Kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9:

Cây và hoa ở Lăng Bác

Thứ Tư, 01/09/2010, 19:40
Lăng Bác có hình dáng cách điệu một bông sen cao 21,6m được ốp lát đá hoa cương, ở chính vị trí khán đài 2/9/1945 nơi Bác long trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trên thượng tầng của Lăng nổi lên hàng chữ được dát bằng đá cẩm thạch màu nâu đỏ: CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH.

Xung quanh Lăng Bác là các hệ thống kiến trúc cảnh quan rất hài hòa, hợp lý, được thiết kế và thi công theo đúng phương châm Dân tộc - Khoa học - Hiện đại mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Đại lộ Hùng Vương thẳng tắp chạy ngang trước Lăng, nơi diễn ra các cuộc duyệt binh, tuần hành của chiến sĩ, đồng bào trong những ngày lễ hội trọng thể, hai bên lề trồng chò nâu, loài cây bản địa lớn nhất nước ta khi trưởng thành cao tới 50m, phân bố tự nhiên ở nơi đất Tổ trung du Bắc Bộ nên có tên khoa học là Dipterocarpus tonkinensis - trong đó Tonkin theo tiếng Latinh là Bắc Bộ).

Năm 1974, khi đường Hùng Vương bắt đầu thi công thì trên rừng, các tổ chức nhân dân đã chủ động bảo vệ những cây chò được chọn. Các cây cao tới 4m đã được bứng theo một khối đất nặng hàng tấn, không đứt một cái rễ nào, xung quanh khối đất này đồng bào đã đan tre bó chặt. Các tỉnh, thành Việt Bắc, trung du đã làm lễ đưa cây về Lăng Hồ Chủ tịch, 160 cây chò nâu được đặt ở sân đền thờ các vua Hùng, nơi đây ngày 19/9/1954 Bác Hồ đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong về tiếp quản thủ đô: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Rồi đại biểu nhân dân các dân tộc anh em đưa đoàn xe chở những cây chò nâu về Hà Nội, mở đầu cho những ngày hội trồng cây bên Lăng Bác...

Trước lễ đài của Lăng Bác là Quảng trường Ba Đình lịch sử được chia ra 244 ô rộng 27.104m2 trồng cỏ lá tre (vẫn được trồng để bảo vệ các đê sông Bắc Bộ)... Đây là giải pháp thiết kế Quảng trường Ba Đình theo ý tưởng của Bác lúc sinh thời: "Như thế vừa đẹp mắt vừa có tác dụng giảm nhiệt độ và phù hợp điều kiện khí hậu của nước ta". Hai bên cửa chính của Lăng là hai cây đại của đồng bào trong phong trào Hà Nội - Huế - Sài Gòn kết nghĩa kính dâng Người. Đây là loài hoa thơm ngát, những búp lộc, gốc rễ như thu hút mạnh mẽ sinh khí, sinh lực của đất trời để tạo nên dáng cây luôn tràn đầy sức sống... Theo chiều dài hai khán đài là hai hàng vạn tuế, mỗi bên 9 cây, của các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Vạn tuế rất hài hòa với chất liệu đá hoa cương, cẩm thạch, góp phần nêu bật chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”.

Từ tết Dương lịch 1975, những cây ban hoa trắng và ban hoa tím đã được đồng bào các dân tộc Điện Biên Phủ đánh từ rừng chuyển về trồng hai bên đại lộ Bắc Sơn, con đường lớn đối diện Quảng trường Ba Đình. Cây có hình dáng đẹp, nhiều cành nhánh tạo nên những đường nét phong phú sinh động, biểu tượng của núi rừng Tây Bắc. Cạnh hoa ban là hai hàng dầu nước Nam Bộ thân thẳng tròn đều, cây trưởng thành đường kính có thể đạt 2,5m, chiều cao tới 45m, tên khoa học Dipterocarpus alatus (cùng họ với cây chò nâu), biểu trưng cho khí phách hiên ngang bất khuất của người dân mảnh đất Thành đồng Tổ quốc.

