Chủ tịch Hồ Chí Minh – Ba tháng trên đất Pháp

Thứ Năm, 19/05/2016, 08:25
Sau khi Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 được ký kết, tình hình nước ta vẫn căng thẳng vì lời nói của các phần tử hiếu chiến trong Chính phủ Pháp hoàn toàn đi ngược lại với hành động. Cuộc đàm phán của hai phái đoàn Pháp - Việt tại Đà Lạt cũng không đem lại kết quả rõ ràng. Chính phủ ta quyết định cử một đoàn hội đàm do Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng cùng 11 thành viên sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau.

Ngày 24-3-1946, trong buổi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại vịnh Hạ Long, Cao ủy Pháp D'Argenlieu đã chuyển lời mời của Chính phủ Pháp mời Người sang thăm Pháp với tư cách là Thượng khách của Chính phủ Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận lời và chỉ đưa theo hai thư ký, tùy tùng là Đỗ Đình Thiện và Vũ Đình Huỳnh, không đồng chí nào trong đội bảo vệ tiếp cận được Người cho đi cùng. Việc này đã gây xôn xao dư luận, hàng ngàn lá thư gửi đến khuyên Người không nên đi máy bay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc thư ở Paris (7-1946).

Khi đồng chí Nguyễn Lương Bằng mang vấn đề ra Trung ương, một số đồng chí trong Thường vụ đề nghị Người dừng chuyến đi vì lý do an toàn, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giữ thái độ bình tĩnh và kiên quyết với lời giải thích: Trong Chính phủ Pháp hiện có Đảng Cộng sản tham dự, ta có thể tin vào sự giúp đỡ của Đảng bạn.

Sang Pháp cũng là dịp tốt để đề cao vị trí của Việt Nam, tranh thủ tình cảm của nhân dân Pháp và thế giới. Đặc biệt là cộng đồng người Việt ở Pháp cũng là một chỗ dựa quan trọng vì Người vẫn thường xuyên tiếp xúc, có liên hệ với kiều bào, khích lệ tinh thần yêu nước và động viên họ đoàn kết, hỗ trợ cho cuộc đấu tranh của phái đoàn ta.

Sáng ngày 31-5-1946, từ sớm đã có cả một rừng cờ hoa của người dân Thủ đô đi tiễn Người. Tướng Salan cùng hai nhân viên làm nhiệm vụ tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp ghi lại trong hồi ký: "Chúng tôi gặp nhau ở sân bay Gia Lâm. Trời vẫn mưa. Một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn bộ binh số 6 cùng đại tá Trung đoàn trưởng mang theo quân kỳ và đội quân nhạc bồng súng chào. Chủ tịch chào lại khá lâu. Khi hai chiếc Dakota cất cánh, khăn tay ở trên và ở dưới mặt đất cùng vẫy lên tíu tít giữa tiếng hoan hô và động cơ nổ ầm vang...".

Máy bay cất cánh đi Rangoon (Myanmar), Calcuta-Agra (Ấn Độ), Karachi (Pakistan), Habegna (Iraq), tạm dừng ở Cairo (Ai Cập) và Biskra (Angiêri) rồi đến Biarrits (Pháp), nghỉ tại đây 10 ngày trước khi đi Paris. 16 giờ 15 phút ngày 22-6, sân bay Bourget đông nghịt người, cờ hai nước được treo khắp nơi,  đây là lần đầu tiên trong lịch sử, lá quốc kỳ của nước Việt Nam DCCH đứng ngang hàng cùng lá cờ Pháp, đôi mắt Bác sáng lên long lanh, đăm đắm nhìn lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay vẻ vô cùng xúc động.

Sau lễ chào cờ và duyệt đội danh dự, trước khi lên ôtô, Người nói trước máy ghi âm của phóng viên Hãng thông tấn AFP: "Tôi rất lấy làm hài lòng được đặt chân lên một đất nước đã chịu đau khổ nhiều vì lý tưởng và tự do. Cảm ơn Chính phủ và dân chúng Pháp tiếp đón tôi một cách long trọng. Mong sau này hai dân tộc Pháp và Việt Nam cộng tác một cách bình đẳng, thật thà và thân thiện".

