Chuyện chưa kể về tướng Henri Navarre: Toan tính lớn và rạn nứt nội bộ

Thứ Năm, 22/05/2014, 19:30

Henri Navarre là một tướng chiến trận, nhưng không mang dáng vẻ của một thủ lĩnh mà giống một chuyên gia tham mưu lạnh lùng, thâm trầm với xuất thân từ giai cấp quý tộc. Không phải ngẫu nhiên Navarre được chọn sang Đông Dương. Cá tính cương nghị, trình độ tri thức về quân sự đã khiến cho Navarre được đánh giá là một nhà chỉ huy lớn. Lúc đầu, Navarre không mặn mà gì với cương vị Tổng chỉ huy quân đội Pháp mà nhiều người tiền nhiệm lừng danh đã thất bại.
>> Tướng Henri Navarre và kế hoạch bị phá sản

Navarre từ chối với lý do là mình không có kinh nghiệm về Đông Dương. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Rene Mayer bấy giờ đã biết cách thuyết phục Navarre bằng sự khẳng định: chính sự thiếu kinh nghiệm đó lại là lý do để lựa chọn, vì nhà cầm quyền ở Sài Gòn đang cần một con người mới để nhìn nhận vấn đề bằng cái nhìn mới. Lời nói này đã làm cho Navarre xiêu lòng. Đã vậy, Navarre muốn mang lại cho Đông Dương “một cái gì khác” những người tiền nhiệm.

Bức điện mật cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ

60 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, một câu hỏi lớn vẫn tồn tại: Vì sao cả đôi bên tham chiến bỗng dưng dồn những lực lượng tinh nhuệ nhất của mình vào một thung lũng giữa vùng rừng núi cực tây Bắc Bộ heo hút, tiến hành trận quyết đấu cuối cùng mà trước đó họ chưa hề nghĩ tới? Mọi người đều tin là việc đánh chiếm Điện Biên Phủ không hề có trong kế hoạch của Navarre. Vị Tổng chỉ huy quân đội Pháp phải làm việc này do phát hiện ra Đại đoàn 316 tiến lên Tây Bắc, đe đọa đồn binh Lai Châu và Luông Pha Băng, thủ đô Vương quốc Lào.

Thế nhưng, nguyên nhân lại xuất phát từ một bức điện mật ngày 20/11/1953 do chính Navarre gửi về Paris, báo cáo cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Bức điện viết: "Đại đoàn 316 tiến lên Tây Bắc, đe dọa nghiêm trọng đồn binh Lai Châu và có nghĩa là trong một thời gian ngắn sẽ tiêu diệt lực lượng maquis (lực lượng binh lính người Thái được tổ chức trong cái gọi là Binh đoàn không vận hỗn hợp) của ta tại vùng thượng du. Tôi đã quyết định có một hành động ở Điện Biên Phủ. Nếu ta chiếm lại được thì sẽ bảo đảm che chở cho Luông Pha Băng. Nếu không làm như vậy, chỉ trong vài tuần nữa, Luông Pha Băng sẽ bị nguy hiểm nghiêm trọng".

Lúc đầu, Navarre chỉ coi Điện Biên Phủ là một cứ điểm bình thường để ngăn chặn một hành động quân sự của đối phương. Nhưng khi phát hiện thêm hai đại đoàn nữa là 308 và 312 đang di chuyển lên Tây Bắc, ông ta đã chú trọng tăng cường binh lực để nơi đây trở thành trận quyết chiến của hai bên. Vào ngày 17/12/1953, Navarre cùng với trung tướng René Cogny - Tư lệnh chiến trường Bắc Bộ - lên thăm Điện Biên. Ông ta tỏ ý rằng cuộc chiến ở Điện Biên, nếu xảy ra thực sự, thì sẽ ác liệt và khó khăn hơn ở tập đoàn cứ điểm Nà Sản.

