Bút tích "châu phê" của các vị Vua nhà Nguyễn: Người đi, câu chữ còn ở lại

Chủ Nhật, 02/09/2012, 13:45

Bút tích ngự phê của các vị vua triều đại quân chủ cuối cùng cai trị Việt Nam, triều đại nhà  Nguyễn kéo dài từ vị vua đầu tiên từ Thế Cao tổ Hoàng đế Gia Long, người có công sáng lập ra vương triều Nguyễn đến vị vua cuối cùng Bảo Đại (143 năm) được triển lãm từ ngày 15/8 đến 31/12 tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I. Tại đây, với chủ đề "Ngự phê trên châu bản triều Nguyễn 1802-1945" sẽ có một khối lượng khổng lồ 128 phiên bản do 10 vị vua của vương triều Nguyễn: Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Thành Thái, Duy Tân… đích thân ngự lãm hoặc ngự phê trên những châu bản vẫn còn nguyên vẹn màu mực tươi trên giấy dó.

Duy chỉ có 3 vị vua Dục Đức, Hiệp Hòa, Hàm Nghi có thời gian rất ngắn ở trên ngai vàng nên không có châu bản hoặc đã bị thất lạc. Còn 10 vị vua với đầy đủ những chứng tích bút ký phê duyệt, ăm ắp cảm xúc tươi nguyên với nét chấm phá tính cách đa dạng trên mỗi một văn bản của một triều đại dài thứ hai trong lịch sử triều đại Việt Nam.

Đã trải qua thăng trầm hàng mấy thập kỷ, tưởng chừng như người đương đại chỉ có thể đến cố đô Huế để tưởng nhớ các vị vua của vương triều nhà Nguyễn đầy biến động, để có thể nhìn ngắm những gì còn vương vất lại của một kinh thành, một cung điện, với các cụm di tích lăng tẩm của các vị vua tiền bối khi xưa.

Nhưng, thật bất ngờ, sau những năm tháng thất lạc trong chiến tranh binh biến, tưởng như bút tích của người xưa đã trôi vào dĩ vãng,  thì những ngày này, ngay tại thủ đô Hà Nội, công chúng được chiêm ngưỡng những nét mực còn tươi nguyên trên giấy dó, kho "văn kiện hành chính" do đích thân các vị vua của triều đại lừng lẫy một thời khi phê ký duyệt về những chủ đề vô cùng phong phú: kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng, phong tục tập quán, giáo dục, đối nội, đối ngoại… để chúng ta hiểu thêm về cách nhìn nhận, đánh giá hay giải quyết một vấn đề, hiểu thêm về tình hình xã hội trong những năm tháng khi xưa của triều đại Nguyễn.

Châu bản triều Nguyễn được giới thiệu lần này với 128 phiên bản được chọn lọc từ hơn 700 châu bản hình thức ngự phê của các vua triều Nguyễn phong phú: châu điểm, châu phê, châu khuyên, châu mạt, châu sổ, châu cải. "Châu điểm" là một nét son được chấm lên đầu văn bản thể hiện sự đồng ý sau khi nhà vua ngự lãm. "Châu phê" là một đoạn, một câu hay một vài chữ do đích thân nhà vua viết, có thể ở đầu câu, cuối câu hoặc chen vào giữa các dòng văn bản thể hiện sự phê duyệt, cho ý kiến chỉ đạo. "Châu khuyên" là những vòng son được nhà vua khuyên lên điều khoản, tên người hoặc vấn đề nhà vua chấp thuận. "Châu mạt" là những vấn đề được nhà vua phết lên tên người hoặc vấn đề nào đó thể hiện được chấp thuận hoặc không chấp thuận sau khi ngự lãm. "Châu sổ" là những nét son được gạch sổ trực tiếp lên những chỗ cần sửa chữa hoặc không được chấp thuận. "Châu cải" là những chữ do đích thân vua viết lại bên cạnh những chữ đã gạch tỏ ý sửa chữa. 

