Cao nguyên Golan – Vùng đất dữ

Thứ Tư, 03/04/2019, 13:19
Sự kiện Tổng thống Mỹ Donal Trump đã ký bản tuyên bố công nhận chủ quyền của Israel với cao nguyên Golan tại Nhà Trắng, với sự có mặt của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang là một chủ đề nóng bỏng và đầy lo ngại. Động thái này đã gây ra một làn sóng phản đối, ngay cả với những đồng minh thân cận nhất của Mỹ…


Lược sử vùng đất dữ

Là một vị trí chiến lược, cao nguyên Golan rộng khoảng 1800 km2, nằm giữa Syria, Israel, Liban và Jordan. Sau cuộc chiến tranh gọi là "Cuộc chiến kênh đào Suez" giữa một bên là Anh Quốc, Pháp, Israel và bên kia là Ai Cập, xảy ra ngày 29-10-1956 mà nguyên nhân do Anh, Mỹ ngừng viện trợ xây đập Aswan cho Ai Cập để trả đũa việc Ai Cập công nhận nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Không chịu nhượng bộ, Ai Cập quyết định quốc hữu hóa kênh đào Suez.

Để bảo vệ quyền lợi, liên minh Anh, Pháp, Israel tiến đánh Ai Cập. Đến ngày 6-11-1956, dưới sức ép của Liên Hiệp Quốc, đứng đầu là Liên Xô, liên minh Anh, Pháp, Israel phải rút lui, chịu thất bại trong việc kiểm soát thủy lộ huyết mạch này. Từ đó, kênh đào Suez lại thuộc về Ai Cập với sự bảo trợ của Lực lượng ứng phó khẩn cấp Liên Hiệp Quốc, tạo thành một vùng đệm gìn giữ hòa bình.

Mỹ bị cô lập tại cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bàn về cao nguyên Golan hôm 27-3-2019.

Tháng 5-1967, do bất đồng trong việc điều hành kênh đào Suez, Ai Cập trục xuất Lực lượng ứng phó khẩn cấp Liên Hiệp Quốc ra khỏi bán đảo Sinai. Tiếp theo, Ai Cập huy động 1.000 xe tăng và 100.000 quân đến khu vực biên giới, tiến hành phong tỏa eo biển Tiran - là cửa ngõ ra vào vịnh Aqaba đối với tàu thuyền treo cờ Israel, Anh, Pháp, đồng thời kêu gọi các quốc gia Arab cùng hành động chống lại Israel.

Ngày 5-6-1967, Israel ra tay trước bằng cách đánh phủ đầu lực lượng không quân Ai Cập. Lập tức, Jordan - là quốc gia đã ký hiệp ước tương trợ quân sự với Ai Cập tấn công phía tây thành phố Jerusalem và thành phố Netanya, thuộc quyền kiểm soát của Israel. Tuy nhiên chỉ trong 6 ngày, Israel đã đánh bại liên quân Syria, Jordan, Iraq, Ai Cập, chiếm luôn một khu vực rộng lớn gồm phía đông Jerusalem, dải Gaza, bán đảo Sinai, bờ Tây và cao nguyên Golan.

Dầu mỏ và nước ngọt

Như đã nói ở trên, do nằm ở vị trí chiến lược, có thể kiểm soát đường biên giới với Syria, Jordan và Liban nên việc Israel quyết giữ vùng đất này là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, còn có hai nguyên nhân sâu xa nữa mà Tel Aviv chưa bao giờ chính thức lên tiếng. Đó là dầu mỏ và nước ngọt.

Là quốc gia không có tài nguyên dầu mỏ, việc tiêu thụ hoàn toàn phụ thuộc vào việc nhập khẩu trong bối cảnh các quốc gia Arab và nhất là tổ chức xuất khẩu dầu mỏ OPEC không mặn mà gì lắm với việc bán dầu cho Tel Aviv nên sau nhiều thập kỷ thăm dò, tháng 10-2015, Israel đã phát hiện một số mỏ dầu ở cao nguyên Golan, trữ lượng đủ dùng cho vài chục năm.