Lễ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tại sân bay Bourget, Paris (22-6-1946).

Buổi lễ đón chính thức Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn ra 10 ngày sau đó và kéo dài suốt 3 ngày theo các nghi thức truyền thống đối với các nguyên thủ quốc gia. Ngoài các cuộc hội đàm, tiếp xúc chính thức với những thành viên Chính phủ Pháp, Người còn đi thăm một số di tích lịch sử, văn hoá ở quanh Paris. Người cũng đi thăm Normandie, nơi quân Đồng Minh đổ bộ mở mặt trận thứ hai chống phát xít và giải phóng nước Pháp.

Kiều bào ta ở Paris rất vui mừng chào đón vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Các đoàn đại biểu trí thức, bác sỹ, kỹ sư, luật sư, hoạ sỹ đều muốn gặp và nói chuyện với Bác Hồ. Một số người còn tha thiết xin được theo Người trở về phục vụ Tổ quốc. Ngày đầu tiên Người đến ở khách sạn Royal Monceau, 60 cháu thiếu nhi, nhi đồng theo cha mẹ đến chào Bác Hồ, phần lớn các cháu không nói được tiếng Việt nhưng đều biết hát Tiến quân ca và câu "Hồ Chủ tịch muôn năm".

Có một Việt kiều làm nghề thợ may quê ở Thanh Hoá xin được gặp Người để trình bày một nguyện vọng riêng, anh nói: "Thưa, cháu có hân hạnh cùng đoàn đại biểu Việt kiều đi đón Bác ở sân bay. Cháu nhận thấy những quan khách của Pháp ra đón đoàn ta đều ăn mặc rất sang trọng, đúng lễ nghi quốc tế. Lúc đoàn ta bước xuống, cháu thấy Bác mặc bộ đồ kaki đại cán quá đơn sơ khiến suốt đêm cháu không ngủ được. Hôm nay cháu xin phép Bác cho cháu được may đo gấp cho Bác vài bộ đồ lớn để mặc với thiên hạ!".

Người tươi cười ôm lấy người thợ may: "Tôi xin cảm ơn tấm lòng tốt của chú đối với đất nước cũng như đối với tôi. Tôi nói thật với chú, toàn dân ta đang nỗ lực chống ngoại xâm để bảo vệ độc lập tự do. Đồng bào ta đã hy sinh và còn phải hy sinh nhiều nữa cho tới khi nào thắng lợi hoàn toàn. Dân ta còn phải cần kiệm hơn nữa để vượt qua khó khăn về mọi mặt. Tôi nhận thấy chúng tôi ăn mặc như thế này cũng còn hơn bà con trong nước nhiều lắm rồi...". Nghe vậy, mọi người đều rưng rưng nước mắt.

Một trong những thành công lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Paris là không những đã nối lại quan hệ gắn bó với ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp và những người đồng chí cũ, mà còn kết giao thêm nhiều bạn bè mới ủng hộ Việt Nam và đồng thời tạo ấn tượng sâu sắc về một đất nước mới độc lập có lá quốc kỳ cờ đỏ sao vàng. Trong thời gian

Người đến ở tại gia đình ông bà Aubrac tại ngoại ô Paris (nơi ông chủ nhà đã chụp trộm được một bức ảnh vị Chủ tịch đang ngủ trưa trên ổ rơm), có một ông già làm vườn thường cung cấp hoa cho gia chủ trang trí trong các phòng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm vùng chiến trường Normandy (17-7-1946).

Một lần, cùng ông bà Aubrac đến thăm ông già làm vườn, Người giải thích về ý nghĩa văn hoá của màu cờ Việt Nam vô cùng giản đơn mà sâu sắc: "Đó là màu đỏ thắm của hoa đào miền Bắc và hoa mai vàng miền Nam!". Từ đó, ông già làm vườn thường xuyên mang những bó hoa thược dược đỏ và vàng đến biếu Người nhưng nhất định không chịu nhận tiền công.

