Bí mật trong việc xây dựng Quảng trường Thiên An Môn

Thứ Năm, 07/08/2008, 08:15

Có rất nhiều những địa điểm nổi tiếng của Bắc Kinh sẽ diễn ra các cuộc thi đấu hoặc các lễ hội của Olympic. Trong số các địa điểm đó thì Quảng trường Thiên An môn sẽ  là một trong những địa điểm hấp dẫn nhất, bởi nơi đây không những sẽ diễn ra  những lễ hội được dự đoán là  rất hoành tráng, mà còn bởi  quảng trường xưa nay vẫn luôn được coi là vùng đất “địa linh” chứng kiến vô vàn những biến động lịch sử của dân tộc Trung Hoa.

Quảng trường Thiên An môn là quảng trường lớn nhất, trung tâm nhất của thủ đô Bắc Kinh. Hình thành từ triều Minh (1368-1644), ban đầu quảng trường được xây dựng theo hình chữ “đinh” (?), mà nét ngang trên đầu  chính là đường Trường An, còn cổng phải và cổng trái của đường Trường An chính là hai đầu của nét ngang đó. Đến đời Thanh  ở bên ngoài mỗi  cổng xây thêm hai cổng nữa theo hướng đông tây tạo thành “Tam tọa môn” ở mỗi đầu đường Trường An. Nét “dọc” của chữ “đinh” chính là Thiên bộ lang (hành lang ngàn bước) theo hướng nam - bắc, còn phần cuối của nét “hất” là Trung Hoa môn ở phía bắc của Chính Dương môn.

Có thể nói do cấu trúc “kín cổng cao tường” lại được cảnh giới hết sức nghiêm ngặt, nên dưới hai triều Minh - Thanh,  Thiên An môn được gọi một cách hình tượng là “Thiên nhai” (đường lên trời). Cho đến trước khi triều đình Mãn Thanh sụp đổ thì  Quảng trường  Thiên An môn luôn là một quảng trường bị “phong bế” (đóng kín), chỉ dành để  tổ chức những lễ hội hoặc những sự kiện trọng đại riêng cho triều đình.

Với những người dân bình thường thì việc được đi vào quảng trường này “khó như lên trời”. Họ chỉ có duy nhất một cơ hội trong một năm: đó là vào đúng ngày trước tiết sương giáng (23/11) khi những tử tội được dẫn qua cửa phía trái đường Tràng An vào quảng trường để chờ hành quyết, thì họ mới được theo vào mà thôi  

Quảng trường Thiên An Môn.

Sau cách mạng Tân Hợi (1911), Chu Khải Kiềm, Tổng trưởng Nội vụ trong Chính phủ Bắc Dương đã cho phá bỏ Thiên bộ lang, nhờ đó  Thiên An môn trở nên thông thoáng với bên ngoài. Những thứ phá ra từ Thiên bộ lang được dùng vào việc xây dựng “Bắc Kinh đệ nhất công viên”, hay còn gọi là Công viên Trung ương, tức Công viên Trung Sơn hiện nay. Sự chỉnh sửa cũng giúp cho phía đông và phía tây của đường Tràng An chính thức được nối liền với nhau. Quảng trường Thiên  An môn từ chỗ là “phong bế quảng trường” đã trở thành “khai phóng quảng trường”. Mọi người dân đều có thể qua lại mà không bị ngăn trở.

Ngày 1/10/1949 tại Quảng trường Thiên An môn, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã trịnh trọng tuyên bố nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời. Sự kiện trọng đại này khiến Quảng trường Thiên An môn trở thành mảnh đất thiêng của nước Trung Hoa mới, và do đó nó càng trở nên nổi tiếng. Vì thế ngay sau đó các cấp  chính quyền cũng bắt đầu tiến hành các “chỉnh sửa” để  quảng trường trở thành biểu trưng của một thời đại lịch sử mới.

Tam tọa môn ở hai đầu đông tây và tả, hữu môn ở hai đầu đường Tràng An bị dỡ bỏ. Đến năm 1955, bức tường màu đỏ ở hai đầu đông và tây được san phẳng khiến cho diện tích của quảng trường ngay lập tức được tăng lên gần 1 vạn mét vuông.

