Cặp vợ chồng điệp viên phá vỡ âm mưu của Hitler

Thứ Ba, 10/12/2019, 21:37
Ngày 25-11-2019, báo chí Nga đã đồng loạt đưa tin về việc bà Goar Vartanian – một nữ điệp viên kỳ cựu của tình báo Xôviết – vừa qua đời ở tuổi 93. Cùng với người chồng Gevork của mình, bà Goar đã từng hoạt động tình báo khắp nơi trên thế giới, khai thác được những thông tin được đánh giá thuộc loại quan trọng nhất cho Moscow.

Vợ chồng nhà Vartanian - nổi tiếng với mật danh Anita và Anri - đã sánh vai nhau trong rất nhiều chiến dịch, một số trong đó cho tới nay vẫn chưa được giải mật. Điển hình nhất phải kể đến chiến dịch vào năm 1943 tại Tehran, khi vợ chồng Vartanian đã phá tan âm mưu của mật vụ phát xít Đức nhằm ám sát ba nguyên thủ thuộc phe Đồng minh chống Hitler là Stalin, Roosevelt và Churchill…

Tôi rất cảm ơn tình báo Anh!

Goar Vartanian (tên thời con gái là Pahlevanyan) sinh ngày 25-1-1926 tại thành phố Leninakan (ngày nay là Gyumri) – Armenia. Năm 1932, gia đình bà chuyển tới Iran, định cư tại Tehran, do người cha làm ăn kinh doanh tại đây. Cuộc sống của bà đã có một bước ngoặt lớn ngay từ thời thanh niên khi làm quen với Gevork. Chồng tương lai của Goar cũng là người gốc Armenia, có gia đình chuyển tới Tehran từ thành phố Rostov (Nga) vào những năm 1930.

Hôn lễ của vợ chồng Vartanian.

Cha của Gevork – Andrey Vartanian – từng là giám đốc một xưởng ép dầu tại quê hương, sau đó mở một nhà máy sản xuất bánh kẹo tại nước ngoài. Tuy nhiên, công việc trên thực tế của ông chính là hoạt động tình báo cho Liên Xô.

Andrey thường xuyên bị theo dõi, có lần bị bắt giữ vì nghi ngờ hoạt động gián điệp, nhưng cuối cùng vẫn được trả tự do vì không đủ chứng cứ. Dù cha không tiết lộ về hoạt động của mình, nhưng Gevork cuối cùng cũng biết được ông là một điệp viên. Andrey dần dần cũng cho con tiếp cận với công việc, giao phó cho cậu một số nhiệm vụ đơn giản, chẳng hạn như chuyển tin cho một người nào đó.

Gevork cuối cùng cũng đi theo con đường của cha mình, người đã cống hiến cho hoạt động tình báo trong suốt 23 năm. Vào năm 1940, chàng thiếu niên 16 tuổi Gevork làm quen với Ivan Agayants, một điệp viên Xôviết đang hoạt động tại Trung Đông. Ivan đánh giá cao khả năng của Gevork, giao cho anh thành lập một nhóm tình báo bao gồm một vài người đồng niên với mình.

Với tên gọi không chính thức là “Đội kỵ binh hạng nhẹ”, những điệp viên trẻ này đã hoạt động rất năng nổ, đi lại khắp Tehran trên những chiếc xe đạp. Phương tiện đáng kể của họ là chiếc môtô Zundapp chỉ có được vào năm 1942.

Cũng trong năm đó, Gevork (có mật danh là Amir) đã nhận được một nhiệm vụ quan trọng. Theo phát hiện của tình báo Xôviết, mật vụ Anh đã thành lập tại Tehran một ngôi trường bí mật chuyên huấn luyện các điệp viên và phần tử phá hoạt để sau đó tung vào lãnh thổ Liên Xô. Gevork được lệnh phải xâm nhập vào đây dưới vỏ bọc một học viên. Với khả năng và sự nhanh nhẹn bẩm sinh, Gevork đã vượt qua được thủ tục phỏng vấn để được nhận vào học tập.

