CAND trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước:

Chuyện kể của người lính cảnh vệ

Thứ Tư, 06/01/2010, 20:15
Như đã hẹn, chúng tôi đến thăm ông Phạm Bạn - nguyên cán bộ Cảnh vệ, tại văn phòng một công ty dịch vụ trên đường Hồng Hà (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Là người sống tình cảm, kín đáo, nhưng với chúng tôi những người đã từng có thời gian công tác với ông trước đây, ông vui vẻ kể lại những bước gian truân nhưng đầy kiêu hãnh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Đó là quãng thời gian ông vinh dự được bảo vệ đồng chí Phạm Văn Xô (mọi người thường gọi bằng cái tên thân mật là Hai Già) - Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục, Trưởng ban Kinh tài miền Nam.

Sau khi tốt nghiệp Trường Công an Trung ương tại Hải Phòng, tháng 9/1966, Phạm Bạn, người thanh niên đất Cảng được phân công về công tác tại Đội Bảo vệ mít tinh, hội nghị và khách quốc tế (Cục Cảnh vệ - Bộ Công an). Thời gian đầu về đơn vị, ông được đồng chí Đội trưởng Đào Trọng Vận (sau này là Phó Cục trưởng Cục Cảnh vệ - Bộ Công an) giao nhiệm vụ bảo vệ các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào hoạt động bí mật tại Việt Nam.

Cuối năm 1968, do hoàn thành tốt nhiệm vụ, Phạm Bạn được các đồng chí lãnh đạo đơn vị tin cậy và giao nhiệm vụ bảo vệ tiếp cận đồng chí Phạm Thái Bường - Ủy viên Trung ương Cục, Trưởng ban An ninh miền Nam ra Bắc dưỡng bệnh. Sau khi đồng chí Phạm Thái Bường trở lại chiến trường miền Nam, tháng 5/1969, ông được giao nhiệm vụ bảo vệ tiếp cận đồng chí Phạm Văn Xô.

Cũng như bảo vệ các đồng chí lãnh đạo cấp cao khác, ông rất lo lắng làm thế nào bảo vệ thủ trưởng được an toàn tuyệt đối, không để xảy ra sơ suất trong bất kỳ tình huống nào. Nhưng ông cũng rất vinh dự. Vinh dự vì được sống và làm việc với một đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, một đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Trung ương Cục miền Nam, một người đã được già Thầu Chín (tức Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc) khai sáng bằng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin thời gian ở Thái Lan, một người đã từng là đại biểu đi dự Đại hội lần thứ I Đảng Cộng sản Đông Dương tại Ma Cao (Trung Quốc). Giờ đây, con người ấy đang lăn lộn với chiến trường miền Nam gian lao mà anh dũng. Nhưng vì tuổi cao, sức yếu, đồng chí được Đảng, Nhà nước đưa ra miền Bắc chữa bệnh.

Đầu năm 1970, đồng chí Hai Già trở lại chiến trường miền Nam. Trước khi lên đường, theo kế hoạch phải tập luyện leo núi một thời gian ở địa hình gần giống với núi rừng Trường Sơn. Sau đó, Cục Bảo vệ sức khỏe Trung ương kiểm tra, nếu đủ điều kiện thì mới được trở lại chiến trường.

Thực hiện kế hoạch này, một đoàn cán bộ gồm có đồng chí Hai Già và vợ; bác sĩ Hùng, thư ký Lê Linh Giang; hai đồng chí cảnh vệ Dương Xuân Hà và Phạm Bạn bí mật lên Tam Đảo tập vượt đèo, leo dốc. Trước khi vào luyện tập, đồng chí Hai Già yêu cầu mọi người tập luyện không kể ngày đêm, nắng mưa, gió rét... bởi theo đồng chí, địa hình ở đây so với ở Trường Sơn chưa thấm tháp gì.

Mấy ngày đầu tập hành quân leo núi, theo yêu cầu mọi người chỉ đeo một  balô con cóc đựng một số quân trang thường dùng hàng ngày. Sang tuần thứ hai, yêu cầu tăng trọng lượng phải cho thêm đá vào balô để trọng lượng tăng dần. Sau gần một tháng, hầu hết vực sâu, đỉnh cao của dãy Tam Đảo đều bị đoàn chinh phục. Công tác giữ bí mật cũng rất được chú trọng, cho nên mọi người ở khu nghỉ mát cứ ngỡ đây là đoàn khảo sát địa chất.

