Chuyện chưa kể về những chủ nhân Điện Élysée (kỳ cuối)

Thứ Sáu, 02/06/2017, 11:05
Hai tổ chức vũ trang "Tổ chức quân đội bí mật" (OAS) và "Hội đồng kháng chiến quốc gia" (CNR) điên cuồng chống đối việc De Gaulle trao trả độc lập cho Algérie và cho đây là một hành động phản bội lại nước Pháp. Từ tháng 12-1960 đến tháng 12-1962, đã xảy ra nhiều vụ mưu sát nhắm vào ông nhưng không thành, trong đó vụ mưu sát xảy ra vào tối ngày 22-8-1962 được xem là táo bạo nhất.


25 ngày phá vụ mưu sát táo bạo nhất nhắm vào Tổng thống Charles De Gaulle

Thất bại thảm hại của đội quân thực dân Pháp thiện chiến trong trận Điện Biên Phủ ở Việt Nam - đất nước đã trăm năm bị người Pháp xem là thuộc địa - vào tháng 5-1954 thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh giành độc lập tại các nước thuộc địa ở châu Phi. Cuộc chiến tranh cách mạng Algérie nổ ra từ năm 1958, hơn 10 vạn chiến binh Hồi giáo và 1 vạn binh sĩ Pháp thiệt mạng trong cuộc chiến, chưa kể đến hàng ngàn thường dân Hồi giáo và hàng trăm thường dân châu Âu khác để đổi lấy nền độc lập cho Algérie.

Ngày 18-3-1962, Tổng thống Pháp De Gaulle và các nhà lãnh đạo của Mặt trận Giải phóng Quốc gia Algérie (FLN) đã ký một thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt cuộc Chiến tranh Algérie, kết thúc 130 năm Pháp đô hộ tại đây.

Hai tổ chức vũ trang "Tổ chức quân đội bí mật" (OAS) và "Hội đồng kháng chiến quốc gia" (CNR) điên cuồng chống đối việc De Gaulle trao trả độc lập cho Algérie và cho đây là một hành động phản bội lại nước Pháp. Từ tháng 12-1960 đến tháng 12-1962, đã xảy ra nhiều vụ mưu sát nhắm vào ông nhưng không thành, trong đó vụ mưu sát xảy ra vào tối ngày 22-8-1962 được xem là táo bạo nhất.

Tổng thống Charles de Gaulle trên chiếc Citroen.

20 giờ 10 phút ngày 22-8-1962, khi chiếc xe hiệu Citroen chở Tổng thống De Gaulle đang di chuyển từ điện Élysées đến sân bay quân sự Villacoublay ngang qua thị trấn Petit-Clamart, thì bị tấn công. Từ cự ly 20 mét, nhiều tay súng nấp trong chiếc xe tải hiệu Renault màu vàng đỗ bên vệ đường nổ súng vào chiếc xe chở Tổng thống De Gaulle và con rể là đại tá Marcel Julian.

Cách khoảng 50 mét về phía trước, trên một nhánh đường nhỏ rẽ sang bên trái, từ một chiếc xe nhỏ hiệu Peugeot, hai tay súng ở trong xe bắn xối xả vào chiếc Citroen làm hai bánh xe nổ tung, một viên đạn bay sượt qua đầu Tổng thống.

Người lái chiếc Citroen quyết định nhấn ga tăng tốc, vượt qua mấy tay súng, chạy vào thị trấn ngoại ô Petit-Clamart. Lập tức, các tay súng đuổi theo bắn tiếp và chỉ chịu biến mất khi có hai xe tuần tra của cảnh sát đến ứng cứu. Tổng thống De Gaulle bình yên vô sự. Tại sân bay Villacoublay, trước khi đáp trực thăng đến nhà nghỉ của gia đình ở Colombay-Deux-Églises, cách Paris 170 km, De Gaulle vẫn bình thản phủi những mảnh kính xe còn bám trên áo và nói đùa với đại tá Marcel Julian: "Mấy tay đó bắn tồi quá!".

45 phút sau khi sự việc xảy ra, thanh tra Maurice Bouvier, chỉ huy Phòng Cảnh sát tư pháp của Sở Cảnh sát Paris, nhận lệnh phụ trách cuộc điều tra và đưa ngay các điều tra viên giỏi nhất của mình đến Petit-Clamart.

