Biệt đội thi hành án tử hình giữa sào huyệt Sài Gòn: Một quãng đời khắc nghiệt

Thứ Hai, 22/09/2014, 16:30

Vụ ám sát Nguyễn Văn Kiểm xem như một cú tát bật mặt Nguyễn Văn Thiệu vì lời tuyên bố đã "đẩy Việt cộng ra khỏi Sài Gòn".
Để gỡ sĩ diện, Nguyễn Văn Thiệu mở hầu bao rộng rãi và trực tiếp chỉ đạo một chiến dịch lùng sục thủ phạm mang bí số "Phượng hoàng 486". Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hòa (VNCH) xua tổng lực các bộ phận thuộc lực lượng đặc biệt quần thảo khắp Sài Gòn.

Cảnh sát và quân cảnh lập các trạm kiểm soát liên hợp khắp các ngõ ngách. Bất cứ ai có biểu hiện khả nghi đều bị đưa về đồn thẩm vấn. Suốt 2 tháng ròng rã điều tra tập hồ sơ cũng chỉ là những dấu hỏi lớn. Trong lúc đó, B5 đang tiếp tục thực hiện lệnh tử hình thứ hai.

Trận đánh trong mùa Tết

Ông Lê Việt Bình bồi hồi ôn lại quá khứ: "Khi biết chưa tử hình được Linh Quang Viên, chúng tôi đều lo bị khiển trách. Thế nhưng, một hôm anh Ba Hiệp tập họp toàn đội tại hậu liêu chùa Phụng Sơn (quận 6) để thông báo tin vui. Anh cho biết Trung ương Cục, T4 gởi lời khen ngợi và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam quyết định tặng thưởng Huân chương Chiến công cho đơn vị cùng 4 người tham gia trận đánh gồm tôi, Ba Sinh, Út Cạn và Anh Đồng. Lúc đó chỉ nói miệng chứ có giấy tờ gì đâu. Thời chiến mà.

Cú đánh vỗ mặt của ta trong Tổng tấn công Mậu Thân và vụ ám sát Nguyễn Văn Kiểm đã khiến Nguyễn Văn Thiệu ép Nguyễn Văn Lộc từ chức thủ tướng. Ông T.V.H. sẽ lên thay Lộc làm Thủ tướng. T.V.H. là người quyết liệt chống Cộng. Vì vậy, cần phải đánh cảnh cáo.

T.V.H. là người thận trọng. Sau vụ ám sát Kiểm, ông ta dọn nhà vào doanh trại Bộ Tư lệnh Hải quân VNCH cư trú. Đó là nơi ẩn trú an toàn vì con đường Bạch Đằng (nay là Tôn Đức Thắng) đi vào khu vực này là đường độc đạo, lại được lính có vũ trang bảo vệ nghiêm ngặt. Mỗi khi T.V.H. ra khỏi nơi cư trú ở Bộ Tư lệnh Hải quân đều có đoàn xe hơn chục chiếc hộ tống. Trong đó có 1 xe thiết giáp trang bị hỏa tiễn bắn thẳng. Trên đường từ Bộ Tư lệnh Hải quân đến Văn phòng thủ tướng, cứ 15 mét có một quân cảnh ôm súng canh đường. Tình hình trận địa được địch bố phòng như vậy, ám sát T.V.H. là nhiệm vụ bất khả thi.

Tuy nhiên, Ba Hiệp và toàn đội B5 vẫn cương quyết thực hiện nhiệm vụ với tinh thần "quyết tử vì mục tiêu thống nhất đất nước".

 Sau khi nghiên cứu tình hình thực tế cũng như nắm bắt quy luật đi lại của mục tiêu, toàn đội B5 quyết định thực hiện lệnh tử hình Thủ tướng T.V.H. tại ngã ba Nguyễn Du - Cường Để (nay là đường Tôn Đức Thắng, quận 1). Thời gian được ấn định là cuối giờ làm việc buổi sáng ngày mùng 6 tết Kỷ Dậu (tức 3-3-1969 DL), khi đoàn xe của T.V.H. từ trong dinh Thủ tướng chạy về hướng Bộ Tư lệnh Hải quân. Mùng 6 tết là ngày đầu tiên hết hiệu lực hưu chiến ăn tết. 

