Chuyến bay cuối cùng của Air America ở miền Nam Việt Nam: Chạy là thượng sách

Thứ Ba, 05/05/2015, 16:45
5h30 chiều ngày 28/4/1975, Paul Velte họp với bộ phận lãnh đạo AA tại Tân Sân Nhất để đánh giá tình hình. Đang họp, ông ta nghe có tiếng động cơ phản lực rít lên ngang đầu. Nhìn ra ngoài, 5 máy bay cường kích A-37 Dragonfly đang bổ nhào, ném bom xuống sân bay Tân Sân Nhất. Sóng xung kích từ một quả bom vừa phát nổ làm vỡ kính cửa sổ sau lưng chỗ Velte ngồi. Ba máy bay vận tải vũ trang AC-119 và vài chiếc C-47 đỗ dưới đất cháy ngùn ngụt...

Rối như canh hẹ

Ngày 21/4, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa (VNCH) Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Ngày 25/4/1975, 15 sư đoàn Quân Giải phóng đã có mặt xung quanh Sài Gòn. Và mặc dù trước những biểu hiện chưa muốn di tản của Đại sứ Martin nhưng những người cầm đầu AA vẫn lặng lẽ thực hiện kế hoạch của riêng họ. 

Phi công A. Burton kể: "Chúng tôi được lệnh ngủ tập trung tại một cao ốc để bất cứ lúc nào cũng có thể  bay được. Nhưng như bạn biết đấy, một số phi công có nhân tình là những cô gái người Việt nên họ không thích ngủ tập trung…".

Phi công Vanguard, có một cô vợ không chính thức người Việt và một đứa con, nói thêm: "Nhà vợ tôi ở Gò Vấp, một trong những cửa ngõ dẫn vào Sài Gòn. Tôi đã được khuyến cáo là không nên về nhà vào ban đêm nhưng biết sao được. Sự có mặt của tôi chính là lời khẳng định rằng người Mỹ vẫn ở lại".

Tình hình mỗi lúc một tồi tệ. Tin tức truyền đi trên các đài phát thanh phương Tây cho thấy Quân Giải phóng càng lúc càng siết chặt vòng vây, và chẳng có một dấu hiệu nào chứng tỏ họ muốn đàm phán.

Theo lệnh của chuẩn tướng Richard E. Carey, Tư lệnh Lữ đoàn Lính thủy đánh bộ số 9, Văn phòng Tùy viên quân sự Mỹ (DAO) và Sở chỉ huy AA ở Tân Sơn Nhất sẽ được dùng làm trung tâm điều hành an ninh cho "Chiến dịch Gió cuốn".

Ngày 25/4, máy bay trực thăng của AA đưa 40 lính thủy đánh bộ từ tàu sân bay USS Hancock trên biển Đông về trụ sở DAO. Có mặt trong nhóm này, trung sĩ Dickinson nói: "Tình hình lúc bấy giờ vẫn còn khá trật tự. Người di tản - phần lớn là người Việt có chức vụ cao trong chính quyền Sài Gòn cùng gia đình họ kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt mình lên máy bay với lỉnh kỉnh những valy, túi xách".

Một trực thăng UH của AA rơi xuống một vườn chuối ở Bà Rịa.

Một phi công của AA là Hammer nói thêm: "Tựu trung chúng tôi đều được phổ biến về "Chiến dịch Gió cuốn" nhưng khi nào bắt đầu triển khai thì chẳng ai nắm được. Phần lớn đều chủ quan vì thấy hai đường băng ở Tân Sơn Nhất vẫn hoạt động bình thường". Phi công Thomas cười: "Cứ như thế này thì có lẽ tất cả trực thăng của chúng tôi sẽ bay theo đội hình diễu binh để chào Sài Gòn lần cuối".

Tuy nhiên, hầu hết các phi công AA đều không biết Giám đốc AA Paul Velte đã tiếp xúc với George Jacobson, trợ lý đặc biệt phụ trách về vấn đề di tản Tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn. Viện dẫn một bản hợp đồng đã ký giữa AA và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), Jacobson yêu cầu AA phải chừa  lại 4 trực thăng cùng 8 phi công ở Cần Thơ, nơi có Lãnh sự quán Mỹ để di tản khi cần thiết.

