Kỷ niệm 121 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2011):

Bức tranh thêu và tình bạn thủy chung

Thứ Ba, 17/05/2011, 18:50

Hơn 40 năm đã qua nhưng bức tranh thêu "Chùa Một Cột" Bác Hồ tặng ông bà Frank Loseby tháng 12/1959 ở Hồng Công nay được lưu giữ ở Bảo tàng Hồ Chí Minh vẫn được giữ nguyên vẻ đẹp ban đầu. Đó là một minh chứng cho tình bạn cao đẹp và thủy chung giữa Bác Hồ và luật sư F.Loseby, ân nhân đã giúp Bác tìm lại được tự do sau vụ án "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công" kéo dài từ tháng 6/1931 đến đầu năm 1933.

Theo ông Paul Tagg (mẹ ông gọi luật sư F.Loseby bằng chú ruột) thì bức tranh đã được trang trí ở nhiều ngôi nhà, từ Hồng Công đến London và được nhiều người chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính trước khi yên vị ở Bảo tàng Hồ Chí Minh từ năm 2005.

Tháng 6/2001, tôi có dịp gặp ông Paul Tagg lần đầu tiên trong chuyến đi cùng bà Lady Borton  sang London và Paris thu thập thêm tư liệu lưu trữ ở Bộ Ngoại giao Anh và Pháp về vụ án của "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công" mà bà Lady đã cất công sưu tầm từ mấy năm trước ở các cơ quan lưu trữ của Anh và Hồng Công. Chúng tôi đã trò chuyện với ông Paul trong một hiệu ăn Ấn Độ ở trung tâm London.

Ông Paul tâm sự: "Tôi được biết bức tranh này khi tôi chuyển đến làm việc ở Hồng Công năm 1987 và có dịp thân thiết với cô Patricia là luật sư ở đó. Cô là con gái duy nhất của ông bà Loseby sống độc thân, không có con. Họ Loseby có truyền thống làm luật sư đã 4 đời. Chính vợ tôi là người đầu tiên trong gia đình phát hiện ra vẻ đẹp duyên dáng và tinh tế từ đường kim mũi chỉ đến các gam màu từ vàng đến nâu rất trang nhã của bức tranh đặc biệt này. Nay tôi rất vinh hạnh được cô tôi ủy thác việc trao lại bức tranh cho Bảo tàng Hồ Chí Minh lưu giữ vì cô đă suy nghĩ là không đâu có thể làm tốt hơn nơi này sau khi cô mất. Nhưng đây cũng là một trách nhiệm rất lớn lao. Tôi đã phải tìm đến hãng bảo hiểm cho việc chuyên chở thật an toàn và nguyên vẹn đến đích. Tôi cũng đã sang Hà Nội làm việc sơ bộ với Bảo tàng Hồ Chí Minh để xem các thể thức bảo quản và sử dụng sao cho nhiều người được chiêm ngưỡng và biết rõ tình bạn cao quý giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và luật sư F.Loseby khi đến thăm bảo tàng mang tên Người".

Nguyễn Ái Quốc lúc ở Hồng Công với tên gọi Tống Văn Sơ và luật sư Frank Loseby năm 1931 ở Hồng Công.

Trong buổi gặp gỡ này, ông Paul có nhã ý cho tôi xem tập kỷ vật về chuyến đi của luật sư Patricia cùng cha mẹ sang thăm Hà Nội Tết Nguyên đán 1960, bao gồm những bức ảnh cùng tập nhật ký của cô và các bài báo ở Hà Nội nói về chuyến thăm đó. Những kỷ vật này đã được cô Patricia  gìn giữ cẩn thận và  trao lại cho ông trước khi cô mất vào đầu năm 2001 ở London.

Trong khi  ông Paul trao đổi với bà Lady, người bạn thân thiết của Bảo tàng Hồ Chí Minh để đưa bức tranh thêu “Chùa Một Cột” từ London về  Hà Nội thật an toàn thì ngoài trời mưa rất to. Tôi mừng là "vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách" khiến tôi có thể yên tâm ngồi đọc những câu chuyện cảm động về cuộc tái ngộ kỳ diệu sau 27 năm không tin tức của những người bạn thủy chung. Và nếu theo tâm linh, nay họ đều đã lại trùng phùng ở thế giới của những người hiền.