Hơn ba tháng trên đất Pháp, nhất là thời gian ở Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành một đợt hoạt động ngoại giao rất phong phú, đa dạng. Người gặp gỡ, nói chuyện với hầu hết đại diện các chính đảng lớn, những tổ chức chính trị và đoàn thể quan trọng. Người dành nhiều thời gian tiếp xúc rộng rãi với các nhân vật trọng yếu trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hoá, kỹ thuật để nói cho họ hiểu tình hình và chính sách của ta, từ đó họ có thể thông cảm và ủng hộ sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam.

Người cũng đặc biệt chú ý và tranh thủ tình cảm của giai cấp công nhân Pháp. Trong chuyến tàu hoả tốc hành rời Paris đến Marseille dài hơn 1.000km, đoàn tàu phải chạy suốt ngày đêm để kịp đến cảng lúc 8h sáng. Các quan chức Pháp tiễn Bác và anh em cùng đi ra tận bến tàu. Trước khi vào phòng danh dự, trong sự ngạc nhiên của mọi người, Người xin lỗi đi đến đầu tàu "chào một người bạn". Người đến đầu máy gặp anh em thợ máy, thăm hỏi và cảm ơn làm anh em quá ngạc nhiên và xúc động khi một Chủ tịch nước vẫn nhớ tới những người công nhân bình thường.

Lúc Người bắt tay tạm biệt, anh lái tàu lúng túng: "Xin lỗi ngài Chủ tịch nước, tay chúng tôi lấm lem dầu mỡ, bẩn lắm ạ!". Bác nói từ tốn: "Không sao cả. Tay của anh tuy bẩn nhưng tấm lòng của anh trong sạch. Anh là công nhân và đã đưa chúng tôi đi rất an toàn". Tất cả các quan chức Pháp và mọi người có mặt đều xúc động trước tấm lòng nhân hậu và tinh thần đoàn kết quốc tế rộng mở của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hội nghị Fontainebleau bế tắc rồi thất bại. Phái đoàn Việt Nam trở về nước nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nán lại. Quyết định này làm cho mọi người lo lắng bởi không còn đoàn đàm phán và Người cũng không còn là thượng khách nữa, như thế phe thực dân hiếu chiến có thể trở mặt. Nhưng Người vẫn tự tin nói: "Đảng Cộng sản Pháp lúc này cũng có vai vế lắm, các đồng chí ấy không để chúng nó tuỳ tiện hại ta đâu".

Những cuộc hội đàm mật giữa Người và Mute - Bộ trưởng Bộ Hải ngoại Pháp vẫn tiếp tục. Cho đến 1 giờ sáng ngày 15-9 (giờ Paris), Người ký với Mute bản "Tạm ước 14-9" đúng với chủ trương hoà để tiến và ta có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến lâu dài. Sau ngày ký Tạm ước, Người bàn với anh em về nước bằng tàu thuỷ, có người thắc mắc sao không đi máy bay cho nhanh thì Người giải thích: "Không nên đi máy bay, có thể nguy hiểm. Đi tàu thuỷ có cả các thuỷ thủ, Pháp không thể làm bậy. Các chú báo với họ, nói Chủ tịch chúng tôi mệt, không đi được máy bay là xong".

Ngày 18-9-1946, chiến hạm Dumont d' Urville kéo còi rời quân cảng Toulon, đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh và hai tùy tùng cùng bốn tri thức Việt kiều về nước là Võ Quý Huân, Trần Hữu Tước, Vũ Đình Quỳnh, Phạm Quang Lễ.

Nhưng có một vấn đề nảy sinh là hầu hết các tuyến đường biển sang Viễn Đông vẫn đặt dưới sự kiểm soát của Hải quân Anh theo quy chế của Đồng Minh đặt ra từ Thế chiến II nên tàu Dumont d' Urville cũng phải tuân theo luật lệ của Bộ Hải quân Anh. Chủ tịch Hồ Chí Minh liền yêu cầu kéo cờ hiệu của nguyên thủ quốc gia Việt Nam lên cột cờ. Hạm trưởng điện về xin chỉ thị, Paris đồng ý. Thế là trên tàu phải đi kiếm vải may một lá quốc kỳ của ta kéo lên cột cờ.