Tiến sĩ Yuval Bartov, trưởng nhóm địa chất thuộc Công ty dầu khí Afek của Israel xác nhận: "Kết quả khoan thăm dò đã cho thấy các vỉa dày 350m, gấp 10 lần mức trung bình (20 đến 30 mét) trên thế giới, chứng tỏ trữ lượng dầu mỏ rất lớn…".

Vẫn theo Tiến sĩ Yuval Bartov, các chuyên gia đã tiến hành khoan 3 mũi trong khu vực phía nam cao nguyên Golan. Sản lượng dự kiến có thể lên đến  hàng tỉ thùng, hoàn toàn đáp ứng nhu cầu của Israel, hiện đang tiêu thụ 270.000 thùng/ngày.

Tuy nhiên, để khai thác, Israel phải đối mặt với nhiều vấn đề chính trị, nhất là các quốc gia khối Arab vì từ năm 1967 đến nay, họ vẫn yêu cầu Israel phải trả lại cao nguyên Golan cho Syria, chưa kể cuộc chiến dai dẳng cả về ngoại giao lẫn quân sự với Palestin, được hai tổ chức vũ trang là Hezbollah và Hamas hậu thuẫn.

Sở dĩ Israel gấp rút tiến hành thăm dò dầu mỏ ở cao nguyên Golan là vì năm 2013, một loạt các vụ mất điện đã gây ra khủng hoảng trên khắp đất nước, giá điện tăng 47%. Để đối phó, Tel Aviv đề nghị các nhà khoa học nghiên cứu chiết xuất dầu từ đá phiến có sẵn. Tuy nhiên, do nguy cơ ô nhiễm nguồn nước từ việc xử lý đá phiến nên dự án này phải dừng lại.

Để có nguyên liệu cho ngành điện, Tel Aviv hướng sang dải Gaza. Biết rằng Công ty dầu khí Gazprom, Nga, đang trong giai đoạn phát triển các mỏ khí đốt ở phần phía bắc Gaza, được  Palestine tuyên bố chủ quyền, Israel đã tiến hành một hoạt động quân sự mang tên: "Chiến dịch phòng thủ biên giới" với 3 mục đích: Một là phủ đầu Palestine, hai là ngăn chặn kế hoạch hợp tác giữa Nga và Palestine và ba là phá hủy mạng lưới tên lửa của phong trào Hamas đặt ở Gaza.

Kết quả mà Israel đạt được là Công ty Gazprom hoãn thỏa thuận phát triển khí đốt với Palestine nhưng Israel không thể phá hủy hệ thống tên lửa và những đường hầm bí mật của Hamas mặc dù Tel Aviv đã thực hiện việc hủy hoại dải Gaza cả bằng không quân lẫn bộ binh với xe tăng, xe bọc thép cùng pháo binh hạng nặng. Dẫu vậy, đến nay Israel vẫn chưa dám khai thác các mỏ khí này vì vẫn còn dè chừng "con gấu Nga".

Cũng thời điểm tháng 10-2015, là lúc Israel phát hiện dầu mỏ ở cao nguyên Golan, nước Nga đang tiến hành các chiến dịch không kích nhắm vào tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria, đồng minh thân cận của Nga tại Trung Đông.

Trong cuộc họp báo hôm 2-10-2015 tại trụ sở của Hãng thông tấn Nga Ria Novosti để nói về các hoạt động quân sự của Nga ơ Syria, các nhà phân tích Nga cho biết Moscow sẽ tiếp tục không kích các mục tiêu khủng bố tại Syria cho đến khi lực lượng chính phủ Syria giành lại được các mỏ dầu ở miền bắc nước này.

Bên cạnh đó, trước những thông tin về mỏ dầu với trữ lượng cực lớn tại cao nguyên Golan, không loại trừ khả năng Syria sẽ nhờ Nga can thiệp để giành lại nguồn tài nguyên quý báu ấy.

