyền nhanh chóng khắp nước Mỹ, nhất là sau phát biểu của tướng John DeWitt, người trực tiếp phụ trách chương trình bắt giữ người gốc Nhật.

Trại tập trung hay trung tâm di tản

Chương trình tập trung người gốc Nhật chính thức được khởi xướng vào tháng 3-1942, sau sắc lệnh đặc biệt số 9066 do chính Tổng thống Roosevelt ký. Theo đó, tất cả những người dù chỉ có một phần nhỏ dòng máu Nhật đều buộc phải đăng ký và xếp vào loại "ngoại kiều thù địch". Chỉ trong có vài tuần, đã có từ 110 đến 120 ngàn người buộc phải rời bỏ nhà cửa và cả những xí nghiệp đang làm việc, 2/3 số này là những người đã có quốc tịch Mỹ.

Ngoài việc tận dụng những khu chuồng gia súc, nhà kho cũ; một loạt những khu tập trung gồm toàn những lều gỗ (chủ yếu tại những khu vực hoang vu, xa thành phố) được dựng lên vội vàng để kịp đón những người gốc Nhật vào sống. Cho đến mùa thu năm đó, khắp nước Mỹ đã mọc lên cả chục trại tập trung cỡ lớn, với tên gọi chính thức là "Trại cầm giữ".

Những tù nhân đặc biệt này - trên danh nghĩa được gọi là những người di dân - đã có một cuộc sống khá bình yên trong suốt chiến tranh, bất chấp việc họ trên thực tế đã bị tước mất tự do. Họ chăm chỉ đoàn kết gây dựng nên những khu vườn, tập thể thao, tổ chức các hoạt động tôn giáo (cả đạo Phật và Thiên chúa). Tại những trường học tổ chức ở đây, những đứa trẻ được dạy duy nhất tiếng Anh và các giá trị truyền thống của xã hội nước Mỹ.

Trong suốt chiến tranh, các bác sĩ tại đây đã đỡ cho hơn 6.000 ca sinh đẻ, cũng như chứng tử cho 1.800 trường hợp. Nói chung phần lớn các trại đều tuân thủ theo đúng các yêu cầu quốc tế về giam giữ tù binh, dù các cư dân tại đây vẫn phải chống chọi với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt và ăn uống nghèo nàn. Chỉ có hơn 5.000 người tỏ ra phẫn nộ với chính sách mà Washington đã đặt ra đối với mình, yêu cầu được quay trở lại Nhật nếu có cơ hội.

Tinh thần yêu nước

Bắt đầu từ năm 1944, sau nhiều tranh cãi trong nội bộ chính quyền, quân đội Mỹ bắt đầu tuyển chọn những người gốc Nhật vào hàng ngũ của mình. Hóa ra có hàng ngàn người như vậy sẵn sàng hiến dâng mạng sống của mình cho nước Mỹ. Trong những năm chiến tranh, có hơn 20 ngàn người Nhật đã khoác lên mình bộ quân phục, giống như những người đã canh giữ mình trong các trại tập trung, để tham gia vào cuộc chiến chống lại phe phát xít. 

Một trại giam giữ như thế này có thể là nơi sinh sống của 7 cho tới 18 ngàn người.

Phụ nữ được giao những công việc như làm y tá, thư ký, tài xế; còn nếu thành thạo tiếng Nhật thì làm phiên dịch hay điệp viên. Còn nam giới chủ yếu vào các đơn vị chiến đấu, dù không được chuyển tới mặt trận Thái Bình Dương (nơi quân Mỹ đối đầu với quân Nhật), nhưng họ đã chứng tỏ là những binh sĩ gan dạ tại mặt trận châu Âu.

Điển hình là trung đoàn bộ binh 442 - với thành phần hầu hết là những người Mỹ gốc Nhật - đã từng nhận được các hình thức khen thưởng kỷ lục trong suốt lịch sử quân đội Mỹ, với 9.500 trong tổng số 14 ngàn binh lính và sĩ quan được khen thưởng. Nhiều anh hùng đã dũng cảm chiến đấu chống lại quân phát xít Italy, trong khi họ hàng mình tại quê nhà vẫn đang phải sống trong các trại tập trung. 

