Chân tướng của Liên Thành - Một kẻ vô luân, bất đạo

Thứ Tư, 30/05/2012, 20:45

Vụ Liên Thành chủ mưu thủ tiêu thầy giáo cũ của mình là nhà thơ Ngô Kha rồi đem phi tang mất xác đã gây ra một làn sóng phẫn uất trong giới sinh viên học sinh và trí thức phật tử Huế. Nhưng không nhiều người biết được rằng, trước đó, trong mùa hè năm Mậu Thân 1968, chính kẻ sát nhân Liên Thành đã lùng bắt và chặt đầu một người bạn thân từng ăn một mâm, nằm một chiếu với Liên Thành trong suốt những năm tháng tuổi thơ ở xứ Huế.

>> Liên Thành, kẻ sát nhân trong những ngày miền Trung biến động

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân - một chứng nhân lịch sử của những năm tháng miền Trung biến động. Chính ông đã tham gia phong trào sinh viên phật tử từ năm 1963. Năm 1966, sau khi tốt nghiệp Ban Hán - Việt Đại học Sư phạm Huế, tham gia đấu tranh và được bầu làm Đoàn trưởng Đoàn Sinh viên Quyết tử Huế, vũ trang tự vệ, chống Mỹ và chống chính quyền do Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ cầm đầu. Bị lùng bắt, ông phải ẩn náu trong các chùa: Diệu Đế, Kim Tiên, rồi phải xuống tóc để giả làm thầy tu ẩn mình trong chùa Tường Vân trước khi thoát ly theo kháng chiến ở vùng chiến khu Thừa Thiên - Huế.

Sau ngày thống nhất non sông, ông làm việc ở Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, rồi làm Phó tổng biên tập kiêm Thư ký tòa soạn Tạp chí Sông Hương, rồi làm Báo Trưởng đại diện Báo Lao Động tại miền Trung cho đến ngày về hưu năm 1998 đã kể lại rằng: Vì biết ông là người đã tốn nhiều công sức để nghiên cứu về Kỳ ngoại hầu Cường Để và phong trào Đông Du, nên mỗi lần gặp ông, ông Hà Thúc Quyết (một người họ hàng gần với ông Hà Thúc Ký - đảng trưởng đảng Đại Việt) hay kể chuyện về người cháu nội của Kỳ ngoại hầu Cường Để là gã sĩ quan cảnh sát đặc biệt Liên Thành, một tay trùm mật vụ ở Huế giai đoạn từ 1966 đến 1974 cho ông nghe.

Ông Nguyễn Đắc Xuân bảo rằng, ông Quyết đã kể cho ông nghe rất nhiều việc làm dã tâm, tàn ác và man rợ của Liên Thành trong suốt thời kỳ ông ta nắm giữ Khối cảnh sát đặc biệt ở Thừa Thiên - Huế. Trong đó có một câu chuyện hết sức vô luân, bất đạo là chính Liên Thành đã xuống tay chặt đầu ông Hồ Đăng Lương khi ông Lương đang trốn ở xã Thủy Bằng, ngoại ô thành phố Huế. Ông Quyết còn nói thêm rằng, chuyện Liên Thành chặt đầu người bạn thân Hồ Đăng Lương còn có một người biết rất tường tận, đó là bác sĩ Hà Công Lương (sau ngày giải phóng đã sang định cư tại vùng Nam Califonia - Hoa Kỳ).

Nghe ông Quyết kể chuyện nhiều lần nhưng tình thực ông Xuân không dám tin rằng trên cõi đời này lại có một con người mất nhân tính đến như vậy. Thế rồi, một ngày cách đây chưa lâu, tình cờ ông Xuân gặp cả hai ông Hà Thúc Quyết và Hà Công Lương tại quán cà phê Sơn bên một con đường đi bộ cạnh bờ sông Hương. Lần ấy, ông Xuân đã hỏi cặn kẽ bác sĩ Hà Công Lương thực hư chuyện Liên Thành đã xuống tay giết bạn và bác sĩ Hà Công Lương đã xác tín việc làm vô luân ấy của gã đồ tể Liên Thành là có thật. Từ những thông tin của ông Quyết và bác sĩ Lương, ông Nguyễn Đắc Xuân đã lặn lội tìm gặp bà Hồ Thị Châu là em ruột của ông Hồ Đăng Lương để phối kiểm nguồn tin mà ông đã từng nhiều lần được nghe kể.