Nhưng Cogny ngay lập tức đứng lên phát biểu thay mặt cho toàn bộ tướng lĩnh ở Điện Biên: "Vị trí phòng ngự của chúng ta mạnh hơn Nà Sản nhiều. Pháo binh của ta không chỉ mạnh hơn mà còn được đặt ở vị trí hoạt động có hiệu quả hơn. Quân Việt Minh phải vượt 500 km đường bị ném bom để có thể tới đây. Không nên làm điều gì để Việt Minh không tiến đánh". Không chỉ Cogny, hơn 50 tướng tá và chính khách của Pháp, Mỹ đến thăm Điện Biên đều cho rằng đây là một pháo đài "bất khả xâm phạm".

Được Tổng Chỉ huy Navarre cất nhắc, René Cogny (đội mũ sẫm màu) được phong Trung tướng và trao quyền Tư lệnh Chiến trường Bắc Bộ.

Henri Navarre biết rõ mình là ai. Chỉ qua những biểu hiện bên ngoài, người ta cũng dễ nhận thấy điều đó. Lịch sự nhưng xa cách, thân tình nhưng kiêu kỳ, không tranh cãi, không giải thích khi gặp sự phản bác của cấp dưới, và cũng không khoe khoang về những chiến tích của mình. Đó là cái thường gặp ở những người có quyền lực và đầy tự tin.

Các tài liệu của Pháp sau này chỉ ra rằng, quyết định của Navarre khi chọn Điện Biên Phủ dựa trên các yếu tố so sánh lực lượng mà người Pháp thấy rất có lợi. Trước hết, về hậu cần, trong khi quân Pháp có máy bay vận tải để tiếp tế Điện Biên rất nhanh chóng thì họ biết rằng quân Việt Minh chỉ có thể dùng sức người là chính vì đường sá tiếp cận Điện Biên rất xấu.

Hỏa lực là yếu tố quan trọng trong chiến tranh hiện đại. Quân Pháp ở Điện Biên có máy bay ném bom ngay tại chỗ, lại có nhiều máy bay cất cánh từ Hà Nội, Hải Phòng có thể ứng cứu. Ngoài ra, còn có 24 khẩu pháo 105 mm và 4 khẩu đại pháo 155mm cùng gần 30 khẩu cối 120 mm. Trong khi đó, Việt Minh khó có thể đưa được pháo lớn vào đánh Điện Biên do khó khăn về đường di chuyển. Địa hình bằng phẳng trong khu vực Điện Biên Phủ là một yếu tố địa lợi giúp quân Pháp phát huy ưu thế hỏa lực của máy bay ném bom, của xe tăng… còn Việt Minh thì không còn chỗ ẩn núp.

Bản thân cứ điểm Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm phòng ngự có hỏa lực mạnh. Toàn bộ khu vực gồm 49 cứ điểm được chia làm 3 phân khu. Các cứ điểm có sự liên kết chặt chẽ với nhau theo những tính toán rất chi tiết. Khi đối phương tấn công vào một cứ điểm, hỏa lực mà họ gặp phải không chỉ của bản thân cứ điểm mà còn có hỏa lực của các cứ điểm xung quanh cùng với bom của máy bay và pháo từ các trận địa trong trung tâm cứ điểm hỗ trợ.

Khi phát hiện bộ đội Việt Minh di chuyển lên Tây Bắc, Navarre ra lệnh cho trung tướng René Cogny điều quân lên Điện Biên để ngăn chặn hướng di chuyển của Việt Minh, bảo vệ vùng Thượng Lào. Ngày 20/11/1953, Cogny tổ chức cuộc hành binh cho quân nhảy dù xuống chiếm Điện Biên. Liên tục sau đó, lực lượng quân Pháp đồn trú ở Điện Biên cứ tăng cường thêm.

Tư lệnh Chiến trường Bắc Bộ “giáo huấn” Tư lệnh Đông Dương

Báo chí Pháp xoáy sâu vào một vấn đề không còn là một bí mật nữa: mâu thuẫn sâu sắc giữa hai chỉ huy quân sự cao cấp tại chiến trường Đông Dương: tướng Henri Navarre và tướng René Cogny. Người thứ nhất là Tổng Chỉ huy, tác giả của Kế hoạch Navarre - xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chấp nhận đối đầu trực diện với Việt Minh. Còn người thứ hai là Tư lệnh Chiến trường Bắc Bộ, cũng là người chịu trách nhiệm chỉ huy trực tiếp Điện Biên Phủ. Hai tướng Pháp lao vào cuộc tranh cãi không ngớt đổ trách nhiệm cho nhau sau thất bại nặng nề.