Tháng 5/1974, những hạt dầu nước đã được đồng bào ở Tây Ninh thu hái, gieo vào những túi PE đựng mùn rừng rồi xếp vào các thùng đựng đạn và chuyển ra bằng xe quân sự theo đường Trường Sơn. Khi tới Hà Nội, những cây dầu nước này đã cao 15cm và được đưa về Công viên Thủ Lệ chăm sóc cho đến khi trồng. Giữa lòng đại lộ có các bồn hoa dài trồng những cây đào Nhật Tân, một trong "thập tam trại" của Thăng Long ngàn năm văn hiến và những cây đào được chiết từ cây đào Tô Hiệu đã trồng tại nhà tù Sơn La, trước ngày ông bị thực dân Pháp đưa ra pháp trường, là biểu tượng của tinh thần lạc quan yêu đời, luôn tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc. Cạnh những cây đào là hàng ngàn khóm hồng nhung, hồng quế bốn mùa ngát hương.

Cây tre đằng ngà thân có sọc vàng Thánh Gióng đã dùng để đánh tan giặc Ân cũng được đưa về bên Bác, trồng từng khóm một như vẫn mọc tự nhiên tại Phù Đổng quê nhà... Đặc biệt một loài tre cũng trong chi Bambusa, tự lâu đời phân bố ở Lang Chánh - Thanh Hóa, căn cứ địa của nghĩa quân Lê Lợi, nên được gọi là luồng Lang Chánh đã được trồng hai bên khán đài của Lăng Bác.

Phía sau Lăng Bác và hai khán đài là một công viên để các cháu thiếu niên nhi đồng tới vui chơi ca hát. Những bông hoa của các miền đua nhau nở, những cây xanh tươi tắn đứng bên nhau nhắc chúng ta nhớ lời Bác dạy: Đoàn kết... Ở đây có đủ các loài cây của mọi miền đất nước: kim quất, tường vi, cúc đồng tiền của Hà Nội, ngọc bút, phượng vĩ của Hải Phòng, trúc của Sơn Tây, ngọc lan của Lạng Sơn, huệ trắng của Bắc Ninh... Nhiều cây ăn trái quý cũng được gửi về "Vườn của Bác" như mơ Hương Tích, mận Cao Bằng, táo Lào Cai, hồng xiêm Sa Đéc...

Nhân dân Phú Thọ đã gửi về những cây cọ để trồng thành hàng sau hai khán đài tạo nên một cảnh quan xanh mát độc đáo. Và những cây cọ có nậm mang nét đẹp trung du được trồng rải rác bên đường như đang xòe ô che nắng... Đặc biệt đồng bào các dân tộc anh em đã tham gia trồng 20 vuông hoa gồm 6 loài mà từ ngày ở Việt Bắc Bác vẫn thích ươm trồng: cây mộc, dạ hương, nhài, nguyệt quế, ngâu vàng, lan tiêu. Như ngày Bác ở chiến khu Định Hóa - Thái Nguyên, công viên sau Lăng cũng có một đàn bồ câu mỗi chiều lại về đây bên Người...

Sau Hiệp định Geneva 1954, khi được đồng bào miền Nam tập kết tặng cây vú sữa đem từ Cà Mau ra, Bác đã tự tay trồng cây ở bên nhà để mỗi sớm mai thức dậy Người lại thấy hình ảnh của miền Nam: "Miền Nam luôn trong trái tim tôi"... Cảm kích trước đạo đức trong sáng và tấm lòng của Bác với "miền Nam đi trước về sau", nghệ nhân Mai Lâm - cố vấn của Ban Chỉ đạo xây dựng Lăng và gia đình đã tặng cây giống và cùng các nhà trí thức thủ đô như bác sĩ Trần Duy Hưng vị Chủ tịch đầu tiên của TP Hà Nội, nhà văn Nguyễn Tạo - Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp - người đã tổ chức 10 tết trồng cây của Bác Hồ trước ngày Bác đi xa; nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, nhạc sĩ Văn Cao; KTS. Nguyễn Cao Luyện, nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh... trồng 45 cây song mai bên con đường từ Lăng sang nhà sàn của Bác. Gọi là song mai, tên khoa học Prunus triflora vì mỗi hoa có hai nhị và do đó sẽ cho hai quả bên nhau.

Cây Sanh hơn 100 năm tuổi của Quảng Ninh trong vườn hoa của Bác. Ảnh: Hoàng Nguyễn.