Tư Hổ - Phó Chỉ huy B5 - lãnh nhiệm vụ chế tạo 25 kg chất nổ C4 định hướng như một quả mìn Claymore, giấu kín trong chiếc xe xích lô. Lê Việt Bình được giao nhiệm vụ chạy chiếc xích lô chứa quả mìn định hướng. Khi có lệnh tấn công, quả mìn định hướng sẽ được kích nổ, cùng lúc đó, các thành viên khác sẽ bắn khống chế chia cắt đội hình tổ cận vệ đồng thời ném tiếp vào mục tiêu những quả mìn cầm tay.

Sau khi phân nhiệm xong, ông Lê Việt Bình đặt quả mìn vào chiếc xích lô rồi chạy thử trên tuyến đường từ dinh Thủ tướng đến Bộ Tư lệnh Hải quân để thực nghiệm. Khi đoàn xe T.V.H. xuất hiện, ông vờ tiếp cận để thử thái độ của toán cận vệ. Hầu hết những lần tiếp cận, lính cận vệ T.V.H. chỉ ra hiệu xua đuổi chứ không quan tâm kiểm soát chiếc xích lô. Có chuyến, ông chở Tư Hổ ngồi tựa lưng vào quả mìn 25 kg để thị sát tuyến đường.

Sáng sớm ngày mùng 6 tết Kỷ Dậu, Lê Việt Bình đạp chiếc xích lô chứa mìn đến khu vực Nhà thờ Đức Bà chờ thời khắc hành động. Khi đến nơi, trinh sát mật cho biết hủy nhiệm vụ vì T.V.H. chưa đi làm việc. Ông Bình đạp xe về "kho" ở Tân Bình cất giấu chờ lệnh mới.

Ảnh chụp Lê Việt Bình trong hồ sơ số 96 Cục An ninh Quân đội VNCH (ảnh trái) và "Biệt động quân" Nguyễn Văn Dũng (tức Út Cạn) trong hồ sơ số 96 Cục An ninh Quân đội VNCH.

Sáng ngày mùng 7 tết, cả tổ nhận lệnh tập kết để chờ T.V.H. trở về từ dinh thủ tướng. Không ngờ hôm đó T.V.H. cùng Nguyễn Văn Thiệu đi trực thăng đến Tòa Đại sứ Mỹ ăn nhậu đến chiều tối, chạm giờ giới nghiêm thiết quân luật. Cả tổ lại giải tán.

Sáng ngày mùng 8, cả tổ lại tập kết tại khu vực Nhà thờ Đức Bà chờ mục tiêu. Lê Việt Bình đạp xích lô chở quả mìn và Tư Hổ. Trinh sát mật báo cáo mục tiêu di chuyển đúng theo lộ trình thường lệ. Mọi người căng tim chờ đợi giây phút hành động. Khi tiếng chuông đồng hồ trên tháp bưu điện Sài Gòn điểm 12 tiếng, cả tổ tiến đơn lẻ về vị trí định sẵn. Đoàn xe của T.V.H. vừa rẽ vào đường Nguyễn Du, Lê Việt Bình đẩy chiếc xích lô ra giữa đường ngay đầu xe chở T.V.H.. Đoàn xe của T.V.H. khựng lại. Lê Việt Bình giật nụ xòe quả mìn rồi chạy nhanh vào lề đường nấp người sau gốc cây.

Ông Lê Việt Bình hồi tưởng lại phút giây đó: "Trái đất như ngừng quay để chờ tiếng nổ. Thế nhưng nó không nổ. Dây dẫn kíp nổ cháy hết nhưng không đủ tác động đến kíp nổ. Sáu Sinh ném bồi 1 quả mìn cầm tay, nó cũng không nổ. Lúc này, bọn cận vệ đã hoàn hồn, nhảy xuống đất bắn xối xả về phía chúng tôi. Út Cạn bắn súng ngắn kiềm chế địch. 1 khẩu súng ngắn làm sao địch lại hàng chục khẩu tiểu liên tự động. Tôi nhảy lên chiếc Honda toan tẩu thoát. Chúng bắn bể máy chiếc xe. Tôi ngoái lại trông thấy Út Cạn bị chúng đè nghiến xuống đất. Tôi cắm đầu chạy. Một chiếc Jeep phóng lên kè sát tôi. Tôi bị toán lính trên xe chụp ngã xuống đất… Mãi sau này chúng tôi mới vỡ lẽ lý do mìn không nổ. Do dời trận đánh mấy ngày so với kế hoạch nên dây cháy chậm bị chất nổ dẻo làm ẩm".