Được gắn thêm sao và tin tưởng nhận trọng trách Tư lệnh Chiến trường Bắc Bộ trước khi chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, René Cogny bấy giờ ở vào giai đoạn vinh hiển nhất trong đời binh nghiệp. Lúc được bổ nhiệm, Cogny đã ưỡn ngực nói với Navarre: "Ngài sẽ không phải hối tiếc về việc đó". Thế nhưng, khi hỏa lực của Quân đội nhân dân Việt Nam oanh tạc lòng chảo Điện Biên, Cogny lại tỏ ra run sợ. Và khi cảm nhận nòng súng của đối phương đang gí sát vào gáy mình, viên tướng 3 sao xoay ra "cãi nhau" tay đôi với tổng chỉ huy.

Cogny đã rối rít xin Navarre tăng viện cho đồng bằng Bắc Bộ với lý do: vùng này phải phân tán lực lượng cho Điện Biên Phủ. Các yêu cầu tăng viện cho vùng châu thổ được tướng Cogny liên tục gửi đến Navarre suốt trong thời gian diễn ra chiến dịch. Nhưng kỳ thực, rất khó thỏa mãn hết những yêu cầu trên mà không làm suy yếu các chiến tuyến khác, nơi mà tình hình cũng rất căng thẳng.

Hai tướng Pháp Navarre (trái) và Cogny không ngớt đổ trách nhiệm cho nhau sau thất bại nặng nề.

Trước yêu cầu của Cogny, Navarre "phủ đầu" viên tướng này bằng những lời lẽ gay gắt trong một lá thư gửi ngày 29/3/1954: "Chúng ta đang ở trong cuộc chiến tranh tổng lực, trong đó bổn phận của tôi là phân bố lực lượng giữa các thuộc cấp tùy theo nhiệm vụ tôi giao cho họ. Trong sự phân bố ấy, rõ ràng anh được ưu đãi hơn hầu hết các tư lệnh vùng khác. Cứ liên tục yêu cầu tôi chi viện như vậy, có nghĩa là yêu cầu tôi cái mà anh biết là tôi không thể cấp cho anh được. Trong trường hợp như vậy, một chỉ huy giỏi thực sự là người tìm mọi cách hoàn thành nhiệm vụ với lực lượng được giao. Tôi cho rằng lực lượng mà anh có đủ để thực hiện nhiệm vụ". 

Tướng Cogny dường như quên mất rằng, để đối phó với kế hoạch Navarre, quân đội Việt Nam thực hiện chiến cục Đông Xuân 1953-1954 với hàng loạt các chiến dịch để phân tán lực lượng Pháp. Do đó, tướng Navarre phải rải quân khắp Đông Dương. Cái khó đó của ông ta không được thuộc cấp chia sẻ.

Navarre lưu ý Cogny là chính Cogny phải biết phân biệt đâu là cái chủ yếu, đâu là cái thứ yếu và tùy theo đó mà sử dụng phương tiện của mình. Không được thượng cấp hiểu tình thế, Cogny phản pháo lại ngay lập tức với lời lẽ cực kỳ cứng rắn, thái độ bất tuân thượng lệnh và sẵn sàng đào ngũ. Thậm chí, Cogny còn dám giáo huấn cả Navarre. "Trong thư ngày 29/3/1954, ông tỏ ra ngạc nhiên về yêu cầu của tôi xin chi viện và nhắc tôi là người chỉ huy có bổn phận phải hoàn thành nhiệm vụ. Tôi tự thấy là mình đã làm đúng bổn phận. Lời phê bình của ông đối với hoạt động của bản thân tôi và ban tham mưu của tôi là không có căn cứ.

