Chiến công của đơn vị tình báo T65

Thứ Bảy, 17/04/2010, 11:45
Để làm nhiệm vụ mở đường giao thông Bắc - Nam, ngày 28/1/1958, Bộ Công an quyết định điều động một số cán bộ cốt cán trinh sát thuộc Phòng Phái khiển Trung ương, kết hợp một số cán bộ Phái khiển Công an Vĩnh Linh và Trị - Thiên - Huế tập kết ra miền Bắc để thành lập Tổ Z17 đứng chân tại Vĩnh Linh...

Z17 có nhiệm vụ thiết lập đường giao thông qua giới tuyến để phục vụ yêu cầu bí mật đưa, đón cán bộ cơ sở của ta từ Bắc vào Nam và ngược lại, đồng thời phục vụ các yêu cầu nghiệp vụ khác của Bộ như thu thập tin tức tình báo, xác minh, chắp liên lạc với cán bộ, cơ sở từ miền Bắc biệt phái vào Nam sau 1954...

Ngay sau khi thành lập, Z17 đã cử nhiều lượt cán bộ bí mật vượt tuyến vào Quảng Trị điều tra nắm tình hình, chú trọng việc kiểm tra, kiểm soát của địch và thâm nhập sâu vào quần chúng để tìm chọn các đầu mối xây dựng cơ sở giao thông. Đến năm 1962, Z17 đã thành lập được một đường giao thông liên lạc thông suốt, đảm bảo an  toàn, bí mật nối từ Vĩnh Linh vào Quảng Trị qua Vĩ tuyến 17. Qua đường giao thông này, Tổ đã phục vụ đưa đón nhiều lượt cán bộ, chuyển chỉ thị, tài liệu bí mật từ Bắc vào Nam và ngược lại. Đến năm 1963, qua con đường này, Z17 đã chắp được liên lạc với A5 (Tổ Phái khiển hoạt động theo phương thức "bí mật bất hợp pháp" ở địa bàn Quảng Trị).

Để chủ động nắm sâu hơn tình hình địch tại chiến trường và tiến hành xác minh tìm chọn đầu mối xây dựng lực lượng bí mật (LLBM) đi sâu vào các mục tiêu trên toàn địa bàn miền Nam, từ đầu năm 1961, lãnh đạo Bộ đã cử nhiều lượt cán bộ phái khiển Trung ương vào miền Nam khảo sát tình hình và từ ngày 26/5/1961 đến 2/8/1962, Bộ lần lượt triển khai 5 tổ Phái khiển, đặt bí số từ A1 đến A5, hoạt động theo phương thức "bí mật bất hợp pháp" tại 4 vùng chiến thuật và Đặc khu Sài Gòn - Gia Định. Trong đó, A1 hoạt động tại Sài Gòn - Gia Định, A2 hoạt động tại Nha Trang, A3 hoạt động tại Đà Nẵng, A4 hoạt động tại Thừa Thiên và A5 tại địa bàn Quảng Trị.

Địa điểm đứng chân của A5 được chọn là vùng Tây Quảng Trị. Đây là khu vực định cư của phần đông bà con dân tộc Vân Kiều, nơi có nhiều cán bộ, cơ sở kháng chiến chống Pháp trước đây. Do làm tốt công tác quần chúng nên chỉ một thời gian ngắn sau khi triển khai, A5 đã nhanh chóng tìm được địa điểm bố trí hệ thống điện đài đảm bảo liên lạc thông suốt với Bộ, điều tra nghiên cứu sâu nhiều mối. Cán bộ và chiến sĩ A5 không những được nhân dân địa phương tin yêu, đùm bọc, chở che mà còn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc ăn ở đi lại hoạt động.

Từ đầu năm 1964, đế quốc Mỹ đẩy mạnh "chiến tranh đặc biệt", đưa thêm cố vấn Mỹ vào và tăng cường viện trợ quân sự, phương tiện vũ khí cho chính quyền ngụy Sài Gòn, ngoài việc gia tăng hoạt động kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các vấn đề an ninh, chính trị, quân sự, xã hội trong miền Nam (từ vĩ tuyến 17 trở vào), chúng tung nhiều toán gián điệp, biệt kích ra miền Bắc thu thập tin tức tình báo, hoạt động phá hoại, gây chiến tranh tâm lý, lôi kéo xây dựng cơ sở bí mật... Tình hình đó đặt ra vấn đề cấp bách phải tăng cường củng cố và đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tại chỗ của an ninh các tỉnh miền Nam.