Đoàn xe của Bộ Công an chuẩn bị xuất phát tăng cường cán bộ và vũ khí, trang bị cho An ninh miền Nam (năm 1971).

Sau gần một tháng luyện tập, Hội đồng Y khoa Trung ương kiểm tra sức khỏe của đồng chí Hai Già. Khi nghe thông báo kết quả giám định đồng chí mừng lắm. Tiền nong dành dụm được đồng chí đưa tất cho mấy anh em bảo vệ và phục vụ, bảo tìm mua một con bê, rồi tự tay đồng chí làm món bê thui để chiêu đãi mọi người.

Buổi liên hoan đơn giản, gọn nhẹ nhưng hương vị món ăn do chính tay đồng chí Hai Già làm mãi mãi để lại kỷ niệm sâu sắc trong lòng mỗi người có mặt hôm đó. Tổ chức liên hoan xong, đoàn cán bộ tạm biệt khu nhà nghỉ lên đường vào chiến trường, hẹn ngày gặp lại.

Đường Trường Sơn ngày có hai tuyến đường song song. Một tuyến chỉ dành cho hành quân bộ. Một tuyến dành cho ôtô các loại ra chiến trường. Tuyến ôtô đi địch dễ phát hiện hơn, nguy hiểm hơn vì máy bay OV10 của địch hay quần thảo, mũi nó thính như "mũi chó săn". Nó đã "ngửi" thấy thì chỉ trong chốc lát là hàng tốp máy bay C130, F105 và cả B52 bay đến như ruồi và ném rốckét, bom các loại...

Đồng chí Hai Già nắm được quy luật này nên chọn tuyến đường dành cho hành quân bộ. Thấy có người phân vân, đồng chí biết được tâm tư của họ nên giải thích: “Đi xe nhanh, nguy hiểm nhiều. Đi bộ chậm nhưng chắc, ít nguy hiểm. Nhanh, chậm không quan trọng, miễn là chúng ta đến đích an toàn. Chúng ta không sợ chết, nhưng lúc này chưa cần phải chết. Vì chúng ta có trách nhiệm bảo vệ an toàn những tài liệu quan trọng mà Trung ương giao chuyển vào chiến trường. Phải bảo toàn lực lượng vì chiến trường đang rất cần chúng ta”.

Giải thích rồi, đồng chí Hai Già lệnh cuộc hành quân bắt đầu vượt Trường Sơn. Đồng chí đề nghị cả đoàn, mỗi ngày đi một trạm. Hết binh trạm lại nghỉ một ngày. Thế là cuộc hành quân ròng rã gần 5 tháng trời cả đoàn mới tới đích an toàn, trẻ cũng như già và tài liệu của Trung ương được chuyển vào đảm bảo nguyên vẹn.--PageBreak--

Hỏi về kỷ niệm bảo vệ đồng chí Hai Già ở căn cứ Trung ương Cục, ông Phạm Bạn như sống lại những ngày chiến tranh ác liệt, xúc động kể lại: “Là người chiến sĩ an ninh được phân công bảo vệ thủ trưởng trên trận tuyến khói lửa, cái sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc thì tôi có rất nhiều kỷ niệm. Nhưng đối với tôi, kỷ niệm sâu sắc nhất là lần bảo vệ đồng chí Hai Già bị giặc Mỹ bao vây và chúng tôi đã dũng cảm, kiên cường chiến đấu thoát ra khỏi vòng vây của kẻ thù”.

Đó là mùa khô năm 1971, giặc Mỹ mở hai trận càn "Chen La" vào vùng giải phóng. Khi ấy tôi và đồng chí Dương Xuân Hà cùng một số chiến sĩ an ninh bảo vệ đang ở cứ Kinh Tài. Một hôm, sau nhiều lần máy bay trinh sát OV10 quần đảo trên bầu trời vùng cứ. Không hiểu chúng phát hiện thấy gì của ta nên cho hàng chục chiếc trực thăng chở quân Mỹ - ngụy đổ bộ ngoài trảng, định đánh úp vào cứ. Lúc đó khoảng 3h chiều.

