Lực lượng CAND trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước:

Bức phù điêu trên cát

Thứ Bảy, 02/01/2010, 16:35
Chị ngã xuống ở tuổi mười tám đang căng tràn sức trẻ, hừng hực ngọn lửa cách mạng trong tim. Thương tiếc chị đã hy sinh tuổi thanh xuân để cứu hàng trăm cán bộ, du kích thoát vòng vây giặc, người dân vùng quê cát Bình Giang, Thăng Bình (Quảng Nam) tự nguyện góp tiền xây nên một bức phù điêu hình măng mọc thẳng ngay nơi chị đã nằm xuống. Với họ, chị là một tấm gương sáng cho các thế hệ sau học tập, noi theo. Chị xứng danh là một người Anh hùng...

Chúng tôi về xã Bình Giang trong một ngày đông, mặc dù không còn cái nắng hanh hao đến nhức mắt như trong mùa hè, nhưng, ở miền quê nhìn đâu cũng thấy cát trắng như Bình Giang thì dù mùa đông mưa dầm rét mướt, hay mùa hè chói chang nóng gắt thì bao đời nay cũng chỉ có ruộng khoai lang, rau hành... bên những cụm xương rồng hoang dại.

Nhớ lại hôm đi cùng Trung tướng Châu Văn Mẫn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục XDLL (Bộ Công an) về xã Bình Sa, một xã nằm ở phía đông huyện Thăng Bình, để dự lễ khánh thành  trường mẫu giáo bán trú do Báo CAND & Chuyên đề ANTG vận động Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, cùng chi nhánh của đơn vị này tại tỉnh Quảng Nam quyên góp, xây tặng; ông đã tâm sự rằng, miền quê cát trắng của ông không thể sản xuất được gì ngoài khoai lang, rau hành.

Thường lệ, đến ngày cuối năm, bà con nông dân gánh gồng khoai lang, rau hành ra chợ bán gom góp tiền mua áo mới cho con, sắm sửa lương thực, thực phẩm cần thiết để ăn một cái tết đơn sơ, đạm bạc... Mà thật vậy, không chỉ ở vùng đông Thăng Bình mà các vùng dọc theo bờ biển Quảng Nam, như: Điện Bàn, Duy Xuyên, Núi Thành... đến những ngôi làng vùng cát, chúng tôi đều được các lão nông đọc cho nghe câu đúc kết "kinh nghiệm", rằng: "Tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm, trưa ăn lang trừ bữa". Điều đó cũng cho khách phương xa hiểu được, dù cuộc sống có hiện đại đến mấy thì người nông dân vùng cát vẫn không thể "tách rời" bữa ăn thường nhật với củ khoai lang...

Nhưng, đất nghèo nuôi những anh hùng. Như bao miền quê khác trên mảnh đất miền Nam thành đồng Tổ quốc,   những miền quê của Quảng Nam đã cống hiến cho cách mạng hàng vạn người con ưu tú, nổi bật trong đó có chị Trương Thị Xáng, người con gái của vùng quê cát Bình Giang, Thăng Bình...

Gặp chúng tôi, những nhà cách mạng lão thành cùng thời với ông Trương Đáng (cha ruột chị Xáng) kể rằng: Ông Đáng tham gia cách mạng  năm 1945, năm 1954 ông tập kết ra Bắc để lại quê nhà người vợ trẻ vừa mới sinh con chưa đầy 2 tháng tuổi. Người con nhỏ ấy là anh Trương Hoàng Lâm, em trai thứ hai của chị Xáng. Dù lúc này chưa đến tuổi trăng tròn, song chị Xáng vẫn lam lũ cùng mẹ bắt ốc, mò cua, trồng khoai nuôi hai em nhỏ. Cùng với ông nội và mẹ, chị Xáng cũng tham gia đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, du kích; làm liên lạc đưa thư cho cơ sở cách mạng... Chừng một năm sau, chị Xáng được cấp trên nhận vào lực lượng An ninh xã Bình Giang.

Nằm sát "nách" giặc, cách thị trấn Hà Lam và Quốc lộ 1A chỉ hơn 5 cây số, vào ngày 5/5/1964, quân và dân xã Bình Giang đã nhất tề đứng dậy khởi nghĩa bắt bọn ác ôn, thu toàn bộ vũ khí, làm chủ địa bàn. Thế nhưng, chỉ 2 ngày sau địch kéo hàng trăm tên, súng ống đầy mình, từ đồn núi Quế (Quế Sơn) ra, từ căn cứ Chu Lai (Núi Thành) vào và từ thị xã Hội An lên vây chặt lấy Bình Giang. Chúng ra sức lùng sục, bắt bớ dân làng; nhất là các gia đình có người thân thoát ly gia đình đi kháng chiến, tập kết ra Bắc. Chúng dùng đủ mọi cực hình tra tấn dã man hòng tìm kiếm, tiêu diệt cơ sở cách mạng. Xáng bị bắt nhưng cắn răng chịu đựng đòn roi không khai lấy nửa lời. Cuối cùng không khai thác được gì, chúng thả chị ra...