Nhờ vậy, cơ quan mật vụ Xôviết đã nắm rõ tường tận từng học viên tại đây: mỗi khi xâm nhập qua biên giới Liên Xô, họ đều bị bắt giữ và tuyển mộ lại. Sau khi hiểu ra kế hoạch của mình đã nhanh chóng bị phá sản, người Anh cho đóng cửa ngôi trường này. Qua những năm tháng tại đây, Gevork không chỉ giúp đỡ được Liên Xô, mà còn kịp thu nhận được những kỹ năng quan trọng của người điệp viên.

“Tôi rất cảm ơn tình báo của Anh – nhờ họ tôi có khả năng chỉ trong vòng 6 tháng đã lĩnh hội được nhiều kỹ năng để áp dụng trong công việc sau này” – Gevork nhiều năm sau đã từng tâm sự như vậy.

Tình yêu thời chiến

Gevork trước đó thường tới chơi nhà người bạn Oganes Pahlevanyan, làm quen và cảm mến cô em gái 13 tuổi Goar. Về sau, khi trở thành người đứng đầu nhóm “Đội kỵ binh hạng nhẹ”, Gevork đề nghị cô bạn gái cùng gia nhập nhóm.

Đường phố Tehran năm 1940.

Goar rất vui mừng đồng ý và đã thể hiện được khả năng của mình ngay trong những tháng đầu tiên: phát hiện ra hai phi công đào ngũ dùng máy bay của mình để chạy từ Tehran tới Bacu, gia nhập lực lượng phát xít. Chuyện tình của họ nhanh chóng nảy nở chỉ vài tháng sau chiến công này.

Các điệp viên của nhóm tập trung vào nhiệm vụ chính là làm rõ những tên gián điệp và phá hoại trong số 20 ngàn kiều dân Đức tại Tehran. Nhờ hoạt động của họ, tình báo Xôviết trong giai đoạn 1940-1941 đã vô hiệu hóa gần 400 điệp viên của Đức tại đây. Là những thanh niên trẻ tuổi, dễ mến, họ có thể nhanh chóng tiếp cận và giành được sự tin cậy của các gián điệp Đức.

Một trong số này là Hans Walther, người đã mở tại Tehran một hiệu sách cũ, là nơi các gián điệp Đức thường ghé thăm dưới vỏ bọc người mua sách để trao đổi các thông tin giá trị. Gevork và bạn bè thường xuất hiện ở đây với vai trò những người mê sách.

Ông chủ cửa hàng không thể ngờ họ chính là các điệp viên Xôviết nên thường cởi mở tâm sự với họ. Hans thừa nhận không tin vào chiến thắng của phát xít Đức dù vẫn đang hoạt động cho chúng. Kết quả là Hans đã được nhóm của Gevork tuyển mộ lại, đồng ý hợp tác với tình báo Xôviết.

Chiến dịch “cú nhảy dài”

Nhưng nhiệm vụ nổi tiếng nhất được đặt trên vai của Gevork và Goar chính là đảm bảo an toàn cho cuộc gặp thượng đỉnh các nước trong phe đồng minh. Khi đó, nhà lãnh đạo Liên Xô Iosif Stalin, tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt và thủ tướng Anh Winston Churchill đã thỏa thuận gặp gỡ vào tháng 11-1943 tại Tehran để bàn bạc thời hạn mở mặt trận thứ hai.

Cuộc gặp thượng đỉnh của 3 nguyên thủ trong phe đồng minh tại Tehran.

Hitler khi biết được về cuộc gặp tại Tehran đã nhận định đây là cơ hội quý để loại bỏ những đối thủ chính của mình. Thế là một chiến dịch đặc biệt với mật danh “Cú nhảy dài” đã được lên kế hoạch từ tháng 10-1943.

