Chuyện bây giờ mới kể của 3 cán bộ Công an đi B

Thứ Năm, 23/04/2015, 22:15
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nuớc, Lực lượng CAND đã có hàng vạn lượt cán bộ chiến sĩ tình nguyện lên đường chi viện cho các chiến trường. Trong số đó đã có hàng ngàn cán bộ chiến sĩ (CBCS) hy sinh hoặc để lại một phần xương máu tại chiến trường. Có những người may mắn trở về tuy còn lành lặn nhưng lại phải gánh chịu nỗi đau âm thầm lặng lẽ mà không dễ tỏ cùng ai. Đó là vĩnh viễn mất đi quyền làm cha thiêng liêng - một điều đương nhiên đối với những người bình thường khác.

Nói là vô tâm cũng đúng vì tôi biết ông đã hơn 30 năm nay khi ông còn đang công tác tại Viện Khoa học Công an, nhưng cũng chả bao giờ hỏi han chuyện gia đình con cái ông như thế nào? Cho đến tận bây giờ trong những lần đến chơi bóng bàn tại Câu lạc bộ sĩ quan hưu trí Bộ Công an, vô tình tôi mới hỏi thăm ông về gia đình vì cứ đinh ninh  rằng ở cái tuổi 82 rồi thì chắc là con cháu  đề huề ríu rít. Như chạm vào nỗi đau sâu thẳm, nét mặt ông thoáng buồn và tôi cũng cảm thấy mình như người có lỗi đã vô tình khơi lại vết thương lòng trong con người ông - Lê Thường nguyên cán bộ quản lý hộ khẩu của Công an Khu Hai Bà Trưng - Công an Hà Nội và sau khi đi B về ông công tác tại Viện Khoa học Công an cho tới lúc nghỉ hưu.

Ông sinh năm 1934 quê quán ở Đức Thọ - Hà Tĩnh, năm 1954  khi vừa tròn 20 tuổi, Lê Thường đi thanh niên xung phong làm đường ở Thanh Hóa. Được hơn 2 tháng ông cùng với một số người khác nhận được lệnh của cấp trên đi lên  Việt Bắc.

Hơn 2 tháng đi bộ thì tới Tuyên Quang, đoàn được gặp ông Vũ Kỳ khi ấy được Bác Hồ cử sang huấn luyện thanh niên xung phong, 15 người được giao sang Đoàn Văn công Trung ương để thực tập, sau đó được dự lớp bồi dưỡng văn nghệ của Bộ Văn hóa do ông Nguyễn Xuân Sanh quản lý và giảng viên là những nhạc sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng như Trọng Bằng, Hồng Đăng, Tân Huyền, Trần Bảng, Năm Ngũ, bà Cả Tam v.v...

Ông Lê Thường (phải) và ông Lương Mạnh Tâm.

Năm 1955, sau khi học xong lớp bồi dưỡng về văn nghệ, Lê Thường theo Đội 38 Văn công Thanh niên xung phong lên Lạng Sơn tham gia xây dựng phục hồi tuyến đường sắt bị hư hại nặng trong kháng chiến chống Pháp.

Sau ngày Hồ Chủ tịch và Chính phủ trở về thủ đô, ông cùng hàng nghìn thanh niên xung phong được đưa trở về Hà Nội, trong số đó một nửa được lựa chọn đi nước ngoài học tập, còn ông trong số còn lại được lệnh mang theo tư trang vào Trường C500 đóng ở Hà Đông và từ đấy cuộc đời ông gắn với nghiệp Công an.

Sau 9 tháng học tập, rèn luyện tại C500 ông được phân công về Công an Hà Nội làm công tác đăng ký hộ khẩu tại Công an Khu Hàng Cỏ.

Tháng 10/1967, ông được lựa chọn cùng với hàng trăm cán bộ Công an Hà Nội lên Bất Bạt - Sơn Tây tập trung để chuẩn bị đi B. Cùng với ông còn có 2 người bạn thân nữa là ông Lương Mạnh Tâm và ông Nguyễn Thái, cả ba đều là hộ tịch viên của  Công an Khu Hai Bà Trưng.