Những cuộc chỉnh sửa này khiến quảng trường không mang dáng chữ “đinh” nữa. Cuối năm 1955, chính quyền TP Bắc Kinh lập ra Ủy ban Quy hoạch đô thị, lấy việc cải tạo và xây dựng Quảng trường Thiên An môn làm nhiệm vụ trọng tâm. Để thực hiện công việc khó khăn này, các nhà chức trách Trung Quốc (TQ) đã mời các chuyên gia Liên Xô sang giúp đỡ. Nhờ đó chỉ một thời gian sau, Ủy ban  đã đưa ra 11 phương án quy hoạch khác nhau đối với quảng trường Thiên An môn.  Tuy nhiên tất cả các phương án trên đều không được thực thi.

Để chuẩn bị cho đại lễ Quốc khánh TQ lần thứ 10  năm 1959, tháng 8/1958,   Hội nghị toàn thể BCH TW ĐCS TQ họp tại Bắc Đới Hà đã ra nghị quyết  tiến hành tu sửa và chỉnh trang toàn diện quảng trường. Theo đó cùng với Quảng trường Thiên An môn sẽ có  10 công trình kiến trúc hoành tráng (gọi tắt là Thập đại kiến trúc) được xây dựng mới hoặc nâng cấp, với yêu cầu “mang tính thời đại và vĩnh cửu”.

Nghị quyết cũng chỉ rõ 10 công trình đó bao gồm 1 công trình sẵn có là Triển lãm Công nghiệp và 9 công trình phải xây dựng mới là Vạn nhân đại hội đường (sau đó được Mao Trạch Đông đổi tên thành Nhân dân đại hội đường, gọi tắt là Đại hội đường hoặc Đại lễ đường), Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng lịch sử, Quốc gia đại kịch viện, Nhà bảo tàng Quân đội, Triển lãm khoa học kỹ thuật, Triển lãm nghệ thuật, Cung Văn hóa dân tộc, Triển lãm Nông nghiệp. Trong đó Đại lễ đường là công trình chủ đạo với phòng họp đủ chỗ cho một vạn đại biểu cùng tham dự.

Khi bản Nghị quyết ra đời thì chỉ còn cách ngày lễ Quốc khánh lần thứ 10 chưa tới  400 ngày. Nên biết rằng để xây dựng trụ sở Liên  Hiệp Quốc tại New York phải mất 7 năm, Trung tâm Hội nghị quốc tế tại Gèneve mất 8 năm, còn Nhà hát Sydney mất 14 năm, thì trong 400 ngày phải xác định vị trí, lập đồ án thiết kế và thi công xong một tổ hợp 10 công trình có tính vĩnh cửu, biểu trưng cho cả một quốc gia, xứng tầm  quốc tế, tại trung tâm thủ đô, là điều xưa nay chưa từng có trên thế giới! 

Hồi ký của Đào Tông Chấn, một trong những kiến trúc sư chịu trách nhiệm chính  khâu thiết kế, cho biết:  công trình “Thập đại kiến trúc” đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chu  Ân Lai cùng với một tổ chuyên môn bao gồm hơn 30 các kiến trúc sư, công trình sư và các nhà phong thủy học nổi tiếng nhất TQ khi đó. Thủ tướng Chu Ân Lai đã  nêu rõ ý tưởng thiết kế chung là  “Chắt lọc và kết hợp một cách hài hòa những tinh hoa kiến trúc giữa truyền thống và hiện đại, giữa trong nước và quốc tế nhằm để lại sự hoàn hảo cho con cháu muôn đời”.

Theo như bản thiết kế lúc đầu, thì quảng trường có chiều rộng là 500 mét, chiều dài là 800 mét (theo đúng tỉ lệ vàng 5/8 của thuật phong thủy). Thật chính xác ra thì chiều dài của quảng trường là 880, tức là gồm hai con số 8. Như vậy diện tích của Quảng trường Thiên An môn lớn gấp 5 lần quảng trường Trung tâm Paris, lớn gấp 4,5 lần Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva.