Hồi đó ít người biết đến lá cờ này nên các quan chức hàng hải Anh quốc bối rối đánh tín hiệu hỏi dồn dập: "Quốc kỳ nước nào đấy? Có vị quốc trưởng nào trên tàu chăng? Có phải bắn súng chào theo nghi lễ không?". Con tàu lênh đênh trên đại dương mênh mông, qua Địa Trung Hải, Hồng Hải và nhiều cảng trên hải trình đã bắn súng chào vị nguyên thủ của nước Việt Nam mới.

Từ trên chiến hạm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã điện cho các quan chức, tướng lĩnh Pháp, ngỏ lời cảm ơn sự đón tiếp nhiệt tình trong hơn ba tháng ở thăm nước Pháp. Người cũng điện về nước, gửi lời chào tới các thành viên Chính phủ ta và báo tin tốt về chuyến đi.

Trên tàu, Người dành nhiều thời gian để trò chuyện và thăm hỏi hoàn cảnh gia đình từng thuỷ thủ một cách thân tình và vui vẻ. Đến bữa ăn, Người ngồi cùng với Hạm trưởng, Hạm phó và một ông linh mục. Người luôn nói chuyện cởi mở và thẳng thắn về các vấn đề chính trị, đặc biệt là tương lai của Việt Nam là độc lập nhưng vẫn hữu nghị với Pháp.

Người cũng ca ngợi hải quân Pháp có những thuỷ binh "xuất thân từ nhân dân lao động". Người còn sử dụng chiến hạm thành địa điểm đào tạo cấp tốc môn chính trị cho các trí thức Việt kiều xin về nước để xây dựng Tổ quốc. Bài học đầu tiên là công tác vận động quần chúng, nâng cao tinh thần ái quốc mà đối tượng cụ thể bao gồm thuỷ thủ đoàn hơn 100 binh lính, sỹ quan Pháp đang cùng đồng hành. Cứ mỗi lần tàu đi qua một nước châu Phi, Arập hay châu Á là Người giảng ngay cho anh em một bài về lịch sử, văn hóa, kinh tế của các nước đó.

Ngày 18-10, chiến hạm tiến vào vịnh Cam Ranh. Trên chiếc thiết giáp hạm Suffren, Đô đốc Thierry d' Argenlieu và Tướng Morliere gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh để trao đổi về việc thi hành Tạm ước 14-9.

Trong cuộc họp báo sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu rằng: "Ngài Đô đốc và tôi đều có ý kiến chung rằng, các báo Sài Gòn và Hà Nội chỗ này, chỗ khác đã tỏ ra quá căng thẳng. Người ta có thể nói lên sự thật và dĩ nhiên không thể nào luôn luôn tặng hoa cho nhau, nhưng có thể tránh được việc chửi rủa nhau... Phải làm tất cả để chấm dứt cuộc chiến và làm nguội các đầu óc. Tôi tin rằng bằng việc thực hiện một cách trung thực bản Tạm ước, chúng ta cải thiện được rất nhiều quan hệ giữa chúng ta trong khi chờ đợi cuộc họp vào tháng Giêng tới...".

16 giờ 17 phút ngày 20-10-1946, sau 40 ngày vượt qua các đại dương, chiến hạn Dumont d' Urville đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn công tác cập cảng Bến Ngự, Hải Phòng trong rừng cờ hoa, khẩu hiệu của hàng vạn đồng bào đất cảng đang chờ đón Người.

Lễ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tại sân bay Bourget, Paris (22-6-1946)

Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm vùng chiến trường Normandy (17-7-1946)

Lễ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tại sân bay Bourget, Paris (22-6-1946)

Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm vùng chiến trường Normandy (17-7-1946)

Đỗ Hoàng Linh (PGĐ Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch)
.
.