Một nguyên nhân nữa dân đến việc Israel quyết giữ cao nguyên Golan bởi vì kể từ năm 1981, Israel áp đặt luật và quyền quản lý đối với vùng này vì đây có nguồn nước ngọt quan trọng.

Trước đó, ngay từ năm 1968, Israel đã thông qua một loạt các điều luật, khởi đầu là Luật 120, cho phép Israel là chủ thể duy nhất được quyền tiếp cận các nguồn nước tại cao nguyên Golan. Như vậy, "bên sở hữu đất không đồng nghĩa với việc sở hữu nguồn nước ngầm dưới lòng đất", đã khiến những nông dân Arab đang canh tác ở cao nguyên Golan phải mua nước của Israel tại chính nơi tổ tiên họ để lại.

Về mặt địa lý, cao nguyên Golan tiếp cận hai nguồn nước chính gồm hệ thống nước ngầm chảy vào sông Jordan và hệ thống nước ngầm dẫn tới khu vực phía tây Golan, chưa kể hồ Tiberias, sông Yarmuk ở phía nam.

Bên cạnh đó, cao nguyên Golan còn có hơn 200 mạch nước ngầm và nhiều hồ nước ngầm, một số đã được đưa về các khu định cư Do Thái. Ngay từ năm 1984, Israel đã xây dựng 8 giếng khoan để lấy nước từ lãnh thổ Syria và đến nay, họ đã khai thác được hơn 2,6 tỷ gallon nước, cung cấp cho các khu định cư mà hệ thống dẫn nước từ Tel Aviv và các thành phố khác không thể chảy đến  được.

Theo các chuyên gia thuộc Tổ chức Lương thực, Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc, hiện tại hơn 1/3 nguồn nước sạch của Israel được khai thác từ Cao nguyên Golan. Quốc gia này xếp thứ 19 trên thế giới về nhu cầu nước và tình hình có thể còn tồi tệ hơn do tác động của biến đổi khí hậu. Chả thế mà năm 1995, Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin đã nói: "Điều nguy hiểm nhất Israel phải đối mặt trong đàm phán với Syria là khả năng mất quyền kiểm soát các nguồn nước tại cao nguyên Golan".

Tiến sĩ Tim Borrow thuộc Viện Ngiên cứu tài nguyên nước London, Anh cho biết: "Nguồn nước phong phú tại cao nguyên Golan chính là lý do khiến Israel muốn có chủ quyền vĩnh viễn đối với nơi này. Việc chiếm đóng lâu dài sẽ giúp Israel bảo đảm an ninh nguồn nước khi mà nước trở thành mặt hàng ngày càng có giá trị trên thị trường cũng như trên bàn đàm phán trong bối cảnh một cuộc chiến tranh nước được dự báo sẽ xảy ra tại khu vực…".

 Đứng trước khả năng vi phạm luật quốc tế, thông qua một tòa án Israel, chính phủ của Thủ tướng Netanyahu đã bào chữa cho hành vi chiếm đóng cao nguyên Golan: "Việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong vùng lãnh thổ bị chiếm đóng là hợp pháp".

Đồng thời để chuẩn bị cho một cuộc đối đầu không thể tránh khỏi với bất cứ phe phái nào chiến thắng trong cuộc nội chiến ở Syria, Tel Aviv đã tiến hành củng cố sự hiện diện quân sự của mình tại Cao nguyên Golan. Thiếu tá Moise Yaris, chỉ huy một đơn vị xe tăng ở cao nguyên Golan nói với tờ Telegraph nhưng không hề đề cập đến dầu mỏ và nước: "Mặc dù diện tích nhỏ, nhưng Golan có vị trí chiến lược quan trọng.

Nó chỉ cách phía tây Damascus, thủ đô Syria 35 dặm. Nó nhìn xuống phía nam Lebanon, phía bắc Israel và phần lớn phía nam Syria. Vì thế, bằng mọi giá, chúng tôi phải giữ cho được vùng đất này".