Theo yêu cầu của An ninh Trung ương Cục miền Nam và An ninh các tỉnh phía Nam, Bộ Công an đã lần lượt bàn giao các tổ từ A1 đến A4 cho An ninh Trung ương Cục và An ninh các địa phương phía Nam trực tiếp quản lý, chỉ đạo. Lãnh đạo Bộ Công an tiếp tục quản lý, chỉ đạo tổ A5 và Z17 để rút kinh nghiệm chỉ đạo công tác an ninh miền Nam.

Như vậy, đến năm 1965, A5 và Z17 là hai đơn vị phái khiển duy nhất của Bộ hoạt động độc lập, đứng chân ở địa bàn Quảãng  Trị và Vĩnh Linh. Tháng 5-1965, Bộ quyết định thành lập đơn vị Tình báo T65 trên cơ sở điều động một số cán bộ trinh sát cốt cán thuộc Cục Phái khiển vào Quảng Trị và sáp nhập với Tổ A5. Theo chỉ thị của đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, T65 có nhiệm vụ: Điều tra xác minh để chắp liên lạc với số cán bộ và LLBM do Bộ triển khai vào Nam sau năm 1954; xây dựng LLBM phái vào các mục tiêu quan trọng của địch, tổ chức giao thông liên lạc và thực hiện các chỉ thị đặc biệt khác của Bộ.

Kế thừa kết quả công tác của A5, ngay sau khi thành lập T65 đã sớm ổn định tổ chức, tập trung các mặt công tác, đặc biệt là tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng LLBM, trong đó hướng dẫn chỉ đạo sâu hơn với cơ sở đã xâm nhập được vào mục tiêu, thu thập và xác minh nhiều tài liệu có giá trị để đánh giá lại khả năng, độ tin cậy của số cán bộ, LLBM do Bộ phái vào Nam sau 1954 và báo cáo nhiều tin quan trọng về âm mưu, ý đồ và hoạt động của địch tại miền Nam.

Thất bại trong chiến lược "chiến tranh đặc biệt", từ giữa năm 1965 đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược "chiến tranh cục bộ" ồ ạt đưa quân đội Mỹ và chư hầu vào tham chiến trực tiếp ở miền Nam. Để hỗ trợ cho quân ngụy Sài Gòn giành lại những vùng đã bị quân và dân ta giải phóng, Mỹ đưa nhiều sư đoàn thủy quân lục chiến, không quân trực tiếp tham chiến tại chiến trường Trị - Thiên - Huế, xây dựng căn cứ Làng Vây - Khe Sanh, lập hàng rào điện tử Mắcnamara, dùng máy bay B52 ném bom rải thảm và rải chất độc hóa học trên khu vực rừng núi giáp Lào. Ngụy quyền Sài Gòn tăng cường hoạt động quân sự, chiến tranh tâm lý, chiêu hồi mở các cuộc hành quân càn quét, tiêu diệt lực lượng chính trị, vũ trang cách mạng tại miền Nam Việt Nam.

Đồng thời Mỹ - ngụy phát động chiến dịch tấn công Bắc Việt, hô hào lấp sông Bến Hải, lập vành đai trắng giáp Vĩ tuyến 17, tung nhiều toán gián điệp, biệt kích ra Quảng Bình, Vĩnh Linh, kết hợp với kỹ thuật điện tử và thám không để thu thập tin tức phá hoại miền Bắc. Tình hình trên đã gây ra rất nhiều khó khăn cho lực lượng cách mạng, lực lượng vũ trang tại vùng địch chiếm bị hy sinh tổn thất lớn, bị địch tách ra khỏi nhân dân, số trụ lại bám được dân còn rất ít. Địa bàn Trị - Thiên - Huế trở thành địa bàn ngày càng nóng bỏng hơn và là nơi giành giật ngày càng quyết liệt giữa ta và địch.

Học viên lớp F, trường Công an Trung ương chi viện cho An ninh miền Nam (tháng 5/1968) đã vào đến chiến khu D (Biên Hoà).

Tháng 4/1966, theo đề nghị của T65, Bộ Công an quyết định sáp nhập Z17 và T65. Từ đó, T65 đảm nhận thêm nhiệm vụ củng cố, tổ chức đường giao thông liên lạc bí mật Bắc - Nam qua Vĩ tuyến 17. Trong giai đoạn này, T65 do Bộ Công an và Cơ quan Tình báo Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp và có sự hỗ trợ, giúp đỡ của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị. Thực tiễn sau này đã khẳng định đây là một quyết định đúng của Bộ Công an.