Sau khi tìm gặp được bà Châu, ông Nguyễn Đắc Xuân kể rằng: Hồi đầu những năm 60 thế kỷ trước, Hồ Đăng Lương ở thôn Dương Xuân Thượng 1 (bên phải đàn Nam Giao), có hai người bạn cùng học Trường tiểu học Nam Giao là Hà Công Lương và Liên Thành. Nhà của Hồ Đăng Lương khá, ông bà Hồ Đăng Duyên và bà Thái Thị Sen lại rất quý bạn của con. Vì thế Hà Công Lương và Liên Thành hay ở lại ăn cơm, học bài, chơi đùa ở nhà Hồ Đăng Lương. Ba người thân nhau như ruột thịt từ những năm thơ ấu cho đến những năm học trung học.  

Sau đó Hà Công Lương đỗ Tú tài rồi vào Đại học Y khoa, còn Hồ Đăng Lương mãi đến năm 1967 mới đỗ và trốn lính, ở nhà với cha mẹ. Liên Thành học kém, nhà nghèo, không học lên cao được phải đi lính địa phương quân. Đến tháng 6-1966, Liên Thành nhờ áp lực của đảng Đại Việt nên xin chuyển qua làm Cảnh sát đặc biệt, được Nguyễn Ngọc Loan tin dùng trong việc đàn áp phong trào đấu tranh đô thị mùa hè 1966 ở Huế. Vì chơi thân với Hồ Đăng Lương nên Liên Thành biết bạn mình có tư tưởng chống lại chính thể VNCH.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân.

Sau Tết Mậu Thân 1968, Liên Thành được báo tin Hồ Đăng Lương có hoạt động cho Việt Cộng trong Tết Mậu Thân. Không nghi ngờ gì nữa, Liên Thành tìm bắt Hồ Đăng Lương. Đăng Lương biết thế nên trốn khỏi địa phương. Sau một thời gian truy tìm, đến ngày 6/6/1968, Liên Thành phát hiện được hầm bí mật nơi Hồ Đăng Lương đang trốn ở gần nhà ông Kiểm Hoanh, ở vùng núi sau lưng lăng Khải Định thuộc xã Thủy Bằng.

Liên Thành cho giở nắp hầm bí mật và gọi Đăng Lương lên nộp mạng. Nhưng Đăng Lương không lên, Liên Thành rút chốt lựu đạn ném xuống hầm, Đăng Lương chụp được lựu đạn ném lên lại. Liên Thành điên tiết cho đào hầm bí mật của Đăng Lương, kéo Đăng Lương lên khỏi miệng hầm và cầm dao chặt đầu người bạn học đã từng ăn một mâm, ngồi học cùng một bàn suốt nhiều năm. Sau đó Liên Thành lấy đầu của Hồ Đăng Lương cắm vào một cái cọc chôn bên con đường từ lăng Khải Định về làng Dã Lê Thượng, xã Thủy Phương với mục đích phục kích đồng đội đồng chí của Đăng Lương ban đêm về lấy đầu Đăng Lương. Nhưng cả tuần sau Liên Thành không phục kích được ai, dân chúng địa phương đã lén lấy đầu Đăng Lương đem chôn.

Đăng Lương bị bạn Liên Thành thảm sát, thân vùi một nơi, đầu chôn một nẻo. Sau năm 1975, một đồ đệ cũ của Liên Thành (hiện còn sống gần chợ Bến Ngự) báo cho bà Thái Thị Sen biết Hồ Đăng Lương, con trai bà, đã bị thảm sát như thế nào và đã bị vùi dập nơi đâu. Nhờ thế gia đình của Hồ Đăng Lương tìm được thân và đầu của anh đem về ráp lại, an táng ngay trong khu vườn nhà.

