Chiếu phim trong trại Davis, Sài gòn

Thứ Sáu, 09/05/2008, 15:00
Chúng tôi cảm thấy vui vì hôm nay phục vụ cho những khán giả "đặc biệt" này. Bảy lính Mỹ chăm chú xem phim. Khi hình ảnh một cháu bé đưa bàn tay xinh xắn vuốt chòm râu bạc của Bác, Người cúi xuống hôn cháu xuất hiện trên phông, cả tốp lính Mỹ lúc ấy đều hết sức ngạc nhiên...

Chúng tôi là cán bộ, chiến sĩ của Phòng điện ảnh (có mật danh là B8) thuộc Cục Chính trị Quân giải phóng miền Nam  (Cục Chính trị B2).

Như những thành viên khác của Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN - Đoàn B), chúng tôi từ Lộc Ninh vào trại Davis bằng máy bay trực thăng của Mỹ. Tổ chiếu phim gồm 4 thành viên: Anh Trần Trung Đệ quê Bến Tre, anh Nghiệp quê Khánh Hòa, anh Nguyễn Cảnh Hòe quê Nghệ An. Các anh được đi trước, còn tôi là Phạm Văn Lãi, quê Thái Bình vào sau.

Trại Davis (Sài Gòn) vốn là doanh trại cũ của đơn vị thuộc Tập đoàn Không quân số 7 Mỹ. Khi mới đến đây thật khủng khiếp... khắp nơi nhan nhản tạp chí, sách báo, tranh ảnh lõa lồ...

Ổn định xong nơi ăn ở, chúng tôi bắt tay ngay vào làm nhiệm vụ. Các buổi chiếu phim của chúng tôi không chỉ phục vụ cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, mà còn cả những người là lái xe cho các phái đoàn, nhà thầu cung cấp lương thực, thực phẩm và phóng viên của hơn 80 tờ báo, tạp chí trong nước, ngoài nước khi vào dự họp báo (trong số phóng viên đó, nhiều người là tình báo an ninh, mật vụ của Mỹ và quân đội Sài Gòn).

Những tối thứ tư, thứ bảy hàng tuần, chiếu phim phục vụ đơn vị ở ngoài trời còn có thêm những người xem bên kia hàng rào. Họ là lính gác xung quanh khu vực trại Davis, trên các chòi canh, các ụ súng đang chĩa nòng vào chỗ ở của hai phái đoàn ta. Tuy hơi xa nhưng họ xem phim được vì màn ảnh khá rộng và có loa phóng thanh công suất lớn...

Chúng tôi còn phục vụ cả những “khán giả đặc biệt” nữa.

Hôm đó là ngày 6/2/1973, gần tối, một thiếu tá Mỹ trong bộ phận sĩ quan liên lạc dẫn vào trụ sở hai đoàn ta 7 lính Mỹ của một đơn vị thông tin. Số lính Mỹ này vào làm giấy “chứng minh thư” cho các thành viên của ta trong Ban Liên hợp quân sự 4  bên. Họ chụp ảnh chân dung từng người, đánh máy họ tên, cấp bậc, đơn vị và bọc nilon.

Rất nhanh, chỉ vài phút là hoàn chỉnh một chiếc vì mẫu đã được in sẵn theo thỏa thuận của các đoàn. Viên thiếu tá sĩ quan liên lạc của Mỹ sau khi bàn giao 7 người lính này thì ra về. Số ở lại người cấp bậc cao nhất là hạ sĩ, tuổi mười chín, đôi mươi. Có 2 người da đen, 5 da trắng. Họ mới từ Hawaii sang Việt Nam.

Trông những người lính Mỹ này không thấy vẻ hung hãn man rợ như bọn lính đi càn quét vào các xóm làng, vào căn cứ cách mạng của ta. Họ vui vẻ làm việc, ánh đèn Plasma của máy ảnh liên tục lóe sáng. Tiếng lách tách của chiếc máy đánh chữ Opstima làm cho hội trường nhộn nhịp hẳn lên.

Ngoài cửa hội trường, chúng tôi căng phông để tối chiếu phim. Một lính Mỹ có cấp bậc hạ sĩ đến gặp đồng chí sĩ quan liên lạc của ta, mạnh dạn đề nghị cho phép họ lần lượt đứng dưới ảnh Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm. Được phép, cả 7 người lính Mỹ, từng người đứng nghiêm trang, vẻ mặt kính cẩn dưới bức ảnh lãnh tụ kính yêu của chúng ta để cho bạn mình chụp ảnh.