Theo chỉ đạo của Bộ, T65 tiến hành công tác tình báo ở địa bàn chính là Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và từng bước mở rộng ra các địa bàn xa hơn như Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn. Về tổ chức lực lượng, lúc đông nhất, T65 có 20 cán bộ do đồng chí Phan Xu làm Tổ trưởng và 2 đồng chí Tổ phó giúp việc. Về danh nghĩa, để đảm bảo bí mật an toàn, tránh sự theo dõi phát hiện của địch, T65 được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị cho phép hoạt động dưới danh nghĩa là đơn vị công tác của Mặt trận dân tộc giải phóng Quảng Trị, bí số KQ666.--PageBreak--

Để đảm bảo an toàn lực lượng ngay từ những ngày đầu triển khai, T65 đã chủ động bố trí lực lượng và chuyển điện đài, phương tiện hoạt động nghiệp vụ về vùng đồng bằng Quảng Trị giáp ranh phía bắc thành phố Huế, nơi lực lượng địch còn mỏng và chưa kiểm soát được. Sự lựa chọn đúng đắn này đã giúp T65 tránh được sự kiểm soát của địch, nhanh chóng ổn định lực lượng, bám được dân, gải quyết được vấn đề hậu cần, đời sống vốn rất khó khăn và thiếu thốn, có điều kiện để phát triển LLBM đảm bảo yêu cầu công tác nghiệp vụ cả trước mắt và lâu dài.

Sau khi ổn định hậu cứ, T65 đã triển khai các nhóm công tác và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng nhóm. Nhóm điện đài và cơ yếu chịu trách nhiệm liên lạc với Trung ương theo quy định. Tổ giao thông thường xuyên tiến hành giao thông liên lạc định kỳ và đột xuất với Bộ đảm bảo nhanh chóng, bí mật và hỗ trợ đắc lực cho các mũi trinh sát ra vào địa bàn địch kiểm soát an toàn. Bộ phận cán bộ xã hội hóa đã nghiên cứu sâu tình hình địa bàn, tiếp xúc mở rộng quan hệ với nhân dân trong vùng địch kiểm soát, chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng thâm nhập vào thành phố, thị xã khi có thời cơ.

Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, cụ thể của lãnh đạo Bộ mà trực tiếp là đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn và Cục Sưu tập, đồng thời với sự đoàn kết nhất trí của cấp ủy và tập thể lãnh đạo đơn vị, sự nỗ lực quyết tâm cao của cán bộ, chiến sĩ đơn vị, T65 đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao và giành được một số thành tích nổi bật như:

- Đã xây dựng được  hậu cứ của đơn vị ở gần dân, vừa đảm bảo an toàn, vừa có điều kiện thuận lợi để triển khai công tác vào vùng địch kiểm soát.

- Thường xuyên điều tra, nghiên cứu nắm vững tình hình địa bàn,  các tổ chức, cá nhân địch ở Vùng I chiến thuật, đặc biệt là Huế, Quảng Trị và một phần Sài Gòn, đáp ứng một số yêu cầu nắm tình hình cụ thể của lãnh đạo Bộ Công an về các địa bàn này nói riêng và miền Nam nói chung.

- Tổ chức tốt đường dây giao thông liên lạc đảm bảo an toàn, thông suốt ra Vĩnh Linh để liên lạc với Bộ theo định kỳ và đột xuất. Qua đường giao thông này, T65 đã tiếp tục nhận chuyển an toàn nhiều tài liệu, phương tiện, đưa đón nhiều lượt cán bộ cơ sở và một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Quảng Trị đi công tác. Đây là con đường giao thông hiệu quả nhất vì đã rút ngắn thời gian từ 3-4 ngày cho mỗi chuyến đi và đảm bảo an toàn tuyệt đối.

- Công tác xây dựng, chỉ đạo mạng lưới LLBM thu được những kết quả tích cực:

Đối với cơ sở cũ phái đi từ miền Bắc (sau năm 1954), T65 đã tiến hành xác minh, chắp liên lạc và chỉ đạo Diệp Sơn (đồng chí Nguyễn Đình Ngọc, sau này là Thiếu tướng, Cục trưởng) hoạt động có hiệu quả cho đến ngày bàn giao cho Bộ; đã xác minh làm rõ thực chất và hoạt động của hai cơ sở đã bị mất tác dụng  và báo cáo kiến nghị Bộ cho chấm dứt liên lạc với 2 cơ sở này.

