Chuyện chưa kể về anh hùng Đặng Công Hậu

Chủ Nhật, 08/09/2013, 11:15

Thành tích của một anh hùng trong lực lượng Công an nhân dân, không chỉ là những chiến công đã lập nên trong trận chiến đấu với kẻ thù xâm lược, mà còn cả những câu chuyện về tình người, tình yêu đậm tính nhân văn. Chuyện kể rằng, năm xưa có cô cán bộ Hội Phụ nữ là "hoa khôi" của huyện đã tuyên bố trước hội nghị rằng: "Ai giết được Đội Đồng, tôi sẽ lấy người đó làm chồng". Lời thách cưới này đã khiến cho nhiều chàng trai của Công an quyết tâm lập chiến công để làm quà cưới người đẹp. Chàng trai đó là Đại tá, Anh hùng LLVTND Đặng Công Hậu - Nguyên Giám đốc Công an Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo.

Bảy lần ám sát Đội Đồng

Đại tá, Anh hùng Đặng Công Hậu, tên thường gọi Tư Nam, bí danh Bá Âm, sinh ngày 30/1/1934 tại ấp Mỹ Nhơn, xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Sinh ra và lớn lên tại quê hương giàu truyền thống cách mạng. Cha của Tư Nam là một công chức nhỏ, làm việc trong Hãng xà bông Cô Ba của ông chủ Trương Gia Bền tại Chợ Lớn, thường bí mật tìm cách giúp đỡ cán bộ an ninh hoạt động hợp pháp trong nội thành. Lớn lên chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, dân làm nô lệ, Tư Nam rất căm thù giặc Pháp và nuôi chí trả thù.

Vào năm 1948, Tư Nam mới 14 tuổi, đang đi học trường làng ở Bến Lức nhưng đã tham gia làm liên lạc bí mật cho Việt Minh và Công an Phú Nhuận (Sài Gòn). Một năm sau thì Tư Nam gia nhập lực lượng Công an xung phong, là đội viên Đội 4 Phòng Công an xung phong thuộc Ty Công an tỉnh Chợ Lớn. Tư Nam được tập luyện và nắm rất vững kỹ thuật sử dụng các loại súng ngắn, cài đặt mìn, ném lựu đạn… nắm vững công tác trinh sát, phân tích tình hình địch, tuyên truyền giác ngộ và vận động thanh thiếu niên để phát triển các cơ sở mật. Tư Nam làm Tổ trưởng Tổ hành động số 2, là lực lượng bí mật nòng cốt của Đội 4 - Công an xung phong huyện Trung Huyện.

Đội Công an xung phong bí mật này gồm những thanh thiếu niên gan dạ, mưu trí và rất dũng cảm, hoạt động khắp các địa bàn huyện, là tiền thân của Đội ám sát Công an xung phong Trung Huyện sau này. Cấp trên giao cho đội viên bám trụ địa bàn, xây dựng cơ sở mật, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo của Đảng, vận động nhân dân cảnh giới, phòng ngừa bọn dọ thám, gián điệp.

Trực tiếp tham gia diệt ác trừ gian, bảo vệ cách mạng và cơ sở mật. Tư Nam rất thông thạo địa hình, địa vật nơi đây, biết mọi đường đi nước bước và am hiểu người dân ở địa phương. Nhờ đó mà Tư Nam nhiều lần tham gia đưa đón, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các đoàn công tác qua lại với hàng trăm lượt cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành đến địa bàn bám trụ hoạt động.

Vào khoảng cuối năm 1951, Tỉnh ủy Chợ Lớn đã phát động phong trào "Diệt ác - Phá tề - Trừ gian" dấy lên tinh thần thi đua, yêu nước trong nhân dân và các lực lượng vũ trang. Bọn giặc càng trở nên điên cuồng bố ráp, càn quét, đàn áp rất dữ dội, hòng dập tắt khí thế cách mạng đang sục sôi dâng trào. Đội 4, Công an xung phong trở thành một tiêu điểm quan trọng trong phong trào diệt ác trừ gian.

Chiến công xuất sắc nhất của Đội 4 là vụ  ám sát Đội Đồng tại chợ Tân Bửu, Bến Lức vào ngày 10/2/1951 làm nức lòng quân dân. Riêng Tư Nam đã cùng đồng đội tham gia 20 trận đánh lớn nhỏ, trong vụ tiêu diệt Đội Đồng, Tư Nam trực tiếp nổ súng bắn hạ tại chỗ.

Hiệp định Geneve ký kết, Tư Nam được bố trí ở lại miền Nam chiến đấu, nhưng sau một thời gian bị lộ. Trong hồi ký, Trưởng Ty Công an tỉnh Chợ Lớn - Huỳnh Việt Thắng - đã kể lại, trong lúc ông đang sắp xếp đưa một số cán bộ cốt cán xuống Chắc Băng để tập kết thì có người báo cáo về tình hình Tư Nam đang bị địch truy tìm ráo riết, liên lụy đến cả gia đình. Tư Thắng nghe xong nhận ra ngay là người đồng hương cấp dưới của ông rất dũng cảm, liền bố trí cho Tư Nam xuống ngay Cà Mau kịp lên chuyến tàu cuối cùng đi tập kết.