T.V.H thoát chết trong gang tấc. Viên Đại tá Trần Văn Hai vừa được nâng hàm chuẩn tướng, điều chuyển về làm Giám đốc Tổng Nha Cảnh sát kiêm Tư lệnh Biệt khu 44, sau vụ này,  bị "đì" chuyển sang Quân đoàn 2 Quân lực VNCH. Ngày 1/9/1969, tức 6 tháng sau ngày chết hụt, T.V.H. từ chức  Thủ tướng để Trần Thiện Khiêm lên thay.

Người tù mang số 374

Út Cạn và Lê Việt Bình bị toán cận vệ đánh thừa sống thiếu chết tại chỗ rồi bị di lý về Cục An ninh Quân đội tra khảo. Không tra khảo được gì, chúng lại đẩy hai ông sang "câu lưu xá" tức trại giam của khối điều tra đặc biệt thuộc Tổng nha Cảnh sát tra khảo tiếp.

Tường thuật vụ này, báo Đuốc Nhà Nam (một tờ báo đối lập với Nguyễn Văn Thiệu có trụ sở tại Sài Gòn) số 97, phát hành ngày 29/4/1969 giật tít "Điều tra đặc biệt - Chiếc xích lô tiền định". Bài báo có đoạn: "…Còn một tên đặc công lợi hại mà chúng tôi chưa nói rõ về tung tích của hắn. Đó là tên Trần Văn Cường (tức Lê Việt Bình - PV). Tên này đóng giả phu xích lô có nhiệm vụ đạp chiếc xích lô chở quả mìn định hướng chực sẵn ngã tư Nguyễn Du - Cường Để. Vậy Trần Văn Cường là ai? Sinh quán tại Quảng Trị, Cường chào đời vào năm 1942, năm nay hắn 27 tuổi tính theo dương lịch. Không rõ ra Bắc Việt vào năm nào, chỉ biết hắn là một cán bộ Cộng sản xâm nhập miền Nam.

Trước ngày xâm nhập, Cường là Thượng sĩ Công an nhân dân vũ trang Bắc Việt. Có lẽ vì nghề nghiệp này nên trong vụ ám hại Thủ tướng, Cường được giao phó nhiệm vụ nặng nề và khó khăn nhất. Ngay cả thủ đoạn đào tẩu và cải trang của Cường cũng có nhiều điểm đặc biệt hơn nội bọn. Bên ngoài, hắn ăn mặc như một phu đạp xích lô chính hiệu. Nhưng bên trong, Cường còn mặc chiếc áo sơ mi trắng, ủi kỹ lưỡng, tay măng-xét, vạt áo bỏ vào quần đen. Hiển nhiên lối ăn mặc của Cường có dụng ý...".

Vũ khí của tổ ám sát T.V.H. bị địch tịch thu. Ảnh chụp hồ sơ.

Sau 5 tháng tra tấn Lê Việt Bình suýt chết nhiều lần, địch vẫn không khai thác được gì. Ngày 8/8/1969, chúng ép ông và Út Cạn vào một phiên xử kín gọi là "Tòa án Quân sự đặc biệt thuộc Vùng 3 Chiến thuật" để tuyên án Trần Văn Cường (tức Lê Việt Bình) án tử hình. Vào thời điểm này, ta đang giam giữ một số tù binh cao cấp của quân đội Mỹ. Mỹ muốn VNCH dùng những người cách mạng mang án tử của chúng làm con tin trao đổi. Vì vậy, ông được đổi thành án chung thân khổ sai rồi bị đày ra Côn Đảo. Ông đã chiến thắng trận chiến cân não trong tra khảo, bảo vệ thành công lý lịch quân nhân của mình. Bởi, biết chắc ông thuộc lực lượng Công an nhân dân chính quy, chúng sẽ đẩy ông ra nhà tù Phú Quốc.