Bút tích của Vua Bảo Đại.

Điều đặc biệt của triển lãm Châu bản triều Nguyễn lần này đã giới thiệu được bút tích của vị vua đầu tiên Gia Long, người có công đầu sáng lập ra vương triều Nguyễn, lên ngôi năm 1802 đến khi băng hà vào năm 1820 với 18 năm trị vì. Vị vua khét tiếng Nguyễn Ánh, lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Gia Long là từ được ghép lại của từ Gia là từ mảnh đất (Gia Định) và Long là từ kinh thành (Thăng Long) là vị vua chuyên quyền, quyết liệt, tàn khốc.

Trong những năm cuối đời của mình, Vua Gia Long bị ốm và những nét phê của ông vua trên các tờ khải của Ngự y chính viện Thái y về các vị thuốc dùng khi nhà vua lâm bệnh năm Kỷ Mão (1919) thể hiện phần nào tính cách con người vị vua này rất kính trọng y khoa. Văn bản "Ngự y chính viện Thái y Nguyễn Tiến Hậu khải về thang Thất vị và thang Thọ tỳ sắc" ngày 4 tháng 11 năm 1819, châu phê: "Mong được như thầy thuốc nói thì vui mừng biết chừng nào". Trước khi mất ít tháng, văn bản có thể được coi là cuối cùng về việc dùng thuốc của ông, châu phê được ghi: "Tiết tiểu hàn đã qua, đang dần đến ấm áp, chính là lúc mong khỏe mạnh".

Minh Mệnh, một nhà vua có thể được coi là nổi tiếng nhất trong triều đại nhà Nguyễn với không ít các giai thoại thật hư lẫn lộn, với tính cách đặc biệt ngang tàng, độc đoán trong 21 năm trị vì (từ 1820 đến 1840). Hình thức ngự phê của ông trên châu bản rất phong phú từ châu phê, châu khuyên, châu điểm đến châu mạt, châu sổ, châu cải. Và, những nét phê của ông trên văn bản càng thể hiện tính cách một vị vua quyết liệt, khẳng định chắc chắn địa vị độc tôn duy nhất của mình trên ngai vàng quyền lực, đề cao tinh thần pháp trị, củng cố chế độ trung ương tập quyền, bất di bất dịch, vua là tối thượng.

Cách quyết đoán trong việc giải quyết các vấn đề từ kinh tế, văn hóa, giáo dục…. vô cùng ấn tượng như con người ông. Trong những tài liệu còn lưu trữ được tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, những bút tích ngự phê của vị vua này với các vấn đề vô cùng phong phú và đa dạng từ việc khai danh sách quan quân phải đi hộ giá, xin dời phủ đệ, điển lễ cúng tế, hay việc cấp lương tiền cho dân phu tu bổ đường, hoặc tuyển quân lính, điều hòa thu thuế, tình hình đê điều, thu mua hàng hóa, sửa chữa tàu thuyền, tuyển người dự thi chế khoa… Từ mỗi một việc dưới sự chuẩn bút của các vị vua, Châu bản tuyển tập của triều đại Nguyễn cho ta cái nhìn toàn cảnh với 143 năm nhà Nguyễn trị vì, và qua đó thấy được nét tính cách độc đáo và đa dạng của các vị vua và tình hình đất nước ta lúc bấy giờ.

Trong những năm trị vì của mình, vua Minh Mệnh đã có không ít những tư tưởng tiến bộ trong việc cải cách các lĩnh vực từ văn hóa, xã hội, chính trị nhằm đạt đến cảnh dân an, nước thịnh. Về giáo dục, vị vua này hoàn toàn tin tưởng và yên tâm với những vị giám khảo tài đức của mình. Vào trung tuần tháng 3 năm Minh Mệnh 19, (1838) một văn bản với nội dung: "Chánh phó chủ khảo trường thi Hội là Trương Đăng Quế, Hà Duy Phan tấu xin ban đề thi" nhà vua phê ngắn gọn, nhưng cũng rất rõ ràng, dứt khoát: "Chuẩn cho các khanh ra đề, không phải tâu xin lại".