Sau đó, Tư Nam theo học Trường Công an Trung ương (C500), phân công về làm trinh sát ở Ty Công an khu Hồng Quảng (Công an tỉnh Quảng Ninh). Thời gian công tác ở đây, Tư Nam trực tiếp tham gia phá nhiều vụ án phản động phá hoại kinh tế, an ninh, lợi dụng tôn giáo ở Bùi Chu, Phát Diệm xuyên tạc sự thật về chính sách chủ trương của Đảng, kích động, xúi giục di dân vào Nam và gây rối bạo loạn nhiều nơi, âm mưu lật đổ chính quyền. Khu Hồng Quảng, Hải Ninh còn là nơi bọn phản động Hồng Vệ binh, tiểu tướng từ Trung Quốc thường xuyên gây rối tại các huyện biên giới Việt - Trung.

Đến tháng 2/1962, Tư Nam xung phong tình nguyện về miền Nam chiến đấu, lần lượt nắm giữ các chức vụ như: Cán bộ An ninh T4 Sài Gòn - Gia Định, Trưởng ban An ninh huyện Bình Tân 4, Bí thư Huyện ủy Tân Bình, Phó ban An ninh Phân khu 2, 23, Trưởng ban An ninh tỉnh Long An, Ủy viên An ninh khu miền Đông Nam Bộ…

Giám đốc Công an Đặc khu tháp tùng Bộ trưởng Bộ Nội vụ Mai Chí Thọ thăm giàn khoan dầu khí

Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo thành lập, Tư Nam về làm Giám đốc Công an Đặc khu. Từ tháng 1/1990 đến tháng 6/1993, ông là Ủy viên Ban Thường vụ - Phó chủ tịch UBND Đặc khu. Ông lãnh đạo đấu tranh chống phá hoại của địch, bảo vệ an toàn thềm lục địa và giàn khoan dầu khí. Giữa năm 1995, ông nghỉ hưu theo chế độ.

Trở về với cuộc sống đời thường, ông  tích cực tham gia công tác xóa đói giảm nghèo, thực hiện các chính sách đền ơn đáp nghĩa; đã vận động quyên góp gần 300 triệu đồng để xây dựng các công trình điện, nước, đường giao thông, cơ sở y tế, trường học ở nông thôn, nhà tình nghĩa...

Trung tướng Châu Văn Mẫn đã nói về ông: "Đặc biệt, khi làm Giám đốc Công an Đặc khu, ông đã chỉ đạo bắt và ngăn chặn hàng ngàn vụ vượt biên trái phép, phá hàng trăm vụ án lớn góp phần vào sự nghiệp bảo vệ vững chắc ANTT ở địa phương". Ngày 22/7/1998, Đại tá Đặng Công Hậu được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Giám đốc Công an đặc khu (thứ 5 từ phải qua) tháp tùng Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Mai Chí Thọ (đứng thứ 4, phải qua) thăm giàn khoan dầu khí.

Chuyện tình

Câu tuyên bố: "Ai giết được tên Đội Đồng, tôi lấy người đó làm chồng" của cô Huỳnh Thị Cúc 22 tuổi, Ủy viên Thường trực BCH Hội Phụ nữ cứu quốc huyện Trung Huyện trong một hội nghị. Cô Cúc có gia đình bị tên Đội Đồng giết hại, nên thoát ly tham gia cách mạng rất sớm. Thời bấy giờ, cô được xem là hoa hậu của huyện Trung Huyện, nên lời thách cưới của cô khiến cho bao nhiêu chàng trai quyết tâm thực hiện.

Đội Đồng tên thật là Trần Mộc Đồng, tên mật thám gian ác khét tiếng ở Trung Huyện. Qua mấy năm đầu kháng chiến, y đã chặt đầu, mổ bụng, moi gan, hãm hiếp phụ nữ rồi giết hại dã man hơn 240 cán bộ và đồng bào yêu nước trong vùng. Đã có cán bộ công an xung phong Trung Huyện như đồng chí Nguyễn Minh Trung đã bị Đội Đồng giết hại (năm 1996 được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân). Đồng chí Tư Già, bị Đội Đồng bắn chết giữa đường, rồi chặt đầu cắm cọc bêu trước chợ để khủng bố tinh thần nhân dân.

Đội 4 - Công an xung phong được Ty Công an tỉnh Chợ Lớn giao nhiệm vụ phải bằng mọi giá tiêu diệt Đội Đồng trả nợ máu cho nhân dân. Đã từng ba lần phục kích ám sát Đội Đồng song đều không thành công. Cho đến một ngày, Đội trưởng Nguyễn Văn Thế tập hợp lực lượng và thông báo tên ác ôn Đội Đồng đã điều về tiểu khu Tân Bửu. Anh em rất hăm hở muốn tiêu diệt con quỷ khát máu này.