Tại hiện trường vụ mưu sát, các nhân viên điều tra thu thập các vỏ đạn vung vãi trên đường và lề đường, chụp ảnh các vết đạn và dấu bánh xe, hỏi han các nhân chứng. Có tất cả 6 viên đạn găm vào xe tổng thống và 4 viên khác găm vào xe hộ tống; một viên đạn găm vào mũ sắt của viên cảnh sát đi xe mô tô hộ tống và một viên khác trúng vào thùng bên của chiếc xe mô tô hộ tống thứ hai.

Không lâu sau, chiếc xe tải hiệu Renault màu vàng được phát hiện ở một quảng trường gần đó. Trong xe có rất nhiều vũ khí, mìn, lựu đạn... Biển số xe cho biết chiếc xe thuộc một điểm cho thuê xe ở thành phố nhỏ Joigny, cách Paris 75 km. Người chủ điểm cho thuê xe khai với cảnh sát là đã có một người đàn ông tên Jean Francois Murat thuê xe, tất nhiên đó là một cái tên giả.

Thanh tra Bouvier cho phát lệnh kiểm tra tất cả các khách sạn, nhà trọ và cả điểm cho thuê xe trong bán kính 300 km cách thủ đô Paris từ đó cảnh sát nắm được nhiều bằng chứng cho thấy tên Murat đã thuê nhiều chiếc xe khác nhau cho toán sát thủ tại nhiều thành phố xung quanh thủ đô Paris.

Đến ngày 26-5, cảnh sát đã tìm ra đầu mối thứ hai khi các cư dân ở đại lộ Victor Hugo khai báo có thấy một chiếc xe tải màu vàng hiệu Renault đỗ trước một cửa hàng trong suốt cả buổi chiều ngày 22-8. Nhiều người trên xe đã ra vào cửa hàng. Điều tra của cảnh sát cho biết đó là cửa hàng của gia đình Bertin. Cô con gái Monique Bertin là thư ký của một nhóm chính trị chủ trương không trao trả độc lập cho Algérie. Monique có một người anh tên Pascal, một sinh viên có chân trong một tổ chức cực hữu do Jean Pierre Naudin cầm đầu. Pascal đã bỏ trốn sau khi xảy ra vụ mưu sát.

Sau nhiều ngày bị thuyết phục, cuối cùng Monique cũng khai ra nơi Pascal đang lẩn trốn, đó là một căn nhà nhỏ của gia đình ở vùng ngoại ô Saint-Denis. Chiều ngày 1-9-1962, cảnh sát ập vào ngôi nhà và bắt giữ Pascal.

Từ lời khai của Pascal, cảnh sát bắt tiếp Pierre Magade, một cựu lính nhảy dù từng tham chiến tại Việt Nam và Algérie. Magade khai báo là bị lôi kéo vào vụ mưu sát vào giây phút cuối cùng để thay thế cho một trong những tài xế tham gia.

Từ lời khai của Magade, cảnh sát bắt tiếp 5 trong số các tay súng trong đó có 3 cựu lính nhảy dù, một viên chức làm việc ở Bộ Hàng không, một sĩ quan quân đội, nhưng kẻ chủ mưu vẫn chưa lộ diện.

Trong khi đó, mũi điều tra về cái tên Murat đã phát hiện ra hắn ta có  gọi điện thoại đường dài từ khách sạn Britany ở thành phố Reims cho một người lạ mặt. Sau nhiều ngày tích cực thẩm tra, cảnh sát biết kẻ lạ mặt tên Henri Niaux, một sĩ quan 48 tuổi, có chân trong OAS. Bị bắt giữ ngay sau đó nhưng chưa kịp khai nhận điều gì thì Niaux đã tự sát chết trong trại giam.

Tiến hành lục soát căn hộ của Niaux, cảnh sát tìm thấy một bộ quần áo bên trong có hai biên nhận thuê xe và hai biên nhận giặt ủi. Từ những chứng cứ này, cảnh sát đã lần ra một nhân vật khác có biệt danh Didier hoặc Leroy, mà theo lời khai của những tên tham gia vụ mưu sát, đó chính là kẻ đã tổ chức và chỉ huy.