Tuy nhiên, kế hoạch của mật vụ Đức đã bị tình báo Xôviết nắm được từ viên thiếu tá Hans Ulrich von Ortel trong bộ tham mưu của Hitler. Trong một lần say rượu, Hans đã tình cờ tiết lộ về chuyện này với trung úy Paul Zibert – thực chất là điệp viên Xôviết nổi tiếng Nikolay Kuznesov.

Khi thông tin này được chuyển về Moscow, nhóm “Đội kỵ binh hạng nhẹ” được giao nhiệm vụ ngăn chặn chiến dịch trên. Các điệp viên trẻ đã hành động theo một kịch bản đã soạn sẵn: tìm kiếm mọi dấu vết của nhóm biệt kích được tung vào Tehran. Gevork cùng đồng đội đã lần ra một người Iran có vai trò hỗ trợ cho quân Đức trong chiến dịch này.

Việc bắt giữ và thẩm vấn hắn đã giúp làm rõ, có 6 biệt kích của Đức đã đổ bộ xuống tỉnh Qom nằm cách Tehran 120 kilomet. Bọn chúng ngụy trang rất kỹ giống với cư dân địa phương: nhuộm tóc và đeo râu giả. Nhóm này đã nhanh chóng cưỡi lạc đà xâm nhập vào Tehran, ẩn náu tại một biệt thự trong thành phố, trước đó là một địa điểm bí mật của tình báo Đức, và tổ chức liên lạc với Berlin.

Bằng các biện pháp thu trộm thông tin liên lạc, nhóm của Gevork và Goar đã xác định được, sẽ có một nhóm biệt kích nữa sẽ đổ bộ vào Iran. Cầm đầu nhóm này chính là Otto Skorzeny, tên trùm biệt kích đã nổi danh vào tháng 9-1943 sau chiến dịch thành công giải cứu nhà độc tài Benito Mussolini của Italy.

Quân Đức dự kiến sẽ bắt cóc các nguyên thủ phe Đồng minh ngay tại đại sứ quán Anh, nơi cuộc gặp của họ đã được ấn định trước vào ngày 30-11. Các biệt kích Đức lên kế hoạch xâm nhập vào tòa nhà qua đường cống thoát nước.

Nhờ những thông tin của nhóm Gevork, tất cả những biệt kích tại biệt thự ở Tehran bị bắt giữ kịp thời. Một trong số này đã kịp gửi đi một tín hiệu thông báo về sự thất bại của chiến dịch (theo một số nguồn tin, phía đồng minh đã cho phép hắn làm như vậy).

Điều này đã khiến Hitler quyết định từ bỏ chiến dịch “Cú nhảy dài”. Cần phải nhắc thêm một sự kiện xảy ra sau đó 64 năm, khi cô cháu gái của Winston Churchill đã tới Moscow tìm gặp Gevork Vartanian, cảm ơn điệp viên này vì đã cứu ông mình.

Sứ mạng hàng chục năm tại nước ngoài

Goar và Gevork chính thức kết hôn vào ngày 30-6-1946, khi chiến tranh đã kết thúc. Trên thực tế, họ còn phải trải qua hai lần kết hôn trên hình thức nữa do yêu cầu hợp thức của hoạt động bí mật. Hai vợ chồng Vartanian ở lại Iran cho tới năm 1951, trước khi quay trở lại Liên Xô trau dồi thêm vốn liếng ngoại ngữ để chuẩn bị cho các chuyến công tác ở nước ngoài sắp tới.

Sau khi tốt nghiệp trường đại học ngoại ngữ tại Erevan, cả hai giờ đây không chỉ thành thạo tiếng Farsi (ngôn ngữ phổ biến tại Iran), mà sử dụng trôi chảy tiếng Anh, Tây Ban Nha và một số ngôn ngữ tại châu Âu khác. Cũng trong thời gian này, Goar đã tranh thủ trong vài tháng hoàn thiện thêm các kỹ năng của một liên lạc viên điện đài.