Cách đây hơn 300 năm, ở đất rừng phương Nam, ông cha ta đã tìm được những loài hoa đẹp để cùng đặt tên là hoa mai và được đồng bào miền Nam gửi về Lăng Bác sớm nhất, từ đầu xuân 1975: Hai cây mai tứ quý vừa cho hoa đẹp vừa có quả đặc sắc ở trên cây quanh năm. Cây mai vàng có hương thơm mát, đẹp nhất rừng miền Đông. Ở Nam Bộ nó thường được chuốt lá khai hoa đúng dịp tết, nhưng khi trồng ở công viên bên Lăng, cây mai vàng của miền Nam đã trút lá sớm, từ cuối thu đã giơ những cành khẳng khiu lên trời heo may, như nỗi niềm khôn nguôi nhớ Bác, mãi đến tháng 3 Âm lịch mới ra hoa kết trái...

Sau ngày thủ đô giải phóng 10/10/1954, Bác Hồ hay cho các cháu thiếu niên, nhi đồng vào Phủ Chủ tịch  thăm vườn của Bác. Một lần đang đi xem hoa do Bác mới trồng thì có cháu reo lên: Cây đa Tân Trào đẹp quá! Bác quay lại thì thấy đó là một cây sanh (tên khoa học là Ficus retusa). Bác rất vui khen các cháu biết nhận xét, rồi Bác giảng giải thêm: Cây đó trông giống cây đa Tân Trào và cùng họ với cây đa... Ngày nay hai cây sanh có dáng long, dáng phượng ấy đã được trồng trong chậu gốm Móng Cái rất đẹp và được đặt gần bên Bác nhất...--PageBreak--

Hai cây đa tên khoa học là Ficus macrophylla được chiết từ cây đa Tân Trào lịch sử cũng được trồng ở công viên sau Lăng, nay đã tỏa bóng mát. Đặc biệt trong công viên này còn cây đa do bà Thủ tướng Inđira Găngđi đã trồng, trước ít ngày bà trở về Ấn Độ và bị ám sát... Gần đó là cây bồ đề có tên khoa học Ficus religiosa (cũng cùng họ với cây đa) có nguồn gốc từ cây bồ đề Đức Phật Thích Ca đã tọa thiền và tu thành đạo, mà Tổng thống Ragiăng Đôra Pôraxát đã tặng Hồ Chủ tịch trong dịp Người sang thăm Ấn Độ năm 1958.

Cũng như Công trường Kiến trúc Lăng, Công trường Cảnh quan Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là 1 trong số hơn 10 công trường xây dựng Lăng, do Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp Nguyễn Mạnh Hồng, một chiến sĩ cách mạng của phong trào công nhân Nam Bộ làm Chỉ huy trưởng. Được tham gia vào công trường ngày ấy đều là những chuyên gia, cán bộ, chiến sĩ ưu tú nhất tuyển chọn từ ngành Lâm nghiệp, Kiến trúc cảnh quan và Công binh. Đặc biệt công trường còn được các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước như Tổng Bí thư Lê Duẩn, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Trưởng Ban tổ chức TW Đảng Lê Đức Thọ, Đại tướng Văn Tiến Dũng... đến trồng cây, trước ngày vào chiến dịch lịch sử.

Nhân dân Bulgaria đã tặng công trường Lăng Bác những chiếc máy kéo Bolgar TL30A để thi công khoan hố, tưới cây. Còn Phong trào hòa bình toàn nước Đức thì tặng máy liên hợp RS-09 để làm đất, gieo hạt và chăm sóc cỏ ở Quảng trường Ba Đình... Cùng thời gian này, một tin vui truyền khắp thủ đô: Đoàn xe chở gỗ xây dựng Lăng Bác của miền Nam đã tới Hà Nội!

Đoàn xe chở 16 loài gỗ quý mọc trên mảnh đất Thành đồng, trong đó có cây gỗ nu dài 5m, đường kính tới 3m để làm cánh cửa chính của Lăng, được đội vệ binh hộ tống vào dinh Thủ tướng. Quân nhạc cử “Quốc ca”, bài ca “Giải phóng miền Nam” và “Lãnh tụ ca”. Trong không khí trang nghiêm, tràn ngập niềm tin vào ngày mai đất nước thống nhất, bà Nguyễn Thị Định, Phó tư lệnh Các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam xúc động phát biểu: "... Trải qua những năm chiến đấu ác liệt, có những lúc gặp khó khăn tưởng chừng không vượt qua nổi, nhưng suy nghĩ đến Bác thì tự nhiên như có sức mạnh diệu kỳ thôi thúc đồng bào và chiến sĩ miền Nam anh dũng xông lên để giành thắng lợi cho đến ngày nay. Đồng bào và chiến sĩ cũng đã lặn lội tìm kiếm trong rừng miền Đông Nam Bộ những loài cây quý, tượng trưng cho sức sống bền bỉ kiên cường của nhân dân, với tấm lòng trung trinh vô hạn kính dâng lên Bác để đời đời ghi nhớ công ơn vị Cha già dân tộc"...