Lục tung hồ sơ về những kẻ tình nghi tham gia tổ chức OAS và CNR, với bản năng của một thanh tra chuyên nghiệp, Maurice Bouvier chú ý đến một cái tên, đó là Jean Pierre Bastien Thiry, 45 tuổi, cựu phi công chiến đấu, từng tốt nghiệp Đại học Bách khoa Paris và hiện làm cố vấn ở Bộ Hàng không. Bị thẩm vấn, lúc đầu Bastien-Thiry không chịu thú nhận gì cả. Thế nhưng khi kiểm tra căn hộ của ông ta, cảnh sát tìm thấy một mẩu báo bị xé từ một tờ báo phát hành ở Paris vào ngày 22-8-1962.

Trên mẩu báo có viết một chữ nguệch ngoạc "Hubert Leroy" cùng với tên và số điện thoại của một khách sạn ở Paris. Đó là khách sạn Terminus-Vaugirard, nằm ngay giữa tuyến đường mà Tổng thống De Gaulle thường đi từ Điện Élysées đến sân bay Villacoublay. Cho người chủ khách sạn nhận dạng ảnh của Bastien Thiry, ông ta cho biết đó là người đàn ông đến thuê một phòng trong khách sạn dưới cái tên Hubert Leroy vào ngày 22-8.

Trước những chứng cứ xác đáng này, Bastien Thiry đành phải thú nhận chính là kẻ đã tổ chức và chỉ huy vụ mưu sát nhắm vào Tổng thống De Gaulle. Chỉ sau hơn 25 ngày, cảnh sát đã phá được vụ mưu sát táo bạo nhất nhắm vào tổng thống Pháp.

Vào ngày 21-5-1963, một tòa án quân sự đặc biệt đã kết án tử hình Jean Pierre Bastien Thiry, kết án tử hình vắng mặt Jean Francois Murat. Những kẻ còn lại tham gia vụ mưu sát đều bị kết án từ chung thân đến 15 năm tù giam.

Nhiều thập niên sau khi xảy ra vụ mưu sát táo bạo nhắm vào Tổng thống Charles de Gaulle, người ta mới biết Jean Francois Murat chính là một thành viên khét tiếng của tổ chức OAS với tên thật là Georges Watin, có biệt danh "Gã thọt" và đã đào thoát sang Paraguay, quốc gia Nam Mỹ và sống tại đó cho đến khi qua đời vào năm 1997.

Cựu Tổng thống ở tuổi ngoài 80 vẫn viết chuyện tình

Ngày 19-5-1974, nguyên Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Valéry Giscard d'Estaing đắc cử tổng thống ở tuổi 48 tuổi, thời đó được xem là vị tổng thống trẻ chỉ sau Louis-Napoléon Bonaparte lên làm tổng thống lúc 40 tuổi.

Trong nhiệm kỳ của ông (1974-1981), xã hội Pháp đã có quan điểm phóng khoáng hơn trong những vấn đề như ly dị, đồng tính luyến ái, ngừa thai và phá thai trong khi bản thân ông bị đánh giá là vị tổng thống có phần cao ngạo và xa cách quần chúng. Tuy vậy, ông không hề thua kém các bậc tiền bối ở điểm… đào hoa phong tình, nếu không muốn nói là một tay "sát gái" khi dính nhiều cuộc tình "ngoài luồng".

Theo tiết lộ của tuần báo châm biếm Le Canard Enchainé (Con vịt buộc) vào năm 1974, trong vụ tai nạn một chiếc xe hiệu Ferrari đâm vào một chiếc xe tải nhỏ chở sữa, người ngồi sau tay lái chiếc Ferrari lúc đó là Tổng thống Giscard và bên cạnh ông là một nữ diễn viên nổi tiếng.

5 năm sau, tháng 10-1979, lại chính tờ Le Canard Enchainé tiết lộ một thông tin cho rằng, Valéry Giscard d'Estaing, khi còn là Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính dưới thời Tổng thống Georges Pompidou, đã nhận nhiều món quà kim cương đắt giá (trong số đó có một viên kim cương nặng đến 30 cara) từ ông hoàng Trung Phi Jean Bedel-Bokassa.