T65 đã nghiên cứu, xây dựng được nhiều cơ sở bí mật thâm nhập vào các mục tiêu tình báo là cơ quan tình báo, cảnh sát đặc biệt, bình định nông thôn, Bộ Tư lệnh Vùng I và chiến thuật ngụy, những người cầm đầu các tổ chức tôn giáo, đảng phái phản động. Trong đó có một số cơ sở được bố trí thâm nhập giữ vị trí quan trọng trong Tổng nha Cảnh sát Quốc gia, Tổng bộ Bình định nông thôn, tiếp cận và tạo được sự tin tưởng của những người cầm đầu thuộc giáo phái Phật giáo Ấn Quang...

Nhờ đó, T65 đã thu được nhiều tin đặc biệt có giá trị như phát hiện sớm kế hoạch "Phượng hoàng" của Phủ đặc ủy Trung ương Tình báo ngụy giúp ta chủ động đối phó, phát hiện 2 tên nội gián của cảnh sát đặc biệt ngụy tại Thành ủy Huế và một người của ta bị Phủ đặc ủy Trung ương tình báo ngụy lôi kéo tuyển chọn làm nội gián đánh trở lại Cụm Tình báo chiến lược miền Trung của ta.

Trong công tác tuyển chọn LLBM, T65 đã sử dụng có hiệu quả cả hai biện pháp là "đánh vào" và "kéo ra".

T65 đã vận dụng khôn khéo biện pháp "kéo ra" để nghiên cứu nhiều đầu mối trong các tổ chức địch, các đảng phái phản động và đã tuyển chọn được 5 LLBM. Trong đó có những LLBM nằm trong mục tiêu như: LLBM tại Tổng nha cảnh sát ngụy đã cung cấp cho T65 tin về ngụy Sài Gòn cải tổ và tăng cường cảnh sát quốc gia, nhất là cảnh sát đặc biệt, cảnh sát dã chiến để phục vụ chiến lược "chiến tranh cục bộ" và "Việt Nam hóa chiến tranh"; LLBM nằm trong mục tiêu đài Cờ đỏ (đài tâm lý chiến của ngụy đặt tại Đông Hà, Quảng Trị) đã cung cấp cho ta  nhiều tài liệu quý về những nhân vật chủ chốt và toàn bộ sơ đồ bố phòng của đài này làm cơ sở cho ta lập kế hoạch tấn công tiêu diệt đài này; một LLBM là lính bảo vệ kho vũ khí lớn La Vang đã cung cấp cho ta nhiều loại vũ khí mới của Mỹ - ngụy như súng AR15-16, mìn clây-mo phục vụ công tác nghiên cứu, đánh địch, cung cấp sơ đồ và làm nội ứng cho ta tấn công xóa sổ kho vũ khí này.

Đồng thời, T65 luôn chớp thời cơ để tuyển chọn được 12 LLBM phái vào các mục tiêu là tổ chức tình báo, phản gián, An ninh quân đội, bình định nông thôn ngụy và các đảng phái, tôn giáo phản động thu thập được nhiều thông tin có giá trị. Những tin này được kịp thời báo cáo lãnh đạo Bộ Công an và các đồng chí Khu ủy, được đồng chí Bí thư Khu ủy Trị - Thiên - Huế đánh giá cao và động viên khen thưởng.

Trong công tác giao thông liên lạc, T65 đã tuyển chọn được nhiều LLBM phục vụ rất hiệu quả cho công tác này và chủ động bố trí cán bộ xã hội hóa ra vào thành phố để đảm bảo giao thông liên lạc an toàn thông suốt trong mọi hoàn cảnh. T65 đã có nhiều sáng tạo, táo bạo sử dụng cả những người làm trong hàng ngũ địch hoặc có thân nhân nắm giữ chức vụ quan trọng trong các tổ chức cảnh sát, quân đội ngụy, hoặc các thương gia, người buôn bán nhỏ ở các chợ phục vụ các yêu cầu liên lạc, xác minh hoặc chuyển giao tài liệu.

Có trường hợp T65 sử dụng cả gia đình vào công tác giao thông liên lạc như là Nguyễn Thị Lộc ở Huế, Phan Thị Ngô ở Sài Gòn, Nguyễn Thị Nồng ở Quảng Trị, Lê Phước Cận ở Huế...

(Còn nữa)

N.Đ.C.
.
.