Không ít những văn bản tế lễ, cầu đảo của thời khắc lịch sử lúc bấy giờ vẫn còn lưu giữ được đến ngày nay. Trung tuần tháng 3 năm 1838, "Tuần phủ Trị Bình tấu về tình hình cầu mưa được mưa", nhà vua đã đích tay viết: "Được tin tấu nói có mưa khắp nơi, Trẫm vui lòng, duy tại Kinh gặp đợt gió rét, lúa mạ sợ chẳng đẹp hoàn toàn, không biết ở trấn hạt ngươi có bị gió rét hay không, rất sợ không có thay đổi mà thôi, khẩn cấp tra hỏi".

Châu bản triều Nguyễn.

Vị vua đa tài này không chỉ giỏi trong cách điều binh khiển tướng, mà cũng là một vị vua khẳng khái không khoan nhượng trước cái xấu, cái ác. Đứng trước hiện tượng tham nhũng, quan tham, hay giặc ngoại bang tấn công, hay với kẻ mắc tội bị tù đày, nhà vua luôn quyết liệt, không khoan nhượng. Ấn tượng với một văn bản về các quan cận thần "Nguyễn Văn Hiếu, Hoàng Kim Xán, Thân Văn Duy tấu về vụ án quan lại tham lam", Vua Minh Mệnh châu phê: "Cho áp giải tên quan lại sâu mọt Bùi Khắc Nham đến chợ trong trấn, chém ngang lưng, bêu đầu lên cọc cao để làm gương răn. Ngoài ra đúng như xét xử. Khâm thử".

Cũng trong văn bản này, nhà vua có cái nhìn thông cảm cho nông dân nghèo, châu mạt lên những chữ: "Cấp dữ cai hạt cùng manh" (cấp cho dân nghèo trong hạt). Trước khi nhà vua băng hà một năm, vào năm 1840, vua vẫn duy trì quản lý quân sự chặt chẽ và trừng phạt công tư phân minh với những kẻ có tội.

Với văn bản "Quan Nội Các phiến lục về việc định tội phạm nhân" vua tự tay châu phê: "Đánh 60 gậy hồng côn (Nguyễn Hữu Côn) đánh 100 gậy hồng côn (Đặng Văn Quế). Châu sổ lên dòng chữ  văn bản đưa ra: "Khánh điển phi tỉ tầm thương đương tọa tử tội" tạm dịch là: "Lễ mừng sai so với bình thường là chịu tội chết. Nhà vua bỏ đi ghi lại hạ mức từ chịu tội chết đến cho đi lưu đày là: "Lưu tam thiên lý" (đi đày 3.000 dặm) "đồ tam niên" (tù 3 năm). Châu cải: quan lại viết: "Coi thường trách nhiệm làm cho tổn thất thêm nặng, phạt xử trảm giam hậu" nhà vua sửa lại: "Giảm cho đi tù 1 năm, mãn hạn lưu lại làm lính đội đó" (giáng làm đội trưởng).

Dưới thời trị vì của Vua Thiệu Trị, người ta thấy sự điều hành của vị vua này mềm dẻo hơn người tiền nhiệm là Vua Minh Mệnh. Sự đối lập nhau về nét tính cách trong các bút phê thể hiện điều đó. Một đằng rắn rỏi, đanh thép, gay gắt. Một đằng ôn nhu, hòa ái, mềm mại.  Nhiều người cho rằng, cũng bởi sau chính sách hà khắc của Vua Minh Mệnh, tình hình chính trị, xã hội đất nước dần đi vào ổn định, nên đến đời Vua Thiệu Trị cuộc sống đất nước an bình hơn. Lại cũng có người suy diễn rằng Vua Thiệu Trị là một người tâm tính nhu hòa, tâm hồn dạt dào thi ca nên lời lẽ cũng vì thế mà thanh thoát nhẹ nhàng.