Paul Velte phản ứng ngay, cho rằng nếu làm vậy thì coi như AA đã vi phạm cam kết với Đại sứ quán Mỹ, rằng phải túc trực 25 trực thăng phục vụ "Chiến dịch Gió cuốn". Velte văng tục: "Tôi sẽ không để bất cứ một trực thăng và một phi công nào của tôi ở lại Cần Thơ. Giờ phút này, tôi cóc cần tuân thủ hợp đồng với USAID".

Ăn miếng trả miếng, đến cuối ngày, Paul Velte biết Chuẩn tướng Richard E. Carey, Tư lệnh Lữ đoàn 9 quyết định không cử lính thủy đánh bộ đến để bảo vệ an ninh cho bãi đậu máy bay của AA ở Tân Sơn Nhất mặc dù ông ta đã hứa trước đó một tuần.

Trong tầm đạn pháo

5h30 chiều ngày 28/4/1975, Paul Velte họp với bộ phận lãnh đạo AA tại Tân Sân Nhất để đánh giá tình hình. Đang họp, ông ta nghe có tiếng động cơ phản lực rít lên ngang đầu. Nhìn ra ngoài, 5 máy bay cường kích A-37 Dragonfly đang bổ nhào, ném bom xuống sân bay Tân Sân Nhất. Sóng xung kích từ một quả bom vừa phát nổ làm vỡ kính cửa sổ sau lưng chỗ Velte ngồi. Ba máy bay vận tải vũ trang AC-119 và vài chiếc C-47 đỗ dưới đất cháy ngùn ngụt.

Thoạt đầu, Velte tưởng Nguyễn Cao Kỳ làm đảo chính nhưng sau khi nghe CIA thông báo, cả nhóm lãnh đạo AA mới biết vụ ném bom do phi công Nguyễn Thành Trung cùng các phi công Không quân nhân dân Việt Nam thực hiện, dấu hiệu cho thấy Sài Gòn sẽ là mục tiêu cuối cùng.

Lính Hải quân Mỹ trên tàu USS Hancock xô trực thăng của AA xuống biển để lấy chỗ cho những chiếc khác hạ cánh.

Gần 4h sáng ngày 29/4/1975, pháo của Quân Giải phóng nã vào Tân Sơn Nhất, kéo dài suốt 2 tiếng sau. Vài chiếc trực thăng vũ trang UH-1B của Không quân Sài Gòn liều mạng cất cánh. Cứ tưởng họ tìm vị trí đặt pháo của Quân Giải phóng để phản công, ai dè họ bay tuốt ra đảo… Phú Quốc! Phi công, kỹ thuật viên, nhân viên của AA dồn hết vào trụ sở USAID. Lẫn trong tiếng nổ là những tiếng khóc nức nở và những lời cầu nguyện.

6h30, Paul Velte triệu tập cuộc họp trong lúc đơn vị Quân cảnh Sài Gòn làm nhiệm vụ kiểm tra người ra vào Tân Sơn Nhất quyết định đóng cửa sân bay, ngoại trừ các loại xe quân sự. Đến 7h, một máy bay AC-119 của Không quân Sài Gòn đang lúc quần đảo trên trời thì bị một quả tên lửa vác vai Strella của Quân Giải phóng bắn cháy. Từ lúc ấy, không một máy bay cánh bằng nào còn cất cánh được nữa.

Nhận thấy tình hình đã đến hồi kết cục, Graham Martin, Đại sứ Mỹ tại miền Nam Việt Nam buộc phải đồng ý cho tiến hành "Chiến dịch Gió cuốn". Israel Freeman, là người đầu tiên lái trực thăng sang trụ sở USAID ở số 259 đường Trương Quốc Dung để đưa phi công của AA về bãi đậu trong Tân Sơn Nhất kể lại: "Máy bay của tôi vừa hạ càng xuống nóc trụ sở USAID thì 9 phi công ùa lên. Do chứa đầy xăng, không thể cất cánh theo chiều thẳng đứng nên tôi hét lớn, yêu cầu 1 hay 2 người phải xuống, đợi chuyến sau nhưng chẳng ai nghe, thậm chí có người còn nói với tôi rằng không hề gì, UH chở được tới 12 người kia mà!".

