Chương trình phục hồi di sản văn hoá của Afghanistan

Thứ Ba, 18/11/2008, 09:15
Chính phủ Afghanistan đang nỗ lực với chiến dịch đầy tham vọng để ngăn chặn làn sóng cướp phá những điểm khảo cổ của đất nước với chương trình xây dựng những nhà bảo tàng mới, đào tạo đội ngũ chuyên gia khảo cổ và thu hồi về nước toàn bộ số cổ vật trị giá hàng tỉ USD đã bị tuồn ra nước ngoài trong 7 năm qua.

Thứ trưởng Văn hóa Omar Sultan nói trong cuộc viếng thăm chính thức Hy Lạp: "Chúng tôi đang trong tiến trình xây dựng 10 nhà bảo tàng cấp tỉnh mới, đào tạo đội ngũ cán bộ khảo cổ, thu hồi về nước kho tàng văn hóa cổ và lập danh sách đỏ về tác phẩm nghệ thuật (bị đánh cắp). Nhưng chúng tôi cũng hết sức cố gắng giáo dục lớp trẻ Afghanistan về tầm quan trọng của văn hóa dân tộc. Bởi vì cả một thế hệ thanh niên hiện nay chỉ biết đến súng đạn và chiến tranh. Nếu lớp trẻ ngày nay nhạy cảm, nếu họ biết hãnh diện về một di sản văn hóa đáng tự hào, thì có lẽ họ sẽ có thể tác động đến bậc cha mẹ của họ đang giúp đỡ những băng nhóm tội phạm".

Afghanistan sở hữu một số kho báu và điểm khảo cổ văn hóa Hy - La có giá trị nhất thế giới. Tất cả một phần do sự xâm chiếm Afghanistan vào năm 337 trước CN của Alexander Đại đế. Kho báu Bactrian bị cướp phá bao gồm những cổ vật như: đĩa vàng, đồ trang sức và vũ khí nạm vàng. Nhà Bảo tàng quốc gia Afghanistan cho biết đã bị đánh cắp 70% kho báu từ năm 1993. Cổ vật đánh cắp thường được tuồn qua biên giới PakistanIran. Những cổ vật quý giá mà Cảnh sát Anh tịch thu được  tại sân bay Heathrow năm 2005 bao gồm hàng trăm món đồ trang sức, tượng đá, đồ thờ bằng vàng, đồ gốm, ấn đồng v.v...

Hiện nay chính quyền Afghanistan đang bắt đầu chương trình thu hồi về nước những đồ tạo tác bị đánh cắp mang ra hải ngoại. Trong năm 2007, hàng trăm báu vật đã được thu hồi từ Đan Mạch và Thuỵ Sĩ. Trong thời gian tới, 4 tấn cổ vật có giá trị tịch thu được tại sân bay Heathrow của Anh từ năm 2005 sẽ lên đường trở về Afghanistan. Nhưng thách thức lớn nhất dành cho Sultan và đồng nghiệp của ông là việc thuê số lượng đông đảo vệ sĩ để bảo vệ hiệu quả những điểm khảo cổ bởi vì Chính phủ Afghanistan không có khả năng chi trả tiền lương hàng tháng cho họ cũng như sự trang bị xe hơi và điện thoại. Chính lỗ hổng về an ninh đã tạo điều kiện cho bọn tội phạm hoạt động mạnh.

Sultan hiện đang kêu gọi cộng đồng quốc tế tài trợ để Afghanistan có điều kiện bảo vệ hiệu quả hơn những điểm khảo cổ cũng như trang bị phương tiện cho vệ sĩ. Sultan cũng muốn có thêm nhiều quốc gia nữa theo chân của Hy Lạp giúp đỡ chuyên gia để đào tạo cán bộ khảo cổ cho Afghanistan (hiện chỉ có 6 nhà khảo cổ đã qua đào tạo!).

Trước khi xảy ra cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ, sau gần 30 năm chiến tranh tàn phá cộng thêm sức hủy diệt của chế độ Taliban nên Afghanistan đã mất rất nhiều di sản văn hóa dân tộc. Trong đó đáng kể nhất là làn sóng cướp phá Nhà Bảo tàng quốc gia ở Kabul. Những tượng Phật khổng lồ trong vùng núi Bamiyan bị Taliban dùng mìn phá hủy năm 2001 đang được phục hồi với sự hợp tác của quốc tế.

Sultan cho biết kho báu mà sắp tới nước Anh sẽ trao trả lại cho Afghanistan là phần lớn những cổ vật từ thời đồ đồng của nền văn minh Bactrian vào thiên niên kỷ thứ 2 trước CN, cũng như thời tiền Hồi giáo về sau.

Sultan nói: "Tôi thường nói rằng di sản văn hóa của chúng tôi không chỉ thuộc về chúng tôi mà còn là di sản của thế giới. Chính vì thế mà tôi hy vọng thế giới sẽ đến giúp đỡ chúng tôi. Khoảng 90% những gì còn nằm trong lòng đất Afghanistan hãy còn chưa được khám phá và chúng cần được bảo vệ"

An Di (theo BBC)
.
.