Trước khi lên đường, ông Lương Mạnh Tâm nhờ ông Thìn, bảo vệ dân phố Vân Hồ 3 làm 2 con dao găm chất liệu bằng đuya-ra mà ông xin được tại triển lãm xác máy bay Mỹ ở Vân Hồ, một con dao ông khắc hai chữ Tâm - Nết (tên người vợ) con còn lại ông tặng cho Lê Thường người bạn thân vừa là một kỷ vật, vừa là công cụ thiết yếu khi hành quân cũng như ở chiến trường.  Ông Thường cứ tiếc mãi vì không giữ được con dao của bạn tặng,  còn ông Tâm vẫn giữ được con dao bên mình trong những năm tháng chiến tranh ác liệt và hiện giờ  đang được lưu giữ tại Bảo tàng Công an nhân dân (CAND). 

Trước khi lên đường đi B cả ba ông Thường, Tâm, Thái đều đã  cưới vợ. Riêng ông Tâm, lúc ấy đã có một con trai vừa tròn 6 tháng, nên hôm tiễn  chồng đi B, ba cặp vợ chồng đèo nhau bằng xe đạp đến Sở Công an Hà Nội tập trung và họ chia tay nhau. Biết là chồng vào nơi lành ít dữ nhiều nhưng cả ba bà vợ đều để nước mắt chảy ngược vào tim.

Đến giờ lên đường các ông lên xe xuất phát từ thị trấn Phùng - Đan Phượng đi theo đường 15 đến phà Địa Lợi giáp ranh giữa Hương Khê và Can Lộc, Hà Tĩnh thì xuống đi bộ.  Khi đến một ngã ba thuộc địa phận Quảng Bình, ông Lê Thường chia tay hai người bạn, theo Đoàn N81 đi vào Thừa Thiên-Huế; còn 2 ông Tâm và Thái hành quân tiếp vào miền Nam. Lúc chia tay ông Thái còn trêu đùa và dặn "Nhớ giữ lấy “cái gáo  dừa” để hòa bình ta về lại Công an Hà Nội rồi bù khú với nhau nhé". Dặn dò bạn bè, đồng đội như vậy, nhưng sau đó ông Thái đã hy sinh tại chiến trường Kon Tum - Tây Nguyên. Mãi sau ngày giải phóng miền Nam, ông Tâm mới biết tin bạn đã hy sinh và cũng không biết là hài cốt của đồng đội có được trở về với quê mẹ hay không?

Ký họa "Bộ đội vượt sông" rút trong tập tranh “Khoảnh khắc chiến trường”.

Riêng ông Lương Mạnh Tâm công tác tại Ban An ninh Trung ương Cục (B2) thuộc quân số Z28 tức là Ban liên lạc giao liên đóng trên đất bạn Campuchia, làm nhiệm vụ đưa đón cán bộ từ ngoài Bắc tăng cường vào và nhận tài liệu hàng hóa phục vụ Ban An ninh Trung ương Cục. Một thời gian sau ông được điều về Ban Trật tự, xây dựng phong trào quần chúng của Trung ương Cục. Năm 1975 miền Nam giải phóng ông tham gia tiếp quản Sài Gòn. Tháng 12/1975 ông Tâm trở ra Bắc công tác tại Cục Cảnh sát I cho đến khi về hưu năm 1995 với quân hàm Đại tá.

Không nói nhiều về những lần chống càn hoặc kề cận cái chết mà ông Tâm say sưa và tự hào với tập tranh "Khoảnh khắc chiến trường" của ông mới được Nhà xuất bản CAND ấn hành  năm 2014 bao gồm hàng trăm bức tranh ký họa, chân dung phản ánh cuộc sống sinh hoạt, công tác và chiến đấu của  Ban An ninh Trung ương Cục - một tập tranh rất giá trị,  có ý nghĩa lịch sử và được giới mỹ thuật đánh giá cao.