Theo kế hoạch phương án tác chiến, lực lượng an ninh bảo vệ cứ đã chủ động triển khai các ổ hỏa lực mạnh như đại liên, B40... sẵn sàng ngăn chặn địch. Bọn địch từ trực thăng đổ xuống ồ ạt tiến về phía cứ. Có tốp địch tràn vào chỉ cách ổ phục kích của lực lượng an ninh chừng vài chục mét. Nhưng nhờ có công tác ngụy  trang công sự của chúng ta khéo léo và cây rừng che khuất nên bọn chúng không phát hiện ra. Bọn địch vì chưa phát hiện được dấu vết gì khả nghi nên chúng tạm chững lại. Một cuộc hội ý chớp nhoáng giữa chỉ huy các mũi phòng ngự diễn ra chưa đầy 5 phút. Sau đó ai được giao việc gì, ở đâu... lại về ngay vị trí đã được phân công.

Cuộc găm quân chờ địch rất căng thẳng được tính bằng giây. Nhưng phải chấp hành nguyên tắc: Chưa có lệnh, thì dù đã ở sát nách địch cũng chưa được phép nổ súng. Địch thì đông, mà lực lượng của ta thì mỏng, nên phải tuyệt đối bí mật. Có giữ được bí mật thì mới gây được bất ngờ khi địch chủ quan dẫn xác vào trận địa đã bày sẵn của ta. Còn trường hợp nếu địch không phát hiện ra lực lượng của ta, chúng sẽ tưởng phía trước là rừng hoang, là nơi không người. Mà những nơi như vậy đều là "thần chết" đe dọa chúng. Chúng sợ và rút quân thì cứ của chúng ta vẫn chưa bị lộ.

Trong thế trận kiên trì mai phục, chờ địch hôm ấy, tinh thần các chiến sĩ an ninh thật căng thẳng. Căng thẳng bởi sự rụt rè nhút nhát, sợ chết của kẻ địch mà quân ta thì đạn đã lên nòng. Những loạt AR15 của chúng thi thoảng vang lên vu vơ như thăm dò, như trấn an những tên lính đánh thuê đang sợ bóng tối ập xuống.

Hôm đó, đồng chí Hai Già trực tiếp chỉ huy trận đánh. Nhìn đồng chí gọn gàng trong bộ quần áo bà ba đen, đầu chít khăn rằn, tay lăm lăm khẩu ru lô, ngón tay trỏ không rời cò súng. Đồng chí nhanh nhẹn len lỏi như con sóc, thoắt ở chốt này, thoắt ở chốt khác. Đồng chí bò, trườn, có lúc lại lom khom chạy dưới chiến hào nhắc nhở động viên chúng tôi.

Hôm đó, tôi vừa có nhiệm vụ bảo vệ đồng chí Hai Già, vừa cõng trên lưng một balô đựng đầy tài liệu tuyệt mật. Đây là tài liệu liên quan đến tài sản quốc gia, đến bí mật của Trung ương Cục. Tôi quyết không để nó rơi vào tay địch, đồng thời phải đảm bảo an toàn tính mạng của đồng chí Hai Già trước bom đạn của kẻ thù. Đồng chí Hai Già truyền lệnh cho cả trận địa: Địch bắn kệ nó, địch chưa giáp mặt ta, thì ta phải kiên trì chờ đợi, giành thế bất ngờ.

Nhìn chiếc balô nặng trĩu mà tôi đeo trên lưng, đồng chí ra lệnh:

- Chú kiểm tra lại toàn bộ tài liệu trong balô, xem cái gì có thể hủy bớt đi để di chuyển được cơ động. Còn những tài liệu tuyệt đối bí mật khác của Trung ương, chú phân ra từng loại, gói riêng. Nhưng trong mọi trường hợp, kể cả khi không thể thoát khỏi vòng vây của địch, chú phải tìm cách hủy, tuyệt đối không để tài liệu rơi vào tay địch. Và điều quan trọng hơn cả là dù trong bất kỳ tình huống nào, chú cũng không được để địch bắt sống tôi.