Hệ quả của việc công nhận chủ quyền của Israel với cao nguyên Golan

Sau khi Israel đơn phương sáp nhập Golan vào lãnh thổ của mình, người dân Golan - chủ yếu là người Arab đã biểu tình phản đối trong suốt 6 tháng. Và mặc dù cộng đồng quốc tế và Liên Hiệp Quốc đều cùng lên tiếng phản ứng nhưng điều ấy vẫn không ngăn cản Israel xây dựng những khu tái định cư cho người Israel. Bên cạnh những cuộc biểu tình, rất nhiều vụ xung đột vũ trang đã nổ ra giữa tổ chức Hezbollah, Hamas và quân đội Israel mà mục tiêu vẫn là cao nguyên Golan.

Một trong những công trình khoan nước ngầm của Israel ở cao nguyên Golan để đưa về các khu định cư Do Thái.

Để đạt được mục đích, Israel còn đi xa hơn nữa bằng việc kêu gọi Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức công nhận Golan là lãnh thổ Israel vì một khi điều đó xảy ra, nó sẽ là một phần mở rộng tự nhiên của việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Hồi tháng 8-2018, trong chuyến thăm Israel, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, John Bolton nói: "Chưa có các thảo luận về việc công nhận Israel có chủ quyền đối với cao nguyên Golan" nhưng chỉ 1 tháng sau đó - đầu tháng 9-2018 - Đại sứ Mỹ tại Israel là David Friedman lại phát biểu: "Thành thật mà nói, tôi không thể tưởng tượng được việc Golan không phải là một phần vĩnh viễn của Israel".

Và đến ngày 25-3-2019, tại Nhà Trắng, với sự có mặt của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Donal Trump đã ký bản tuyên bố công nhận chủ quyền của Israel với cao nguyên Golan. Ngay hôm sau, phái đoàn Syria tại Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu chủ tịch Hội đồng Bảo an -  hiện do Pháp nắm giữ - tổ chức cuộc họp khẩn để "thảo luận về tình hình cao nguyên Golan của Syria đang bị chiếm đóng và sự vi phạm trắng trợn các nghị quyết của Hội đồng Bảo an kêu gọi Israel rút quân khỏi Golan".

Bộ Ngoại giao Syria cũng ra tuyên bố việc chính quyền ông Trump công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan là "đòn tấn công rõ ràng vào chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria", đồng thời nhấn mạnh ông Trump không có thẩm quyền để "công nhận sự xâm lược này".

Các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an là Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cũng như Liên minh châu Âu (EU)  khẳng định sẽ tiếp tục xem cao nguyên Golan là nơi bị Israel chiếm đóng. Ngay cả Arab Saudi, một đồng minh quan trọng của Mỹ ở Trung Đông cũng lên án việc chính quyền ông Donald Trump công nhận cao nguyên Golan thuộc Israel

Ngày 27-3-2017, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã tổ chức cuộc họp khẩn theo đề nghị của Syria. Trong cuộc họp này, đại sứ Mỹ cho rằng sự hiện diện quân sự của Syria trong khu vực phân chia giữa Israel và Syria là vi phạm lệnh ngừng bắn, và việc Chính phủ Mỹ công nhận cao nguyên Golan thuộc về Israel là để bảo vệ nước Mỹ. Lập luận ấy đã bị hầu hết các thành viên tham gia cuộc họp chỉ trích mạnh mẽ, đến nỗi giới truyền thông quốc tế nhận định rằng "đây là lần đầu tiên nước Mỹ bị cô lập toàn diện".

Tuy nhiên, vì Mỹ là thành viên thường trực của Liên Hiệp Quốc, có quyền phủ quyết nên cuộc họp khẩn chỉ giới hạn trong việc thảo luận mà không đưa ra một giải pháp cụ thể nào.

Cao nguyên Golan, như lịch sử đã từng xảy ra, vẫn luôn là vùng đất dữ…

Vũ Cao (theo Nhân chứng toàn cầu)
.
.