Nếu như ở Sài Gòn, tướng cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan được mô tả như một gã đồ tể, ngang nhiên bóp cò súng để giết chết chiến sĩ đặc công Bảy Lốp tức Nguyễn Văn Lém, làm nạn nhân ngã xuống máu lênh láng mặt đường. Việc làm man rợ này đã được nhà báo Mỹ Eddie Adams kịp thời thu vào ống kính, và phóng viên Neil Davis của Đài ABC - Úc quay những thước phim rất rõ ràng, gây sốc cho hàng triệu lương tri trên thế giới. Bức ảnh như một ngọn cuồng phong thổi bùng ngọn lửa phản chiến ở khắp nơi. Năm 1969, nhờ bức ảnh, Eddie Adams đoạt giải Pulitzer danh giá về ảnh báo chí.

Sinh viên Huế đọc lời tuyên chiến.

Cùng thời điểm này, ở cố đô Huế, để tránh lặp lại những sai lầm của đàn anh Nguyễn Ngọc Loan. Thiếu tá - Trưởng ty Cảnh sát Liên Thành đã nham hiểm hơn khi âm thầm ra lệnh cho thuộc hạ của mình bắn chết hàng chục mạng người mà không cần tra xét. Điều tồi tệ hơn là sau khi lặng lẽ giết người, Liên Thành còn đăng đàn đổ lỗi cho phía Cách mạng và đòi đưa người này, người nọ ra trước tòa án quốc tế để xét xử. Nhiều người dân ở Huế cho rằng đó là một hành vi vô liêm sỉ của một tên đồ tể vô luân mà không một ai khi đã biết rõ chân tướng của ông ta không khỏi lên tiếng.

Xin được nói thêm rằng, những cuộc hạ sát của Liên Thành đều diễn ra khi chính quyền Thừa Thiên - Huế đã vãn hồi trật tự, nghĩa là lực lượng Quân giải phóng đã rút ra khỏi nội thành. Liên Thành thường cho đàn em của mình hành động vào ban đêm, ở những địa điểm vắng và nếu có ai đó hay báo chí Hoa Kỳ phát hiện thì đổ vấy việc làm ấy cho phía bên kia, vì chắc chắn rằng chẳng có ai đứng ra làm nhân chứng...

Ngoài những việc làm trái với luân thường đạo lý là giết thầy, giết bạn... trong những năm tháng làm trùm mật vụ ở đất cố đô, Liên Thành đã xua quân mở chiến dịch Bình Minh lục tung thành phố, đàn áp, bắt bớ, giam cầm những người yêu nước. Mở đầu chiến dịch, chúng bắt và đánh đập dã man các anh Lê Văn Thuyên, Nguyễn Hoàng Thọ, Trần Đình Sơn Cước, Nguyễn Duy Hiền, Bửu Chỉ tại Trường Đồng Khánh, nơi sinh viên Huế đang giúp đỡ bà con ở Quảng Trị rời vùng chiến sự để lánh nạn.

Liên Thành còn lợi dụng quyền hạn Trưởng ty Cảnh sát của mình để bắt người nhằm trả thù cá nhân, ví dụ như vụ ông Ngô Sỹ Dinh một trung sĩ Biệt động quân được cho giải ngũ vì lý do thương tật. Về quê, được dân bầu làm chủ tịch xã Thủy Phú, quận Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Trong giai đoạn này, ở Thừa Thiên có diễn ra bầu cử nghị viên Hội đồng cấp tỉnh, có hai liên danh ra tranh cử tại xã Thủy Phú gồm ông Tráng Cử là cha ruột của Liên Thành và ông Lê Quý Vũ. Lúc này, ông Dinh với chức vụ chủ tịch xã đã không ủng hộ ông Tráng Cử mà lại ủng hộ ông Lê Quý Vũ. Vì việc này mà Liên Thành đâm ra thù hận ông Dinh. Lợi dụng chiến dịch Bình Minh, Liên Thành đã vu cho ông Dinh là Việt Cộng nằm vùng nên cho lệnh bắt, đánh đập rất dã man rồi cho lưu đày ở Côn Đảo.