Một hôm khi ủy ban đang họp để quyết định đồ án thiết kế thì Tân Nghị, một cán bộ cao cấp của quân đội, người được giới thiệu là sẽ  phụ trách việc duyệt binh ngày lễ Quốc khánh, tới thăm và đưa ra 3 yêu cầu. Một là không được tạo ra bất kỳ ranh giới nào giữa quảng trường và đường Tràng An, hai là bề mặt quảng trường phải chịu được trọng lượng của hai xe tăng, mỗi xe 60 tấn, song hành. Ba là không gian giữa đường và  quảng trường phải “liền thành một khối” để không gây cản trở tới việc diễu hành của quần chúng nhân dân cũng như của các phương tiện khác.

Điều này có nghĩa là phải phá bỏ toàn bộ tòa đôi Cổ tháp ở giữa cửa Tây Đơn và cửa Lục Bộ cũng như hệ thống dây dẫn dùng cho xe điện bánh hơi chạy qua quảng trường. Như vậy  thì việc xây dựng một đường ngầm phía dưới quảng trường cho xe điện chạy qua là điều hiển nhiên. Phải nhiều năm sau người ta mới biết được ý đồ thực sự của yêu cầu này. Đó là  nhằm chuẩn bị nếu có sự bất trắc xảy ra,  thì quảng trường có thể lập tức trở thành một sân bay dã chiến, còn đường hầm phía dưới sẽ biến thành hầm trú ẩn.

Vì “Thập đại kiến trúc” sẽ hiện diện trong phạm vi quảng trường, cho nên phương án thiết kế phải đặc biệt lưu ý tới bố cục toàn thể và ảnh hưởng giữa các khối kiến trúc với nhau. Cũng theo Đào Tông Chấn, sau khi bàn bạc, các kỹ sư thiết kế nhận thấy độ cao của các công trình kiến trúc xung quanh chắc chắn sẽ thấp hơn các công trình kiến trúc dọc theo đường trung tâm quảng trường. Nếu cứ nghiêm ngặt tuân theo yêu cầu “liền một khối”,  thì  quảng trường sẽ là một quần thể kiến trúc  khô khan, cứng nhắc và trống trải.

Không những thế phần bề mặt của quảng trường được gia cố bằng các vật liệu cứng sẽ chịu “hiệu ứng bức xạ nhiệt” khiến nhiệt độ của vùng quảng trường tăng lên  vào mùa hè, và sẽ giảm vào mùa đông. Vì vậy các kỹ sư thiết kế đã cố gắng dùng mọi biện pháp để có thể thu nhỏ diện tích của phần mặt bằng. Họ đã lấy hai đại lộ chạy theo hướng bắc - nam của của phía nam Công viên Trung Sơn và Cung Văn hóa Nhân dân làm ranh giới để cho phía trong của con đường hòa với mặt bằng của quảng trường, còn phía bên ngoài của đường thì được làm thành đường đi và hàng rào cây xanh.

Mặt bằng  của quảng trường còn được rộng thêm với việc mở rộng đường Tràng An lên tới 180 mét và do đó diện tích phần trung tâm của cả quảng trường đạt cỡ 14 ha.  Trong bản thiết kế ban đầu thì  Đại lễ đường, Bảo tàng Cách mạng ở về một bên quảng trường, đối diện ở phía bên kia sẽ là Quốc gia đại kịch viện và Bảo tàng lịch sử. Cả bốn “đại kiến trúc” này sẽ chiếm diện tích  hoàn toàn giống nhau là 150 m x 220m. Nếu so sánh về tỉ lệ thì  chúng sẽ dài theo hướng đông - tây hướng ra đường Tràng An, hẹp theo hướng bắc - nam hướng vào quảng trường. Cách bố trí này sẽ khiến cho không gian phía nam của quảng trường trở nên thoáng đãng.

Tuy vậy, trong bản thiết kế sau đó các kiến trúc sư đã đưa Quốc gia đại kịch viện ra bên ngoài quảng trường. Phía tây của quảng trường sẽ là Đại lễ đường, phía đông là Bảo tàng lịch sử và Bảo tàng cách mạng.