Chừng bốn tháng sau, vào ngày 5/9/1964, quân và dân Bình Giang lại đồng loạt nổi dậy cướp chính quyền ngụy tề, đuổi chúng chạy dài. Để đề phòng giặc quay lại tái chiếm, lần này cấp Ủy đảng của xã Bình Giang đã huy động nhân dân đào địa đạo để cất giấu vũ khí, lương thực, trú ẩn...

Một điều hết sức kỳ lạ ở miền quê cát trắng Bình Giang là chỉ cần đào sâu chừng 4-5m thì có lớp đất sỏi rắn chắc. Cũng vì vậy mà người dân Bình Giang đã đào địa đạo trong lòng đất sỏi kia, dẫn chạy ngoằn ngoèo quanh làng; chẳng khác nào địa đạo dưới cát của xã Tam Thăng (Tam Kỳ) - một địa đạo được đào ở tầng đất cóc cứng tựa đá ong, xứng danh cùng địa đạo Củ Chi, Vĩnh Mốc làm nên bao chiến tích lẫy lừng trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước...  

Anh Trương Hoàng Lâm chỉ chỗ có miệng địa đạo năm xưa trong vườn nhà mình.

Đúng như dự đoán, ngày 22/2/1965, Mỹ - ngụy tập trung quân đổ bộ về Bình Giang thực hiện mục tiêu càn quét, tái chiếm ngôi làng. Sau những trận đụng độ ác liệt với giặc, những cán bộ chủ chốt "nằm vùng" và du kích địa phương rút lui vào địa đạo trú ẩn. Ba tiểu đoàn chính quy và một tiểu đoàn địa phương quân của giặc tràn vào Bình Giang. Như mọi lần, chị Xáng giấu súng cùng bà con trong xã đấu tranh hợp pháp với giặc không cho chúng càn quét, sục sạo... Cho tới chiều thì chó béc-giê của giặc đánh hơi phát hiện miệng địa đạo trong vườn nhà chị Xáng. Thế là, bọn giặc bắt hết bà con trong xã mang cuốc, xẻng đến đào miệng địa đạo rộng ra để chúng từ bên ngoài ném lựu đạn và chất độc hóa học vào.

Tình thế vô cùng cấp bách, vì dưới địa đạo lúc này có đến 370 cán bộ và du kích địa phương. Họ không thể xông lên đánh địch, vì chúng bao vây vòng ngoài, còn ở miệng địa đạo là bà con trong xã. Nổ súng hay tung lựu đạn lên đều làm thiệt hại tính mạng bà con mình. Song, nằm im trong địa đạo là chấp nhận cái chết đến từng phút, từng giây... Trong giây phút hiểm nguy ấy, người con gái tuổi 18 ấy đã nhanh trí truyền mật lệnh cho bà con đang bị địch bắt đào địa đạo. Hễ người này đào một nhát thì có người kia liền lấp đất lại... Cứ thế mọi người ra vẻ tích cực đào, nhưng thật sự miệng địa đạo cũng chẳng nới rộng ra được là bao. Mục đích của chị Xáng nhằm báo cho mọi người cố tình trì hoãn như thế để đợi đêm xuống là chị tìm cách đưa tất cả các cán bộ, du kích dưới địa đạo thoát khỏi vòng vây của giặc... --PageBreak--

Phát hiện mọi người đào địa đạo cầm chừng, bọn giặc dùng báng súng đánh đập họ, đạp giày đinh vào các phụ nữ, cụ già bắt phải đào thật nhanh. Thấy tình hình bất ổn, chị Xáng vờ ôm bụng ngã xuống kêu la. Chỉ chờ có vậy, mọi người vứt bỏ cuốc, xẻng lao tới bên chị, la lên rằng chị bị trúng gió nên kẻ xức dầu, người xoa bóp, cứu chữa. Nhiều người giả vờ năn nỉ xin bọn lính thuốc men... Đêm xuống, bọn giặc gác giữ bên miệng địa đạo, thả những người trong làng về nhà. Lúc này, chị Xáng cùng "đội quân tóc dài" Bình Giang tìm cách tiếp cận được hai gã lính gác và biết được ngày mai, giặc sẽ tăng thêm quân và xe bọc thép về Bình Giang để tổ chức đánh phá địa đạo.