Ngay sau khi tình hình cho phép, tôi sẽ tập hợp tư liệu, trình cho ông ý kiến phản bác hoàn toàn những lập luận của ông. Ngay lúc này, ông thiếu tin cậy tôi cho nên tôi không còn tự nguyện phục vụ dưới quyền ông nữa. Tuy nhiên, tôi không yêu cầu ông cho tôi ngưng ngay lập tức quyền chỉ huy bởi vì tôi không thể bày tỏ nguyện vọng rời vị trí chiến đấu ngay giữa trận đánh.

Tôi đã thi hành bổn phận "soi sáng cho cấp trên" khi bày tỏ với ông những yêu cầu mà tôi nghĩ rằng các vị tư lệnh vùng khác cũng đang mong muốn ông thực hiện. Chỉ duy nhất mình ông có quyền chọn lựa. Tôi không thể chỉ dựa vào sự đánh giá chủ quan của ông để nhận hoàn toàn trách nhiệm về tình hình mà chúng ta sẽ phải đối phó…".

René Cogny xin tăng viện khi chiến dịch Điện Biên Phủ mới diễn ra được 12 ngày. Trong bối cảnh này, những lời lẽ "xấc láo" như của Cogny chắc chắn sẽ bị "ăn đòn". Nhưng chủ tướng của ông ta đang mắc kẹt tứ phía và bởi kết quả ở Điện Biên Phủ mỗi lúc một bê bết. Cách chức Cogny ngay sẽ khiến binh lính hoang mang vì chưa ra quân đã trảm tướng, chưa tính tới chuyện tìm người thay thế và hiệu ứng chính trị khác.

"Cái khó bó cái khôn", Henri Navarre đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Cũng từ đây mối quan hệ giữa hai người gần như chấm dứt. Có lần Navarre từ Sài Gòn ra Hà Nội, Cogny chỉ cử sĩ quan tham mưu của mình ra đón. Nếu Navarre có làm việc tại Hà Nội, hai người chỉ trao đổi bằng văn bản hay qua các sĩ quan tùy viên.

Một bức biếm họa trên tờ L'Express tháng 5/1954 đã vẽ chân dung Navarre đầy mâu thuẫn với chính cấp dưới của ông, kèm theo dòng chữ: "Bên này, tướng Henri Navarre làm tổng chỉ huy, khắc khổ và lạnh lùng. Còn bên kia, tướng René Cogny, năng động và thật cao to".

Đầu tháng 1/1955, nhà báo Lucien Bodard, được cho là thân cận với tướng Cogny, đã đăng trên tờ France Soir (Nước Pháp buổi chiều) một loạt bài gán trách nhiệm thất bại ở Điện Biên Phủ cho tướng Navarre. Bài báo đã đăng nguyên văn tuyên bố của Tổng chỉ huy quân đội Pháp tại Đông Dương với các tướng lĩnh và sĩ quan đề nghị rút quân khỏi Điện Biên Phủ: "Tôi sẽ không rút, vì đó là chiến lược của tôi", kỳ thực là một cách mỉa mai quyết định sai lầm của Navarre.

Đứng trước nguy cơ thanh danh bị hoen ố do búa rìu dư luận, tướng Henri Navarre buộc phải bước ra khỏi vòng im lặng và trả lời phỏng vấn trên tuần báo Jours de France số ra ngày 20/1/1955, nhằm giải thích cho các quyết định của mình.

Đến lúc này, những tranh cãi giữa hai tướng Navarre và Cogny đã bị chính Tổng Chỉ huy quân đội Pháp tại Đông Dương phơi bày rộng rãi cho dư luận, trở thành những "giai thoại" về rạn nứt nội bộ trong quân đội Pháp tham chiến ở Việt Nam - mà nhiều người cho rằng, góp phần tạo nên "cái chết đau đớn" của Kế hoạch Navarre trước sự lớn mạnh không ngừng cả về thế và lực cũng như ý chí quật cường, khát vọng tìm lại độc lập cho nước nhà của Quân đội nhân dân Việt Nam…

Hồng Hạnh - Lê Nam - Trần Quân (tổng hợp)
.
.