Cuối cùng, vị trí và kích cỡ của công trình then chốt nhất là Đại lễ đường vẫn không có được sự thống nhất giữa Bộ Ngoại giao và chính quyền thành phố Bắc Kinh cùng một số các bộ, ngành khác. Thí dụ lúc đầu Đại lễ đường chỉ có phòng họp  chứa 1 vạn người, sau đó Bộ Ngoại giao yêu cầu phải có  thêm một phòng  tiếp tân để có thể tổ chức các bữa tiệc ngoại giao cho 5 nghìn người. Quốc hội (tức Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc) cũng yêu cầu phải có Văn phòng của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Thấy rõ được khó khăn này, Thủ tướng Chu Ân Lai gợi ý: Vị trí của Đại lễ đường nên nằm ở phía tây quảng truờng (nhìn từ lầu Thiên An môn). Đối diện với Đại lễ đường  ở phía tây sẽ là Bảo tàng lịch sử và Bảo tàng cách mạng, hai bảo tàng này nên tạo thành một khối.

Ý tưởng này sau đó đã biến thành hiện thực mà mọi người được thấy như ngày nay. Nó được  giới chuyên môn đánh giá rất cao vì sự hài hòa trong kiến trúc, còn về mặt phong thủy thì đó chính là nguyên tắc “tả tổ hữu xã” (phía trái là tổ tông, phía phải là con cháu) theo đúng tôn ti trật tự của truyền thống văn hóa phương Đông.

Còn riêng phòng họp của Đại lễ đường, có thể xây dựng theo hình móng ngựa hoặc hình êlíp vì đây là cấu trúc đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện. 

Nhưng khi tiến hành phân tích một cách kỹ lưỡng, Đào Tông Chấn phát hiện ra rằng với một phòng họp có 1 vạn người cùng tham dự  có hình êlip hoặc hình móng ngựa, thì người ở vị trí xa nhất sẽ cách đoàn chủ tịch cỡ 100 mét. Hơn nữa để chứa được 1 vạn đại biểu thì tất nhiên phải làm nhiều tầng lửng, sẽ dẫn tới người nọ che khuất tầm nhìn của người kia. Không những thế vấn đề âm thanh trong phòng cũng rất khó giải quyết.

Sau nhiều lần trăn trở tìm các phương án nhằm thỏa mãn tối đa các yêu cầu, Đào Tông Chấn và cộng sự quyết định lập  thiết kế cho Đại lễ đường có kích thước 270m x 210 m, tức là diện tích  so với thiết kế ban đầu tăng gấp 2,5 lần. Sau đó kích thước này  được điều chỉnh lần cuối cùng là 336m x 206m. Còn phòng họp vạn người được thiết kế có hình cái quạt giấy.

Theo thiết kế này thì người ngồi nơi xa nhất cũng chỉ cách chủ tịch đoàn tối đa là 60 mét, và chỉ cần làm hai tầng lửng là đủ. Các mặt kỹ thuật khác cũng đạt tiêu chuẩn tối đa. Phương án thiết kế này sau đó đã được duyệt. Theo Đào Tông Chấn và các cộng sự thì điều này chứng tỏ các vị lãnh đạo đã rất tôn trọng ý kiến của các kiến trúc sư.

Khó khăn cơ bản được giải quyết, và cuối cùng sau gần hai tháng các bản thiết kế của “Thập đại kiến trúc” đã được phê duyệt. Cuối tháng 10/1958 bắt đầu thi công Đại lễ đường và các công trình khác. Đến đầu tháng 9/1959 thì tất cả các công trình đều hoàn thành. Đây đúng là một kỳ tích trong ngành xây dựng, không những của TQ mà cũng là của thế giới. Quảng trường Thiên An môn mà chúng ta thấy ngày nay, về cơ bản là có được từ sau lần chỉnh sửa này.

Ngày 1/10/1959 đại lễ mừng 10 năm ngày thành lập nước CHND Trung Hoa đã diễn ra vô cùng tưng bừng. Kể từ đó đến nay Quảng trường Thiên An môn luôn là nơi diễn ra các sự kiện trọng đại nhất, hoành tráng nhất của TQ

Nguyễn Tiến Cử (Theo tài liệu nước ngoài)
.
.