Sau ngày 30/4/1975, lực lượng An ninh của ta thu giữ được bộ hồ sơ mật báo cáo về vụ ám sát Nguyễn Văn Kiểm và T.V.H.. Trong đó có bản mật văn số 96 của đại tá Cục trưởng Cục An ninh quân đội VNCH Vũ Đức Nhuận ký ngày 12/3/1969 ghi: "Khi bắt thường dân Trần Văn Cường, nhân viên an ninh không tịch thu được tang vật gì ngoài thẻ căn cước và giấy miễn quân dịch của đương sự. Thẻ hoãn dịch được xác định là giả sau khi liên lạc với Trung tâm miễn dịch. Thẻ căn cước được cấp ở Long An cũng là giả, do đương sự mướn để trốn quân dịch…". Điều đó có nghĩa là, lực lượng điều tra đối phương vẫn chưa biết rõ nhân thân, lai lịch thật của Đặc công thành Lê Việt Bình, mà chỉ biết ông là Trần Văn Cường.

Riêng chi tiết "Thượng sĩ Công an nhân dân vũ trang" mà báo Đuốc Nhà Nam khai thác được từ Tổng Nha Cảnh sát là do một chiến sĩ của ta bị bắt không chịu nổi sự tra tấn dã man đã khai vậy. Người này hoàn toàn không biết nhân thân ông Lê Việt Bình (có tên khai sinh chính xác là Lê Xuân Đường, tên trong hồ sơ Công an nhân dân vũ trang là Lê Công Định). Có thể khai vu vơ mà lại gần chính xác.

Tại Côn Đảo, ông mang số tù 374. Chúng đẩy ông vào phòng số 6, trại 2 - Cải huấn để "giẫm cờ Đảng Cộng sản, chào cờ VNCH". Không khuất phục đòn roi của cai ngục, ông lần lượt bị đẩy sang Chuồng Cọp rồi Chuồng Bò để hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần.

Năm 1973, Lê Việt Bình được địch trao trả ở căn cứ Lộc Ninh. Theo yêu cầu của tổ chức, ông lại tiếp tục trở về đội B5 nhận công tác.

Tại đây, ông được bổ nhiệm làm Chính trị viên đơn vị An ninh T1 thuộc An ninh T4. Đêm 29/4/1975, ông cùng đồng đội giao chiến với đơn vị Biệt động quân tại Phú Lâm và chiếm giữ Tòa Hành chánh, Chi Cảnh sát quận 6, đồn Cây Mai của địch.

Từ Thiếu tá Công an đến giám đốc một đơn vị kinh tế

Kết thúc chiến tranh, ông tiếp tục mang màu áo chiến sĩ Công an nhân dân. Năm 1981, sau khi tốt nghiệp Trường sĩ quan An ninh, ông mang quân hàm Đại úy - Đội trưởng Đội An ninh kinh tế - Văn hóa - Tư tưởng Công an quận 6, TP HCM.

Thời gian này, ông cùng đồng đội tham gia phá nhiều chuyên án đặc biệt tại quận 6.

Năm 1987, ông được điều chuyển sang sở Công thương TP HCM khi đang mang hàm Thiếu tá Công an nhân dân. Ở cương vị mới, ông luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Thời điểm đó, Công ty Vải sợi May thời trang Sài Gòn đang trên bờ vực phá sản, 200 lao động có nguy cơ thất nghiệp. Ông đứng ra nhận lãnh trách nhiệm kéo công ty lên khỏi bờ vực thẳm. Sau 5 năm gầy dựng, Giám đốc Lê Việt Bình không những đưa công ty thoát cảnh phá sản mà còn ăn nên làm ra.

Năm 2002, ông nghỉ hưu, về cư trú ở quận 6, TP HCM - nơi tuổi trẻ ông gắn liền với những trận đánh nội thành.

Hiện nay, cựu Thiếu tá Công an Nhân dân Lê Việt Bình là Trưởng ban Liên lạc Trinh sát vũ trang, An ninh T4.

Ông được tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý như: Huân chương Chiến công hạng I; Huân chương Kháng chiến hạng II; Huy chương Vì Sự nghiệp An ninh Tổ quốc. Điều khiến ông tự hào nhất là, ngày 27/6/1976, Chủ tịch Nước đã quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho Đội Trinh sát B5 mà ông đã từng là thành viên

Nông Huyền Sơn
.
.