Kể đến đây, ông Phạm Bạn không nén được xúc động, giọng trùng xuống, ông kể tiếp.

Vợ chồng đồng chí Hai già (Phạm Văn Xô) với hai cán bộ Cảnh vệ, đồng chí Phạm Bạn (mặc quân phục) và đồng chí Dương Xuân Hà (ngoài cùng bên trái) - năm 1995 tại Hà Nội.

 Cuộc đời làm công tác cận vệ, bảo vệ một đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng giữa chiến trường ác liệt, khi đã xây dựng cho mình một niềm tin thì bất chấp tất cả. Câu nói: "Dù trong bất kỳ tình huống nào, chú cũng không được để địch bắt sống tôi" cứ văng vẳng bên tôi. Nó như một mệnh lệnh của Đảng; lại như lời của người cha dặn dò đứa con do chính đồng chí sinh ra, nuôi dưỡng trưởng thành và tuyệt đối tin tưởng.

Hôm ấy, cứ của chúng tôi bị bao vây, ở trong tổ phòng ngự ai mà không lo. Thế nhưng tất cả chúng tôi sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh. Là chiến sĩ cận vệ, tôi cũng đã xác định quyết tâm không để kẻ địch đụng đến thủ trưởng. Chuyện địch dùng trực thăng đổ quân vây cứ, chúng tôi đã gặp, đã quen và đã có đầy kinh nghiệm để đối phó. Địch dù có đông quân, vũ khí, súng đạn nhiều nhưng chưa hề thắng chúng tôi lần nào trong những lần úp quân đánh vào căn cứ như thế. Khu căn cứ miền Đông Nam Bộ vào buổi chiều mùa khô trời chóng tối lắm, màn đêm buông xuống rất nhanh. Quân địch sợ bóng tối ở rừng rậm nên chúng nhanh chóng rút quân; vì rút kinh nghiệm những lần do mạo hiểm, kẻ địch đã bất chấp bóng tối liều mạng đưa quân vào cứ. Mỗi lần như vậy, chúng đã bị lực lượng An ninh miền không những thiêu sống vài trăm tên mà còn phá hủy hàng loạt máy bay trực thăng. Đó là bài học xương máu của địch trong những cuộc đổ quân xuống cứ.

Tiếng AR15 của bọn Mỹ ngụy thưa dần và cuối cùng im bặt theo bóng tối. Biết chắc địch đã rút quân, đồng chí Hai Già lệnh cho chúng tôi chia thành từng tốp nhỏ, cắt rừng, bí mật hành quân về cứ dự phòng theo kế hoạch đã vạch sẵn, thoát khỏi vòng vây mà kẻ địch đang chờ trời sáng để tiếp tục tìm diệt.

Một đêm trắng, vừa nắm tình hình địch vừa hành quân về cứ dự phòng, mà các chiến sĩ an ninh bảo vệ cứ không ai thấy mệt mỏi. Những tình huống như trên và những đêm hành quân suốt sáng đối với chúng tôi như đã quen, chỉ mệt đôi chút rồi đâu lại vào đấy. Nhưng tôi chỉ thương và lo cho đồng chí Hai Già. Một đêm thức trắng bên đồng chí tôi rất lo. Lo vì sợ sức khỏe của cái tuổi ngoài 60 như đồng chí không chịu đựng nổi. Nhưng thật mừng là sau một đêm thức trắng hành quân gần 30 cây số nhưng khi đến nơi cứ mới, đồng chí lại tỉnh táo, nhanh nhẹn, lại ngồi vào bàn đọc tài liệu như không có chuyện gì xảy ra.

Những ngày được bảo vệ đồng chí Hai Già ở chiến trường miền Nam, tôi tự thấy mình trưởng thành nhiều về ý thức trách nhiệm, về cách xử thế trong từng trường hợp mà tưởng như cái chết đã cận kề. Đến khi tiếp quản Sài Gòn, tôi mới thực sự yên tâm về trọng trách của mình, bảo vệ an toàn tuyệt đối đồng chí Phạm Văn Xô (tức Hai Già) theo nhiệm vụ được phân công

Nguyễn Đức Quý
.
.