Ở Huế thời kỳ này có rất nhiều gia đình làm ăn giàu có, do không chung chi cho Liên Thành và đám tay chân cũng bị quy kết là Việt Cộng nằm vùng hoặc tiếp tay cho Việt Cộng nên bị bắt về trung tâm thẩm vấn để tra xét đến lúc nào lòi tiền ra mới thôi. Nhiều người không chịu đưa tiền hối lộ thì Liên Thành ra lệnh thủ tiêu như trường hợp ba cha con ông chủ hiệu thuốc Bắc Thiên Tường...

Lúc còn đương chức hành sự, Liên Thành đã thể hiện hết bản chất của một kẻ sát nhân khát máu, đạp lên mọi giới hạn của đạo đức và nhân tính con người. Những tưởng rằng, sau khi chính quyền miền Nam sụp đổ, những ngày dài chui nhủi trong cảnh sống lưu vong nơi đất khách quê người Liên Thành phải tĩnh tâm để nhìn lại, để sám hối trước mọi tội lỗi của mình và mưu cầu một chút thanh thản lúc cuối đời trước khi trở về thế giới bên kia. Thế nhưng, với trái tim của một kẻ vô luân, trên đất Mỹ, Liên Thành tiếp tục viết sách để bôi nhọ những bậc đại lão hòa thượng như Thích Đôn Hậu, Thích Trí Quang, bôi nhọ những học giả, trí thức từng tham gia trong phong trào đấu tranh đô thị.

Tệ hại hơn, ông ta còn đi quyên góp tiền của những kiều bào nhẹ dạ để lập nên cái gọi là "Ủy ban truy tố tội ác Đảng Cộng sản Việt Nam" do ông ta làm chủ tịch. Gọi là ủy ban cho oách để vòi tiền thiên hạ chứ thực chất cũng chỉ quanh quẩn mấy chuyện vu oan giá họa cho thầy giáo cũ của mình là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, rồi các bậc thức giả trong phong trào đấu tranh đô thị như Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Phan...

Quá chán ngấy với trò vẽ rắn thêm chân của Liên Thành, ở Mỹ, nhiều trí thức và cựu quân nhân của chế độ Sài Gòn đã bày tỏ sự bài xích và bất hợp tác với Liên Thành mỗi khi ông ta tìm đến để giới thiệu những tác phẩm xuyên tạc của mình. Nhiều người biết rõ trái tim đen dối trá của Liên Thành thì đã phản ứng bằng cách lạnh nhạt, người ta cho rằng  chẳng qua đây là một cuộc đánh trống khua chiêng của Liên Thành để tự quảng cáo mình một cách dễ dãi phù hợp với bản chất cố hữu của ông ta từ trước tới nay. Những người có quan tâm mà im lặng thường không phải là họ không biết, nhưng chỉ vì vấn đề và hoàn cảnh chẳng đáng quan tâm nên không đáng nói mà thôi.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân khẳng định: Nghiên cứu văn hóa, lịch sử Việt Nam tôi chưa hề gặp một mẫu nhân vật phản diện nào mang cái nghiệp độc ác, quỷ quyệt nặng nề như Liên Thành. Không biết đến bao giờ Liên Thành mới giải được cái nghiệp chướng nặng nề ấy...

Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin mượn lời cổ nhân để gửi gắm đến kẻ sát nhân trong những ngày miền Trung biến động Nguyễn Phúc Liên Thành rằng: Hàm huyết phún nhân, tiên ô ngã khẩu, thiên võng khôi khôi sơ nhi bất lậu... có nghĩa là càng cay nghiệt lắm thì càng oan trái nhiều... càng đào sâu thì càng khó lấp...

Phan Bùi Bảo Thy
.
.