Bình yên cho những chuyến xe

Thứ Tư, 18/05/2011, 04:45

Hà Nội năm nay có vẻ như cái nóng đến muộn. Nhưng đã sắp hết nửa năm Dương lịch rồi mà chẳng được trận mưa nào cho ra mưa. Bầu không khí đã bắt đầu oi bức. Nếu thử kể ra nghề nào phải chịu những ảnh hưởng khắc nghiệt nhất của thời tiết, có lẽ cảnh sát giao thông (CSGT) phải đứng trong tốp đầu bảng. Mưa có cái khổ của mưa. Nắng có cái vất vả của nắng. Được một mùa đông, da dẻ có "hửng" lên chút ít thì lại chẳng bù cho sắp vào hè, người nào người nấy lại sắp đen như củ tam thất hết…

Chúng tôi đến trụ sở của Đội CSGT số 8 - Phòng CSGT Công an TP Hà Nội tại Đỗ Xá trong một ngày mưa lất phất. Đội được giao phụ trách một đoạn đường dài gần 2km đường cao tốc từ đoạn qua cầu Thường Tín đến Cầu Giẽ, hết địa bàn Hà Nội. Thêm hệ thống đường phụ cận, bao gồm cả QL1A cũ cũng thuộc địa bàn của đội. Cả thảy 24 cán bộ chiến sĩ, 1 cấp dưỡng hợp đồng theo tiêu chuẩn của Công an TP với tình trạng thường xuyên có cán bộ đi học, tập huấn hoặc tăng cường cho tuyến nội thị là những thách thức lớn đối với công việc trên một địa bàn rộng như thế.

Đội phó phụ trách, Trung tá Đỗ Quang đang ở ngoài chốt, nhận được tin có nhà báo đến trạm, vội quay về. Mới đầu mùa nóng mà trời đã khá là oi bức. Cán bộ trực ban đưa tôi vào một căn phòng chỉ chừng 8m2. Phía góc trái bên trong phòng kê một chiếc giường đơn, bên ngoài là bộ bàn ghế vừa là nơi làm việc, nơi tiếp khách và phòng họp nhanh của Trung tá Đội phó. Điều kiện sinh hoạt, làm việc ấy vẫn thế cả chục năm nay. Chỉ có công việc là ngày một nhiều lên.

Sau cái bắt tay chào hỏi thật chặt, tôi theo Trung tá Đỗ Quang lên chiếc xe tải chuyên dụng ra chốt, để tận mắt chứng kiến công việc của những CSGT "bán mặt cho đường". Bởi địa bàn quản lý khá đặc thù, phương tiện di chuyển với tốc độ cao nên đa phần những vụ việc xảy ra đến tay cán bộ Đội thường đã rất nặng rồi. Tai nạn trên đường cao tốc đã không xảy ra thì thôi, đã xảy ra thì thường tan tành hết cả. Mà điều đáng nói là ở chỗ, phần lớn các vụ tai nạn xảy ra lại thường do lỗi bất cẩn và không chấp hành đúng luật của các tài xế. Nếu như trong nội thị, các tài xế phải tuân thủ các quy định về an toàn giao thông đơn giản như làn đường, tốc độ thì một khi ra đường cao tốc, sự tuân thủ ấy lại càng phải được nâng lên gấp bội. "Tuy nhiên, thực tế là rất nhiều tài xế thường cho rằng đường vắng, tốc độ nhanh thì ai mà biết được? Đấy là lý do chính xảy ra những vụ tai nạn thảm khốc!" - Trung tá Đội trưởng phân tích.