Biết không thể thuyết phục được những phi công đang trong cơn hoảng loạn, Freeman đành cất cánh theo kiểu lùi rồi tiến. Chiếc UH mũi chúi xuống, đuôi ngóc lên, bay thụt lùi. Gần hết bề mặt sân thượng, cánh quạt chính đột nhiên giảm tốc nhưng may mắn sao, chỉ vài giây sau nó lại trở lại bình thường. Tăng hết công suất động cơ, Freeman thay đổi góc nghiêng cánh quạt. Chiếc trực thăng nặng nề bốc lên. Hú vía!

Thả 9 phi công AA xuống bãi đỗ máy bay, Freeman nhận lệnh cùng với phi công Victor Carpenter bay sang sân tennis nằm trong trụ sở DAO để đưa một số "nhân vật đặc biệt" ra thẳng tàu USS Blue Ridge thuộc Hạm đội 7. Lúc hạ cánh xuống tàu, trong khi máy bay đang được bơm thêm nhiên liệu, đột nhiên Victor Carpenter nói không bay nữa. Tiếp theo, nhân viên kỹ thuật người Philippines cũng nhảy xuống, trốn luôn!

Trở lại Tân Sơn Nhất, Freeman đề nghị phi đội trưởng Winston giao cho anh ta một trực thăng khác vì vừa lúc hạ cánh, động cơ vẫn chưa kịp tắt thì một nhóm phi công quân đội Sài Gòn đã dùng súng cướp mất. Winston bảo Freeman cứ lấy bất kỳ chiếc nào còn xài được.

Đánh nhau để tranh giành một chỗ trên máy bay.

Freeman kể: "Tôi lên chiếc trực thăng gần nhất và khởi động máy. Tôi đưa 4 phi công và vài nhân viên kỹ thuật đến bãi đậu trực thăng của Ủy ban Quốc tế kiểm soát và Giám sát đình chiến theo khuôn khổ thi hành Hiệp định Paris. Sau đó, tôi quay về số 259 Trương Quốc Dung để bốc thêm phi công đến Tân Sơn Nhất".

Lúc này, tại sân bay Tân Sơn Nhất, phi công Fillipi đưa một xe bồn chở 45.000 lít xăng vào sân trụ sở DAO nhưng chỉ sau vài tiếng, chiếc xe biến mất. Mất nguồn tiếp nhiên liệu tại chỗ, trực thăng AA phải bay ra tàu của Hạm đội 7 xin nhiên liệu nhưng chỉ huy các tàu Mỹ lại lạnh nhạt vì không ai cho họ biết vai trò quan trọng của AA trong "Chiến dịch Gió cuốn".

Phi công David B. Kendall kể: "Tôi bay chiếc Bell 205 trong điều kiện "mù" hoàn toàn vì radio liên lạc bị hỏng, chỉ định hướng bằng mắt thường. Đã vậy, một ống thủy lực ở mũi trực thăng bị vỡ, dầu phun ra, phủ kín kính chắn gió".

Chuẩn bị đáp xuống tàu USS Blue Ridge, Kendall nhìn thấy một sĩ quan phụ trách cất, hạ cánh dùng tay ra lệnh cho máy bay đáp… xuống biển vì anh ta sợ nó nổ tung. Kendall nói: "Cuối cùng tôi phải chấp nhận. Mở cửa máy bay, tôi hạ độ cao rồi khi chỉ còn cách mặt nước chừng 2 mét, tôi nhảy ra. Cánh quạt trực thăng chém xuống nước, tạo thành một âm thanh khủng khiếp nhưng may mắn là nó không chém trúng tôi". Mấy phút sau, xuồng cao su của tàu USS Blue Ridge vớt Kendall lên tàu an toàn.

