Nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2010):

Chủ Tịch Hồ Chí Minh với công tác lựa chọn và sử dụng cán bộ, đảng viên

Thứ Tư, 03/02/2010, 16:20
Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "trong các ngành hoạt động của chúng ta, nào chính trị, nào kinh tế, nào quân sự, văn hoá, không thiếu những người có năng lực, có sáng kiến. Nhưng vì cách lãnh đạo của ta còn kém, thói quan liêu còn nồng cho nên có những người như thế cũng bị dìm xuống, không được cất nhắc. Muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo".

Nhưng lựa chọn cán bộ tốt chưa đủ, cần phải biết khéo sử dụng cán bộ, phân phối công tác một cách đúng đắn thì mới đảm bảo cho nhiệm vụ được hoàn thành và giúp cán bộ không ngừng nâng cao phẩm chất của mình.

Biết người cố nhiên là khó, tự biết mình càng khó hơn, mà đã không tự biết mình thì rất khó biết người, vì vậy muốn biết đúng sự phải trái ở người ta trước hết phải biết mình phải hay trái. Khi ở chiến khu, một hôm có anh liên lạc chạy công văn hỏa tốc đến đưa tận tay Bác, Người xem công văn xong bảo anh liên lạc xuống trạm nghỉ, mai trả lời, tuy băn khoăn vì đại đội trưởng dặn là phải đi cùng Bác về ngay nhưng anh liên lạc vẫn phải nghỉ lại. Sáng hôm sau, cơm nước xong, Bác gọi anh liên lạc lên nói: "Bác cảm ơn đại đội đã mời Bác ăn liên hoan mộc tồn (thịt chó). Cháu cứ đi bình thường, không phải hỏa tốc đâu". Và anh đại đội trưởng nhận phong thư Bác trả lời, ngoài ghi chữ “thủy tốc”.

Có lần Bác nhận được thư của một chị y tá ở cơ quan Trung ương nhờ Người cứu cho một việc: Hai vợ chồng đều là cán bộ công nhân viên đã có hai con nhỏ, chồng chị khai man lý lịch bị khai trừ ra khỏi Đảng nên nếu bị đuổi việc thì gia đình tan vỡ. Đọc thư xong, Bác mời Trưởng ban Kiểm tra Trung ương, Nguyễn Lương Bằng, đến nói: "Kỷ luật Đảng phải nghiêm nhưng phải cho người phạm lỗi có con đường sửa chữa để trở thành người tốt chứ không phải là đuổi khỏi cơ quan. Nên xem xét có thể cho một công tác lao động để có điều kiện cải tạo". Và sau đó hai năm, đồng chí bị kỷ luật được kết nạp lại vào Đảng.

Khi sử dụng cán bộ, nhiều người mắc bệnh ham dùng người trong gia đình, họ hàng, thích kẻ bợ đỡ nịnh hót, hợp tuổi, ghét người cương trực. Do đó sẽ xảy ra trường hợp thật giả chen chân, lắm kẻ thoái hóa, kéo theo uy tín của cán bộ. Vậy cần phải dùng cán bộ như thế nào?

Sau Cách mạng tháng Tám, trong thành phần Chính phủ lâm thời có nhiều trí thức trẻ được mời tham gia trong đó có ông Nguyễn Văn Huyên - Tiến sĩ Văn khoa, cử nhân Luật học mới 37 tuổi được giao giữ chức Tổng giám đốc Đại học vụ (sau là Bộ trưởng Bộ Giáo dục). Thế nhưng có lần ông Huyên xin từ chức với lý do ông không phải là đảng viên. Bác nghe tin ấy đã gặp và động viên ông Huyên: "Không cốt là đảng viên cộng sản hay không đảng, mà cốt là làm việc có tốt hay kém, có hiệu quả hay không hiệu quả, điều đó mới quan trọng".

Nghe lời Bác, ông Huyên tiếp tục yên tâm công tác và giữ chức Bộ trưởng mà không phải đảng viên cho đến những năm cuối đời. Cụ Huỳnh Thúc Kháng nổi danh là một tiến sĩ, đại khoa bảng nhưng không ra làm quan mà cùng các nhà chí sĩ lừng danh khác tham gia sự nghiệp cứu nước, vì vậy cụ bị Pháp đày ra Côn Đảo 13 năm. Sau khi ra tù, cụ lập ra báo Tiếng Dân rồi được bầu làm Chủ tịch Viện Dân biểu Trung Kỳ.