Nếu là người chịu khó theo dõi thường xuyên các vấn đề của giao thông đường bộ hiện nay, ai cũng đều thấy một nghịch lý: Người tham gia giao thông luôn đòi hỏi các lực lượng chức năng phải làm thế này, CSGT phải có mặt ngay lập tức ở chỗ kia để giải tỏa ách tắc. Hoặc quá dễ dàng đặt những câu hỏi nghi ngờ về sự mẫn cán của các lực lượng nói trên. Thế nhưng, họ lại hoàn toàn cho phép mình đi ẩu, đi không đúng luật, đúng quy định mỗi khi không có mặt lực lượng chức năng. Hoặc giả, người ta còn coi việc tìm mọi cách để thoát khỏi chiếc vé phạt mỗi khi lực lượng chức năng bắt quả tang vi phạm của mình là một kỳ tích trong mỗi câu chuyện trà dư tửu hậu. Nhưng mỗi khi "có điều kiện", họ lại sẵn sàng "gắn" đủ mọi thứ không hay ho khi nói về công việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông vốn đang quá gây bức xúc ấy. Như thế liệu có công bằng đối với những con người đang ngày đêm bám trụ ở mỗi cung đường mà sự có mặt của họ có tác dụng cảnh tỉnh nhất định đối với không ít tài xế ý thức kém?

Nói như Thượng tá Trần Sơn, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật và Điều tra, xử lý tai nạn giao thông, Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt, Bộ Công an thì nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nhiều vụ tai nạn đều do lỗi của người tham gia giao thông. Sau đó mới đến các nguyên nhân khác như cơ sở hạ tầng bất cập, phương pháp tổ chức giao thông chưa hợp lý…

Vừa đi vừa nói chuyện, chiếc xe tải chuyên dụng của CSGT chở chúng tôi đi ngang qua lý trình km 212 + 100. Mặt đường tại đây vẫn còn vương vãi các mảnh kính vụn và vết tích còn lại của một vụ va chạm mạnh. Trung tá Đỗ Quang cho biết, nơi đây mới xảy ra một vụ va chạm giữa một xe téc đầu dài húc xe tải quay ngang giữa đường. Vụ va chạm xảy ra vào khoảng 3 giờ sáng, ngay giữa làn đường cao tốc từ Cầu Giẽ về Pháp Vân. Đến gần 5 giờ sáng, lực lượng chức năng mới giải quyết di chuyển 2 chiếc xe, giải phóng giao thông. Nguyên nhân được xác định là do tài xế xe téc ngủ gật đâm thẳng vào đít xe tải. Rất may không xảy ra thiệt hại về người.

Theo thống kê của đơn vị trực tiếp phụ trách tuyến đường cao tốc này, thì một trong những lý do chính gây ra các vụ tai nạn vào ban đêm hoặc về sáng là do tài xế… ngủ gật. Trung tá Đỗ Quang cho biết, với trách nhiệm được giao, Đội đã từng mở một cuộc điều tra khoanh vùng trong số các lái xe được kiểm tra và các trường hợp xử phạt thì thấy một trong những nguyên nhân chính khiến các tài xế lâm vào hoàn cảnh này là do sức ép của đơn hàng. "Một xe tải chạy đường dài thường có 2 tài xế. Nếu 2 người cùng chạy, chia nhau theo quãng đường thì tài xế được nghỉ ngơi, đảm bảo lộ trình. Nhưng chẳng may hôm đấy 1 trong 2 tài xế có việc đột xuất, không đi được. Chỉ còn 1 người chạy cả quãng đường dài đằng đẵng. Lại thêm sức ép về thời gian vận hàng khiến cho tài xế chạy không có thời gian mà ngủ, thì tai nạn xảy ra cũng là lẽ đương nhiên thôi!" - Trung tá Quang phân tích. Lý do nghe thì dễ hiểu, nhưng nói ra mới thấy, để giải quyết được những bất cập trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông hiện nay mới thật nan giải làm sao. Đâu phải cứ giăng người ra, đâu phải lúc nào cũng "réo"… CSGT ra là giải quyết được?

Theo yêu cầu từ đầu của phóng viên, Trung tá Quang đang đi bỗng cho xe tấp vào lề đường. Thì ra đây là một trong những điểm đặt chiếc camera bắn tốc độ. Được biết trên tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ có 2 điểm bắn tốc độ tương đối cố định thế này, đều do Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt tổ chức. Một điểm bắn tự động, một điểm bắn do người điều khiển. Đội CSGT số 8 cũng có máy bắn tốc độ, nhưng không triển khai thường xuyên mà chủ yếu là phối hợp tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm theo hình ảnh gửi về.