Như ông nói nghề cầm cọ, bút vẽ đối với ông cũng như một cơ duyên vì ông là học  viên khóa đầu tiên của Trường Công an Trung ương từ những năm 1955-1956, nhưng khi về công tác tại Công an Khu Hai Bà Trưng,  do ham thích vẽ nên ông được người bạn là ông Lê Thường giới thiệu với họa sĩ Vũ Văn Thu ngụ tại 45 - Trần Nhân Tông thuộc địa bàn ông Thường quản lý. Mến chàng cảnh sát hộ tịch lại đam mê hội họa nên họa sĩ Thu đã tâm huyết chỉ bảo và truyền nghề cho ông.

Những năm tháng công tác tại Ban An ninh Trung ương Cục, những lúc rảnh rỗi ông Tâm lấy giấy bút ra ký họa chân dung những thủ trưởng của mình, rồi cảnh sinh hoạt, học tập, rồi những cá nhân điển hình và được cấp trên  khuyến khích, tạo điều kiện, dần dà thành một thói quen ông đã ghi lại bằng tranh gần như là nhật ký của Ban An ninh Trung ương Cục trong thời gian ông công tác.

Trở lại với ông Lê Thường, trên đường hành quân vào  chiến trường Thừa Thiên - Huế thì cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân nổ ra, khi ấy đoàn cán bộ chi viện đóng quân cách thành phố Huế chỉ 20km đường chim bay. Ông được giao nhiệm vụ làm công tác tuyên huấn, thỉnh thoảng còn  được ông Nguyễn Đình Bảy (tức Bảy Khiêm) Phó ban An ninh Thừa Thiên - Huế giao nhiệm vụ đi sang Khu ủy đưa tài liệu của Trung ương và Bộ Công an cho đồng chí Bí thư Khu ủy.

Có một kỷ niệm đáng nhớ đó là lần ông cùng một cán bộ nữa được giao nhiệm vụ tiếp quản tù, hàng binh là người dân tộc, họ không biết tiếng phổ thông, phải nhờ một cán bộ an ninh huyện Hướng Hóa làm phiên dịch. Dù là tù, hàng binh nhưng với hàng trăm con người lại ở trong rừng không lường trước được sự an nguy, ông rất lo lắng cho nên đã vận dụng những kiến thức tuyên huấn  để tuyên truyền vận động, làm tư tưởng đối với những tù, hàng binh người dân tộc, hãy yên tâm và tin tưởng  vào chính sách khoan hồng sự độ lượng bao dung của  cách mạng.

Trong những năm chiến tranh ác liệt, việc thư từ cho gia đình ngoài Bắc rất khó khăn do phải giữ bí mật, rồi  do giao liên đứt quãng  cho nên ông chỉ nhận được 1-2 lá thư của vợ gửi rồi sau đó bặt tăm.

Cũng chính vì không có tin tức gì của ông cho nên ở nhà người vợ nghĩ rằng ông đã hy sinh. Bà đã viết một lá đơn xin ly hôn đơn phương và viết thư xin phép bố mẹ chồng để đi bước nữa vì phụ nữ có thì mà chiến tranh biết khi nào kết thúc.

Tháng 12/1972, do bị sốt rét ác tính nên ông được cấp trên  cho ra Bắc vào đúng những ngày B52 ném bom hủy diệt Hà Nội, ông được đưa lên chùa Thầy nơi có bệnh viện E sơ tán để điều trị bệnh sốt rét ác tính khi ấy  thể trạng ông rất kém, chưa nổi 40 kg.

Thật là trớ trêu khi ông từ chiến trường trở về thì mới hay vợ ông đã lấy chồng khác, lúc nằm viện E, vợ ông vẫn đến thăm nhưng giấu không cho ông biết mình đã đi bước nữa. Tuy nhiên, bà không thể giấu ông vì lúc ấy bà đang mang bầu. Tôi hỏi ông cảm giác khi ấy thế nào? Ông bảo rằng, không đau, không buồn là dối lòng mình, nhưng việc đã như vậy rồi nên ông cũng cố kìm lòng mình, bình tâm lại, không trách cứ gì bà, sự trớ trêu, nỗi bất hạnh ấy xét cho cùng cũng do chiến tranh gây nên.

Đầu năm 1973, sức khỏe ông phục hồi chậm, ông Thường được Nhà nước cho sang Trung Quốc chữa bệnh và an dưỡng tại Bệnh viện Hậu phương của Việt Nam đóng tại Quế Lâm.