Ngay từ cuối năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi hai bức điện mời cụ Huỳnh ra làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, lần đầu cụ từ chối vì tuổi cao sức yếu nhưng lần hai thì cụ đồng ý ra Hà Nội gặp Bác. Bác kiên trì thuyết phục một cách hợp lý thuận tình nên cụ Huỳnh vui vẻ nhận trọng trách nắm Bộ Nội vụ. Ngày 31/5/1946, trước khi rời Hà Nội sang thăm Pháp, Bác đã ủy quyền cụ Huỳnh làm Quyền Chủ tịch nước và nhắn nhủ: "Mong cụ dĩ bất biến ứng vạn biến!". Cụ Huỳnh đã làm rất tốt trọng trách mà Bác đã tin tưởng giao phó và cụ rất cương quyết với lũ giặc thân Tưởng, đặc biệt trong vụ án phố Ôn Như Hầu nổi tiếng.

Nếu như cất nhắc, nâng đỡ cán bộ không phải vì tài năng và đạo đức mà chỉ vì cảm tình riêng hoặc quan hệ nhờ vả hai chiều thì cán bộ đó không bao giờ đủ khả năng làm việc, sẽ làm quần chúng dị nghị, gây mất uy tín cho tổ chức và cán bộ. Cần phải cất nhắc cán bộ một cách đúng mực, phải giúp đỡ, khuyên bảo, khuyến khích tự tin, tự trọng của cán bộ.

Chủ Tịch Hồ Chí Minh thăm khu công nghiệp liên hợp gang thép Thái nguyên, ngày 1/1/1964.

Tháng 5/1946, khi Bác chuẩn bị sang Pháp, ông Vũ Đình Huỳnh cũng được đi theo trong bộ quân phục không theo kiểu nước nào với hàm Đại tá giống như quân hàm Pháp cốt để phía Pháp dễ nhận ra. Nguyên do là trước ngày lên đường, trong một buổi họp Chính phủ, Bác giới thiệu: "Anh Vũ Đình Huỳnh, thư ký riêng của tôi. Trước đây ta phong cho Huỳnh chức Đại úy, đi đường gặp quan Tư Pháp phải chào, nay tôi nhân danh Chính phủ phong cho anh Huỳnh chức Đại tá, như thế anh Huỳnh sẽ chỉ phải chào có một Salan thôi!". Thì ra Bác biết tướng Salan cùng các sĩ quan tùy tùng của ông ta tháp tùng Bác sang Pháp, nếu trong đoàn không có một sĩ quan cấp bậc khá một chút thì bên ta yếu thế nên mới sắc phong ông Huỳnh như vậy. --PageBreak--

Tháng 6/1948, ông Hoàng Đạo Thúy đang làm Cục trưởng Cục Quân huấn thì nhận được thư Bác gửi, đề bạt ông phụ trách Ban thi đua Trung ương. Đây là bức thư tự tay Người đánh máy và chuyển hỏa tốc. Ông Thúy đến Văn phòng Chính phủ nhận giấy tờ xong thì Bác mời đến gặp. Sau bữa cơm, Bác nói rõ ràng, dứt khoát: "Ông Tổng trước nhận nhiệm vụ một tháng mà chưa bắt đầu làm, nên phải nhờ cụ. Tôi trao cho cụ toàn quyền hành động. Tuyên truyền giỏi hơn Mỹ thì càng tốt. Cần tiêu bao nhiêu thì cứ lĩnh. Nếu không lĩnh được thì bảo tôi. Nếu thiếu cán bộ thì lấy một nửa văn phòng của tôi. Yêu cầu là sau một năm phải có phong trào". Như thế là ông Thúy có đủ điều kiện và quyền hạn để làm việc nhưng phải thành công.

Tình cảm đối với cán bộ phải xuất phát chân thật từ tấm lòng. Đúng phải khen, sai phải trách. Cần thật sự dìu dắt giúp đỡ cán bộ từng bước một, luôn chú ý đến hoàn cảnh công tác và hoàn cảnh riêng. Bác căn dặn: "Đảng phải thương yêu cán bộ. Nhưng thương yêu không phải là vỗ về, nuông chiều, thả mặc. Thương yêu là giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm, là giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn trong sinh hoạt".

Năm 1967, đồng chí Mai Văn Bộ trước khi đi Paris nhận nhiệm vụ làm Tổng đại diện Chính phủ ta tại Pháp được Bác gọi đến gặp. Đang vui chuyện bỗng có còi báo động, một đồng chí cảnh vệ chạy đến báo máy bay địch đang đánh phá cầu Long Biên và mời Bác xuống hầm ngay. Bác nói với đồng chí Bộ: "Bác già rồi, chẳng bom đế quốc nào ném đâu. Chú còn trẻ, chú cần vào hầm trú ẩn trước", nói rồi Bác đẩy đồng chí Bộ xuống hầm trước, tiếp đó đến đồng chí cảnh vệ, còn Bác là người vào hầm sau cùng.