1 tháng trước khi Le Canard Echainé tiết lộ sự việc, ông hoàng Bokassa đã bị phế truất dưới sự hỗ trợ của quân đội Pháp và có bàn tay sắp xếp của VGE (3 chữ cái đầu của Valéry Giscard d'Estaing). Cho rằng mình bị phản bội, Bokassa đã cung cấp các thông tin về những món quà "lót tay" tặng cho VGE trong thời kỳ tình bằng hữu giữa họ còn nồng ấm; nồng ấm đến mức VGE còn "kết tình thân mật" với bà hoàng Cathérine, một trong các bà vợ của ông hoàng Bokassa. Chưa hết, một thời ông còn là tâm điểm của báo chí khi bị phanh phui chuyện "qua lại" với nữ nhiếp ảnh gia Marie- Laure de Decker.

Tổng thống VGE là tác giả các quyển sách: "Nền Cộng hòa Pháp" (ấn hành năm 1976), "Hai người Pháp trên ba" (năm 1981), "Quyền lực và đời sống" (năm 1984). Khác hẳn các tác phẩm nặng nề chủ đề chính trị xã hội, quyển "Một thoáng qua đường" (Le passage - xuất bản năm 1994), lại khiến độc giả ngạc nhiên trước tài viết… chuyện tình đầy hấp dẫn và lãng mạn của một cựu tổng thống. Đó là câu chuyện về một cuộc tình đầy đam mê và cả đau khổ được thể hiện dưới ngòi bút của một văn sĩ có giọng văn đằm thắm và bay bổng.

Chưa dừng lại ở đó, khi đã bước sang tuổi 83, cựu Tổng thống Pháp VGE vẫn cho ra đời cuốn tiểu thuyết "La princesse et le président" (Công nương và Tổng thống) nói về cuộc tình bí mật và lãng mạn giữa một tổng thống Pháp và công nương xứ Wales.

Công nương Diana và cựu Tổng thống Pháp Valery Giscard d'Estaing tại điện Versailles năm 1994. Ảnh: The Independent.

Khi quyển sách đến tay độc giả, mọi người không khó để nhận ra hai nhân vật chính là hiện thân của tác giả và công nương Diana nhờ vào tình tiết công nương Patricia của xứ Cardiff (xứ Wales, thuộc Anh) và tổng thống Jacques-Henri Lambertye gặp nhau tại cung điện Buckingham nhân bữa tiệc tối kết thúc hội nghị G7. 

Công nương xinh đẹp đã thổ lộ với vị tổng thống về chuyện soi mói, đeo bám của giới truyền thông đã khiến cuộc sống của cô vô cùng căng thẳng trong khi chồng cô quay lại với người tình cũ. Những trang sách còn miêu tả mối quan hệ nồng nàn của công nương xứ Wales và vị nguyên thủ Pháp trong những ngôi nhà ở vùng nông thôn Pháp.

Tờ Le Figaro của Pháp có ngay bài bình luận với tiêu đề "Hư cấu hay thực tế?" khi điểm lại dòng hồi ức của tác giả: "Tôi hôn tay cô và cô ngước nhìn tôi bằng một ánh nhìn hoài nghi, đôi mắt màu xám nhạt của cô mở to khi cô nghiêng đầu về phía trước...". Sau đó, họ cùng đi chuyến tàu sau lễ kỷ niệm ngày "D-day" ở Normandy năm 1984 và tổng thống Lambertye lặng lẽ siết tay công nương dưới gầm bàn.

Câu hỏi "Hư cấu hay thực tế?" mãi dừng lại trong những trang tiểu thuyết ấy vì cho đến nay, báo chí chưa từng thu thập thêm được những chứng cứ xác đáng hơn để khẳng định chuyện tình giữa công nương Diana và cựu tổng thống Valéry Giscard d'Estaing là có thật dù họ có gặp nhau tại các buổi tiệc và lễ tiếp tân. Khi công nương qua đời tại Paris năm 1997, vợ chồng ông d'Estaing trong số những người đầu tiên gửi hoa tới bệnh viện mà công nương được đưa đến và mất ở đó.

Quang Học (tổng hợp)
.
.