Dưới triều nhà Nguyễn, người cai trị lâu nhất trên ngai vàng quyền lực  là Vua Tự Đức. Ông có 36 năm trị vì đất nước (1847-1883). Qua chữ son của Vua Tự Đức người ta thấy vua còn phê dài hơn cả lời tấu. Chứng tỏ vua rất quan tâm tới việc chính sự. Khối lượng lớn văn bản hành chính thời Vua Tự Đức cho ta cái nhìn toàn diện hơn về đất nước thời cuối thế kỷ XIX. Đặc biệt lễ cầu mưa dưới các triều vua Nguyễn luôn được chú trọng đặc biệt. Ngày 7 tháng 4 năm Tự Đức 30 (1877), nội dung: "Phủ Thừa Thiên tấu việc làm lễ cầu mưa", nhà vua đã đích thân phê: "Đền nào vốn linh ứng sao không đến đó cầu đảo để mau hiệu nghiệm. Vùng Quảng Trị đã được linh ứng, tại sao trong Kinh lại không. Trẫm thật hổ thẹn vì các người".

Khi thực dân Pháp sang xâm lược nước ta cũng là lúc Vua Kiến Phúc trị vì. Ông cũng có nhiều châu phê quyết định nhưng bị thất lạc. Và tại cuộc triển lãm này có một châu phê của ông. Trong phong trào Cần Vương nổi lên khắp nơi, cũng là lúc Vua Đồng Khánh lên ngôi, ông trở thành vị vua bù nhìn dưới chế độ thực dân Pháp. Trong vòng 3 năm tại vị ngai vàng nhưng không có quyền thực nên châu phê của ông chỉ là những chi tiêu trong việc triều chính chứ không có bóng dáng của bất kể vấn đề về quân sự hay các hoạt động chính trị xã hội nào.

Vua Thành Thái với 19 năm trị vì (1889-1907) được coi là vị vua cấp tiến đầu tiên, mặc đồ tây, để tóc ngắn, nói tiếng Pháp, đặt mua báo tiếng nước ngoài. Ông thu nhận những nét văn hóa tinh hoa phương Tây nhưng vẫn giữ lòng yêu nước nhiệt huyết. Trong châu phê của ông có việc ông chuẩn cho nho sĩ học tiếng Pháp. Học tiếng ngoại bang nhưng là để hết lòng với nước Việt, để tìm cách đánh trả ngoại bang. Vua Duy Tân lên ngôi từ lúc 8 tuổi nhưng rất chú trọng việc học. Vị vua nhỏ tuổi này khi mới 9 tuổi đã đĩnh đạc phê chuẩn: "Theo như bản tấu, chọn ngày lành  kính cẩn khởi công mà khắc in".

Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, không có khả năng chống Pháp như các vị tiên đế như Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân. Ông đã khép lại lịch sử phong kiến Việt Nam, thoái vị vào năm 1945 có nhiều bút tích châu phê phản ánh các việc kinh tế, thưởng phạt quan lại, ngoại giao. Vị vua này ngự phê trên châu bản bằng ba loại chữ Việt, Pháp, Hán.

Châu bản Triều Nguyễn đã thực sự trở thành một di sản văn hóa khổng lồ, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho những ai ham hiểu biết về một triều đại đầy những biến động thăng trầm trong lịch sử nước nhà từ thuở Vua Gia Long, các vị vua trị vì ứng xử dưới sự xâm lược của Pháp ở giữa thế kỷ XIX, đến khi vị hoàng đế cuối cùng Bảo Đại giã từ ngai vàng quyền lực, chấm dứt hoàn toàn chế độ quân chủ chuyên chế kéo dài hàng ngàn năm ở Việt Nam. Châu bản triều Nguyễn đang có nhiều triển vọng nằm trong danh sách của Việt Nam đề cử xin công nhận danh hiệu Di sản tư liệu thế giới của UNESCO

Mỹ Trân
.
.