Mùa hè năm 1967 rất nóng, Bác nói với đồng chí thư ký lên xem bộ đội phòng không trực chiến trên nóc Hội trường Ba Đình có đủ nước uống không. Được biết các chiến sĩ không có nước uống, Bác bảo đồng chí thư ký lấy sổ tiết kiệm của Bác (Bác gửi tiền nhuận bút các báo gửi cho Người vào đấy) xem còn hơn 25.000đ (lúc bấy giờ tương đương khoảng 60 lạng vàng), Người đề nghị chuyển ngay số tiền đó cho Bộ Tư lệnh Phòng không để mua nước ngọt cho anh em chiến sĩ  đang trực chiến trên khắp miền Bắc.

Phải nghe ý kiến của quần chúng, chấp nhận phê bình của quần chúng để sửa đổi hoặc lưu ý về khả năng của bản thân. Cách giữ gìn cán bộ tốt nhất là phê và tự phê. Bác nhận định: "Làm nhiều công việc thì khó mà hoàn toàn tránh khỏi khuyết điểm. Cho nên phải dùng cách phê bình và tự phê bình để giúp nhau sửa chữa và kiên quyết sửa chữa để cùng nhau tiến bộ. Muốn tự phê bình và phê bình có kết quả, cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cao cấp phải làm gương trước". 

Năm 1952, trong lần đến thăm lớp chỉnh huấn chính trị cán bộ trung, cao cấp, Bác đề nghị đố chữ và anh em háo hức hưởng ứng. Bác cầm một cái que, lần lượt vẽ các vạch ngang trên mặt đất rồi hỏi: "Chữ gì nào?". Cả lớp hò lên: "Thưa Bác, chữ nhất, chữ nhị, chữ tam ạ". Bác khen giỏi rồi Người lại gạch một gạch nữa dưới chữ  tam: "Chữ gì nào?". Anh em ngẩn ra, chữ Pháp thì không phải, còn tiếng Hán chữ tứ viết khác. Bác giục: "Thế nào? Các nhà Mácxít?". Bác lại cầm que vạch một vạch, rồi hai vạch dọc từ trên xuống dưới, ban đầu thì thẳng đứng, xuống đến vạch ngang thứ hai đã "queo", vạch thứ ba thì  "quẹo", vạch thứ tư  như một con giun, loằng ngoằng như cái đuôi chuột nhắt...

Bác để que xuống đất, đứng dậy nói: "Chịu hết à? Có thế mà không đoán ra... Các chú biết cả đấy! Chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng đúng đắn... Đến tỉnh đã hơi cong, đến huyện đã "tả, hữu", đến xã đã sai lệch. Vì sao? Vì cán bộ không làm đúng, không nắm chắc chủ trương đường lối, không gần gũi dân, không chịu làm "đầy tớ nhân dân" mà chỉ muốn làm "quan cách mạng". Cho nên chữ ấy là chữ "quan liêu". Các chú không học nhưng biết và vẫn làm. Còn cái các chú học, thì các chú lại ít làm...".

Năm 1960, Bác về thăm quê lần thứ hai. Khi đến nhà khách Tỉnh ủy, Bác nhìn ra đường đi thấy nhiều bông hoa nở rực rỡ trồng thành hai hàng ngay ngắn. Bất chợt, Bác bước tới nhổ nhẹ một cành layơn, bên dưới không có rễ! Bác gọi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đến phê bình: "Đây là một việc làm thiếu chân thực và lãng phí. Tưởng các chú trồng hoa thì hay, có lợi cho môi trường. Nào ngờ vì Bác vào thăm nên các chú phải mua hoa về trồng! Trồng hình thức nó sẽ chết. Đây là một căn bệnh phô trương hình thức, đón Bác như thế này Bác không vừa lòng". Các đồng chí trong Tỉnh ủy đồng thanh xin lỗi Bác.

Đất nước ta đang trên đường phát triển hội nhập và chất lượng cán bộ đóng vai trò quyết định để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của sự nghiệp cách mạng. "Nhân vô thập toàn", nhưng nếu khéo dùng cán bộ thì mới thực hiện được nguyên tắc" vấn đề cán bộ quyết định được mọi việc". Vì vậy, chúng ta càng phải ghi nhớ lời Bác dạy: "Việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay kém, vì vậy, Đảng ta phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Cần phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta"

Đỗ Hoàng Linh
.
.