Chị Tư Thu và chuyến “hàng” cuối năm

Thứ Tư, 06/02/2019, 17:00
Hàng ở đây không phải là hàng hóa thông thường, qua mua bán phục vụ nhu cầu cuộc sống, mà nó là từ ngụy trang cho những tài liệu, tin tức tình báo do các điệp viên thu thập được trong lòng địch, giao cho các giao thông viên chuyển về căn cứ chỉ huy của các cụm tình báo chiến lược trong kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường miền Nam.

Nhân vật trong bài viết này là người chị kết nghĩa của tôi – chị Vũ Chi Lan. Tên thường gọi ở chiến trường là Tư Thu. Cố nhiên chị còn nhiều bí danh khác trong mạng lưới giao thông viên hợp pháp của các Cụm tình báo B48, B49, H63, NV8… mà cỡ chúng tôi thời đó không thể biết.

Tôi may mắn được biết chị từ đầu năm 1966 ở căn cứ bám trụ của đơn vị chúng tôi (Cụm B48) tại rừng Vĩnh Lợi (địa bàn giáp ranh giữa huyện Châu Thành và Bến Cát) tỉnh Bình Dương.

Thời đó, cả đơn vị duy nhất có tôi quê miền Bắc. Thâm niên chiến trường xếp loại cuối sổ. Do đặc thù công tác và cũng có phần ưu ái của lãnh đạo nên tôi thường xuyên được vào “khu C” của căn cứ. Đó là khu cách ly dành riêng cho cán bộ hoạt động nội thành và giao thông viên hợp pháp khi có dịp về đơn vị.

Một số cán bộ Đoàn Tình báo J22 trong buổi họp mặt Kỷ niệm 65 năm Truyền thống lực lượng Tình báo Quốc phòng (25-10-1945 – 25-10-2010) tại TP Hồ Chí Minh, bà Tư Thu áo xanh ngoài cùng bên trái.

Ngày đầu gặp chị, tôi tự giới thiệu được lãnh đạo giao trách nhiệm đem cơm từ lán cấp dưỡng vào cho khách. Chị ngước nhìn tôi, ngỡ ngàng

- Ủa!... ngó bộ em từ Bắc vô

- Dạ… em vô mới được mấy tháng.

- Quê ở tỉnh nào zậy?

- Dạ… ở Sơn Tây.

Tôi vừa nói, vừa xếp kẹp lồng cơm, thức ăn, bát đũa lên chiếc bàn được bện bằng cây rừng, rồi mời khách dùng cơm.

Bây giờ tôi mới có dịp quan sát vị khách kỹ hơn. Tuổi chừng trên dưới 40 với bộ bà ba đen giản dị, mái tóc đen búi tròn sau gáy, gương mặt hiền từ phúc hậu. Chị là giao thông viên “gạo cội” của đơn vị. Những chuyến hàng quan trọng đều do chị đảm nhiệm. Dân tập kết năm 1954. Được trung tâm ở Hà Nội điều vào chiến trường năm 1963. Đó là lời của một vị lãnh đạo đơn vị cho tôi biết đôi điều như thế để tiện bề tiếp xúc.

Những chuyến hàng sau đó chuyển về căn cứ, chị đều có quà gửi riêng cho tôi. Đó là những giỏ trái cây đặc chủng của miền Nam mà khi ở miền Bắc tôi chưa từng được thưởng thức. Những măng cụt, boòng boong, vú sữa, sầu riêng, chôm chôm…

Tôi nhận quà rơm rớm nước mắt trước lời của anh em trinh sát: “Chị Tư nói chuyển cho thằng Ba Dương (tên thường gọi của tôi ở chiến trường). Tội nghiệp thằng nhỏ, vì chiến tranh mà nó phải xa quê hương, gia đình vô đây. Những trái cây này ngoài Bắc không có”.

Những cuộc gặp gỡ sau này tôi mới được hiểu thêm về hoàn cảnh chị. Trong kháng chiến chống Pháp, chị công tác ở Tỉnh hội Phụ nữ Biên Hòa. Là người con duy nhất trong gia đình. Cha đã mất, mẹ già sinh sống ở Khánh Hội, Sài Gòn. Gọi chị Tư là thứ của chồng chị - anh Tư Đại trong kháng chiến chống Pháp, công tác ở Tỉnh ủy Biên Hòa. Hai người cưới nhau vừa qua tuần trăng mật thì chị lên đường tập kết ra Bắc. Anh ở lại bám trụ địa bàn hoạt động. Năm 1958 bị địch bắt, đày đi Côn Đảo.