Thiếu tá Nguyễn Trọng Bình thuộc Đội Tuần tra kiểm soát giao thông Đường bộ số 1 thuộc Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt tươi cười bắt tay chúng tôi. Chiếc máy bắn tốc độ hiệu Speclaser hình dáng bên ngoài trông giống một chiếc hộp hình chữ nhật, được đặt trên một chiếc chân ba chạc. Bên dưới là một bộ ắcquy và nguồn cấp 12V thông qua thiết bị tiếp nối dạng "tẩu" - như thiết bị lấy nguồn qua lỗ châm thuốc lá trên xe hơi vậy. Như vậy là chiếc máy này được thiết kế ra ngay từ đầu thích nghi với việc sử dụng trong xe hơi, lấy nguồn từ ắcquy xe thông qua lỗ châm thuốc lá.

Chiếc máy của Thiếu tá Bình sử dụng là loại máy bán tự động. Nó có thể chụp phía trước xe hoặc chụp đuổi từ đuôi xe. Thông thường, máy được đặt chiếu xuôi làn đường. Xe đi qua, nếu vượt quá tốc độ cho phép máy sẽ tự động ghi hình. Trong trường hợp phát hiện phương tiện khả nghi, người điều khiển có thể hướng máy theo chiếc xe đó, nếu vượt quá tốc độ cho phép máy cũng tự chụp. Gọi bán tự động là như thế. Thiếu tá Bình cho biết còn một chiếc máy nữa, tự động hoàn toàn như đã nói ở trên, được bố trí tập trung vào lỗi vi phạm đi sai làn đường trên đường cao tốc. Bởi nguồn điện của máy hoặc là phải câu từ nhà dân gần đấy rồi thông qua bộ thiết bị đổi nguồn xuống 12V, hoặc phải sử dụng ắcquy nên nếu trời mưa thường phải có biện pháp tránh nước.

Trong trường hợp mưa quá hoặc nắng quá, ngồi trong xe ôtô điều khiển máy bắn tốc độ là phương án tối ưu. "Máy bắn tốc độ dùng để đối phó với những trường hợp đi ẩu, đi quá tốc độ cho phép gây nguy hiểm. Nếu không vi phạm thì việc gì phải sợ? Tuân thủ đúng các quy định thì máy dựng ở đâu có quan trọng gì?" - Thiếu tá Bình cười, nói với chúng tôi.

Theo các cán bộ CSGT ở đây, hiện nay có 2 cách để các tài xế "né" máy bắn tốc độ, máy chụp hình vi phạm đi sai làn đường. Một là tài xế nhớ điểm đặt máy. Hai là xe đi ngược chiều báo cho các xe xuôi có thể bằng gọi điện thoại hoặc ra tín hiệu. Cách gọi điện thoại thường do tài xế cùng "tổ lái" với nhau. Còn riêng với đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, kiểu ra tín hiệu trực tiếp không hiệu quả, bởi giải phân cách cứng là hàng cây anh đào đã không cho phép các tài xế làm bậy. "Nhưng dù có né tránh kiểu gì, một khi bị máy "chộp" được thì đừng hòng cãi" - Trung tá Bình nói.

Không phải máy bắn tốc độ mà chính là người lái xe mới làm ra vi phạm. Một chiếc máy bắn tốc độ tự động được bố trí giữa giải phân cách 2 làn đường.

Ngày trước, máy bắn tốc độ dùng sóng ngắn dựng cột ăng-ten nên đường truyền rất phập phù, lúc được lúc không. Hình ảnh truyền về khi xe đã qua trạm thì coi như… vứt đi. Từ ngày có sóng 3G đến nay, việc truyền hình ảnh được cải thiện rõ nét. Hiệu quả này chính thức có được từ khoảng giữa năm 2010. Và đây cũng bằng thời gian với kế hoạch tăng cường xử lý vi phạm thông qua ghi nhận bằng hình ảnh của Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt.