Sau quá trình tập huấn tại Liên Xô, vợ chồng Vartanian lại tiếp tục có gần 30 năm hoạt động tình báo bí mật ở nước ngoài nữa. “Một điệp viên mật là gì? Đó là một người luôn phải ẩn náu dưới vỏ bọc của người khác. Khi đang hoạt động bí mật, bạn phải mang những cái tên xa lạ, trở thành người Anh, Mỹ hay Pháp. Bạn cần phải trở thành một người khác, thành thạo văn hóa và ngôn ngữ của họ.” – Gevork đã từng tâm sự như vậy trong một lần trả lời phỏng vấn.

Dù luôn phải hết sức tập trung, nhưng nhà Vartanian vẫn có những lúc mắc phải sai sót. Chẳng hạn như có lần đang ngồi trong tiệm làm tóc, Goar thấy chồng bước vào đón. Bà bỗng buột miệng thốt lên một câu bằng tiếng Nga: “Em xong bây giờ đây!”

Ngay lúc đó, Goar ngay lập tức chột dạ, liếc xung quanh xem có ai để ý không. Rất may là vào thời điểm đó, tiệm đang đông người và rất ồn ào nên không ai để ý tới.

Tại một buổi lễ khác, Goar bất ngờ nhận ra một phụ nữ Mỹ từng biết bà từ hồi ở Iran, tất nhiên là dưới một cái tên khác. Bà nhanh chóng giả vờ bị đau bụng, nhờ chồng giúp đỡ để cả hai nhanh chóng rời khỏi bữa tiệc.

Những vụ việc tương tự như vậy trong suốt vài chục năm hoạt động tại nước ngoài đối với vợ chồng Vartanian là không ít, nhưng họ may mắn chưa bao giờ làm hỏng nhiệm vụ. Một yếu tố quan trọng khác giúp cho cả hai chưa bao giờ bị lộ chính là họ chưa dính tới bất cứ vụ phản bội nào từ phía các đồng nghiệp.

Cần nói thêm là phải đến năm 2000, vợ chồng nhà Vartanian mới có thể kể về cuộc sống trước đây của mình, khi các sứ mạng của họ đã được phép giải mật. Tuy vậy, nhiều phần trong tiểu sử của cặp vợ chồng này vẫn chưa được công khai, chẳng hạn như danh sách các quốc gia mà họ đã từng hoạt động.

Những thông tin được tiết lộ trong thời gian này cũng không được nhiều. Chẳng hạn như trong giai đoạn hoạt động tại Italy, hai vợ chồng đã có được nhiều mối quan hệ rất có lợi, kể cả với tay giám đốc tương lai của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) và tổng thống của nước cộng hòa này. Chính những mối quan hệ này đã giúp họ hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng sau này tại Mỹ.

Vợ chồng Vartanian chính thức hoàn thành sứ mệnh hoạt động tình báo của mình để quay trở về Liên Xô vào năm 1986. Ban đầu họ cư ngụ tại trung tâm Moscow, sau đó chuyển về một ngôi nhà được chính phủ trao tặng ở ngoại ô.

Vài tháng sau khi trở về, Goar nhận quyết định nghỉ hưu, còn Gevork tiếp tục phục vụ trong ngành cho tới năm 1992. Ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, nhưng vẫn luôn thừa nhận rằng, một phần lớn danh dự này là nhờ có người vợ - trong thời gian hoạt động ở nước ngoài là người hỗ trợ và là phụ tá trung thành của ông.

Dù đã nghỉ hưu, nhưng vợ chồng Vartanian vẫn dành không ít thời gian cho việc đào tạo những thế hệ điệp viên mới, truyền đạt cho họ những kinh nghiệm quý báu của mình. Đại tá tình báo Gevork Vartanian qua đời vào năm 2012 vì bệnh ung thư ở tuổi 87. Còn bà Goar sống lâu hơn chồng mình gần 8 năm. Sau tang lễ, nữ điệp viên kỳ cựu đã được chôn cất bên cạnh chồng mình tại nghĩa trang Troekurovsk vào ngày 29-11 vừa qua.

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.