Lúc đó, cán bộ, chiến sĩ ta đến chụp ảnh làm “chứng minh thư” ai nấy trên ngực áo mình đều có huy hiệu Bác Hồ. Một lính Mỹ da đen, cấp hạ sĩ, sau nhiều lần lưỡng lự đã mạnh dạn hỏi xin tấm huy hiệu Bác Hồ. Các đồng chí ta vui vẻ đồng ý ngay, từng người tự gỡ huy hiệu của mình và tặng  những người lính Mỹ. Thế là, cả 7 lính Mỹ mỗi người được tặng một huy hiệu Bác Hồ. Họ vui sướng tự tay cài huy hiệu lên ngực và nhờ bạn chụp cho một tấm ảnh có đeo tấm huy hiệu của Bác. Chụp xong, họ gỡ huy hiệu ra, lấy bọc cẩn thận và cất vào túi áo mình. Một người lính bỗng hô to: “Việt Nam, Hồ Chí Minh” cả tốp lính Mỹ cùng đồng thanh hô theo.

Giờ chiếu phim đã đến. Hôm ấy, chúng tôi phục vụ đơn vị hai cuộn phim. Một cuộn phim tài liệu “Bác Hồ với thiếu nhi” và cuộn phim vũ kịch  “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”. Người xem đến ngồi trước sân hội trường, họ bê ghế ra ngoài và ngồi gần bên máy chiếu. Các đồng chí lãnh đạo hai đoàn ngồi hàng ghế trên, anh em trẻ ngồi bệt trên dép cao su ở phía trước.

Tốp lính Mỹ đang làm việc trong hội trường thấy phim đã chiếu, hình ảnh Bác Hồ xuất hiện trên màn ảnh, nói với đồng chí phiên dịch: “Cho chúng tôi thay nhau ra xem phim được không”. Họ đứng bên cạnh máy chiếu và nghe lời thuyết minh phim qua đồng chí phiên dịch của ta.

Chúng tôi cảm thấy vui vì hôm nay phục vụ cho những khán giả "đặc biệt" này. Bảy lính Mỹ chăm chú xem phim. Khi hình ảnh một cháu bé đưa bàn tay xinh xắn vuốt chòm râu bạc của Bác, Người cúi xuống hôn cháu xuất hiện trên phông, cả tốp lính Mỹ lúc ấy đều hết sức ngạc nhiên.

Viên hạ sĩ da đen nói như để mọi người xung quanh cùng nghe: “Ông già Noel của Việt Nam”. Buổi chiếu phim tối hôm đó thật nhiều ý nghĩa. Những người lính Mỹ kia sau khi xem hai bộ phim của Việt Nam và được tặng tấm huy hiệu Bác Hồ, chụp ảnh lưu niệm dưới bức chân dung của Người và cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, vô cùng phấn khởi.

Những ngày đầu xuân 1975, toàn đơn vị được phổ biến phải khẩn trương chuẩn bị chiến đấu.

Ngày 28 và 29/4/1975, tiếng pháo 130 ly đã nổ rất gần Sài Gòn. Đại quân của chúng ta không còn cách xa nữa. Pháo binh từ Nhơn Trạch đã trút xuống Tân Sơn Nhất, đường băng bị phá nát, cày xới thành những hố sâu, máy bay địch không thể lên xuống sân bay này.

Sáng 30/4/1975, đã nghe rõ tiếng nổ của súng AK của bộ binh ta.

Vào khoảng 9 giờ sáng, đồng chí Mười Sương - Trưởng ban chính trị gọi tôi giao nhiệm vụ trèo lên tháp nước của trại Davis cắm lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Đúng 9 giờ 30 phút lá cờ cách mạng tung bay trên điểm cao trại Davis.

Lát sau, phía đường Hoàng Hoa Thám đã thấp thoáng những chiếc mũ tai bèo tiến về khu vực trại Davis. Tới trại, các đồng chí tự giới thiệu là đơn vị thuộc Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) vào  giải phóng Sài Gòn. Đồng chí, đồng đội gặp nhau trong những giờ phút chiến thắng hào hùng nhất của dân tộc xúc động không bao giờ quên

Phạm Văn Lãi(kể), Quốc Kỳ (ghi)
.
.