Công lý cho tất cả

Những thành tích trong chiến đấu và nhiệt huyết yêu nước của người Mỹ gốc Nhật đã buộc chính quyền phải suy nghĩ lại về hành động của mình. Ngay từ tháng giêng năm 1945, tức là nửa năm trước khi kết thúc chiến tranh, Mỹ đã xóa bỏ những đạo luật mang tính quân sự về việc di dân. Những người gốc Nhật được nhận 25 đôla tiền hỗ trợ cùng với vé xe đi tới bất cứ nơi nào tại nước Mỹ.

Sau khi kết thúc chiến dịch tại Italy, những người lính của trung đoàn 442 trở về quê hương. Có điều cả những người hùng trở về từ mặt trận cũng như những cựu tù từ các trại tập trung không hề được chào đón. Nhiều người trong số họ khi trở về đã mất tất cả - cửa hiệu của họ bị phá tan hoang, nhà cửa và nông trại bị người khác chiếm mất. 

Nhiều xí nghiệp, cửa hàng tại địa phương treo biển thông báo không thuê mướn hay phục vụ người Nhật. Những người gốc Nhật không ít lần bị những thành phần da trắng có thành kiến tấn công phá hoại tài sản.

"Chúng tôi không còn lại chút gì, ngoài sự thù địch không thể tin nổi. Chúng tôi buộc phải cư ngụ tại khu vực tồi tệ nhất thành phố, cùng với những thành phần vô gia cư, nghiện rượu và điên loạn. Khắp nơi tại đó khai mù mùi nước tiểu - diễn viên Takei nhớ lại - Điều đó quả thực kinh khủng đối với những đứa trẻ như chúng tôi".

Những người Nhật đã cố gắng đòi lại tài sản trước đây của mình. Tính ra có tới 26.500 đơn kiện đòi lại số tài sản tổng trị giá 148 triệu đôla. Nhưng kết quả chỉ có 37 triệu đôla được hoàn trả. Những người không được tòa án giúp đỡ đã phải lao động cật lực để có được cuộc sống tốt hơn, trong hoàn cảnh phải chịu đựng sự khinh miệt và sợ hãi của những người xung quanh trong suốt nhiều năm.

Lớp con cháu của những nạn nhân người gốc Nhật đã không còn phải đương đầu với chiến tranh, nhưng vào những năm 1960, họ đã tích cực tham gia vào phong trào vì nhân quyền, bảo vệ quyền lợi của gia đình mình một cách công bằng nhất. Họ không cố gắng đòi lại những tài sản đã mất, nhưng nhấn mạnh về những mất mát và đau khổ về tinh thần mà cha mẹ họ đã phải chịu đựng vì những chính sách của Washington.

Những thành công đầu tiên của họ đã đạt được vào năm 1976, khi Tổng thống Gerald Ford lên tiếng công khai chỉ trích chính sách giam giữ trong chiến tranh. Ông tuyên bố đây là một sai lầm lịch sử không thể lặp lại, đồng thời ký quyết định hủy bỏ sắc lệnh 9066. 

"Chúng tôi hiện giờ đã biết, và đáng ra phải biết khi đó, rằng những người Mỹ gốc Nhật luôn trung thành với nước Mỹ. Trên chiến trường hay ở nhà, họ đều ghi tên mình vào lịch sử, đóng góp nhiều cho sự bình yên và an ninh của đất nước - một đất nước chung của chúng ta" - Tổng thống Ford đã phát biểu nhân sự kiện đặc biệt đối với những công dân Mỹ gốc Nhật như vậy.

Năm 1988, đến lượt Tổng thống Ronald Reagan ký văn kiện về quyền tự do công dân, trong đó đảm bảo trả 20 ngàn đôla cho mỗi một cá nhân từng phải chịu đựng "kế hoạch di tản" (tính tổng cộng khoảng 1,2 tỉ đôla). 

Còn tại những địa điểm trại tập trung trong quá khứ, chính quyền đã dựng những bảng tưởng niệm, thậm chí một số nơi còn làm bảo tàng để cho con cháu những cựu tù nhân và khách du lịch thông thường tới thăm viếng.

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.