Đầu mùa thu năm ấy, công trường đang khẩn trương chuẩn bị cho lễ khánh thành Lăng Bác ấn định vào ngày 30/8/1975 (đã rút ngắn một năm so với kế hoạch) và Quốc khánh lần đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước thì được tiếp nhận hoa, cây xanh của đồng bào miền Nam gửi ra. Chiếc chuyên cơ BH - 70 của nhân dân Liên Xô tặng Bác Hồ nhân dịp sinh nhật lần thứ 70 của Người đã chuyển ra Hà Nội hàng trăm chậu hoa, cây xanh: Các loài tùng, cần thăng của Sài Gòn - Gia Định có giá trị tạo hình phong phú, cúc vạn thọ của Quảng Nam - Đà Nẵng trang trọng, giống sen xanh của xứ Huế nên thơ, sen hồng sen trắng đẹp nhất của Đồng Tháp, dừa của quê hương đồng khởi Bến Tre, hoa hướng dương biểu trưng cho lòng kiên định của Tây Nguyên... Đà Lạt - "Cái nôi của cây thông", thành phố Hoa đã gửi về Lăng Bác những loài đặc hữu quý hiếm: cây thông Đà lạt, Pinus Dalatensis, cây thông cổ lá dẹp còn gọi là "hóa thạch sống" Ducampopinus krempfii... cùng nhiều giống hoa đặc sắc: cẩm tú cầu, cúc bất tử, layơn, liễu bông đỏ, trà mi, mẫu đơn cùng các chủng đỗ quyên của núi rừng Langbian và đặc biệt là 79 chậu hoa hồng biểu trưng cho 79 mùa xuân của Bác Hồ, Nam Cao nguyên còn gửi ra những giống bông bụt hoa đỏ, hoa vàng để cùng với bông bụt Nam Đàn - Nghệ An làm thành bức tường xanh bên nhà và vườn của Bác.

Cũng từ ấy hàng năm vào dịp tháng 8 hoặc đầu xuân, đồng bào ở mọi miền đất nước lại tiếp tục tuyển chọn và gửi cây về Lăng Bác. Đặc biệt, chào mừng Đại hội Đảng của thời kỳ đổi mới, mùa xuân 1986, nhân dân Đồng Tháp đã gửi về Ba Đình cây mai chiếu thủy 100 năm tuổi có thế thăng long (rồng bay lên) để kính dâng lên Bác, người đã sáng lập và lãnh đạo Đảng ta đưa đất nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nhân dịp này nhiều loài cây quý mang tình cảm sâu sắc của nhân dân cũng được gửi về đây bên Người: me thế Đồng Nai, khế kiểng Cần Thơ, nhất chi mai Tây Nguyên... TP HCM cũng đã gửi ra hơn 100 cây sao để cùng những loài cây lớn bên Lăng Bác tạo tầng cao trong không gian xanh.

Cả Phan Rang, nơi có lượng mưa thấp nhất nước cũng gửi cây về: Loài xương rồng bản địa nở hoa đỏ tươi suốt quanh năm, được trồng thành hàng trước hai khán đài bên Lăng Bác như luôn nhắc ta nhớ về một dải miền Trung cát nắng nhưng tấm lòng sắt son. Đến nay theo thống kê của Phòng Kế hoạch - Tổng hợp thuộc Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thì thành phần thực vật trong kiến trúc cảnh quan Lăng Bác đã lên tới hơn 280 loài thuộc 75 họ của 32 bộ, với số lượng hơn 1.650 cây bóng mát, 3.490 cây cảnh, cây ăn trái cùng 3.500 m2 hoa, 48.000 m2 thảm cỏ và 2.500m2 cỏ nhung...

Qua gần 40 năm xây dựng, cảnh quan Lăng Bác đã phát triển bền vững hài hòa, không gian rộng mở như tình cảm sâu sắc của nhân dân đối với Bác Hồ từ thế hệ này qua thế hệ khác... Và thực sự trở thành một mẫu mực trong nghệ thuật xanh hóa đô thị, có tác dụng tốt tới môi trường sinh thái của nước ta đang nỗ lực không ngừng để mỗi ngày thêm tươi đẹp, cho thế hệ hôm nay và mai sau...

Nguyễn Hoàng Bích
.
.