Ra Bắc, chị được bố trí công tác ở một số cơ quan. Đơn vị cuối cùng trước khi Cục Nghiên cứu Bộ tổng Tham mưu (nay là Tổng cục II Bộ Quốc phòng) tuyển chọn, huấn luyện để chi viện cho chiến trường, là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Sau tết Mậu Thân (1968), địch phản kích dữ dội chiến trường Đông Bắc Sài Gòn. Cửa ngõ giao thông của đơn vị bị bao vây phong tỏa. Nhiều chuyến liên lạc giữa nội thành và căn cứ bị gián đoạn. Cấp trên quyết định sáp nhập B48 vào B49, căn cứ bám trụ tại Bắc Bến Cát thuộc Tây Bắc Sài Gòn.

Mấy tháng sau, tôi nhận quyết định chuyển sang công tác tại Cụm H67 thuộc đoàn Tình báo chiến lược J22. Căn cứ bám trụ tại mật khu Bời Lời (Trảng Bàng – Tây Ninh). Tôi xa chị Tư Thu từ đó.

Cuối năm 1969, chiến trường Đông và Tây Bắc Sài Gòn căng thẳng tới mức tất cả các cụm tình báo không thể bám trụ hoạt động. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, các đơn vị đều chuyển địa bàn bám trụ về miền Trung và Tây Nam Bộ. H67 của chúng tôi về xây dựng mật cứ ở Châu Thành, Bến Tre là vậy. Tìm người thời đó còn khó hơn cả tìm chim.

Mãi tới năm 1972, đơn vị chúng tôi được J22 bổ sung cho mấy cán bộ, hỏi anh em mới biết chị Tư Thu không còn công tác ở Cụm điệp báo nữa mà được cấp trên bổ nhiệm Cụm phó Cụm Giao thông liên lạc, có bí số “NV8”, căn cứ bám trụ ở mạn Đồng Tháp Mười. Tôi mừng cho chị đã lên cấp chỉ huy, nhưng lại tiếc một giao thông viên “gạo cội” đầy bản lĩnh nghề nghiệp. Gần 10 năm với bao nhiêu chuyến hàng quan trọng, với bao chuyến đưa, đón điệp viên từ nội thành về căn cứ đều đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Năm 1974, sau gần 9 năm công tác và chiến đấu ở vùng giáp ranh với địch, tôi nhận quyết định về Trung tâm nhận nhiệm vụ mới. Anh em nói vui là “thực hiện chính sách thay quân”. Một chuyện thật không ngờ, về đó, tôi may mắn được gặp lại chị Tư Thu. Hai chị em mừng rơi nước mắt. Cái mừng lớn hơn đối với tôi, ấy là được biết chị về để đón anh Tư Đại được địch trao trả tù binh tại sân bay Lộc Ninh theo điều khoản trong Hiệp định Paris đã được ký kết.

Tác giả - Thiếu tướng Khổng Minh Dụ (thứ hai từ trái qua) dự họp mặt truyền thống các Cụm Tình báo chiến lược Đồng bằng sông Cửu Long thuộc Đoàn J22, tháng 12-2018.

Một buổi chiều hàn huyên bao chuyện. Tôi hỏi chị: “Về đơn vị mới vậy là chị “giải nghệ” giao thông?”. Chị khẽ cười – “Cũng gần như zậy. Khi cần thiết vẫn phải xuất quân”. Thế rồi chị kể cho tôi nghe về chuyến giao thông cuối cùng vào dịp cuối năm trước đó.

Một cụm điệp báo, có một chuyến hàng hỏa tốc phải chuyển về căn cứ trước ngày 30 tết. Theo tin của cơ sở nội tuyến, từ 15 tháng Chạp cho tới tết, địch tăng cường lực lượng kiểm soát chặt chẽ tuyến đường về căn cứ bám trụ của Cụm “H…” (chị không nói địa danh cụ thể, tôi đoán chừng đó là tuyến đường đi Tân Châu – Hồng Ngự). Chúng kiểm soát tất cả những người đã quen mặt, thường xuyên qua lại trên tuyến đường ấy. Vì vậy, lãnh đạo quyết định không sử dụng số giao thông viên của đơn vị và đề nghị cấp trên chi viện cho một cán bộ giao thông có kinh nghiệm và chưa từng xuất hiện ở địa bàn. Người được chọn là chị.