Cùng chung số phận như Kendall là 2 phi công Donald R. Buxton và Dennis C. Eisler, lái chiếc trực thăng Bell 204B chở 10 người di tản. Buxton kể: "Lúc ấy, trên trời là hàng chục chiếc trực thăng khác đang đợi tới lượt mình hạ cánh. Nhiều chiếc là của AA nhưng phi công Sài Gòn đã cướp nó để tháo chạy.  Bay vòng vòng 30 phút, tôi được phép xuống nhưng ngay sau đó, một nhóm hải quân xúm lại, xô máy bay của tôi xuống biển. Tôi cãi, rằng tôi phải quay lại Sài Gòn để tiếp tục chiến dịch di tản nhưng một sĩ quan cho biết quân đội Mỹ sẽ lo chuyện ấy, không cần đến AA".

13h30 ngày 29/4, phi công Bob Caron và Jack Hunter được lệnh bay đến sân thượng tòa nhà Pittman Apartments, số 22 đường Gia Long để đón người di tản. Một số người Việt đang đợi ở đây là những viên chức cao cấp của chính quyền Sài Gòn, chẳng hạn như trung tướng Trần Văn Đôn, Tổng trưởng Quốc phòng cuối cùng của VNCH, ngoài ra còn có bác sĩ Trần Kim Tuyến, trùm mật vụ dưới thời Ngô Đình Diệm.

Hugh Van Es, phóng viên Hãng UP, người đã chụp bức ảnh nổi tiếng nêu trên kể lại: "Tôi đứng trên sân thượng của một khách sạn, cách tòa nhà Pittman mấy dãy phố và chụp liên tục một loạt ảnh bằng chiếc máy Pentax ống kính tele 300mm. Có khoảng 30 người chờ đợi nhưng chỉ 10 người lên được máy bay".

Chuyến bay cuối cùng của AA

17h ngày 29/4/1975, Edward Twiford, nhân viên CIA về hưu, làm thuê cho AA về tài chính đứng trên sân thượng trụ sở USAID giữa một đám đông người Việt hoảng loạn. Ông ta đang đợi 2 phi công Larry Stadulis và David B. Kendall đến cứu.

Stadulis nói: "Tôi cho trực thăng bay treo trên sân thượng để Ralph Begien, Giám đốc Trung tâm thông tin của AA kéo Twiford vào rồi bốc lên thật nhanh nhưng vẫn có 4 người đàn ông Việt Nam kịp bám vào càng. Phía dưới, ai đó nổ súng bắn theo nhưng không trúng.

Twiford kể: "Biết những người bám càng sẽ rơi xuống, tôi nhoài người ra, lôi họ lên". Sau 45 phút, trực thăng hạ cánh xuống tàu sân bay USS Midway và đó cũng là chiếc máy bay cuối cùng của AA rời khỏi Sài Gòn...

18h, Giám đốc Paul Velte ra lệnh ngừng di tản. Ngoại trừ 7 chiếc bị phi công Sài Gòn cướp để tháo chạy và một chiếc rơi gần Bà Rịa, 17 trực thăng của AA hạ cánh an toàn xuống các tàu Mỹ, đa số là tàu sân bay USS Hancock. Sau này, trong một bản điều trần trước Quốc hội Mỹ, tính từ ngày 10/3 đến 29/4/1975, AA đã đưa được 45.125 người ra khỏi miền Nam Việt Nam, trong đó chỉ riêng hai ngày 28, 29/4, đã có 5.595 người được AA đưa ra tàu Hải quân Mỹ.

Trong suốt thời gian hoạt động tại miền Nam Việt Nam, AA được mệnh danh là "Hãng hàng không bị bắn nhiều nhất trên thế giới" với 230 người là phi công hoặc nhân viên phi hành chết. Tuy nhiên, chẳng ai được ghi công cũng như chẳng ai có tên trên bức tường đá đen - là bức tường khắc tên những lính Mỹ tử trận ở Việt Nam bởi lẽ họ chỉ là những người "ký hợp đồng làm việc dân sự".

Ngày 30/6/1976, Air America đóng cửa. Câu khẩu hiệu: "Bất cứ điều gì, bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, (đều được thực hiện) một cách chuyên nghiệp" rơi vào quên lãng. Nói theo lời phi công Caron: "Bao nhiêu năm danh tiếng, cuối cùng phải tháo chạy thì chẳng có gì đáng để tự hào…".

Cao Trí (theo Air America - The Secrets in Vietnam War)
.
.