Sau mấy tháng ở Trung Quốc ông về nước và an dưỡng tại Hưng Yên. Tháng 4/1975, ông về công tác tại Viện Khoa học Công an. Cũng rất hiếm hoàn cảnh nào như ông khi vợ đã đi lấy chồng khác và có con thì ông với vợ mới ra  ly hôn.

Năm 1989, ông Lê Thường về hưu với mức lương hưu Thượng tá.

Sau khi nghỉ hưu ông nghĩ đến lúc về già cũng cần có bờ vai phụ nữ để nương tựa mỗi khi trái gió trở trời, năm 1990 ông tục huyền, người vợ thứ hai kém ông hơn chục tuổi. Bà đã hai lần mang bầu, thai nhi đều phát triển không bình thường. Các bác sĩ bảo rằng, cứ để sinh nở thì sau này ông bà sẽ vất vả cả đời  và cũng khổ cho cả đứa con vì chúng không bình thường như những đứa trẻ khác. Niềm vui hy vọng khi sắp được làm cha mới chợt lóe lên lại tắt ngấm mà tuổi già thì đang ầm ập đến sau lưng.

Năm 1997 , vợ chồng ông nhận một bé gái về làm con nuôi cho vui cửa vui nhà và hy vọng lấy chỗ dựa khi mãn chiều xế bóng. Khi còn nhỏ thì cháu rất ngoan ngoãn, nhưng từ lúc 10 tuổi trở đi khi biết mình không phải là con đẻ của ba mẹ, tính tình cháu thay đổi, làm nhiều việc khiến ông bà  phiền lòng.

Giờ thì đứa con gái nuôi đã 18 tuổi rồi, ông khoe với tôi rằng nó khá thông minh nhanh nhẹn, tiếng Anh rất giỏi, hiện đang là nhân viên của một khách sạn  ở Hà Nội, hàng tháng cũng biết  mang tiền đi làm về cho bố mẹ, thế cũng tốt rồi. Nhưng ánh mắt ông đượm buồn nhìn xa xăm khi nghĩ về cô con gái nuôi chỉ hy vọng rằng "trăng đến rằm trăng tròn" để nó không phụ công nuôi nấng dạy dỗ của ông bà.

Cách đây vài năm khi thấy sức khỏe giảm sút đột ngột, hai mắt mờ dần  hai hàm răng thì rụng gần hết ông mới đi giám định y khoa, lúc ấy các giáo sư bác sĩ mới kết luận là ông bị nhiễm chất độc da cam trong thời gian ông ở chiến trường. Hiện ông được hưởng trợ cấp hàng tháng hơn 1 triệu đồng cùng với lương hưu giúp ông phần nào bớt đi khó khăn trong cuộc sống đời thường. Ông nói với tôi giờ già rồi, ăn không được mấy nhưng ngày nào cũng phải uống  mấy thứ thuốc vào người, uống thuốc thay cơm vì quá nhiều bệnh.  

Hàng ngày ông vẫn đạp xe, hôm thì đi xe đạp điện đến Câu lạc bộ Hưu trí Bộ Công an tại 70 Trần Quốc Toản vừa lấy báo về đọc vừa đánh vài quả bóng bàn để luyện sức khỏe.

Ngày nghỉ cuối tuần, tôi hẹn ông Thường cùng đến nhà ông Lương Mạnh Tâm ở Vân Hồ 1 để chụp ảnh kỷ niệm. Hai ông bạn già gặp nhau là rổn rảng chuyện trò không dứt, kể cả chẳng kiêng kỵ gì khi nói đến chuyện nay mai ông nào sẽ đi trước, ông nào đi sau. Ông Tâm kém ông Thường 3 tuổi, sức khỏe có phần khá hơn.  Trước lúc ra về tôi hỏi hai ông một câu rằng giả sử thời gian quay ngược lại thì các ông có lựa chọn nghề công an nữa hay không. Hai ông cười sảng khoái nói rằng vẫn chọn chứ, riêng ông Tâm thì dứt khoát: "Nếu như Tổ quốc lâm nguy thì chúng tớ lại sẵn sàng lên đường".

Đoàn Xuân Tuyến
.
.