Nhìn lại "chiếc hộp" ghi hình một lần nữa, hóa ra vẫn còn 2 lỗ cắm usb nằm phía dưới bên trái. Một lỗ usb bỏ không. Thực ra đây đều là những cổng vào dành cho thiết bị ngoại vi như chuột, bàn phím… bởi "chiếc hộp" ấy gần như là một chiếc máy tính hoàn chỉnh. Tuy nhiên, không phải cứ cắm bàn phím vào là muốn làm gì cũng được. Máy được bàn giao cho cán bộ đưa đi sử dụng đã được mã hóa. Bất cứ can thiệp nào vào máy đều phải có mật khẩu. Hình ảnh máy đã chụp, đã gửi đi là tự động được lưu giữ, chỉ người có mật khẩu mới được xóa. Thiếu tá Bình cho biết, ngay cả những người trực tiếp đưa máy đi sử dụng như anh, cũng không được biết mật khẩu này.

Lỗ cắm usb còn lại đang sử dụng chiếc modem 3G. Modem 3G cũng là thiết bị ngoại vi, được cài đặt để sử dụng thu phát hình ảnh tức thì. Đèn tín hiệu truyền phát nhấp nháy liên tục, sờ nóng ran. Mà công nhận hình ảnh truyền nhanh thật. Chia tay với Thiếu tá Bình, chúng tôi đi về trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ. Tổ công tác của Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt do Thiếu tá Trần Anh Thu làm tổ trưởng đang làm nhiệm vụ xử lý vi phạm tại đây. Trên phòng máy, tôi vừa chụp lại màn hình ghi hình ảnh vi phạm của chiếc xe BKS 30F-6884 đi theo hướng Hà Nội - Hà Nam thì chỉ một lúc sau, đã thấy các cán bộ của Tổ công tác chặn được chiếc xe nói trên ngay khi vừa qua trạm thu phí. Hình ảnh sắc nét, thể hiện rõ lỗi vi phạm, không thể chối cãi. Tài xế vi phạm còn khá trẻ, vừa gãi đầu gãi tai, vừa cười gượng gạo khi tiếp nhận biên lai xử phạt.

Theo Thiếu tá Trần Anh Thu, lỗi vi phạm quá tốc độ bị ghi hình tuy mức phạt không nhỏ (từ 300 đến 500 nghìn đồng), nhưng chưa phải thực sự có tính răn đe. Cái chính là mỗi khi bị dừng xe vì lỗi này, tài xế thường hay bị phát hiện thêm các lỗi khác nặng hơn rất nhiều. Và đây cũng chính là lý do khiến nhiều tay lái tìm đủ mọi cách để "lách" máy bắn tốc độ.

Chia tay với trạm CSGT Pháp Vân - Cầu Giẽ, tôi lại theo Trung tá Đỗ Quang quay về Trụ sở Đội CSGT số 8. Quả thật đi trên đường cao tốc mà các lỗi vi phạm làn đường, vượt ẩu bên phải diễn ra liên tục. Xe tải đi vào làn xe con, xe máy lấn làn xe tải, xe dừng đỗ khẩn cấp bên vệ đường,  cũng chẳng thèm bật đèn cảnh báo… Do đã thống nhất là chuyến đi dành riêng cho ghi nhận của nhà báo nên chúng tôi không dừng xe để xử lý một trường hợp nào.

Song Trung tá, Đội phó không khỏi day dứt với thực tế còn tồn tại. Bất cập do phân chia làn đường, do kết cấu hạ tầng ảnh hưởng tới tâm lý tài xế cũng có. Nhưng đặc biệt ý thức của người tham gia giao thông quá kém. Hễ không có bóng cảnh sát là lái ẩu ngay. Phạt cũng chẳng hết, nhắc nhở lại càng không xong. Ẩu vẫn hoàn ẩu. Xin dẫn lời một tâm sự rất thật của người Đội phó thay cho lời kết: "Chúng tôi sợ nhất là những cú điện thoại liên quan đến tình hình giao thông vào ban đêm, bởi đó thường là những thông báo xử lý tai nạn… Chỉ mong sao các tài xế hiểu được sự quý giá của bình yên trong mỗi chuyến xe để mà đem lại hạnh phúc cho nhiều người khác nữa!"

Việt Ba
.
.