Không thể để cán bộ, du kích bị chết dưới địa đạo, chị Xáng giả vờ thân thiện với một tên chỉ huy, sau đó mượn đèn pin của hắn nói là đi sang nhà hàng xóm. Thấy chị Xáng xinh đẹp, ăn nói có duyên nên tên trung đội trưởng mê mẩn liền cho mượn đèn pin. Thế là chị Xáng cầm đèn pin sang nhà hàng xóm rồi lẻn đến lối ra của địa đạo, dùng ám hiệu đưa cán bộ, du kích lần lượt từng người, từng người... lặng lẽ thoát vòng vây. Đến anh du kích cuối cùng thì không may bọn lính đổi ca gác và chúng phát hiện. Nhanh như cắt, chị Xáng "nháy" đèn pin  hướng hỏa lực của giặc về phía mình để các cán bộ, du kích thoát qua sông Trường Giang về căn cứ an toàn...

Sáng hôm sau, mẹ chị cùng dân làng Bình Giang đưa xác con gái về nhà, cũng là lúc bọn giặc điều động thêm một tiểu đoàn cùng 13 xe bọc thép từ thị trấn Hà Lam xuống. Rồi một tốp máy bay trực thăng thay nhau quần lượn trên bầu trời đông Thăng Bình. Một chiếc HU1A hạ cánh ở đầu làng, bọn lính Mỹ, súng ống đầy mình bước xuống cùng những con chó béc-giê hung ác. Chúng dùng máy nghe tiếng động dò tìm và xua lũ chó xuống địa đạo. Nhưng, lúc này chỉ còn là địa đạo rỗng nên bọn giặc tức tối ném lựu đạn và đổ hóa chất xuống... Trong khi đó, biết giặc càn quét Bình Giang, cấp trên điều động lực lượng bộ đội chính quy từ Cây Cốc, Quán Hương đánh xuống phối hợp cùng du kích bên kia sông Trường Giang tấn công qua để giải vây. Hàng chục tên giặc trúng đạn ngay trên miệng địa đạo nên bọn chúng hoảng sợ rút quân...  

Anh Trương Hoàng Lâm bên mộ người chị gái Trương Thị Xáng.

Đất nước thanh bình, người dân Bình Giang góp tiền cùng với gia đình chị Xáng xây dựng miếu thờ và một bức phù điêu hình măng non có gắn tấm bia đá, trong bia đá có hình ảnh chị Trương Thị Xáng và những dòng chữ khắc ghi thành tích của người con gái đã chiến đấu và anh dũng  hy sinh, đã cứu sống 370 cán bộ cách mạng và du kích quê nhà.

Đại tá Lương Tấn Tài, Trưởng Công an huyện Thăng Bình cho biết: Hai năm sau ngày chị Xáng mất, người em trai kế chị là anh Trương Văn Lượng cũng hy sinh trong trận tấn công đồn giặc ở Bình Nguyên, Thăng Bình... Năm 1995, Đảng ủy, chính quyền và Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bình Giang cùng huyện Thăng Bình đã làm hồ sơ đề nghị các cơ quan chức năng và Nhà nước xét truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho chị Trương Thị Xáng về thành tích đóng góp trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Nhưng, vì nhiều lý do khách quan hồ sơ của chị Xáng chưa được xem xét. Hiện nay, Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Thăng Bình tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị phong tặng Anh hùng LLVTND cho chị Xáng để Công an tỉnh Quảng Nam chuyển lãnh đạo Bộ Công an xem xét.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tướng Châu Văn Mẫn xúc động cho rằng: Chị Xáng tham gia cách mạng từ khi tuổi thanh xuân và đã hy sinh cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng. Chiến công của chị trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước thực sự là tấm gương sáng để chúng ta học tập, noi theo. Hành động dũng cảm và chiến công xuất sắc của chị xứng đáng được truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND...

Chúng tôi xin được thắp nén hương nơi miếu thờ mà người dân Bình Giang xây dựng trên miệng địa đạo năm xưa để tưởng nhớ chị Trương Thị Xáng, người con gái quê vùng cát xả thân cứu sống 370 cán bộ, du kích thoát vòng vây giặc. Khói hương trầm bay bảng lảng trong cái nắng hanh hao của ngày đông giá lạnh. Từng cơn gió từ sông Trường Giang thổi về xào xạc hàng tre bên bức phù điêu hình măng mọc thẳng, như thể linh hồn người con gái anh hùng bay về, đâu đó trong làn khói hương thơm ngát...

Long Vân
.
.