Năm 1960, báo chí Việt Nam tập trung nhiều vào nhân vật trung tâm là luật sư Loseby còn những kỷ vật lại cho tôi biết rõ cảm tưởng của cô Patricia và bà Rosa về chuyến đi này. Tập nhật ký ghi lại rất sinh động những ngày giá lạnh ở Hà Nội tại một biệt thự ngay trước mặt hồ Thiền Quang có những căn phòng cao rộng thênh thang mà chiếc lò sưởi điện không đủ ấm khiến mọi người khi ngủ vẫn  phải mặc áo len và đi tất. Tuy nhiên không khí đón tiếp gia đình Loseby thật nồng ấm, chân tình.

Những ngày giáp tết, nhân dân Hà Nội hồ hởi đi sắm tết, đặc biệt hoa tươi nhiều vô kể và ai nấy đều vui mừng khi mang một cành đào thắm về nhà. Cô Patricia đặc biệt  xúc động trước sự quan tâm chu đáo hết sức tế nhị của Bác Hồ. Lúc Bác đến nhà cô ở Hồng Công, cô còn quá nhỏ không có ký ức gì. Giờ gặp ở sân bay cô hết sức ngạc nhiên về tiếng Anh rất chuẩn  của Người. Hết ngạc nhiên này lại đến ngạc nhiên khác qua mỗi ngày.

Sáng mồng Một Tết, Bác Hồ đã gửi đến tặng gia đình cô một lẵng hoa đẹp rực rỡ và ấn tượng đầm ấm ngày tết của gia đình cô chính là cảnh sum vầy thân mật giữa Bác Hồ với các cháu thiếu nhi xinh tươi như các đóa hoa đến Phủ Chủ tịch múa hát và liên hoan bánh kẹo với Bác Hồ và gia đình cô. Bác Hồ đã cùng gia đình cô đi thăm Nhà máy Cơ khí trung quy mô ngày đầu năm, cô lại được thấy giữa người lãnh đạo đất nước và các công nhân có sự chan hòa đồng cảm như người thân trong gia đình. Và đến ngày chia tay ở sân bay thật bịn rịn.

Tình thân ái không chỉ được nối lại giữa Bác Hồ và gia đình cô, bên cạnh đó nhân dân Việt Nam và những người gần gũi đã phục vụ tận tụy cho chuyến đi của gia đình được tốt đẹp đã tạo ra sự quyến luyến không dứt. Hoa tặng quá nhiều, gia đình cô chỉ biết cảm ơn và xin chuyến đến quân y viện tặng các thương bệnh binh. Trong chuyến đi này cô cảm nhận thấy dường như Chủ tịch Hồ Chí Minh thật hạnh phúc khi Người ở bên nhân dân lao động, những chiến sĩ và nhất là các cháu thiếu nhi.

Chùa Một Cột được dùng làm hình ảnh trong bức tranh thêu Bác Hồ tặng luật sư Loseby.

Về phía bà Rosa, phu nhân của luật sư Loseby, những kỷ niệm của bà đối với Bác Hồ được phóng viên Hãng Reuters ghi lại trong buổi phỏng vấn bà khi Bác Hồ mất năm 1969. Lúc đó luật sư Loseby đã mất từ năm 1967. Bà Rosa nhớ rất chi tiết các sự kiện xảy ra từ năm 1931 đến đầu năm 1933  khi Bác Hồ bị giam ở nhà tù Hồng Công, tính mạng bị đe dọa như ngàn cân treo trên sợi tóc, còn chồng bà phải đấu tranh rất căng thẳng về pháp lý với quyết tâm đem lại công lý cho thân chủ của mình bất chấp mọi sức ép ghê gớm của các lực lượng thù địch bên ngoài.

Bà nhớ như in buổi tiếp xúc đầu tiên với người tù mà chồng bà kể lại là theo những cáo buộc của nhà cầm quyền Pháp và Lãnh sự Pháp ở Hồng Công trình bày với nhà đương cục Hồng Công, thì "tên phiến loạn" vô cùng nguy hiểm đến an ninh thuộc địa của Pháp và cả của Anh quốc này cần được dẫn độ về Việt Nam để thực hiện bản án tử hình đã chờ sẵn từ vài năm trước.