Chỉ có một ngày nghiên cứu, tìm hiểu địa bàn và tính toán thủ thuật ngụy trang hàng, vì sớm hôm sau đã là ngày “xuất quân” theo quy ước. Hàng là một cuốn giấy nhỏ được bọc nilon cẩn thận, chỉ bằng một phần ba điếu thuốc. Chiều hôm đó, chị tính tới việc sắm sanh hành lý. Tạt vào chợ mua một con gà trống cồ thiệt đẹp – lông đỏ, mào đỏ, chừng 3 ký. Thứ gà hiền khô, đặt đâu đứng đó; sắm chiếc giỏ xách bên trong để mấy thẻ hương, 5 bao thuốc lá Ruby quân tiếp vụ, 2 gói bánh quy, mấy gói kẹo sôcôla và chiếc ví có thẻ căn cước và mấy trăm đồng (tiền Sài Gòn thời đó). Đó là hành trang của chuyến đi lễ thầy.

Sớm hôm sau, chị bắt xe đò về điểm hẹn. Quãng đường không xa, vậy mà thời gian lại quá dài, qua tới 3 trạm kiểm soát. Cửa ải cuối cùng là căng thẳng nhất, có tới 3 người lính kiểm soát, mất cả tiếng đồng hồ, chị là người bị kiểm soát cuối cùng. Chị lễ mễ xuống xe. Tay ôm gà là có tài liệu, sẵn sàng tư thế nhét tài liệu vào hậu môn chú trống cồ. Tay trái xách làn.

Người lính dáng bộ chỉ huy, hất hàm hỏi – “Nè… bộ bà chị định “chở củi về rừng” hả? Con gà trống bự trảng, để lại cho tụi này chiều nhậu chơi”. Chị đáp lời – “Hổng được cậu ơi! Gà tôi đi lễ Thầy M… Nghiệm lắm! Mọi chuyện nhà này thầy phán trúng bóc. Chẳng chịu lấy tiền của ai. Cuối năm lên tạ ơn thầy, có mỗi con gà, các chú ăn phải tội chết” – “Ừa!... Chị nói có lý. Zậy thì thôi”.

Anh ta hất hàm cho đàn em – “Tụi bay, lục soát thiệt kỹ giỏ xách kia”. Họ mở ví, cầm tấm thẻ căn cước ngó tới, ngó lui rồi ngước nhìn chị hồi lâu, khẽ gật đầu, nói nhỏ - “Đi lễ mà nhiều thuốc vậy! để lại cho tụi này hút nghen. Thầy không hút đâu!” – “Ừa… nếu hợp gu thì các cậu dùng. Nhớ để cho tui 2 gói, đem lên để thầy tiếp khách”.

Chiếc xe đò chuyển bánh. Chị như trút khỏi tảng đá nén trong lồng ngực, thở phào nhẹ nhõm, lách qua dòng người, xe hối hả ngược, xuôi giữa ngày giáp tết để sang phía bên kia đường, nơi có rất nhiều xe lam đang chờ khách. Chỉ hai mươi phút sau chị đã có mặt tại địa chỉ cần tìm. Đó là một ngôi nhà lá xinh xinh, có hai người đàn ông vận quần áo phèn đang ngồi bện đăng trước sân. Sau vài lời hỏi thăm kèm theo một số ám, tín hiệu, hai bên đã nhận ra nhau, chị nhanh chóng bàn giao hàng, vội trở về cho kịp chuyến xe chiều.

Chuyến hàng cuối năm đó là một trong những chiến công trong quãng đời hoạt động trong lực lượng Tình báo của chị. Đó cũng là bó hoa xuân rực rỡ sắc màu năm ấy để chị tặng người bạn đời yêu quý – người tù khổ sai của chế độ thực dân, đế quốc sắp trở về đoàn tụ.

Lộc Ninh năm 1974

Hà Nội, Tết Kỷ Hợi (2019)

Khổng Minh Dụ
.
.