Theo mô tả, Đội Đồng khoảng 30 tuổi, tầm vóc trung bình, cằm nhọn, da trắng, khỏe mạnh, là xạ thủ súng ngắn và rất giỏi võ. Về Tân Bửu, Đội Đồng mang lon quan I, sếp bót thuộc sắc lính Commandos (Com-măng- đô) của Pháp. Kế hoạch của Tổ hành động đã được duyệt: bắn Đội Đồng tại chợ giữa ban ngày, thời gian từ 7 đến 9 giờ lúc đông người nhất. Đường tiến và rút lui của đội ám sát về phía bót Quản Đội, cầu Đình. Yểm trợ bên ngoài là hai đồng chí Hai Nhành, Ái Sáu cùng đội du kích Tân Bửu. Đồng chí Tư Nam bắn chính, Ái Đột bắn phụ và Mười Què chỉ huy.

Anh em đặt ra kỷ luật rất nghiêm: Ai không chấp hành mệnh lệnh bắn: tử hình. Nếu có lệnh bắn mà không bắn: tử hình. Có điểm bắn mà không ra lệnh bắn: tử hình.

Đã có 6 lần áp sát mục tiêu nhưng tổ hành động của Tư Nam vẫn chưa có cơ hội ra tay. Vào lúc 8 giờ 45 phút ngày 9/2/1951, Mười Què ra ám hiệu Đội Đồng đã xuất hiện. Tư Nam và Ái Đột lần lượt tiến áp sát mục tiêu. Đội Đồng cùng 12 tên lính trang bị súng đạn đi vào khúc cua, cách chỗ Tư Nam đứng chưa đầy một thước, nhưng Mười Què vẫn không ra hiệu giở nón (hiệu lệnh bắn). Cuộc họp trưa hôm đó diễn ra khá nặng nề, gay gắt khi Tư Nam và Ái Đột đòi xử tử Mười Què vì "có điểm bắn mà không ra lệnh bắn".

Mười Què phân trần giải thích: do Đội Đồng có 12 tên lính đi xung quanh sau trước, thắt lưng quấn đầy băng đạn, chợ sáng đang lúc đông bà con quá, nếu nổ súng sẽ nguy hiểm cho hai đội viên ám sát và bà con trong chợ… Đội trưởng Ba Thế khen ngợi Mười Què xử lý tình huống thông minh và đúng đắn, vì không thể liều lĩnh hy sinh, đặc biệt là có nhiều người dân vô tội.

Lần thứ 7, cơ hội ám sát Đội Đồng đã đến, lúc đó 8 giờ 48 phút sáng ngày 10/2/1951, Tư Nam được chọn là người nổ súng đầu tiên tiêu diệt. Đội Đồng cùng 10 tên lính đi ruồng bố qua đêm, về ngang chợ thẳng về bót Section xuất hiện tại khúc cua vào chợ. Hắn mặc quần soóc màu vàng, đeo kính gọng vàng, chải đầu bóng mượt tiến vào chợ. Khi Đội Đồng vừa lọt vào điểm đã xác định, Mười Què giở nón phẩy mạnh làm hiệu ra lệnh bắn.

Nhận lệnh, Tư Nam và Ái Đột từ một tiệm thuốc bắc của người Tàu bên kia đường đã nhanh chóng tiếp cận mục tiêu, khẩu súng ngắn trong tay Tư Nam liên tiếp nhả hai phát đạn hạ gục Đội Đồng tại chỗ. Cả khu chợ hoảng loạn, anh em công an tranh thủ rải truyền đơn rồi lẩn vào đám đông thoát ra an toàn.

Đội Đồng bị Công an xung phong ám sát giữa chợ, tin chiến thắng nhanh chóng loan khắp vùng Tân Bửu và các nơi… khiến bà con vui mừng hả hê, gõ mõ, đánh trống ăn mừng. Chuyện về anh hùng ám sát Đội Đồng bay về Hội Phụ nữ cứu quốc khiến cô gái Huỳnh Thị Cúc má đỏ phừng cả ngày vì lời đã hứa. Tim của cô như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực vì vui mừng chờ mong ngày "gặp mặt" anh hùng giết giặc.

Đội 4 - Công an xung phong được lãnh đạo Ty Công an tỉnh, Công an huyện đến chúc mừng, khen thưởng. Riêng Tư Nam được Giám đốc Ty Công an tặng một khẩu súng lục mới cáu cạnh. Giám đốc Sở Công an Nam Bộ tặng bằng khen, Hội Phụ nữ tặng 30 khăn thêu dòng chữ "Tặng anh hùng giết giặc".

Nhưng ai nào ngờ, duyên phận đã không cho cô Cúc thực hiện lời đã hứa, vì người anh hùng Tư Nam năm đó mới hơn tuổi 16, còn cô đã 22 tuổi. Tuổi tác là một trở ngại lớn cho đôi lứa thời bấy giờ. Dù năm đó cô Cúc rất xinh đẹp, trẻ trung nhưng Tư Nam và cô đành phải ngậm ngùi nhận làm "chị em kết nghĩa". Chuyện về người anh hùng đã được viết vào bản thành tích đề nghị tặng danh hiệu Anh hùng như một chiến công lớn và kỷ niệm sâu đậm nhất trong cuộc đời một cán bộ công an

Hoàng Châu
.
.