Cùng chung nhận định với chồng và bạn thân của bà là vợ ông Phó thống đốc Hồng Công - một nữ văn sĩ Anh - người đã theo bà đến nhà tù gặp người tù đặc biệt yêu hoa này, bà chỉ thấy đó là một con người lịch lãm, yêu văn học và thơ ca, yêu thiên nhiên và nhất là yêu đất nước mình. Họ đã đồng lòng phải làm mọi cách để giúp đỡ người tù này vượt qua những khổ ải của thân phận tù mà những người thống trị Anh và Pháp câu kết với nhau chỉ muốn trừ khử bằng mọi cách. Và lần cuối cùng khi Nguyễn Ái Quốc bị cảnh sát ở Singapore (thuộc địa của Anh lúc đó) bắt phải quay lại Hồng Công trong khi phán quyết của Tòa án tối cao ở Anh đã buộc Bác phải khẩn trương rời Hồng Công. Một lần nữa vợ chồng bà lại giúp bạn tìm con đường về với tự do.

Trong hoàn cảnh gian nan trăm bề khi đó, vợ chồng luật sư Loseby, lúc này không phải với tư cách luật sư mà là những người bạn, đã giúp nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc cải trang thành một thương gia Trung Hoa giàu sang đi vé tàu hạng nhất cùng một tùy tùng (là thư ký văn phòng của Luật sư) đi Thượng Hải. Họ đã rời Hồng Công ra neo đậu tàu bằng chính xuồng lớn của Thống đốc Hồng Công do bà vợ Phó thống đốc giúp vào bữa giáp tết cổ truyền năm 1933.

Bà Rosa chỉ bức tranh thêu Chùa Một Cột ở Hà Nội được treo ở vị trí trang trọng trong ngôi nhà ông bà ở Hồng Công cho ông phóng viên xem và kể tiếp: "Thật xiết bao vui mừng và cảm động, sau 27 năm xa cách không hề có tin tức của nhau, một ngày gần lễ Giáng sinh năm 1959 vợ chồng tôi nhận được món quà quý giá này của người tù năm xưa nay là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi tặng do ông lãnh sự Việt Nam ở Hồng Công đem lại sau khi ông báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh là đã tìm được địa chỉ của luật sư Loseby. Cùng với quà tặng, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn gửi thư mời gia đình ông bà sang thăm Hà Nội nhân dịp Tết Nguyên đán 1960. Sau cuộc tái ngộ với bao ân tình giữa hai người bạn tóc đều bạc, chồng tôi đã viết thư cảm ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh và nói rằng nếu như trong đời ông làm được việc có ích nhất, đó chính là giúp được người bạn mình tìm lại được tự do".

Ông Paul kể thêm với chúng tôi là luật sư F. Loseby là một người chồng và người cha tốt bụng, sống giản dị khiêm nhường, sẵn sàng tư vấn về pháp luật cho bất kỳ ai dù giàu hay nghèo tìm đến ông, trung thành với nguyên tắc là mọi người phải được đối xử bình đẳng theo pháp luật, công lý phải được bảo vệ. Ông còn tâm sự với tôi là sau khi đi thăm Việt Nam lần thứ nhất, được thăm nhà sàn và khung cảnh sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông vô cùng xúc động và ngưỡng mộ nhân cách thanh cao của Người. Ông đã từng sống nhiều năm ở Nam Phi trước khi làm việc ở Hồng Công rồi chuyển về London, từng đi nhiều nước, ông càng khâm phục Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người luôn dấn thân trong gian khổ, cả đời mình đấu tranh cho độc lập tự do và thống nhất đất nước, sống bình dị, hết lòng vì nước vì dân, không có tài sản cá nhân, không một tấm huân chương.

Ngày 22/5/2005, trong buổi lễ trang trọng tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, ông Paul Tagg đại diện cho gia đình luật sư Loseby đã trao tặng lại cho Bảo tàng kỷ vật quý báu của gia đình với niềm tin tưởng tình bạn thủy chung giữa luật sư Loseby và Chủ tịch Hồ Chí Minh tượng trưng cho những giá trị nhân văn cao đẹp, mặc dù có khác biệt về chính trị và văn hóa, vẫn sống mãi với thời gian

Đạm Thư
.
.